• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 76

Bến Tre: Đơn vị thu gom rác “chết đứng” vì chính sách mới!

(Phapluatmoitruong.vn) – Các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt ở các xã thuộc huyện Châu Thành (Bến Tre) đang đứng ngồi không yên trước việc thay đổi chính sách đột ngột từ công ty tiếp nhận. Thậm chí, một số đơn vị bắt đầu nghĩ đến việc phá sản!

Việc thu gom rác thải sinh hoạt là công việc khá đặc thù và rất “chua chát”, nhưng cũng tạo được công ăn việc làm cho một số người nên chúng tôi cũng cố gắng làm để có khoản chi phí trả lương cho nhân công, nhất là những người đã gắn bó với mình nhiều năm, ông N.K.T, một đầu mối thu gom rác ở xã P.A.H tâm sự. “Trong quá trình hoạt động, có những tháng chúng tôi phải bù l để trả các chi phí này vì đã cam kết trách nhiệm với UBND xã phải làm tròn”.

Theo ông T, vào thời điểm cuối tháng 10/2023, ông được mời đến UBND xã để họp triển khai chính sách mới. Theo đó, việc hợp đồng thu gom rác với địa phương sẽ được thay thế bằng hợp tác trực tiếp với công ty vận chuyển, cụ thể là Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre. Các đồng nghiệp thu gom ở các xã lân cận cũng như thế, đều sẽ là cộng tác viên của Công ty CP Công trình Đô thị. Để tiếp tục công việc thu gom rác tại địa phương, Công ty đưa ra khung giá mới, khác biệt hoàn toàn với khung giá và cách làm cũ. “Chính sách mới này sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong công việc thu gom như: Các khoản chi phí xăng xe, chi phí nhân công… và nhiều khoản chi phí không tên khác mà hàng tháng chúng tôi phải chi trả. Nếu tính tổng chi phí thì sẽ cao hơn nhiều so với mức chi trả lại từ phía CP Công ty Công trình Đô thị Bến Tre. Như vậy, chẳng khác nào càng làm càng lỗ!”, ông T bức xúc.

“Đó là chưa kể, ngoài việc càng làm càng lỗ thì chúng tôi với tư cách là cộng tác viên thu gom rác không có một chút quyền quyết định nào đối với công việc, và dĩ nhiên không thể có một đảm bảo nào cho hàng chục nhân công dưới tay mình”, ông T nói thêm.

Chủ một đơn vị thu gom rác khác là ông M, thuộc xã TT trên địa bàn huyện Châu Thành có thâm niên làm công việc thu gom rác cho địa phương, cho biết: “Căn cứ từ số liệu được giao, hàng tháng tôi thu 45 triệu đồng từ các hộ dân. Tuy nhiên, theo tính toán mới từ Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre thì sắp tới tôi phải nộp lại cho công ty là 61 triệu/tháng. Sự chênh lệch này nhiều khả năng do số liệu thống kê số hộ trong địa bàn có sai sót, nhưng số tiền chênh lệch lớn quá kéo dài thì chúng tôi không thể chịu đựng nổi, ông M nói.

Nghề thu gom rác mưa nắng dãi dầu.

Ông M cũng cho biết: “Sau khi dự họp do Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre và UBND xã thì chúng tôi “biến” thành cộng tác viên của Công ty CP Công trình đô thị Bến Tre không còn là đơn vị trực thuộc xã nữa. Việc này không ai đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi! Tất cả phải phụ thuộc vào Công ty CP Công trình Đô thị  Bến Tre! Vì vậy, tôi kiến nghị nếu UBND các xã cần hỗ trợ thêm một khoản nào đó cho đơn vị thu gom rác thì mới bù l vào các chi phí nhân công, xăng xe… còn thu tiền cao hơn của người dân thì chúng tôi không dám làm!.

Theo tìm hiểu của PV, đã nhiều năm nay, Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre là đơn vị tổng thầu thu gom rác trên địa bàn huyện Châu Thành. Sau khi trúng thầu, Công ty sẽ ký hợp đồng thu gom rác với các xã, sau đó các địa phương sẽ hợp đồng thuê lại các đơn vị thu gom rác nhỏ lẻ để làm. Việc này, ngoài ý nghĩa tạo điều kiện cho lao động địa phương có công ăn việc làm, còn góp phần nâng cao ý thức môi trường cho người dân để cùng đồng hành để bảo vệ một môi trường xanh sạch đẹp.

Trả lời PV về tình trạng “chết đứng” của các đơn vị thu gom rác, ông Võ Văn Ngoan – Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bến Tre) cho biết, việc quản lý và thu gom rác từ lâu đã giao về cho các huyện, bởi chỉ có địa phương mới có kế hoạch phù hợp với ngân sách của huyện mình. Sở chỉ quản lý chung và cũng chưa được báo cáo việc này.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

H. Sơn – P. Lâm

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nghề thu gom rác mưa nắng dãi dầu.

 

 

 

Bạc Liêu: Nước sạch nông thôn… cúp mở bất thường!

(Phapluatmoitruong.vn) – Gần ba tháng nay, nhiều hộ dân tại ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì thường xuyên bị cúp nước không rõ lý do.

Thích cúp là cúp!

Chị Trần Thị Chi, hiện đang cư ngụ tại một xóm nhà trọ trên đường 978 (ấp Tân Long, xã Long Thạnh) cho biết, do nhà trọ không có bồn nước dự trữ nên gặp rất nhiều khó khăn khi bị cúp nước. Chị bức xúc: “Gia đình có con nhỏ và cũng không nghe ngóng được thông tin gì về tình trạng cúp nước, nên khi nào cúp bất chợt đều phải bỏ tiền ra mua 2 bình nước để sử dụng. Chúng tôi gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nhất là việc nấu nướng và tắm rửa cho con bé mới vài tháng tuổi…”.

Cùng chung hoàn cảnh, một hộ dân sống bên cạnh bức xúc: “Nếu cúp nước thì cần phải thông báo cho mọi người biết để chủ động, nhiều khi đi làm về 11h, muốn nấu bữa cơm, tranh thủ tắm giặt để còn chuẩn bị cho buổi chiều đi làm. Vậy mà không có một giọt nước! Tìm hỏi chủ nhà trọ xem nguyên nhân thì chủ nhà trọ gọi cho quản lý trạm thì mới biết là trạm đang bảo trì đường ống. Cứ vài ngày lại xảy ra như vậy, không lẽ cứ bảo trì hoài!”.

Bà Bé, chủ dãy nhà trọ trên, cho biết: “Mấy năm nay không có tình trạng như vậy, nhưng hai ba tháng gần đây nước hay bị cúp bất thường. Nếu cúp thì cũng phải cho dân hay để còn có phương án, chứ như vầy sinh hoạt gia đình và toàn dãy trọ gặp nhiều khó khăn”.

Theo ghi nhận của PV, tình trạng trên đã kéo dài hai ba tháng nay. Các hộ dân đều cho rằng, nếu bảo trì hay sửa chữa đường ống thì không thể kéo dài như vậy. Người dân là khách hàng, họ cũng cần được cung cấp dịch vụ tốt để xứng đáng với đồng tiền họ trả cho từng m3 nước. Được biết, nguồn nước người dân nơi đây sử dụng do Trạm nước sạch nông thôn ấp Tân Long cung cấp. Đây là một trạm nước có công suất lớn, phục vụ số hộ dân không chỉ ấp Tân Long.

Gia đình chị Trần Thị Chi (ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) phải mua nước bình sử dụng vì nước bị cúp bất thường trong thời gian gần đây.

Do điện lực?

Ghi nhận những bức xúc của người dân, PV có trao đổi với ông Trương Quốc Quang, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS & VSMTNT) Bạc Liêu. Ông Quang cho rằng: “Do điện lực bảo trì trên các xã và phía trạm nước sử dụng bình trên lưới nên cúp điện và nước phải cúp theo. Phía bên đơn vị đã liên hệ điện lực nên thông báo trước 5 ngày để hộ dân trữ nước”.

Như vậy, người tiêu dùng phải trả tiền để cung cấp dịch vụ lại phải chịu cảnh “ban phát”, nước được cung cấp một cách tùy tiện, không có thời gian cụ thể, hay một lời thông báo? Trách nhiệm cung cấp nước bây giờ lại phụ thuộc vào bên điện lực. Thực tế ghi nhận, rất nhiều buổi cúp nước mà không hề cúp điện. Vậy nguyên nhân trực tiếp là do đâu?

Thiết nghĩ, Trung tâm NS & VSMTNT Bạc Liêu cần có phương án phù hợp để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng của mình. Khi hỏi về phương án tới cho tình trạng cúp nước bất thường trên, ông Quang cho biết: “Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với điện lực để phục vụ tốt hơn!”.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Huy Diệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Trạm cấp nước nông thôn ấp Tân Long, nơi cung cấp nước cho nhiều hộ dân trên địa bàn ấp này.

Bình Dương: Nhiều dự án chậm cấp sổ khiến người dân bức xúc

(Phapluatmoitruong.vn) – Trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn nhiều dự án chậm cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân. Trong đó có dự án chậm hàng chục năm khiến nhiều người dân bất an và bức xúc…

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương mới thông tin liên quan đến các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 11 – HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023) về việc nhiều dự án trên địa bàn chậm cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khiến người dân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với dự án Khu dân cư Thương mại Dịch vụ Đông Bình Dương (Dự án Đông Bình Dương) do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương (Công ty Đông Bình Dương) làm chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Bình Dương cho biết: Do chậm triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3122 ngày 25/10/2019 cho phép Công ty Đông Bình Dương được gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng 24 tháng đối với phần diện tích 110,1 ha.

Để đủ điều kiện chuyển nhượng, Sở TN&MT tỉnh Bình Dương đã đề nghị Công ty Đông Bình Dương phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

Tuy nhiên, đến nay, dự án Đông Bình Dương vẫn chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng và Sở TN&MT cũng chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng của Công ty Đông Bình Dương.

Đối với dự án Khu nhà ở thương mại An Trung do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Trung (Công ty An Trung) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương với diện tích khoảng 19 ha tại phường Tân Bình, TP. Dĩ An. Dự án được TP. Dĩ An phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết.

Trước đó, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3824 giao đất (đợt 1) cho Công ty An Trung thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại An Trung với diện tích 39.077,4 m2. Tuy nhiên, Công ty An Trung không đồng thuận và có văn bản kiến nghị về việc phân vị trí tính thuế.

Đến ngày 30/9/2021, Sở TN&MT đã có văn bản số 3473 và văn bản số 1558 ngày 13/5/2022 kiến nghị UBND tỉnh giao UBND TP. Dĩ An để yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo cụ thể về tình hình triển khai các dự án. Trên cơ sở đó, TP. Dĩ An thống nhất với các Sở, ngành có liên quan và báo cáo đề xuất tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc nêu trên.

Lãnh đạo TP. Dĩ An cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND phường Tân Bình tiếp tục rà soát, xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, xây dựng tại dự án; Tổ chức đối thoại, thông tin về tiến độ thực hiện dự án và các quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án, việc cấp GCNQSDĐ cho người nhận chuyển nhượng để người dân hiểu rõ quy định pháp luật và đồng thuận liên quan đến nội dung nêu trên.

Với dự án Khu nhà ở công nhân Tân Bình do Công ty Cổ phần Trung Thành (Công ty Trung Thành) làm chủ đầu tư, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết: Qua rà soát, kiểm tra, Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rà soát hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chi tiết được duyệt để làm cơ sở để cấp GCNQSDĐ cho người nhận chuyển nhượng.

Đến nay, dự án Khu nhà ở công nhân Tân Bình vẫn chưa hoàn thành các chỉ đạo cùa Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng. Điều này dẫn đến nhiều người dân nhận chuyển nhượng, đang sinh sống trong dự án bức xúc và đã nhiều lần gửi kiến nghị sự việc đến các đại biểu HĐND tỉnh qua các kỳ tiếp xúc cử tri hoặc qua Ban Tiếp công dân, nhằm được xem xét cấp GCNQSDĐ ổn định cho người dân. Chính vì vậy, Sở TN&MT đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo để xử lý dứt điểm vụ việc.

Về dự án Khu nhà ở Đất Mới của Công ty Cổ phần Đất Mới (Công ty Đất Mới), ngày 22/04/2020, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản số 1944 chỉ đạo, giao Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ cho người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc 2 dự án của Công ty Đất Mới sau khi đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án theo quy định.

Ngày 07/11/2022, Sở TN&MT đã có văn bản số 4049 thông báo kết quả kiểm tra việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại dự án Khu nhà ở Đất Mới phường Tân Bình, TP. Dĩ An.

Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai – Sở TN&MT đã nhận được 236 hồ sơ (236 thửa đất) của Công ty Đất Mới chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân, trong đó: Đã cấp GCNQSDĐ cho 139/236 thửa; đang chuyển thông tin địa chính cho Cục Thuế là 97/236 thửa.

Sau khi có thông báo xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế, các hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân nhận chuyển nhượng từ các dự án nói trên của Công ty Đất Mới.

Liên quan đến 4 dự án trên, trong phiên chất vất và trả lời chấp vấn tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X ngày 21/7, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng cho biết: “UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập tổ giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án BĐS, tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra một số dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chỉ đạo Sở Xây dựng, các ngành, các cấp phối hợp làm việc trực tiếp với chủ đầu tư rà soát làm rõ các vấn đề tồn tại của từng dự án”.

Theo Chủ tịch tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, rà soát, xử lý các dự án bất động sản. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở, về kinh doanh bất động sản. Nắm bắt tình hình tại dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm nếu có.

Ngoài ra, tại Dự án chung cư Hoàng Long (ST2), Dự án chung cư An Bình do Doanh nghiệp Tư nhân Dịch vụ và Thương mại Hải Long làm chủ đầu tư; Khu G29, đường N8 (khu nhà ở xã hội 5 lầu) và Khu công nghiệp Bàu Bàng dọc Quốc lộ 13 do do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP làm chủ đầu tư cũng bị cử tri kiến nghị việc chậm cấp GCNQSDĐ cho người dân đúng theo quy định.

Phan Hải – Bình An

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Xâm thực biển diễn ra mạnh, người dân thấp thỏm lo mất nhà

Đi dọc bờ biển tại thôn Trung Phường (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên), chúng tôi nhận thấy sóng biển làm xói lở đất liền có nơi gần 5m, kéo dài hơn 1km.

Sóng biển đe dọa nhà dân

Căn nhà của ông Trương Công Trực (67 tuổi) nằm cách bờ biển khoảng 10m nên luôn sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo. Ông Trực cho biết, 10 năm trước, khu vực này có hơn 10 hộ dân sinh sống, bờ biển nằm cách xa nơi các hộ dân sinh sống hàng trăm mét. Tuy nhiên, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra mạnh, từng căn nhà của người dân bị biển “nuốt chửng”. Từ năm 2019, đoạn bờ biển bên nhà ông bắt đầu bị xói lở nặng. Riêng năm 2022, nước biển “ngoạm” sâu vào bờ thêm 50m. Đợt áp thấp tháng 9 vừa qua, nước biển “khoét” vào ngay vị trí trước nhà ông, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Cứ đà sạt lở như hiện nay, nhà cửa của hàng chục hộ dân nơi đây sẽ bị trôi ra biển. “Lo sợ sóng biển sẽ tàn phá sâu vào đất liền, nhiều người dân thôn Trung Phường góp tiền mua tre, cát đem về làm bờ kè tạm chắn sóng biển xâm thực đất liền. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài thì người dân mong muốn cơ quan cấp trên sớm đầu tư xây bờ kè cứng ở đoạn bờ biển này”, ông Trực tâm sự.

Bờ biển phường Cẩm An (TP Hội An) có hơn 500m bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt đoạn bờ kè chắn sóng của các hộ dân tại khối Thịnh Mỹ (P. Cẩm An) bị sóng biển xé toạc. Mùa mưa bão năm ngoái và ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đầu năm 2023, sóng biển đánh sập 4 căn nhà của 4 anh chị em. Có 3 hộ dân phải đi thuê nhà ở, còn 1 hộ dân sửa lại căn phòng khách chưa bị sập sống tạm. Gần đó, căn nhà của ông Lê Văn Biết chỉ còn cách bờ biển hơn 10m. Ông Biết lo lắng nếu địa phương không sớm kè cứng bờ biển thì vài năm nữa căn nhà sẽ bị sóng biển đánh sập.

Những căn nhà của người dân thôn Trung Phường bị biển nuốt chửng.

Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi) là 1 trong 4 hộ dân bị sập nhà tâm sự: “Nhà bị sập, gia đình tôi phải đi thuê nhà ở, cuộc sống rất khó khăn. Để giữ đất, gia đình đã vay mượn hơn 500 triệu đồng kè đá. Nhưng hiện tại sóng biển đã làm xói mòn bờ kè, gia đình lo lắng sau mùa mưa này bờ kè sẽ chìm xuống biển”. Mùa mưa năm 2022, sóng biển “ăn” 1.000m2 đất gia đình anh Trần Minh Hà tại khối Thịnh Mỹ. Anh vay mượn gần 500 triệu đồng để kè mềm bờ biển chống xói mòn. Tuy nhiên, trong đợt áp thấp cuối tháng 9 sóng biển đã làm hỏng nhiều đoạn kè, anh Hà lo lắng số tiền bỏ ra sẽ trôi theo sóng biển.

Gần 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở tại khu vực bờ biển Cửa Lở tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải, H. Núi Thành) diễn ra rất mạnh. Mỗi năm sóng biển làm xói lở 10-15m đất bờ biển. Vị trí sạt lở hiện tại chỉ còn cách nơi sinh sống gần 80 hộ dân thôn Bình Trung khoảng 70m. Với tốc độ xâm thực mạnh, các hộ dân lo lắng nếu không được kè cứng thì vài năm nữa cả làng sẽ bị xóa sổ.

Khẩn trương kè biển

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương, ông Trần Văn Siêm – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, hiện có 47 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng đến đất vườn và nhà cửa. Việc kè biển rất quan trọng với địa phương, vì không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Còn ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND H.Duy Xuyên thì cho hay, huyện đã nhiều lần đi kiểm tra tại đoạn bờ biển đang sạt lở và hiểu nỗi lo của người dân. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư bờ kè này quá lớn so với ngân sách của huyện nên kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam có hướng giải quyết.

Người dân thôn Trung Phường đóng cọc tre để hạn chế sóng biển xâm thực vào đất liền.

Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, UBND TP Hội An đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng và UBND phường Cẩm An tiếp tục tạm ứng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động người dân địa phương, lực lượng thanh niên dùng bao tải cát, rọ đá và cọc tre gia cố những đoạn xung yếu nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển do sóng biển, triều cường gây ra. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không có khả năng chống chọi được với triều cường và sóng biển. UBND TP Hội An đã kiến nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn tất thủ tục cần thiết sớm triển khai xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực bờ biển An Bàng dài 550m nhằm bảo vệ an toàn lâu dài cho bờ biển cũng như công trình dân sinh bên trong.

Theo thông tin từ Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đang triển khai vận hành dự án nạo vét luồng 5 vạn tấn khu vực cảng Chu Lai. Theo thiết kế, công ty này sẽ tiến hành nạo vét lòng sông từ cảng Chu Lai ra khu vực Cửa Lở để tàu thông ra biển. Phía bên Cửa Lở đang bị sạt lở, công ty sẽ xây dựng 1 tuyến bê-tông ngăn sóng, chống xói lở bờ liền. Khi dự án triển khai sẽ giải quyết được tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Lở.

Về giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đang tập trung kè những đoạn bờ biển xung yếu bị sạt lở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều khu vực bị sạt lở, tuy nhiên nguồn lực của tỉnh không đủ để thực hiện kè cứng hết được. Do đó, tỉnh Quảng Nam mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra mạnh tại địa phương.

Thành Nhân/CAĐN

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Ông Trực thấp thỏm lo lắng vì bờ biển sạt lở chỉ còn cách căn nhà khoảng 10m.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cadn.com.vn/xam-thuc-bien-dien-ra-manh-nguoi-dan-thap-thom-lo-mat-nha-post286018.html

Lâm Đồng hối thúc dự án nhà ở xã hội khởi công xong ‘bất động’

Sau hơn 4 tháng động thổ khởi công, dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng vẫn ‘án binh bất động’. UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải nhiều lần ra văn bản hối thúc.

Ngày 5/11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa tiếp tục ra văn bản chỉ yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Nhà An Bình (Công ty thành viên của Tập đoàn Capital) khẩn trương lập lộ trình, tiến độ đầu tư chi tiết, đồng thời cam kết thực hiện đúng tiến độ đề ra, đưa dự án vào hoạt động theo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty này tổ chức ngay việc thi công công trình trong tháng 11/2023.

Khu vực triển khai dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hôi.

Khu vực triển khai dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hội.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng được khởi công ngày 23/6, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 3/2025. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng khởi công, những gì doanh nghiệp làm được là dựng bờ rào tôn bao quanh khu đất triển khai dự án. Cơ quan quản lý e ngại dự án nhiều kỳ vọng này không thể đạt được mục đích, tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Trước sự “bất động” của Công ty Cổ phần đầu tư Nhà An Bình, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND huyện Đức Trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc công ty này thực hiện đầu tư theo đúng tiến độ cam kết. Trường hợp nhà đầu tư không đầu tư hoặc không thực hiện đúng nội dung cam kết, vi phạm đến mức chấm dứt thực hiện dự án thì tiến hành chấm dứt và thu hồi dự án.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội có tổng diện tích gần 18.000m2, gồm 4 khối chung cư cao 5 tầng, cung cấp 303 căn hộ nhà ở xã hội và 68 căn hộ thương mại. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.500 công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Phú Hội và người dân thu nhập thấp trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng là dự án mở đầu cho mục tiêu xây dựng 2.980 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Khắc Lịch – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Bên trong dự án Nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hội.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/ban-doc-cand/lam-dong-hoi-thuc-du-an-nha-o-xa-hoi-khoi-cong-xong-bat-dong-i712814/

Kiểm tra dự án khu đô thị đổ đất quây núi thành ‘hòn non bộ’ ở vịnh Hạ Long

Một dự án khu đô thị đang tiến hành việc san lấp, đổ đất đá xuống vùng nước vịnh Hạ Long. Điều dư luận đang quan tâm là nhiều ngọn núi bị quây lại như ‘hòn non bộ’.

Người dân tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết, thời gian qua có nhiều lượt xe tải chở đất đá nối đuôi nhau chạy trên đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, thực hiện việc san lấp thuộc dự án khu đô thị tại khu 10B.

Hiện dự án này đã đổ đất tạo thành con đường dài hơn 1km tính từ đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả ra phía biển. Điều đáng nói, nhiều núi đá bị quây vào như “hòn non bộ”, đất đá san lấp làm đục và đổi màu nước biển.

Nhiều đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ đất xuống vịnh Hạ Long thuộc dự án khu đô thị tại khu 10B... (Ảnh: Đ.X)

Nhiều đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ đất xuống vịnh Hạ Long thuộc dự án khu đô thị tại khu 10B… (Ảnh: Đ.X)

Hôm nay (5/11), lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết đã có văn bản gửi Sở TN&MT Quảng Ninh, Sở VH&TT Quảng Ninh và UBND TP Cẩm Phả để phối hợp kiểm tra dự án khu đô thị tại khu 10B tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Theo đó, qua công tác giám sát môi trường ven bờ vịnh Hạ Long (ngày 19/9) nhận thấy, dự án khu đô thị tại khu 10B do Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đang đổ đất trực tiếp, không có kè vây xuống khu vực biển thuộc vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vùng bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long.

Núi đá tại vịnh Hạ Long bị quây lại như “hòn non bộ” (Ảnh: Đ.X)

Việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp bảo vệ môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khu di sản thiên nhiên, di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long.

Việc này vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản theo Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Di sản Văn hóa, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long đề nghị Sở TN&MT Quảng Ninh, Sở VH&TT Quảng Ninh, UBND TP Cẩm Phả kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản. Đồng thời có giải pháp ngăn chặn các chất gây ô nhiễm môi trường, sinh thái vịnh Hạ Long.

Dự án này do Công ty TNHH Đỗ Gia Capital thực hiện. (Ảnh: Đ.X)

Đồng thời, Sở Xây dựng Quảng Ninh đề nghị Công ty TNHH Đỗ Gia Capital tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng đã được thẩm định, cấp phép. Có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo lưu thông nước khu vực bãi sú, vẹt 2 bên tuyến đường số 1. Giảm thiểu tác động tới tổng thể cảnh quan, môi trường của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đề nghị UBND TP Cẩm Phả thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý trật tự xây dựng đối với dự án khu đô thị 10B. Kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thi công xây dựng đảm bảo tuân thủ hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng đã được thẩm định, cấp phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Phạm Công – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Hình thành con đường dài hơn 1km tính từ đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả (Ảnh: Đ.X)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/kiem-tra-du-an-khu-do-thi-do-dat-quay-nui-thanh-hon-non-bo-o-vinh-ha-long-2211141.html

Hàng nghìn nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ cháy nổ cao

TP.HCM có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trò, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều nhà nằm ở vị trí sâu, khó tiếp cận và không đạt chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới diễn ra sáng nay (5/11), Chủ tịch UBND TP cho biết từ khi có chỉ thị trên TP.HCM đã thành lập, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở ba cấp với gần 60.000 lượt, xử lý 7.000 trường hợp vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ về kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới trên địa bàn. (Ảnh: N.N)

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ về kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới trên địa bàn. (Ảnh: N.N)

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó số nhà trọ, phòng trọ là rất nhiều, với hơn 55.000 nhà trọ, phòng trọ. Đây là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao khi mà phần lớn hiện trạng của các loại nhà này nằm ở vị trí sâu, tiếp cận khó và không đạt chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ – Công an TP.HCM diễn tập xử lý tình huống cháy do va chạm giao thông.

Mặt khác, việc bố trí, sắp xếp nguồn lửa, lối đi tại những nhà này thường không hợp lý, ảnh hưởng tới lối thoát hiểm, di chuyển để cứu hộ. Cùng với đó, việc bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy ở các nơi này thường không đảm bảo.

Thời gian qua, TP.HCM đã thành lập 3.200 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, phường thành lập khoảng 80.000 tổ để đảm bảo được việc thực hành phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề như: rà soát và hoàn thiện khung pháp lý; thống nhất các quy định quản lý, xử lý các chung cư, tòa nhà cũ,…

TP.HCM có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều nơi không đạt chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với những nhà hiện hữu theo hướng xem xét hiện trạng và có các giải pháp phù hợp với những nhà xây trước khi có Luật. Có những nhà được xây do nhu cầu như thế thì bây giờ chúng ta phải có những quy định để hướng dẫn, xử lý cho phù hợp với hiện trạng”, ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Đại học Phòng cháy, chữa cháy cập nhật chương trình đào tạo, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, rút kinh nghiệm từ các vụ cháy vừa qua. Đồng thời, đề nghị bổ sung công tác tập huấn cho công an xã, phường để lực lượng này có kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn bài bản, chính quy hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết, địa phương đang thực hiện kiểm tra 3 tháng/lần đối với những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư cao tầng, khu chế xuất, khu công nghiệp. Bên cạnh công tác kiểm tra, TP. Thủ Đức cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, học sinh; hướng dẫn người dân chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở sang kinh doanh sản xuất để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Theo VOV.VN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/hang-nghin-nha-o-tai-tphcm-co-nguy-co-chay-no-cao-post1057274.vov

Sau hơn 20 năm, TP.HCM muốn làm quy hoạch thoát nước mới

Theo UBND TP, nhiệm vụ quy hoạch cần tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai và mở rộng nghiên cứu tác động từ các vùng lân cận có cùng lưu vực sông.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo UBND TP, việc điều chỉnh quy hoạch thoát nước là để đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Quy hoạch cũ đã hết hạn

Theo UBND TP, quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 752/2001 (Quy hoạch 752), là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước TP. Tuy nhiên, đến nay Quy hoạch 752 đã hết thời hạn, trong khi điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện cũng đang thực hiện song song với Quy hoạch 752.

Theo Quy hoạch 752, phạm vi nghiên cứu chỉ tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 650 km2. Phạm vi quy hoạch này chỉ đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn TP (650/2.095 km2).

“Nếu phải chờ các quy hoạch chung nêu trên hoàn tất mới thực hiện quy hoạch thoát nước thì một số dự án đã và đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện” – văn bản của UBND TP nêu.

Đồng thời, UBND TP cũng cho rằng việc chậm trễ quy hoạch thoát nước sẽ dẫn đến nhiều dự án đang được thực hiện có liên quan đến hệ thống thoát nước hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo. Thậm chí triệt tiêu nhau nếu không sớm có một đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của TP.

Mặt khác, thời gian gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng ngập úng tại TP.HCM đang ngày càng gia tăng. “TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường thường xuyên nên cần sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ và kịp thời. Do vậy, việc đồng thời lập quy hoạch thoát nước với điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM là rất cấp thiết” – văn bản của UBND TP khẳng định.

Ngoài ra, trong báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mới được liên danh tư vấn báo cáo UBND TP cũng cho biết Quy hoạch 752 có phạm vi nghiên cứu 581,52 km2 được chia ra thành sáu vùng thoát nước mưa (106,41 km2 vùng trung tâm; năm vùng ngoại vi với diện tích khoảng 457,11 km2).

“Tuy nhiên, cho đến nay quy hoạch này mới chỉ dừng tại việc thực hiện một số các dự án thoát nước cho các quận trung tâm (nhưng đã hết hiệu lực từ năm 2020) và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại do không xét đến tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng” – báo cáo nêu.

Quy hoạch mới gồm hai đồ án chuyên ngành

“Nhiệm vụ quy hoạch cần tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai như các quận 7, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức… và mở rộng nghiên cứu tác động từ các vùng lân cận có cùng lưu vực sông thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An” – UBND TP nêu yêu cầu về quy hoạch lần này.

Cụ thể, đồ án quy hoạch thoát nước TP.HCM mới sẽ gồm hai đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật riêng biệt là quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; quy hoạch thoát nước thải đô thị.

Quy hoạch mới cần phân tích, đánh giá các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hiện trạng hạ tầng thoát nước, đánh giá lại hệ thống thoát nước cấp I hiện hữu (kênh, mương) đã đảm bảo khả năng thoát nước mặt chưa, đưa ra các đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn mới. Bên cạnh đó là rà soát, đánh giá các quy hoạch, các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sụt lún nền đất tại TP.HCM, các tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu; các dự án đầu tư xây dựng đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn.

“Quy hoạch cao độ nền cần đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát. Xác định cao độ nền xây dựng cho các khu vực theo lưu vực thoát nước, đảm bảo kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và đảm bảo tiêu thoát lũ” – UBND TP nêu định hướng quy hoạch.

Độ sụt lún bề mặt tại TP.HCM nhanh hơn tốc độ nước biển dâng

Theo báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM gồm nhiều yếu tố.

Thứ nhất, gần 50% diện tích TP có địa hình trũng thấp so với mực nước trên sông. Trong khi đó, nhiều khu vực đồi núi có độ dốc cao dễ tạo thành dòng chảy xiết trên bề mặt đường. Dạng địa hình đồng bằng thấp, với cao độ biến đổi từ +0,5 m đến +2,5 m phân bố chủ yếu ở phía tây các quận trung tâm và phía nam TP Thủ Đức. Đây là khu vực có nguy cơ cao thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập do triều cường.

Thứ hai, mưa cực đoan, số trận mưa gây ngập diện rộng (với vũ lượng >100 mm) gia tăng nhanh, từ trung bình 1,6 trận/năm giai đoạn 2002-2014 đến 3,6 trận/năm trong những năm gần đây.

Thứ ba, TP chứng kiến sự gia tăng số trận mưa gây ngập diện rộng với vũ lượng >100 mm. Giai đoạn 2009-2014, trong năm năm chỉ xuất hiện 12 trận mưa trên 100 mm, bình quân một năm xuất hiện hai lần nhưng các năm tiếp theo, từ năm 2015 đến 2021 đã xuất hiện nhiều hơn, tới 18 trận mưa, bình quân một năm xuất hiện gần 3,6 lần. Ngoài ra, tổng lượng mưa hằng năm cũng có xu hướng tăng liên tục từ năm 1976 đến 2022 với tổng lượng mưa tăng trung bình 500 mm. Tốc độ gia tăng lượng mưa là 22,1 mm/năm.

Thứ tư, hệ thống thoát nước đô thị tại TP.HCM được thiết kế chủ yếu cho các trận mưa có vũ lượng 60-80 mm. Chính vì vậy, sự gia tăng của các trận mưa với vũ lượng >100 mm đòi hỏi có các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống thoát nước truyền thống.

Thứ năm, độ sụt lún bề mặt tại TP.HCM trong giai đoạn 2005-2017 là 23,27 cm và tốc độ lún trung bình là 1,99 cm/năm, nhanh hơn tốc độ nước biển dâng.

Huy Vũ – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) ngập sâu do triều cường. Ảnh: NHƯ QUỲNH – NHƯ NGỌC

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/sau-hon-20-nam-tphcm-muon-lam-quy-hoach-thoat-nuoc-moi-post760090.html

Báo động ô nhiễm ‘bức tử’ di tích kênh Nhà Lê

Những năm gần đây, kênh Nhà Lê thường xuyên xuất hiện tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, chỉ có thể đặt ra nghi vấn do các tài xế xe bồn chở chất thải lén lút xả xuống kênh và nước rò rỉ từ bãi rác gần đó.

Lòng kênh đổi màu

Ngày cuối tháng 10, giữa cơn mưa lớn, dòng nước đoạn qua xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) lại bắt đầu đổi màu. Dòng nước đen kịt từ một con mương đổ xuống, hòa với nước của dòng kênh khiến chẳng bao lâu, cả đoạn kênh dài biến thành màu đen, bốc lên mùi hôi nồng nặc. Đây là tình trạng xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, đặc biệt là vào những ngày mưa.

Khu vực ô nhiễm kéo dài vài km, đặc biệt là xung quanh tượng đài kênh Nhà Lê, nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A. Xung quanh đây, có khá nhiều hộ dân sinh sống, vì thế tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

“Trước đây, trẻ con vẫn thường xuống kênh để tắm vào mùa Hè. Những năm gần đây thì nước thường xuyên có màu đen, không ai dám tới gần nữa. Mỗi lần nước đổi màu, những hộ dân sống dọc kênh rất khổ vì mùi hôi thối”, anh Hoàng Văn Bắc (37 tuổi) nói.

 Mương nước chảy từ khu xử lý rác thải ra bên ngoài, sau khi người dân phản ánh đã được chặn lại, nước vì thế đã trong hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Mương nước chảy từ khu xử lý rác thải ra bên ngoài, sau khi người dân phản ánh đã được chặn lại, nước vì thế đã trong hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Kênh Nhà Lê đoạn qua huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2016. Đây là một hệ thống giao thông đường thủy quan trọng nối các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, con kênh này trở thành tuyến đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa, vũ khí… qua trọng điểm đánh phá miền Trung, được coi như tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông” về đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Suốt gần 10 năm hoạt động bám tuyến, bám kênh, với 1.350 cán bộ, công nhân viên, lao động, thanh niên xung phong, dân công… tham gia chiến đấu trên mặt trận rà phá bom mìn, nạo vét tuyến luồng, chống phong tỏa, chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An có 130 người đã anh dũng hy sinh.

Để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ ngành đường thủy đã anh dũng hy sinh và một con kênh huyền thoại đã đi vào lịch sử, năm 1996, ngành Giao thông vận tải Nghệ An chọn địa điểm núi Thần Vũ, gần nơi an táng 130 liệt sĩ trên địa bàn xã Nghi Yên làm nơi dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê. Dù là đoạn kênh có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất, nhưng những năm gần đây, dòng kênh ở khu vực này gần như đã bị ô nhiễm nặng.

Ông Trần Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết, dòng kênh này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 400 ha đất canh tác trên địa bàn xã. “Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguồn ô nhiễm. Chỉ có thể đặt ra các nghi vấn”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, lần ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài nhất xảy ra vào trung tuần tháng 4/2021. Ngay sau khi phát hiện dòng kênh chuyển qua màu đen, bốc mùi hôi thối, chính quyền địa phương xã Nghi Yên và huyện Nghi Lộc đã lập đoàn để điều tra nguyên nhân.

“Trên đoạn kênh này thời điểm đó có một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, có hộ dân chăn nuôi lợn số lượng lớn rồi các cửa hàng ăn uống. Nhưng đi kiểm tra thì không phát hiện hiện tượng xả thải. Chúng tôi cũng đặt nghi vấn nguồn thải bức tử dòng kênh xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên cách đó không xa, nhưng thời điểm kiểm tra thì đường ống xả thải của khu này không thực hiện xả thải”, ông Hòa nói.

Người dân cho biết, nhiều lần chứng kiến xe bồn chở chất thải dừng trên cầu vượt rồi lén lút nối vòi xả xuống kênh gây ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, có nhiều thời điểm dòng kênh bị ô nhiễm, xuất phát từ việc xe bồn lén lút xả thải. “Có những đợt, khi chúng tôi đi điều tra thì người dân cho biết, buổi tối trước khi dòng kênh bị ô nhiễm thì có tình trạng một số tài xế xe bồn chở chất thải dừng ngay trên cầu vượt, lợi dụng đêm tối ít người qua lại nên nối vòi, xả chất thải xuống dòng kênh. Có lần thì người dân phát hiện xe chở “bã bia” lén lút xả xuống. Tuy nhiên, do chính quyền không trực tiếp phát hiện được nên không thể xử lý”, ông Trần Công Hòa nói thêm.

Sớm xử lý dứt điểm nguồn nước thải rò rỉ từ bãi rác

Trong đợt ô nhiễm vào cuối tháng 10 vừa qua, lần theo nguồn nước đen, người dân phát hiện dòng nước này chảy ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Nhiều người dân bức xúc vì cho rằng, khu xử lý rác thải lợi dụng trời mưa, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý khiến dòng kênh bị “bức tử”.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thừa nhận, dòng nước có màu đen xuất phát từ bên trong khu xử lý. “Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi cũng đã làm việc với họ. Tuy nhiên, nguồn nước đó không phải do chúng tôi. Mà là từ khu vực lò đốt của Công ty cổ phần Galax”, vị này nói và cho hay, những lò đốt rác do gây ô nhiễm môi trường, nên từ 3 năm trước đã bị UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động, nhưng vẫn còn sót lại lượng lớn mùn. Mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực này chảy tràn ra, thông qua một con mương trong khu xử lý chất thải rắn đổ ra kênh Nhà Lê. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đã cho người đắp đất, ngăn dòng nước thải tràn ra bên ngoài.

Theo người dân, thì đó không phải lần đầu, bà con phát hiện dòng nước đen chảy ra từ khu xử lý rác thải này. Lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc cũng cho biết, hoạt động của Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân xã Nghi Yên và vùng lân cận.

Do đó, nhiều hộ dân bức xúc, phản ánh nhiều ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền. Trong các cuộc họp, người dân trên địa bàn cũng thường xuyên phản ánh vấn đề này. Mới đây nhất, trong cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội diễn ra ở xã Nghi Yên, người dân một lần nữa phản ánh tình trạng ô nhiễm xuất phát từ khu xử lý chất thải này.

Ông Phạm Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khu xử lý rác này chủ yếu bằng chôn lấp, sinh ra nước rỉ, mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tổng 8 ô chôn lấp, hiện nay có 5 ô đã đầy. Vì vậy, thời gian tới phải tìm được nhà đầu tư, xử lý khắc phục tình trạng này, không để tình trạng xử lý rác bằng chôn lấp diễn ra lâu dài.

Còn ông Vũ Văn Phượng – Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thành phố Vinh (đơn vị vận hành bãi rác ở xã Nghi Yên) cho biết, Khu xử lý rác thải Nghi Yên đến nay đã vận hành hơn 10 năm, thời gian qua đã có các biện pháp nhằm cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường như phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết một cách triệt để. Hiện tại, về phía Công ty sẽ cố gắng hơn nữa, tận dụng mọi khả năng để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân; thời gian tới không thể duy trì chôn lấp rác thải, mà cần lựa chọn công nghệ mới đạt tiêu chuẩn mới có thể giảm thiểu ô nhiễm…

Khu xử lý rác thải chủ yếu bằng chôn lấp, nhưng các hố chôn lấp cơ bản đã đầy. Thường xuyên xuất hiện tình trạng rò rỉ nước thải ra bên ngoài. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2019, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành có kết luận, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thành phố Vinh hơn 760 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra khu xử lý chất thải này sau nhiều phản ánh từ người dân. Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện Công ty này xả nước thải chưa qua trạm xử lý ra bên ngoài. Cơ quan công an sau đó cũng đã tiến hành lấy mẫu để giám định các mẫu nước thải này. Hiện nay, đoàn cũng đã gia hạn thời gian kiểm tra để đưa ra kết luận.

Tiến Hùng – Báo Nghệ An

Theo Nghệ An

Ảnh: Một đoạn kênh Nhà Lê cạnh vị trí tượng đài bị ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baonghean.vn/bao-dong-o-nhiem-buc-tu-di-tich-kenh-nha-le-post279480.html

Sống tạm bợ bên hồ thủy lợi nghìn tỷ có nguy cơ ‘đắp chiếu’

Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, đến nay Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với số vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng có nguy cơ phải ‘đắp chiếu’ vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều hộ dân buộc phải di dời nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù, chưa được cấp đất tái định cư, phải sống tạm bợ chính trong căn nhà không được sửa sang…

Sống tạm bợ không biết đến bao giờ…

Gia đình vợ chồng bà Phún Chấn Kíu (SN 1970, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ rách nát nằm lọt thỏm giữa cánh đồng cỏ hoang mọc um tùm, tài sản đáng giá nhất lúc này là chiếc xe máy cũ. Nhiều tháng nay chiếc xe này cũng bỏ xó một góc vì người chồng bị tai biến không đi lại được.

Bà Kíu cho biết, gia đình bà có hơn 400m2 đất từ thời ông bà để lại, gia đình dựng tạm căn nhà gỗ làm chỗ trú ngụ. Hằng ngày, chồng chạy xe ôm, bà Kíu quẩn quanh trồng luống rau, nuôi con gà tăng thu nhập. Nhiều năm về trước, gia đình bà đã lên phường Tự An để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cơ quan chức năng về xác minh, đo đạc nhưng không thấy giải quyết cấp sổ cho gia đình bà “do đất của gia đình không có đường vào”.

“Khi Nhà nước lập hồ sơ để giải phóng mặt bằng làm Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được giải thích là gia đình sẽ được hỗ trợ đền bù tái định cư. Tuy nhiên, tôi chờ từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thấy ai vào cũng tưởng cán bộ đến thông báo, giải quyết nhưng toàn mừng hụt”, bà Kíu thổ lộ.

Cách nhà bà Kíu không xa, vợ chồng chị Lý Huỳnh Mai đang bám trụ tại căn nhà đã bị đập bỏ nham nhở. Chị Mai cho hay, căn nhà này là của bố mẹ chồng, sau khi nhận tiền và đất tái định cư đã chuyển đi. Căn nhà bị đập bỏ gần hết, vợ chồng chị xin giữ lại căn phòng ngủ làm nơi ở tạm. Chồng đi làm thợ xây, còn chị Mai lo đưa đón 2 con nhỏ đi học và tận dụng khu đất để trống trồng các loại rau để kiếm thêm thu nhập.

Hỏi chuyện hỗ trợ đền bù, chị Mai nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi không có đất đai, trước đến giờ đều ở chung với ông bà. Khi Nhà nước triển khai Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được nghe trường hợp nào đã tách hộ khẩu riêng từ năm 2014 trở lại, sẽ được cấp đất tái định cư. Vợ chồng tôi tách khẩu từ 2012 nên tôi làm đơn xin được hỗ trợ cấp đất ở nhưng không được giải quyết. Không có đất, không có tiền, vợ chồng tôi đành tá túc bám trụ ở đây, chưa biết đi đâu”. Còn hàng chục hộ dân cũng đang lâm cảnh tương tự. Tất cả đều có chung một vướng mắc đó là thủ tục liên quan đến nguồn gốc, chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc vì nhiều lý do khác nhau.

Dự án nghìn tỷ có nguy cơ “đắp chiếu”

Dự á hồ thủy lợi Ea Tam được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, có tổng mức đầu tư 1.468 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2017 đến 2020, làm công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư. Giai đoạn 2, từ năm 2021 đến 2024, xây dựng các hạng mục đầu mối và công trình phụ trợ. Dự kiến năm 2024 công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.

Khi đi vào vận hành với hồ chứa rộng 31,6ha, dung tích 1,77 triệu m3 nước, công trình sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 25 nghìn người thuộc khu vực TP Buôn Ma Thuột và các địa phương lân cận; bảo đảm nước tưới cho 250ha lúa, cà phê và cây ăn quả. Ngoài ra, công trình hồ thủy lợi Ea Tam còn góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường, đồng thời trở thành địa điểm khai thác du lịch, thu hút đầu tư và mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế – xã hội của TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Để xây dựng công trình, TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành đền bù, di dời, tái định cư cho 550 hộ dân, với kinh phí đền bù, tái định cư hơn 380 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2023, Dự án hồ thủy lợi Ea Tam chỉ mới xây gần xong phần đập tràn xả lũ. Tuyến đường giao thông bao quanh lòng hồ còn thi công ngổn ngang, nhiều đoạn máy móc “đắp chiếu” không thi công. Xung quanh dự án, cỏ mọc um tùm, những khối đá, ống cống bỏ lăn lóc bên vệ đường.

Ông Đỗ Hải Đông, Giám đốc phụ trách Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (thuộc Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đến nay khối lượng thi công của giai đoạn 1 mới chỉ đạt khoảng 60%. Dự án đang chậm tiến độ do thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp. Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố đã kiến nghị và chờ UBND tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 49, (ngày 7/1/2022) về việc phê duyệt điều chỉnh giai đoạn 1, thay vì thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2020, thì dự án được điều chỉnh lại từ năm 2017-2023. Tuy nhiên, sau hai lần điều chỉnh giai đoạn 1, đến nay công trình vẫn chưa thể định ngày về đích. Thời gian triển khai dự án ở giai đoạn 1 đã sắp hết, nguy cơ không kịp tiến độ, phải xin gia hạn tiếp.

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là bị hạn chế việc bố trí đất tái định cư cho các hộ gia đình có nhiều hộ nhỏ sinh sống trên cùng thửa đất thu hồi. Khó khăn khác nữa là Khoản 1 Điều 6 Quyết định này quy định: trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, đủ điều kiện để tách thành những hộ gia đình riêng, ngoài bố trí một thửa đất tái định cư cho hộ chính (hộ bố, mẹ) thì chỉ được giao thêm một thửa đất (có thu tiền sử dụng đất). Đồng nghĩa với gia đình có đông con sẽ không có đất ở cho các con khi bị thu hồi đất”.

Xác định đây là vấn đề bất cập nên UBND TP Buôn Ma Thuột đã có kiến nghị với UBND tỉnh về việc sửa đổi nội dung trong Quyết định 27. Mặt khác, có nhiều hộ ở từ thời kỳ trước năm 1993 (trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất ở, trong khi họ đã xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trên đất dẫn tới khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ của cơ quan Nhà nước.

Văn Thành – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Sau hơn 3 năm thi công, Dự án hồ thủy lợi Ea Tam mới chỉ xây dựng gần xong hệ thống tràn xả lũ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/song-tam-bo-ben-ho-thuy-loi-nghin-ty-co-nguy-co-dap-chieu-i712733/

Vướng mặt bằng, cụm Y tế trọng điểm TP.HCM chậm tiến độ

Cụm Y tế Tân Kiên – được kỳ vọng là chuỗi hệ thống y tế hiện đại của TP.HCM – nhưng do vướng mặt bằng nên nhiều hạng mục bị chậm tiến độ.

Được phê duyệt và triển khai từ năm 2015, Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được kỳ vọng là chuỗi hệ thống y tế hiện đại của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đáp ứng việc đào tạo và khám chữa bệnh chất lượng cao, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế khu vực trung tâm thành phố.

Được phê duyệt và triển khai từ năm 2015, Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được kỳ vọng là chuỗi hệ thống y tế hiện đại của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đáp ứng việc đào tạo và khám chữa bệnh chất lượng cao, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế khu vực trung tâm thành phố.

Theo Sở Y tế TP.HCM, Cụm Y tế Tân Kiên được UBND TP.HCM phê duyệt với quy mô ban đầu 54ha, nhưng sau đó mở rộng lên 74ha.

Cụm y tế này được quy hoạch xây dựng theo mô hình y tế xanh, dành đến 19ha cho khu công viên, vệ sinh, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh…

Đây cũng là mô hình tập trung các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu được xây dựng mới – mô hình mang tính chất đặc thù của TP.HCM, là công trình của thành phố chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dù công trình đã cất nóc tới tầng 7, nhưng nhiều hạng mục y tế vẫn còn ngổn ngang.

Hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đầu tư hạ tầng kỹ thuật vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân chưa đồng ý di dời khiến công trình có nguy cơ không hoàn thành tiến độ theo kế hoạch sau 8 năm triển khai.

Ghi nhận tại công trình, có 9 hộ dân nằm trong khu quy hoạch giải phóng mặt bằng chưa bàn giao mặt bằng vì nhiều lý do.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (55 tuổi, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) là một trong 9 hộ vẫn chưa di dời dù đã nhận được văn bản yêu cầu trao trả mặt bằng từ năm 2014 đến nay. Theo bà Thúy, gia đình bà chưa di dời vì giá đền bù mặt bằng chưa hợp lý.

“Mức đền bù quá thấp so với mặt bằng chung hiện tại. Gia đình chúng tôi mong muốn được tái định cư tại chỗ. Trong trường hợp bàn giao mặt bằng, ngoài đền bù thỏa đáng, phần đất này chúng tôi mong muốn quy hoạch làm bệnh viện, trường học… giúp ích cộng đồng. Thỏa đáng, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng”, bà Thúy nói.

Một lãnh đạo của UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM cho hay, từ cuối năm 2012, lãnh đạo huyện đã nhiều lần đối thoại, tổ chức vận động; hội đồng bồi thường dự án cũng đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ, chi trả tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Vướng mắc là do các hộ dân cho rằng phải áp dụng đơn giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chứ không thể bồi thường theo đơn giá năm 2008.

Hoàng Thọ – Báo VTC News

Theo VTC News

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtc.vn/vuong-mat-bang-cum-y-te-trong-diem-tp-hcm-cham-tien-do-ar831785.html

Chờ cú hích cho thị trường bất động sản

Những dự án luật liên quan đến đất đai, nhà ở được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

Ba dự án luật: Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (BĐS – sửa đổi) và Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội (QH) khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra. Nhiều ý kiến kỳ vọng đây sẽ là động lực quan trọng để “phá băng” thị trường BĐS thời gian tới.

Tháo gỡ rào cản, tạo lập hành lang pháp lý

Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại chính sách, pháp luật đất đai và giữa chính sách, pháp luật đất đai với pháp luật khác có liên quan; từ đó sẽ tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Luật sư Ứng cho biết thực tế có nhiều tranh chấp, khiếu kiện xuất phát từ giá đất, trong đó có việc xác định giá đất chưa bảo đảm quyền lợi các bên. Một trong những mục tiêu khi sửa Luật Đất đai là định giá đất sát thị trường. Do đó, dự thảo luật đã đưa ra các phương pháp định giá đất gồm so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. “Hy vọng những quy định về xác định giá đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được các vướng mắc phát sinh trên thực tế” – luật sư Ứng bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại biểu (ĐB) QH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết một trong những điểm mới quan trọng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thay đổi công cụ pháp lý cho việc định giá đối với đất đai. Trước đây, việc định giá đất căn cứ trên khung giá của nhà nước và được xác lập theo nguyên tắc hành chính. Dự thảo đã đưa ra một phương án mới là không quy định khung giá đất và quyết định bằng bảng giá, bảo đảm tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

“Khi chúng ta bảo đảm xác định được bảng giá đất sát với giá thị trường thì sẽ bảo đảm khắc phục được những tồn tại hiện nay trong việc xác định giá đất và sẽ bảo đảm hài hòa quyền lợi của tất cả các bên liên quan. Đây cũng là căn cứ rất quan trọng cho giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở tham khảo mức giá của nhà nước theo quy định” – ông Lộc nhận định.

Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng pháp lý đang là rào cản lớn khi các quy định về đất đai, BĐS, xây dựng chồng chéo ở nhiều luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn khác nhau. Đây là điểm nghẽn đã được nhận diện và kỳ vọng sẽ được tháo gỡ tại 3 luật sửa đổi nêu trên. Ông Lực cho rằng cần rà soát sửa đổi các quy định để bảo đảm đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan; giải quyết các vấn đề về phương pháp xác định giá đất; thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cũng đồng quan điểm khi cho rằng các dự luật trên, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ tháo gỡ các chồng chéo trong quản lý đất đai, từ đó khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư với một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần ổn định thị trường BĐS. “Mong rằng các quy định mới khi được ban hành sẽ “hồi sinh”các dự án BĐS đang gặp khó khăn, thậm chí “án binh bất động” do vướng mắc về pháp lý” – ông Đính nói.

Cơ chế đột phá huy động tối đa nguồn lực

ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý BĐS, cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình QH đã đề xuất cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đầu tư. Trong đó, một vấn đề nổi cộm liên quan đến huy động nguồn lực đất đai thời gian qua là cơ chế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại.

Theo ông Đỉnh, tại các bản dự thảo luật trước đây đều theo phương án: Nhà đầu tư phải đang có hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần thì mới được thực hiện dự án nhà ở thương mại. Phương án này thu hẹp các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại so với luật hiện hành. Đó là Luật số 03/2022/QH15, quy định nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở và đất khác, vốn được coi là quá hẹp, gây tắc nghẽn cho khoảng 300 dự án nhà ở trong cả nước (nhà đầu tư đã “gom đất” nhưng không triển khai được vì không có đất ở).

Tại báo cáo số 598/BC-CP ngày 23-10 gửi QH về một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất chỉnh lý dự thảo theo hướng đột phá: bãi bỏ hoàn toàn các yêu cầu về loại đất mà nhà đầu tư phải đang có hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất bãi bỏ quy định tại khoản 4 điều 123; khoản 1, khoản 6 điều 128 dự thảo (trước đây quy định chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại với trường hợp đang có hoặc nhận chuyển nhượng đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần).

Theo ông Đỉnh, báo cáo của Chính phủ cũng nhận định: các trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là để phát triển đô thị chủ yếu xảy ra tại khu vực phát triển mới mà thường chưa có đất ở, trong khi chủ trương của nhà nước là đẩy mạnh đô thị hóa, chỉnh trang đô thị.

“Tôi tán thành với phương án sửa đổi này bởi lợi ích trước mắt là có thể giúp tháo gỡ tắc nghẽn cho khoảng 300 dự án nhà ở trong cả nước, còn lợi ích lâu dài là giúp phát huy cơ chế bình đẳng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong chuyển dịch đất đai tự nguyện, tránh thu hồi đất bắt buộc. Vấn đề quan trọng là khi nhà đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất, việc định giá đất phải bảo đảm phù hợp thị trường để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, điều tiết hài hòa chênh lệch địa tô” – chuyên gia Đỉnh nêu quan điểm.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đánh giá dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý khá nhiều nội dung và cũng đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.

Cụ thể là hoàn thiện về cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, thị trường quyền sử dụng đất, cơ cấu lại thị trường BĐS trên cơ sở thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển bền vững, khắc phục được tình trạng đầu cơ đất đai.

Luật gia NGUYỄN TẤN PHONG, Ủy viên Thường vụ Hội Môi giới BĐS Việt Nam:

2-Nguyen-Tan-Phong

Ông NGUYỄN TẤN PHONG

Cần giám sát chặt chẽ việc thực thi luật

Nếu được thông qua, 3 luật: Nhà ở (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất cập trong kinh doanh, quản lý và sử dụng BĐS.

Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển nhà ở, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Với Luật Kinh doanh BĐS, nếu được thông qua, sẽ khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, gây mất cân đối, lệch pha cung – cầu nhà ở như những năm vừa qua; bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả.

Tuy vậy, tôi cho rằng cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, giám sát và kiểm tra việc thực thi các luật này. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp để giải quyết những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với thị trường BĐS.

TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa:

2-Quang

Ông TRẦN KHÁNH QUANG

Thị trường chờ tín hiệu tích cực

Nếu 3 luật: Nhà ở (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được thông qua thì sẽ là thông tin rất tích cực cho thị trường BĐS. Bởi các nội dung còn vướng mắc sẽ được điều chỉnh, tạo thuận lợi cho các cơ chế, giao dịch liên quan đất đai, hoạt động kinh doanh BĐS; đặc biệt là tạo điều kiện về nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, thị trường BĐS được kiểm soát tốt, phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Quan trọng hơn là sẽ xóa cơ chế xin – cho đối với doanh nghiệp, người dân.

Có thể nói khi 3 luật này thông qua thì khả năng giải tỏa dần 60%-70% các khó khăn tồn đọng cũ cho thị trường BĐS lâu nay. Điển hình là tháo gỡ các khó khăn cho các dự án đang còn triển khai dang dở vì liên quan đến thủ tục, cách tính tiền sử dụng đất hay các hoạt động liên quan đến cấp phép dự án cho chủ đầu tư.

Sơn Nhung ghi

Văn Duẩn – Minh Chiến – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Thị trường địa ốc được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu 3 dự án luật: Đất đai (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua Ảnh: TẤN THẠNH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/cho-cu-hich-cho-thi-truong-bat-dong-san-20231104215626202.htm

Thủ tướng yêu cầu Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm điểm trách nhiệm

Thủ tướng phê bình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu sâu sát, lơ là chủ quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chuẩn bị nội dung, kế hoạch còn nhiều thiếu sót mà Đoàn thanh tra đã phát hiện tại thời điểm thanh tra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã có Công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Còn tồn tại, hạn chế chậm khắc phục

Sau 6 năm triển khai, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được một số kết quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC (từ ngày 10 – 18/10/2023) đã cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục.

Cụ thể, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra. Đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt hành vi vi phạm quy định về mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển.

Cùng với đó công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu và nhiều thiếu sót. Nếu không sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên thì nguy cơ bị nâng cảnh báo lên “thẻ đỏ” là rất cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của nhiều cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt là một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng biểu dương tỉnh Bình Định; đề nghị khen thưởng, động viên, khích lệ tổ chức, cá nhân chuẩn bị nội dung, kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của EC cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng phê bình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thiếu sâu sát, lơ là chủ quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chuẩn bị nội dung, kế hoạch còn nhiều thiếu sót mà Đoàn đã phát hiện tại thời điểm thanh tra; yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2023.

Gỡ “thẻ vàng” vì lợi ích quốc gia và người dân

Nêu rõ, thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” không phải chỉ để đối phó với EC mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ có liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC tại đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào cuối Quý II năm 2024).

Trên cơ sở các khuyến nghị của EC, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp để gỡ “thẻ vàng”.

Trên cơ sở các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4, Thủ tướng yêu cầu rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và điều kiện của nước ta. Ban hành cơ chế, chính sách chuyển đổi, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân tự nguyện không tham gia hoạt động khai thác thủy sản hoặc tàu cá không còn đủ điều kiện theo quy định.

Tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu, tàu cá đã hoặc chưa hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS…); xử lý nghiêm, triệt để theo quy định tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.

Tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự); đặc biệt tập trung vào các lô hàng đối với các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.

Văn Kiên – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Khai thác thủy sản

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/thu-tuong-yeu-cau-ba-ria-vung-tau-kiem-diem-trach-nhiem-post1584381.tpo

TP.HCM: Biến điểm rác tự phát thành không gian xanh

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 05/11, UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã tổ chức ra quân làm vệ sinh, đảm bảo cho môi trường xanh – sạch, tạo cảnh quan và trồng cây xanh trên địa bàn xã với tên gọi “Biến điểm rác tự phát thành không gian xanh”.

Người dân và các cán bộ cùng nhau phối hợp để thu gom rác thải

Đây là hoạt động được UBND xã Vĩnh Lộc B tổ chức thường xuyên nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường sống của người dân, ngoài ra, còn góp phần tạo nên một đô thị xanh – sạch – đẹp.

Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân trên địa bàn xã, cùng các cán bộ đang công tác tại chính quyền địa phương, Đoàn TNCS HCM và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh phối hợp thực hiện các công tác xử lý rác thải như thu gom, thông cống, trang trí và trồng cây tại tuyến đường liên ấp 3-4, thuộc ấp 3A,4B. Việc này đã biến những điểm rác thải tự phát thành những không gian xanh và trở thành điểm nhấn mới trong đô thị.

 Các cụ lớn tuổi cũng rất hăng hái hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này

Những chiếc lốp xe được các thành viên tận dụng tái chế thành những chậu cây độc đáo, xinh xắn.

Đoàn viên TNCS xã và người dân cùng nhau trồng và trang trí cây xanh

Nhiều người tham gia hoạt động chia sẻ rằng họ rất hứng khởi khi làm vệ sinh môi trường, điều này mang lại nhiều tích cực trong cuộc sống từ việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường còn mang đến nhiều giá trị về nét đẹp xanh trên những đoạn đường mà họ thường xuyên đi qua.

 Hoạt động này đã biến những điểm rác thải tự phát thành những không gian xanh và trở thành điểm nhấn mới trong đô thị.

Những chậu cây xinh xắn được chuẩn bị và trồng tại tuyến đường đường liên ấp 3-4, thuộc ấp 3A,4B

Trường Việt – Chương Hoàng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: UBND xã Vĩnh Lộc B tổ chức ra quân quân vệ sinh môi trường với tên gọi “Biến điểm rác tự phát thành không gian xanh”.

Kon Tum phạt các chủ đầu tư nhà máy thủy điện hơn 720 triệu đồng

Các chủ đầu tư nhà máy thủy điện tại tỉnh Kon Tum mắc hàng loạt sai phạm, trong đó có các sai phạm nghiêm trọng, đã bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và xử lý theo quy định.

Ngày 3/11, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, đã ra quyết định xử phạt 4 chủ đầu tư nhà máy thủy điện trên địa bàn do mắc hàng loạt vi phạm khi xây dựng, vận hành dự án.

Cụ thể, quyết định xử phạt Công ty CP Thủy điện Đức Bảo (Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Trưa 1, 2 xây dựng tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) hơn 217 triệu đồng do có hành vi đổ thải sai vị trí; lấn chiếm đất với diện tích hơn 10.500 m2, trong đó đất rừng sản xuất là 9.100m2.

Phạt Công ty CP thủy điện Thiên Tân (Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Đăk Re xây dựng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) số tiền hơn 224 triệu đồng do có hành vi đổ thải sai vị trí; lấn chiếm 14.097m2 đất, trong đó có 596m2 đất rừng sản xuất để làm bãi đổ thải, các hạng mục nhà máy.

Phạt Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum xây dựng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hơn 210 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí, lấn chiếm 121.500m2 đất để xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện.

Phạt Công ty TNHH GKC (Chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Đăk Lô 1, 2, 3 xây dựng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) 70 triệu đồng vì hành vi nâng công suất nhà máy điện từ 5,5 MW lên 7,7 MW khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Theo Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, đến thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư nhà máy thủy điện đã hoàn thành việc nộp tiền theo các quyết định xử phạt.

Được biết, các sai phạm của nhà máy Thủy điện Đăk Re, Thủy điện Đăk Trưa 1, 2 và Thủy điện Thượng Kon Tum được Thanh tra Chính phủ phát hiện, kiến nghị xử lý. Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cùng các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền. Riêng sai phạm tại nhà máy Thủy điện Đăk Lô 1, 2, 3 do Sở TN&MT tỉnh Kon Tum kiểm tra, phát hiện.

Chí Hào – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Một hạng mục xây dựng của Nhà máy Thủy điện Đăk Re thời điểm đang thi công năm 2020.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/kon-tum-phat-cac-chu-dau-tu-nha-may-thuy-dien-hon-720-trieu-dong-i712673/

Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng: Đền bù giá nào để yên lòng dân?

Nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở về cách định giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng cũng như công tác tái định cư sau khi người dân mất đất ở, mất tư liệu sản xuất.

Chiều 3/11, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó nổi bật là việc định giá đất khi thu hồi phải sát giá thị trường để đáp ứng mong đợi của người dân.

Đền bù sát giá thị trường

Nhiều đại biểu đề xuất quy định Nhà nước thu hồi đất tất cả dự án phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án như nhà ở thương mại, khu đô thị, bãi bỏ cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân.

Theo Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), có một thực tế là Nhà nước thu hồi đất và bồi thường cho người sở hữu theo bảng giá đất Nhà nước ban hành, trong khi doanh nghiệp thỏa thuận thì giá thường cao hơn.

Đại biểu Quốc hội cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong khi đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi thỏa thuận được trên 90% diện tích, thậm chí còn cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án bởi còn một số ít chủ sở hữu không đồng thuận.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chia sẻ bên lề kỳ họp. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần quán triệt nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư và không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng “hai giá” – giá Nhà nước đền bù và giá doanh nghiệp đền bù.

“Điều này sinh ra bất bình đẳng và mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Thậm chí mâu thuẫn giữa những người bị thu hồi đất vì giá đền bù khác nhau. Theo tôi, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất thông qua quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội,” Đại biểu nêu ý kiến.

Cụ thể, với dự án đất ở, thương mại, khu đô thị, Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp tham gia đấu giá, đấu thầu dự án. Trong quy hoạch 1/500, Nhà nước phải định dạng được không gian, phạm vi phát triển, gần như một sản phẩm của quy hoạch để đấu giá đất, đấu thầu dự án.

Toàn bộ tiền thu được từ đấu giá, đấu thầu dự án được sử dụng cho 3 mục đích: Trả lại chi phí Nhà nước đã đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng đến hàng rào ranh giới dự án; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; và số còn lại để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ lợi ích chung.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng cần xác lập rõ những tiêu chí, tách biệt rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế với dự án công cộng vì lợi ích quốc gia. Nếu dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư nhiều hơn, bắt buộc áp dụng cơ chế thị trường để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Về phương pháp bồi thường, Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất. Theo đó, đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng những dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển quốc gia; những dự án đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, hội đồng nhân dân các cấp thông qua của chủ trương là những dự án đủ điều kiện vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đó là những dự án được xem xét đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất để đấu thầu, đấu giá, xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là giá bồi thường phải đảm bảo sát giá thị trường và địa tô chênh lệch được phân bổ một cách hợp lý thì sẽ tạo ra bước đột phá, đáp ứng mong đợi của người dân.

Làm gì để ‘dân an cư lạc nghiệp’ ?

Trong nhiều thập kỷ, việc giải phóng mặt bằng để lấy diện tích “đất sạch” xây dựng các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước. Song, thực tế cũng đã có nhiều bất cập nảy sinh từ việc người dân bị thu hồi đất, cầm một khoản tiền lớn mà không thể tái định cư.

Đây là trăn trở của nhiều Đại biểu Quốc hội trong đó có ông Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh).

Dựa theo số liệu khảo sát, Đại biểu Thạch Phước Bình cho hay khi người nông dân bị thu hồi đất, nhiều người chuyển sang làm thuê, chỉ có số ít đi học nghề mới.

Tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng hết tiền bồi thường, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, họ không có thu nhập và đời sống trở nên khó khăn.

Từ thực tế này, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất.

“Dự thảo Luật cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt, cần quy định rõ vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất,” ông Bình nói.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) thảo luận tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bổ sung thêm giải pháp, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định theo hướng người nông dân có đất nông nghiệp được góp vốn bằng chính mảnh đất của mình để khuyến khích, tích tụ đất đai phục vụ các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Bà Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi để sau khi thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Việc quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sẽ tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn,” đại biểu nêu ý kiến.

Nhóm PV (Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Vấn đề giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai dự án. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/thu-hoi-dat-giai-phong-mat-bang-den-bu-gia-nao-de-yen-long-dan/905855.vnp