• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 61

Nhiều sai phạm trong phát triển điện mặt trời

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong việc phát triển điện mặt trời, giá mua điện

Ngày 25-12, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Bổ sung quy hoạch sai quy định

Cơ quan thanh tra kết luận: Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời (ĐMT) sai quy định, làm vượt công suất quy hoạch tới 17,3 lần. Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt kế hoạch lắp đặt 850 MW ĐMT vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào năm 2025. Trên thực tế, từ bổ sung sai quy định của Bộ Công Thương, dự án ĐMT tăng vọt.

Theo kết luận thanh tra, có 168 dự án ĐMT với tổng công suất 14.707 MW được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trong đó, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 114 dự án, công suất 4.186 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh. Bộ trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh 54 dự án, tổng công suất 10.521 MW.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ các dự án này không có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Đến cuối năm 2020, có 8.642 MW ĐMT nối lưới vận hành, cao hơn 10 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến 2025 (4.000 MW). Bên cạnh đó, nguồn ĐMT mái nhà cũng phát triển nhanh chóng với công suất lớn là 7.864 MW, nâng tổng công suất nguồn mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp gần 20 lần so với phê duyệt.

Hệ quả của những vi phạm trên, theo TTCP là giá FIT (giá ưu đãi cố định) trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất 5,5 Cent/KWh. Đồng thời, gây quá tải cục bộ, khó khăn vận hành hệ thống, buộc nhà máy điện giảm phát. TTCP cũng phát hiện một số quy định được Bộ Công Thương tham mưu, ban hành dẫn tới sơ hở, bất cập, nguy cơ bị lợi dụng chính sách để phát triển hệ thống ĐMT mái nhà công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại. Số dự án này vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như ĐMT mái nhà trong 20 năm.

Cơ quan thanh tra kết luận trách nhiệm chính những khuyết điểm, vi phạm trên thuộc về Bộ Công Thương, UBND các tỉnh đề xuất đầu tư dự án.

Xử lý những cán bộ liên quan

Theo TTCP, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm trong tham mưu cơ chế khuyến khích dự án ĐMT tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 Cent/KWh trong 20 năm không đúng quy định. Số tiền điện EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ 2020 đến tháng 6-2022) tăng thêm 1.481 tỉ đồng.

Khi tham mưu Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng dự án được hưởng giá ưu đãi, tức chỉ cần dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, không cần ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công là được mua với giá 7,09 Cent/KWh trong 20 năm. “Bộ Công Thương cũng chưa ban hành quy định đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, cơ chế xử lý các dự án lưới điện truyền tải chậm tiến độ, cũng như chậm đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp từ các dự án ĐMT, điện gió sau khi chính sách cũ hết hiệu lực” – kết luận thanh tra nêu.

Từ kết luận nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra xử lý các vụ việc liên quan. Cụ thể, 123/154 dự án Bộ Công Thương duyệt bổ sung, tham mưu Thủ tướng phê duyệt vận hành từ 2016-2020 là nguyên nhân chính dẫn tới mất cân đối nguồn – lưới điện, cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho quản lý vận hành hệ thống điện và lãng phí nguồn lực xã hội. TTCP kết luận điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

TTCP cũng kiến nghị chuyển tài liệu tới cơ quan công an, làm rõ việc tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà có những sơ hở, dẫn tới nhiều hệ thống đầu tư nhanh với công suất lớn (gần 1 MW) trên đất nông nghiệp, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng lại hưởng cơ chế ưu đãi (giá FIT 8,38 Cent/KWh trong 20 năm).

Về xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân có liên quan về những vi phạm, khuyết điểm. Kết luận thanh tra được chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trên. TTCP cũng đã nêu rõ các vi phạm, khuyết điểm của các tỉnh Long An, Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa trong việc quản lý, sử dụng đất đai để đầu tư xây dựng các dự án ĐMT.

Rà soát các dự án ĐMT, điện gió hưởng giá FIT

Về xử lý kinh tế, đối với 14 dự án ĐMT tại Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT không đúng quy định, TTCP kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế, báo cáo Thủ tướng.

Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương cùng EVN rà soát, xử lý các dự án ĐMT, điện gió được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Trường hợp rà soát phát hiện vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

Minh Chiến – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm trong phê duyệt các dự án điện mặt trời. (Ảnh minh họa)Ảnh: Minh Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/nhieu-sai-pham-trong-phat-trien-dien-mat-troi-19623122520582671.htm

Công ty thủy điện của Trung Nam Group được mua điện giá vượt trần, bất tuân Luật Điện lực

Đối với việc mua bán điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, theo kết luận thanh tra, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký kết mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ra thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch VII điều chỉnh. Trong đó, chỉ rõ Bộ Công Thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán cho nhà đầu tư vượt quy định.

Bất tuân Luật Điện lực, Bộ Công Thương mua điện từ Công ty thủy điện của Trung Nam Group giá vượt trần

Cụ thể, đối với việc mua bán điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, theo thông báo kết luận thanh tra, ngày 9/5/2014, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã ký hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính là 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013.

Mặc dù sau đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất thanh toán theo mức giá trần của từng năm, nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận giá tạm thanh toán vượt quy định. TTCP đánh giá, việc làm này không tuân theo Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.

Đáng chú ý, sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56 ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương.

Theo TTCP , EVN và Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định.

Từ đó, TTCP kết luận, việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy, do đó giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý; nguyên nhân, lý do dẫn đến giá mua bán điện vượt khung quy định cần phải được Bộ Công Thương, EVN kiểm tra, xem xét để giá mua bán điện đảm bảo căn cứ, chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật

TTCP nhấn mạnh, chính những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã dẫn đến, việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện. Trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương.

Tương tự tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký kết hợp đồng và tạm thanh toán với giá 1.271,84 đồng/kWh, tức vượt khung giá năm 2015 (1.060 đồng/kWh) cũng được xác định chưa đúng quy định.

Với vụ việc này, Cục Điều tiết điện lực cũng chưa kiểm tra hợp đồng, báo cáo bộ trưởng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định. Vụ việc này diễn ra từ năm 2013 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Đến ngày 15/7, EVN và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 05 hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện chính thức 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện năm 2019.

Trên cơ sở đó, TTCP đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN làm việc với Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiểm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2.

Các bên có căn cứ, cơ sở xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện, báo cáo Cục Điều tiết điện lực và bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xem xét, chỉ đạo EVN xác định lãi trên số tiền đã tạm thanh toán vượt khung quy định so với giá điện được Bộ Công Thương phê duyệt đối với Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và Nhà máy thủy điện Sông Bung 4A.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện đàm phán lại giá mua điện của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Dự án thủy điện Đồng Nai 2 được khởi công từ ngày 30/12/2007, do Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 70MW (gồm 2 tổ máy 2x35MW), được xây dựng trên sông Đa Dâng, thượng nguồn sông Đồng Nai. Đây là bậc thang thứ ba trong quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch VI).

Trung Nam Group – lãi giảm sâu, chậm thanh toán trái phiếu, công ty con bị cưỡng chế thuế

Về đơn vị chủ đầu tư của dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Trung Nam Group.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, Trung Nam Group công bố việc chậm thanh toán lãi đối với lô trái phiếu có mã TNGCB2124001 với số tiền lãi chậm thanh toán là 106,9 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết, thay vì kỳ trả lãi ngày 23/11/2023, thời gian dự kiến sẽ lùi xuống ngày cuối năm 2023 (31/12).

Lô trái phiếu trên của Trung Nam Group được phát hành vào ngày 18/5/2021, đáo hạn vào ngày 18/5/2024 với tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Lãi suất cho năm đầu tiên cố định ở mức 9,5%/năm, từ năm thứ hai trở đi sẽ áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 3,5%/năm.

Mục đích phát hành của lô trái phiếu là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho Trung Nam Group để đầu tư, triển khai các dự án năng lượng tái tạo của Tập đoàn, và/hoặc các mục đích kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Dữ liệu trên HNX cho thấy, hai năm 2021-2022, Trung Nam Group đã phát hành 7 lô trái phiếu với tổng trị giá 5.830 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này đã tất toán 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.730 tỷ đồng và vẫn còn 3 lô trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2024 là lô TNGCB2224003 và lô TNGCB2124001 cùng có giá trị 2.000 tỷ đồng, còn lô TNGCH2224005 có giá trị 100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, đặt trụ sở chính tại Hà Nội, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển thành Tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm: năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.

Tổng tài sản của Trung Nam Group tại ngày 31/12/2022 đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu không biến động nhiều so với đầu năm, đạt mức 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2022 là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.

Theo thống kê, tính đến nay, Trung Nam Group có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 – kịp hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

Ở một động thái liên quan, Cục Thuế TP Đà Nẵng vừa ra quyết định cưỡng chế thuế số tiền hơn 445 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Trung Nam – một công ty con nằm trong hệ sinh thái Trung Nam Group.

Theo quyết định, việc cưỡng chế được thực hiện bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Trung Nam, mã số thuế: 0400405307, địa chỉ tầng 2 tòa nhà Indochina Riverside Tower, 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Lý do cưỡng chế là Công ty cổ phần Trung Nam nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền nợ thuế Công ty Cổ phần Trung Nam bị cưỡng chế lần này lên tới 445,55 tỷ đồng.

Cùng với quyết định cưỡng chế thuế, Cục Thuế TP Đà Nẵng cũng ra thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty Cổ phần Trung Nam.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân phát sinh số tiền nợ thuế khủng trên được cho là do khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất tại dự án khu đô thị Golden Hills do Công ty Cổ phần Trung Nam làm chủ đầu tư tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

An Tú/TCDN

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Ảnh: Công ty thủy điện của Trung Nam được Bộ Công Thương mua điện giá vượt trần, bất tuân Luật Điện lực.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cong-ty-thuy-dien-cua-trung-nam-group-duoc-mua-dien-gia-vuot-tran-bat-tuan-luat-dien-luc-d44954.html

Thiên tai năm 2023 gây thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng

Trong năm 2023, thiên tai diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều hiện tượng cực đoan, gây thiệt hại cho nước ta hơn 8.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai.

Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất. Điển hình như: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…

Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).

Ông Hải đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Song một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước…

TP. Đà Nẵng ngập sâu trong trận mưa ngày 13/10

Đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đánh giá việc hành động sớm để ứng phó thiên tai là khẩu hiệu xuyên suốt trong năm qua và đã phát huy nhiều hiệu quả.

Theo ông Hải, cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó.

“Việc hành động sớm đã giúp chúng ta chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đảm bảo an toàn về người”, ông Hải nói.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm 2023 thời tiết chịu ảnh hưởng của El Nino nên bão ít hơn, nhưng xuất hiện nắng nóng đỉnh điểm và mưa lớn cục bộ.

Cụ thể, ngày 6/6, Hồi Xuân (Thanh Hóa) nóng 44,1 độ C, vượt kỷ lục năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,3 độ C. Chỉ 1 ngày sau, Tương Dương (Nghệ An) xác lập kỷ lục nhiệt độ mới 44,2 độ C.

Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, miền Trung xảy ra ba đợt mưa lớn làm 14 người chết và mất tích. Trong đó đợt 13-17/11, Thừa Thiên Huế có nơi mưa hơn 800 mm trong một ngày gây ngập sâu 2 m ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ. Mực lũ ở trạm Kim Long, sông Phú Ốc lớn nhất trong 10 năm qua.

Tại Đà Nẵng, đợt mưa ngày 10-17/10 với tổng lượng trên 1.300 mm cũng gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực thành phố.

Chí Tâm – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất làm 9 người chết tại tỉnh Lào Cai

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/thien-tai-nam-2023-gay-thiet-hai-hon-8000-ty-dong-293832.html

Nhà ở xã hội: Cung thiếu trầm trọng so với cầu

Đến thời điểm này, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Nguồn cung mới đáp ứng 20% nhu cầu thực tế

Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030″. Cụ thể, mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn – nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động, đồng thời, còn là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp (DN) bất động sản trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Những dữ liệu nói trên cho thấy, để có thể đạt được mục tiêu đề ra, những người trong cuộc, từ cơ quan chức năng cho đến các DN trong ngành xây dựng còn phải “chạy” cả một đoạn đường dài. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, với sự chỉ đạo sát sao của nhà quản lý trong việc ưu tiên xử lý, tháo gỡ về thủ tục, chính sách, tài chính đồng thời là sự phối hợp chủ động của DN, tốc độ phát triển nhà ở xã hội đã khả quan hơn với ngày càng nhiều dự án được cấp phép triển khai và hoàn thành.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2021, cả nước chỉ có 3.046 căn hộ hoàn thành xây dựng và 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng thì sang đến năm 2022, con số này đã tăng lên gấp đôi, gấp bốn lần với 6.196 căn hoàn thành xây dựng và 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân. Theo đó, năm 2021, 2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng gần 6.000 căn hộ thì chỉ tính riêng quý III/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn hộ được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cả nước.

Kỳ vọng những tiến triển được tạo nên từ chính sách

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều DN tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.

Theo Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi với cơ chế thông thoáng hơn.

Cụ thể, việc dành 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án (trừ phần diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất trong dự án) mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo tính toán, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm.

Ngoài ra, việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội sẽ giúp chủ đầu tư có thêm lợi nhuận từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đây cũng là điểm kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tiếp thêm hy vọng mua được nhà cho người dân, đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.

Giới chuyên gia nhận định, đây chính là những động lực quan trọng để tạo đà cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp bứt phá trong thời gian tới.

Theo nhận định của ông Hwang Sung Kwwan – chuyên gia Tổng Công ty đất đai và nhà ở Hàn Quốc, phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cần gắn với các hạ tầng tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện cũng như cơ hội việc làm cho họ. Như thế mới hướng đến được đúng các đối tượng người có nhu cầu ở thực, từ đó tăng sự bền vững cho việc phát triển các dự án như vậy.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng cần phải hướng tới đầy đủ công năng, đáp ứng nhu cầu và điều kiện sống của cán bộ, công nhân viên, công nhân và người có thu nhập thấp, trung bình, bởi con người ta có an cư thì mới lạc nghiệp.

Bộ Xây dựng cho biết, về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.

Thanh Xuân – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Với nhiều chính sách mạnh mẽ, kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Quang Vinh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daidoanket.vn/nha-o-xa-hoi-cung-thieu-tram-trong-so-voi-cau-10269802.html

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng nay, 24/12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Quảng Ngãi có tiềm năng, lợi thế và truyền thống văn hóa phong phú của vùng đất anh hùng. Tỉnh là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc – Nam và Đông – Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển, trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí – luyện kim và trung tâm logistics lớn.

Ngoài ra, Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500 – 3.000 năm; giao thoa, tương tác với văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống cách mạng, quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, của những anh hùng khởi nghĩa Ba Tơ và rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo tài ba của đất nước.

Từ một địa phương nghèo, Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng, cao gấp 2 lần năm 2010.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; được xây dựng với triết lý, quan điểm: “Đa sắc – Hiệp đồng – Khác biệt”; với tầm nhìn chiến lược, không gian lãnh thổ đảm bảo tính kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Ngãi tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch cần giải quyết những hạn chế có tính chất điểm nghẽn và những thách thức đặt ra trong phát triển của tỉnh như: Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành kinh tế thâm dụng vào tài nguyên; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững chất lượng cao; tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang là thách thức đối với phát triển bền vững kinh tế và đời sống nhân dân…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.

“Tỉnh cần phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, hài hòa với những bước đi vững chắc, từng bước lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hình thành hệ sinh thái kinh tế đô thị – công nghiệp – dịch vụ. Quan tâm phát triển nông thôn hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế về những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc; về biển đảo, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng” – Phó Thủ tướng đề nghị. 

Theo nội dung công bố, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch. Bản Quy hoạch lần này được tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều; dựa trên sự phát triển bền vững cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế – xã hội – môi trường.

Dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, tỉnh đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình – hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi – một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung và Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển – đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại buổi Lễ.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đến đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25-8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700-7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực thành thị 100% và nông thôn trên 80%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại. 

Cũng tại buổi Lễ, Quảng Ngãi đã trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện một số dự án phát triển đô thị, sản xuất khí công nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận và tặng hoa cho các nhà đầu tư.

Nhân dịp này, tỉnh cũng đã khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi. Đây là dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88 km (trong đó có 09 hạng mục công trình cầu), với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình – Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc (thuộc địa phận TP. Quảng Ngãi); tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh.

Công trình sẽ được triển khai thi công hoàn thành trong thời gian 24 tháng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mỹ thuật. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh, kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến TP. Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam.

Xe cơ giới tham gia khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi…

                                                               Minh Trí

                                             (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các Bộ ngành TƯ và địa phương phát lệnh khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.

Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh bị xử phạt 160 triệu đồng

Với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng quy hoạch được phê duyệt, Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh đã bị UBND TP Hà Tĩnh xử phạt 160 triệu đồng, đồng thời yêu cầu phá dỡ các hạng mục sai phạm. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt.

Khu sinh thái xây dựng nhiều hạng mục sai quy hoạch

Ngày 22/12, trao đổi với Báo Công lý, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh (địa chỉ tại Khu Bắc Tiến, Phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh).

Trước đó, vào đầu tháng 10/2023, BQL dịch vụ công ích và trật tự đô thị TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND Phường Thạch Linh tiến hành kiểm tra tại Khu du lịch sinh thái Greeneco (Ngõ 549, Đường Trần Phú, TDP Hợp Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) và lập biên bản vi phạm hành chính số 42/BBVPHC ngày 11/10/2023 đối với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh do ông Hoàng Đức Tú làm người đại diện theo pháp luật.

Tại thời điểm kiểm tra Khu du lịch sinh thái Greeneco, phát hiện công trình xây dựng các hạng mục không đúng quy hoạch đã được phê duyệt, cụ thể: Xây dựng 4 sân bóng cỏ nhân tạo với tổng diện tích là 5.917m2; Xây dựng 1 nhà gỗ 2 tầng kích thước 9m × 15,6m, xung quanh làm mái che kết cấu khung thép lợp tôn với diện tích 246,8 m2, 1 nhà vệ sinh kết cấu tường xây gạch lợp mái tôn có kích thước 30m2; Đang tiến hành thi công 1 nhà kết cấu gỗ 2 tầng kích thước 71,4m2, 1 nhà kết cấu tường xây gạch lợp mái tôn có kích thước 172,2 m2, 1 nhà vệ sinh kết cấu tường, xây gạch lợp mái tôn có kích thước 52,3 m2 cùng với hệ thống sân và đường nội bộ.

Với những hạng mục xây dựng trên, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Sẽ cưỡng chế nếu đơn vị không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt

Hành vi trên của Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh đã vi phạm vào điểm c khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ –CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Khung hình phạt từ 160 triệu – 180 triệu đồng.

Sau khi phát hiện những sai phạm trên, ngày 12/10/2023, BQL dịch vụ công ích và trật tự đô thị đã có báo cáo gửi Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh. Tiếp đó Phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo đề xuất gửi UBND TP Hà Tĩnh xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh.

Ngày 16/10/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2544/QĐ-XPHC đối với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh.

Theo đó, căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ – CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh xử phạt Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh 160 000 000 triệu đồng (Một trăm sáu mươi triệu đồng), đồng thời yêu cầu đơn vị này khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cũng nêu rõ, trong 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh phải nộp số tiền phạt trên vào Tài khoản ngân sách của Thành phố, đồng thời phá dỡ các hạng mục xây dựng vi phạm; Nếu quá thời hạn mà Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.

Mặc dù vậy, nhưng gần 2 tháng trôi qua, đến nay (22/12/2023), Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa chấp hành Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh.

BQL dịch vụ công ích và trật tự đô thị TP Hà Tĩnh cũng đã ra thông báo lần 3 vào ngày 30/11/2023, yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt đến hết ngày 18/12/2023, tuy nhiên phía Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh vẫn “án binh bất động”.

“Vì đã ra thông báo lần 3, quá thời hạn rồi mà Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh vẫn không chấp hành thì sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh nói và cho biết thêm, Phòng đang hoàn thiện hồ sơ để trình lãnh đạo tiến hành các bước tiếp theo.

Bá Mạnh – Báo Công Lý

Theo Công Lý

Ảnh: Khu sinh thái Green Eco xây dựng nhiều hạng mục sai quy hoạch.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congly.vn/cong-ty-co-phan-xay-dung-va-du-lich-ha-tinh-bi-xu-phat-160-trieu-dong-410654.html

Bình Dương khó phát triển nhà ở xã hội vì vướng thể chế

Việc triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng nhà ở xã hội ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn và bất cập, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà, như thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài…

Với Đề án “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Tuy nhiên những vướng mắc về thể chế khiến nhiều người lo ngại rằng, tỉnh khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Xây nhà ở xã hội phải phù hợp nhu cầu

Bình Dương có 29 khu công nghiệp, thu hút gần 2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài. Với nguồn lực lao động này, nhu cầu về nhà ở là cực kỳ lớn, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Để đảm bảo cho người lao động được “an cư, lạc nghiệp”, Bình Dương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn hơn 5,1 triệu m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở khoảng 500.000 người. Trong đó, Tổng Công ty Becamex IDC là doanh nghiệp đã thành công với mô hình căn hộ 100 triệu đồng/căn bán cho công nhân.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Công ty Đầu tư – Phát triển công nghiệp của Tổng công ty Becamex IDC cho biết, công ty đã nghiên cứu đưa ra các mô hình xây dựng cho phù hợp. “Nhà ở xã hội phải là một mô hình đầy đủ từ quy hoạch, thiết kế để làm sao tối ưu hóa được về mặt sử dụng. Qua toàn bộ quá trình thiết kế, thi công, xây dựng, quản lí, vận hành, nó phải được nhìn nhận ở chiều sâu để sau này sản phẩm mang đến sự tiết kiệm trong quá trình sử dụng. Nhà ở xã hội phải phù hợp với khả năng chi trả, phù hợp với văn hóa và lối sống của đối tượng tiếp cận”, ông Hải nêu quan điểm.

Mặc dù Bình Dương được xem là tỉnh tiên phong và là điểm sáng trong xây dựng nhà ở xã hội, nhưng với gần 2 triệu lao động nguồn cung vẫn chưa đủ cầu. Do đó, người lao động vẫn phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, xác định người lao động đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, chăm lo. Trong đó, dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Để người lao động có điều kiện tốt nhất khi chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2 thì cần xây thêm nhiều khu nhà ở xã hội.

“Nhu cầu của người lao động khi đến Bình Dương là có nơi xây dựng mái ấm gia đình, có nơi an cư lạc nghiệp để yên tâm lao động sản xuất rất cao. Do đó, tổ chức công đoàn tiếp tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh, đề xuất với các cơ quan chuyên môn để mỗi người công nhân khi có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội được đáp ứng nhu cầu kịp thời. Tổ chức công đoàn cũng lưu ý nhiều vấn đề, giải pháp liên quan đến các chế độ chính sách để người lao động tiếp cận chế độ ưu đãi nhất trong điều kiện thuận lợi nhất trong thuê, mua nhà ở xã hội”, bà Loan đề cập.

Nhà ở xã hôi ở Bình Dương có các khu vui chơi cho con em công nhân – Ảnh: Thiên Lý

Phải có chính sách hỗ trợ

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Bình Dương được giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn so với dự báo nhu cầu là 115.836 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Với dự báo số lượng lao động ngày càng tăng, Bình Dương đang xây dựng “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu xây dựng khoảng 172.000 căn, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Từ nay đến năm 2025 sẽ xây trước 42.200 căn.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn và bất cập, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà, như thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài… Bên cạnh đó, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó tiếp cận, bởi các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm…

Ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản mới, đã tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư và đối tượng mua nhà ở xã hội. Để người lao động sớm tiếp cận được nhà ở xã hội thì cần xem lại lãi suất cho vay.

“Nguồn vốn mua nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thời gian qua lãi suất vẫn còn cao khiền người dân còn e ngại. Chính phủ và các cơ quan trong đó có Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét giảm lãi suất để người dân có thể tiếp cận tốt hơn và có cơ hội mua nhà ở trong tình hình còn nhiều khó khăn”, ông Phúc lưu ý.

Một góc nhà ở xã hội Định Hòa do Becamex IDC xây dựng – Ảnh: Thiên Lý

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Bình Dương đã làm tốt công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do vướng thể chế và hệ thống pháp luật còn lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau tạo ra rào cản kìm hãm quy trình xử lí thủ tục hồ sơ cho các dự án bất động sản, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Hiện nay, Chính phủ đã và đang có hành động quyết liệt để tháo gỡ, nhưng việc sửa những bộ luật cần có thời gian.

“Hy vọng trong năm 2024 sẽ có nhiều điểm nghẽn, khó khăn chính sách được thay đổi. Đặc biệt là thành công trong sự kiểm soát của Nhà nước và Chính phủ sẽ tác động làm cho thị trường dần dần lấy lại được niềm tin, lấy lại được những hoạt động kinh tế và dần dần đi theo hướng ổn định”, ông Đính nói.

Trong khi chờ quy định của pháp luật được sửa đổi, DN mong rằng những khó khăn nội tại cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương để tháo gỡ. Tỉnh cần có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng nhà ở xã hội, như vậy mới đạt được mục tiêu cao cả là đem lại nơi ở, chỗ an cư cho những người đang thực sự rất cần.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Theo VOV.VN

Ảnh: Bình Dương là điểm sáng xây nhà ở xã hội khi có những căn hộ 100 triệu đồng – Ảnh: Thiên Lý

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/kinh-te/binh-duong-kho-phat-trien-nha-o-xa-hoi-vi-vuong-the-che-post1067413.vov

Bắc Ninh: Công trình vi phạm sao không xử lý?

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, thế nhưng dự án quán Bar PB Space Club tại khu 6 phường Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn được chủ đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, dự án đã quá thời hạn hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng theo yêu cầu mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện nhưng cơ quan chức năng không tháo dỡ công trình vi phạm…

Qua tìm hiểu, ngày 23/8/2023, Đội quản lý trật tự xây dựng thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng tại đồi Pháo Thủ thuộc khu 6, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) làm chủ đầu tư.

Quá trình kiểm tra cho thấy Công ty Phượng Hoàng đang thực hiện việc thi công xây dựng công trình trên diện tích 23m x 42m (khoảng 966m2). Thời điểm kiểm tra, công trình đã dựng khung thép, lợp tôn, chạy đường điện, lắp đèn trang trí cùng nhiều hạng mục khác.

Trong quá trình làm việc, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng (GPXD) theo yêu cầu. Vì vậy, Đội Quản lý trật tự xây dựng thành phố đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi: Tổ chức thi công, xây dựng công trình không có GPXD được cơ quan có thẩm quyền cấp, vi phạm điểm c, khoản 7, Điều 16, Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.

Ngày 28/8/2023 UBND thành phố Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Phượng Hoàng số tiền 130 triệu đồng với hành vi xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng nhưng không thực hiện.

Quyết định nêu rõ, trong thời gian 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định, Công ty Phượng Hoàng phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc GPXD điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.

Nếu hết thời hạn 90 ngày, Công ty không xuất trình được một trong những giấy tờ trên thì người có thẩm quyền xử phạt ra văn bản thông báo yêu cầu Công ty tự phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nếu tổ chức vi phạm không thực hiện biện pháp buộc tự tháo dỡ theo quy định thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đến nay đã quá thời hạn gần 4 tháng nhưng Công ty Phượng Hoàng vẫn chưa hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD công trình vi phạm nêu trên.

Được biết, dự án trên được Công ty Phượng Hoàng đầu tư làm quán Bar dưới tên gọi “ Bar PB Space Club”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 15/9/2023, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh và đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Công an tỉnh cùng Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị thành phố, phường Đáp Cầu và đại diện Công ty Phượng Hoàng họp xem xét hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án quán Bar PB Space Club. Cuộc họp tập trung vào các vấn đề về: Đất đai, quy hoạch, môi trường, các giấy tờ liên quan GPXD và phòng cháy chữa cháy.

Trong cuộc họp ông Nguyễn Song Hà – Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, yêu cầu Công ty Phượng Hoàng thuê các đơn vị tư vấn để đo đạc, kiểm tra đất đai, công trình xây dựng và xin xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xong trước ngày 30/9/2023.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh giao UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (Công an tỉnh) cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát quy hoạch, hiện trạng công trình, đất đai đối chiếu với các quy định của pháp luật để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo đề nghị của Công ty Phượng Hoàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Thúc – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Bắc Ninh, cho biết, hiện nay Công ty Phượng Hoàng đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch Quốc tế Phượng Hoàng thuộc khu 6, phường Đáp Cầu. Bên cạnh đó, công ty đang đề nghị các sở ban ngành của tỉnh Bắc Ninh xem xét cho đơn vị hoàn thiện hồ sơ pháp lý cấp GPXD trong khi chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỉnh Bắc Ninh sau này…

Việc quán Bar PB Space Club đã quá thời hạn 90 ngày để chủ đầu hoàn thiện giấy phép xây dựng, giấy phép điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép là đúng. Hiện dự án trên được cho tồn tại và giữ nguyên hiện trạng hay không, Đội quản lý trật tự đô thị thành phố vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ UBND thành phố Bắc Ninh. Hình thức xử lý triệt để sai phạm tại quán Bar PB Space Club ra sao, Đội vẫn chưa lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và cũng đang chờ chỉ đạo từ cấp trên.

Đề nghị lãnh đạo thành phố Bắc Ninh sớm xử lý dứt điểm sai phạm.

Ngày 28/8 vừa qua, UBND thành phố Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Phượng Hoàng. Ngày 7/9, phóng viên xuống ghi nhận thực tế thấy công nhân đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục thiết yếu để đưa công trình vào hoạt động. Khi phóng viên gọi điện trực tiếp cho chủ tịch UBND phường Đáp Cầu kiến nghị sự việc và chờ đợi cán bộ xuống giám sát hành vi vi phạm nhưng hơn một tiếng đồng hồ không thấy ai xuống hiện trường.

Thượng Quang – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Hiện trường công trình đang xây dựng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/bac-ninh-cong-trinh-vi-pham-sao-khong-xu-ly-164261.html

Hà Nội: Xử phạt hơn 3 tỷ đồng vi phạm hành chính của các chung cư mini

Theo UBND TP. Hà Nội, qua tổ chức kiểm tra tại 69.448 công trình lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm đối với 156 công trình chung cư mini vi phạm hành chính về pháp luật xây dựng với số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2023 đã kiểm tra 16.560 công trình với 416 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 2,51%. Trong số các công trình vi phạm có 156 công trình vi phạm thuộc chung cư mini.

Các lỗi vi phạm chủ yếu của các công trình chung cư mini có thể kể tới như: Xây dưng không phép, xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế và các vi phạm khác. Những lỗi vi phạm này của các công trình chung cư mini ảnh hưởng tới công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường.

UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội đã ban hành 906 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 23,7 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước với số tiền trên 15,2 tỷ đồng.

So với năm 2022, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính giảm, nhưng số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1,86 lần. Nguyên nhân là do có sự thay đổi quy định pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm về xây dựng theo quy định tại Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND TP. Hà Nội.

Được biết, thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật xây dựng đối với chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 của UBND Thành phố.

Kết quả, đến nay, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 2.611 nhà chung cư; 30.298 cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ; 385 nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và 36.154 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đáng chú ý, trong số các công trình kiểm tra, có 156 công trình chung cư mini vi phạm hành chính về pháp luật xây dựng với số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng.

Nguyễn Trung – Tạp chí Tài chính

Theo Tạp chí Tài chính

Ảnh: Trong số các công trình kiểm tra, có 156 công trình chung cư mini vi phạm hành chính về pháp luật xây dựng với số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tapchitaichinh.vn/ha-noi-xu-phat-hon-3-ty-dong-vi-pham-hanh-chinh-cua-cac-chung-cu-mini.html?source=cat-87

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 23/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Cùng dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.

Ngoài ra còn có Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, địa phương.

Dự án Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được khởi công năm 2012. Riêng Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đi vào hoạt động từ năm 2013, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.700 ha. Đây là dự án KCN Việt Nam – Singapore đầu tiên ở miền Trung, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với vốn FDI khoảng 950 triệu USD.

Sau hơn 10 năm đầu tư, phát triển hạ tầng theo chuẩn mực của khu công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 35 nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD đến từ các quốc gia/ vùng lãnh thổ, như Mỹ, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc… Trong số này, hiện đã có 26/35 nhà đầu tư đi vào hoạt động, tạo hơn 29.000 việc làm (90% là người Quảng Ngãi), thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến khi tất cả 35 nhà đầu tư đi vào hoạt động sẽ tạo ra khoảng 53.000 việc làm cho lao động địa phương và vùng lân cận.

Đến nay, Dự án Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã phát triển được khoảng 508 ha/660 ha, với hạ tầng và các công trình công cộng được xây dựng đồng bộ; nhà máy xử lý nước thải có tổng công suất 12.000 m3/ngày, trạm cứu hỏa và an ninh chung 24/7 cùng nhiều tiện ích khác, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và phát triển của nhà đầu tư.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, hiện dự án VSIP II Quảng Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại khu công nghiệp, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh…

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng đây là sự kiện rất có ý nghĩa trong năm 2023, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore và làm dày thêm thành tựu trong quan hệ hợp tác hai nước. Trên bình diện địa phương, sự kiện này đánh dấu thành công của chủ trương kiên trì chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy công nghiệp làm mũi nhọn phát triển của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ. Đồng thời sẽ mở ra cơ hội phát triển mới trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian tới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi Lễ.

 “Trong giai đoạn mới, VSIP II Quảng Ngãi sẽ là Khu Công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, đổi mới sáng tạo và phát triển mạnh mẽ hơn các khu VSIP đã có. Đánh giá quá trình triển khai 10 năm qua, VSIP Quảng Ngãi đã giải quyết khoảng 30.000 lao động ở địa phương, mang đến sự ổn định, an tâm trong cuộc sống của rất nhiều gia đình người dân Quảng Ngãi. Tôi mong muốn giai đoạn 10 năm tới, các khu VSIP Quảng Ngãi với định hướng tầm nhìn công nghệ cao, số lượng người lao động có thể ít hơn nhưng thu nhập sẽ phải cao hơn; giữ vai trò quan trọng hơn trong thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của Quảng Ngãi” – Chủ tịch nước nói.

“Trong vai trò đồng hành quan trọng của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì sự thành công của các nhà đầu tư là thành công trong điều hành chính sách. Nếu nhà đầu tư không thành công, thì đó cũng là thất bại trong điều hành chính sách” – Chủ tịch nước nhấn mạnh – “Do vậy, trên tinh thần đó, tôi mong muốn chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần coi trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính để mỗi nhà đầu tư đến Việt Nam nói chung, đến Quảng Ngãi nói riêng, đều cảm thấy an tâm với môi trường đầu tư, tiếp tục đầu tư kinh doanh, mang lại giá trị cao hơn. Từ đó, góp phần thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thực hiện, đó là phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan mô hình VSIP đầu tư tại Quảng Ngãi.

Cũng tại buổi Lễ, tỉnh Quảng Ngãi đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án cấp mới vào Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký khoảng 69,3 triệu USD và 2 dự án đầu tư mở rộng với tổng vốn tăng thêm khoảng 10,8 triệu USD.

Dịp này, các nhà tài trợ cũng trao các suất học bổng khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

                                                               Thiên Bút

                                             (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.

1.100 trận thiên tai làm 166 người chết và mất tích trong năm 2023

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) thông tin, trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai.

Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại TX Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.

Ông Hải đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe…

“Cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó”, ông Hải nói.

Còn ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, tính đến hết ngày 21/12, trên Biển Đông đã có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). So với trung bình nhiều năm (TBNN), số lượng bão, ATNĐ năm nay hoạt động trên Biển Đông ít hơn rất nhiều.

Các cơn bão và ATNĐ hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền, riêng cơn bão số 1 đổ bộ vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 cho vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng. ATNĐ trong tháng 9 di chuyển vào đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.

“Số lượng bão, ATNĐ ít hơn so với TBNN là một điều khác thường, tuy nhiên trong bối cảnh El Nino thì đây lại là điều bình thường, vì thống kê những năm có El Nino, số lượng Bão, ATNĐ thường ít hơn so với TBNN”, ông Lâm thông tin.

Cũng theo ông Lâm, thiên tai đang gia tăng về tần suất và cường độ, làm tăng số người tử vong và thiệt hại tài sản.

Ông Lâm cho rằng, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; đầu tư và phát triển hệ thống cảnh báo sớm hơn để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về thiên tai; tổ chức tập huấn cho người dân hiểu rõ về thông tin khí tượng thủy văn cần truyền tải trong các bản tin; xây dựng hạ tầng chống chịu; thiết kế và xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn chống chịu với điều kiện thiên tai cực đoan…

Hạ Quỳnh – Báo ANTĐ

Theo An ninh Thủ đô

Ảnh: Vụ sạt lở đất ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng làm 7 người thương vong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.anninhthudo.vn/1100-tran-thien-tai-lam-166-nguoi-chet-va-mat-tich-trong-nam-2023-post562063.antd

Giao dịch bất động sản tăng rõ rệt trong 6 tháng cuối năm

Theo tổng kết của Bộ Xây dựng, 6 tháng cuối năm 2023, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư… có sự phục hồi tốt, giao dịch ngày càng nhiều.

Ngày 22/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Nhưng những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng và các địa phương để tháo gỡ khó khăn đã mang lại kết quả, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Trong 6 tháng cuối năm, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư…có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về giá giao dịch, giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm. Tuy nhiên, giá nhà ở thấp tầng và một số loại phân khúc bất động sản khác giảm mạnh từ 10 – 20%.

Về tổng lượng giao dịch, tính đến hết quý III, có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41,29% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ bằng 35,79% so với năm 2022.

Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 63,07% so với năm 2022.

Về tồn kho bất động sản, theo số liệu báo cáo của 53/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản trong quý III vào khoảng 18.808 căn, trong đó tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc đến hết quý III. Nhà ở thương mại hoàn thành 42 dự án với khoảng 15.966 căn, đạt khoảng 46,15% so với năm 2022.

Nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 5 dự án với quy mô 850 căn hộ. Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 17 dự án bằng 56,67% so với năm 2022.

Về tín dụng bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/8/2023 đạt 986.477 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến hết tháng 8/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 132.358 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%). Hiện thị trường có 455 mã trái phiếu niêm yết, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành là 56,9 nghìn tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ước đạt 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đứng thứ 2 trong các nhóm ngành.

Hướng đến năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5 – 7%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 43,7%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt trên 26,5m2 sàn/người.

Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, trọng tâm là hoàn thành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn và các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Châu Anh – Báo VTC News

Theo VTC News

Ảnh: Trong 6 tháng cuối năm, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư…có sự phục hồi tốt. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtc.vn/giao-dich-bat-dong-san-tang-ro-ret-trong-6-thang-cuoi-nam-ar842707.html

Hà Nội: 712 dự án chậm tiến độ

‘Với 712 dự án chậm tiến độ thành phố rà soát hồ sơ rất kỹ, bởi có những dự án đã tồn tại vài chục năm. Mỗi dự án một số phận, không dự án nào giống dự án nào nên không thể áp cả được mà phải xét từng dự án cụ thể’, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nói.

Tiến độ “rùa bò”

Hiện có nhiều dự án chậm triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, như Dự án xây dựng công trình thu gom nước thải sông Lừ, thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội được khởi công năm 2020. Theo phê duyệt, gói thầu sẽ thi công tuyến cống bao và các giếng, hố ga… đi qua sông Lừ, sông Sét, với tổng chiều dài toàn tuyến 7,6 km qua các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa.

Dự án đoạn qua quận Hoàng Mai đến nay vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, có nơi đã trở thành điểm tập kết rác thải tự phát. Chị Lê Thị Vân, cư dân vùng dự án, nói rằng, năm 2020, khi dự án triển khai, nhà thầu đã đào đường, lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Tuy nhiên, khi dự án dừng đột ngột, nhiều đoạn đường tại đây bị đào xới, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt; trời nắng thì bụi bặm mù mịt.

Theo thường trực HĐND TP Hà Nội, hiện có nhiều dự án chậm tiến độ, như tuyến đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, mới thực hiện được 2 đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, mới thực hiện được 1 tuyến Cát Linh – Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch. Theo thống kê của Sở KH&ĐT Hà Nội, hiện có 712 dự án chậm tiến độ; nguyên nhân chính là do công tác GPMB, tiến độ giải ngân vốn. Ngoài ra, còn do năng lực nhà thầu, sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Đại diện Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm triển khai là do năng lực nhà thầu yếu kém. Vì vậy, chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu. Chủ đầu tư đang tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới, tiếp tục triển khai dự án.

Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa gồm 2 hạng mục chính là cụm công trình đầu mối và tuyến kênh dẫn La Khê. Dự án được khởi công cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1/2020, Trạm bơm Yên Nghĩa được đưa vào vận hành tiêu úng. Tuy nhiên, phần kênh La Khê phục vụ dẫn nước cho trạm bơm vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Sẽ thu hồi

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Trong đó, hầu hết các dự án chậm tiến độ đều phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có dự án phải điều chỉnh 5-6 lần, mỗi lần lại mất một khoảng thời gian. Ngoài ra, việc GPMB gặp nhiều khó khăn do khiếu kiện, khiếu nại. Trong khi đó, mỗi dự án lại có đặc thù và tùy từng loại đất thì lại quy định thời gian khác nhau, thủ tục khác nhau. Một số nguyên nhân khác là khó khăn thi công, di chuyển hạ tầng kỹ thuật, giá vật liệu xây dựng tăng cao, dịch Covid-19…

Đối với các dự án chậm tiến độ, thành phố đã phối hợp với chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Với các dự án không thể triển khai, chuyển đổi, thành phố sẽ thu hồi.

Tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 14 của HĐND TP Hà Nội được tổ chức ngày 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang tập trung giải quyết các nhóm vấn đề. Tinh thần của thành phố là tháo gỡ, thúc đẩy có điều kiện, còn dự án nào không “đi” được nữa thì phải thu hồi.

Thanh Hiếu – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Thi công ga ngầm đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội tại khu vực ngã tư Kim Mã – Núi Trúc thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/ha-noi-712-du-an-cham-tien-do-post1598243.tpo

Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam bị phạt 264 triệu đồng do vi phạm về môi trường

Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam ở cụm công nghiệp Cao An, xã Cao An (Cẩm Giàng) bị xử phạt 264 triệu đồng do xả thải vượt quy chuẩn cho phép.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản vừa ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam ở cụm công nghiệp Cao An, xã Cao An (Cẩm Giàng) 264 triệu đồng do xả nước thải có 7 thông số môi trường nguy hại, thông thường vượt quy chuẩn cho phép ra ngoài môi trường.

Trong số tiền xử phạt gồm cả tiền xử phạt tăng thêm theo quy định tại khoản 11, điều 19 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Vi phạm của công ty diễn ra vào ngày 10/11/2023. Trong nước xả thải có 7 thông số môi trường nguy hại: thông số Zn nguy hại vượt 3,9 lần, P tổng vượt 17 lần, TSS vượt 7 lần, Fe vượt 6,16 lần, COD vượt 2,04 lần, BOD vượt 1,72 lần, PH vượt 10,3 với lưu lượng trung bình khoảng 2 m3 đến dưới 5 m3/ngày.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, công ty còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 19/12 và phải chi trả hơn 3,3 triệu đồng kinh phí phân tích mẫu nước thải.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cũng đã ký quyết định xử phạt Công ty CP Thương mại Cơ khí Công Trình ở quận Ba Đình (TP Hà Nội) 90 triệu đồng; phạt Công ty TNHH Tâm Phúc Xanh ở thị trấn Lai Cách 80 triệu đồng do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

PV – Báo Hải Dương

Theo Hải Dương

Ảnh: Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc Việt Nam ở cụm công nghiệp Cao An, xã Cao An (Cẩm Giàng) bị xử phạt 264 triệu đồng do vi phạm về môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baohaiduong.vn/cong-ty-tnhh-co-khi-ngu-phuc-viet-nam-bi-phat-264-trieu-dong-do-vi-pham-ve-moi-truong-368657.html

Nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng vào dịp cuối năm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc đã vào cuộc gỡ vướng cho các dự án bất động sản tại nhiều địa phương.

TP HCM gỡ vướng 3 dự án

UBND TPHCM vừa cho biết, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đã tổ chức 5 cuộc họp để tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, 3 dự án bất động sản vừa được giải quyết vướng mắc gồm: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Hiện vẫn còn 12 dự án được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP HCM, gồm: Dự án tại số 3A – 3B Tôn Đức Thắng (quận 1), dự án Căn hộ Lê Thành Tân Tạo 2, dự án khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành, tổ hợp cao ốc thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai (quận 11)…

Với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư làm nhà ở thương mại, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu thay đổi mục tiêu từ đầu tư nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

UBND thành phố cũng có báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu tháo gỡ khó khăn theo đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng liên quan đến 30 nội dung kiến nghị về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và nhà ở thương mại. Trong đó có 18 nội dung đã được các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn, 12 nội dung còn lại tiếp tục đề xuất. Ngoài ra có thêm 9 kiến nghị mới được các sở, ngành bổ sung.

Đến nay, UBND TP HCM đã làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16 dự án. Còn 20 dự án khác, các sở, ngành vẫn đang tiếp tục rà soát pháp lý.

Về nhà ở xã hội, thành phố cho biết vẫn còn vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của 8 dự án. Trong đó có hai dự án đang gặp vướng về hoàn trả chi phí hạ tầng là Khu dân cư 28 ha tại huyện Nhà Bè và Khu dân cư thương mại 12,3 ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. 6 dự án còn lại đang vướng việc dành 20% quỹ đất tại dự án để xây nhà ở xã hội.

Do đó, thành phố kiến nghị tổ công tác làm việc với các bộ, ngành liên quan cho phép các dự án khi triển khai hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo văn bản UBND TP HCM đã chấp thuận trước đây.

Bình Định tháo gỡ vướng mắc cho 4 dự án BĐS

UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong tháng 11/2023, UBND tỉnh có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 4 dự án khu đô thị, khu dân cư.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư An Việt Phát được giao đất hơn 3 ha để thực hiện Dự án Khu dân cư Ánh Việt tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn gồm 6.988,6 m2 đất nhà ở liên kế; 7.100,5 m2 đất nhà ở chung cư; 16.531,9 m2 là đất công trình cộng cộng, hạ tầng kỹ thuật cây xanh, giao thông, trường mẫu giáo.

Đối với phần diện tích 1.909 m2 nằm trong quy hoạch đường Điện Biên Phủ nối dài; UBND tỉnh Bình Định không giao cho Công ty TNHH Đầu tư An Việt Phát và Nhà nước thực hiện quy hoạch đường giao thông.

Công ty TNHH Grand Việt Hưng cũng được UBND tỉnh Bình Định giao đất, cho thuê đất (đợt 1) với diện tích hơn 9,6 ha (tại phường Tam Quan và phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) để đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng.

Công ty TNHH Grand Việt Hưng được giao đất công trình dịch vụ, công cộng với diện tích 8.193,7 m2; đất ở 40.116 m2; đất cây xanh, công viên 9.595 m2; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật 38.358,9 m2.

Phối cảnh dựng Dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng. Ảnh BĐT.

Trước đó vào ngày 17/11/2023, Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland cũng được giao đất hơn 3,9 ha để đầu tư xây dựng Dự án Khu dân cư Phúc Gia Tân tại phường Bồng Sơn và phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn. Bao gồm đất ở liên kế 14.844,44 m2; đất ở biệt thự 1.222,7 m2; đất cây xanh công cộng 4.181,02 m2; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật 12.817,39 m2; đất thuộc hành lang an toàn đường sắt (đất giao thông và cây xanh cách ly) 6.339,55 m2.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư TCV được giao đất với diện tích hơn 10,1 ha (gồm đất nhà ở liên kế 33.563 m2; đất công trình công cộng 9.145,4 m2; đất cây xanh 11.203,5 m2; đất giao thông 47.831,1 m2) để đầu tư xây dựng Dự án Khu phố thương mại – dịch vụ thuộc Khu đô thị Phú Mỹ Tân tại phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn.

Sau khi giao đất, cho thuê đất, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể, làm cơ sở để xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 4 chủ đầu tư trên.

Theo báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ của UBND tỉnh Bình Định vào ngày 19/11/2023, 4 dự án trên nằm trong danh sách 34 dự án khu đô thị, khu dân cư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai.

Trong đó, 3 dự án chưa có quyết định giao đất, vướng giải phóng mặt bằng; chưa thực hiện các thủ tục liên quan về tài chính như giá trị m3, tiền sử dụng đất.

Đông Bắc/DNVN

Theo Doanh nhân VN

Ảnh: TP HCM có thêm 3 dự án bất động sản được gỡ vướng. Ảnh BXD.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/nhieu-du-an-bat-dong-san-duoc-go-vuong-vao-dip-cuoi-nam.html

Thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải để nâng cao ý thức BVMT

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải.

Bộ Tài chính cho biết, ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Phí BVMT đối với khí thải được quy định tại Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, để ban hành văn bản quy định thu phí đảm bảo tính khả thi trong thực hiện và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ: Quy định thu phí BVMT phải đảm bảo đồng bộ với pháp luật chuyên ngành về quan trắc môi trường của khí thải (xác định: khối lượng khí thải, hàm lượng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải, mức thu phí); cũng như phương tiện, thiết bị đo kiểm; kết nối dữ liệu quan trắc để phục vụ hoạt động quản lý xả khí thải,… để làm cơ sở cho hoạt động khai, nộp phí BVMT đối với khí thải; đảm bảo công bằng, hợp lý, dễ dàng, thuận tiện cho người nộp phí và cơ quan quản lý thu phí.

Pháp luật về quản lý khí thải đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, hoạt động quản lý quan trắc môi trường đối với khí thải cơ bản mới áp dụng được với các cơ sở có lượng xả thải khí thải lớn (thuộc diện phải quan trắc môi trường). Phí BVMT đối với khí thải là khoản thu mới, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, Bộ TNMT và các Bộ liên quan mới nghiên cứu và đề xuất quy định thu phí đối với 04 loại khí thải và áp dụng đối với cơ sở xả khí thải lớn; có điều kiện về công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc môi trường làm cơ sở khai, nộp phí.

Qua quá trình nghiên cứu, Bộ TNMT đã xây dựng Đề án thu phí BVMT đối với khí thải gửi Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án Nghị định quy định thu phí BVMT đối với khí thải.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định phí BVMT quy định đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật phí đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn BVMT và nhằm từng bước nâng cao ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội. Huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người xả khí thải để tạo nguồn lực cho hoạt động BVMT đối với không khí.

Đối tượng nào phải chịu phí BVMT?

Theo quy định tại Điều 88 Luật BVMT thì có 02 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải gồm:

Thứ nhất, phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải.

Đối với nguồn thải này, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định: Tổng khối lượng xả thải, hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải và cơ quan quản lý trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để quản lý nguồn thải này. Vì vậy, nếu quy định thu phí đối với nguồn thải này thì chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp. Mặt khác, việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Thứ hai, cơ sở, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả khí thải.

Đối với nguồn thải này, pháp luật về BVMT đã quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải đối với nguồn thải này, như: Dự án gây ô nhiễm môi trường lớn phải được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (quản lý đầu vào đối với hoạt động xả thải); cơ sở, dự án xả khí thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, quan trắc định kỳ,… và báo cáo dữ liệu quan trắc cho cơ quan TNMT (quản lý đầu ra đối với hoạt động xả thải).

Một số ý kiến đề nghị quy định thu phí BVMT đối với tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường và tất cả các nguồn thải nêu trên.

Tuy nhiên, việc quy định thu phí BVMT đối với khí thải phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ.

Phí BVMT là chính sách thu phí mới; việc xác định số phí BVMT phải nộp (khối lượng khí thải, hàm lượng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải,…), kê khai, thẩm định số liệu khai phí là khó khăn; cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ nguồn thải, cơ quan quản lý trong việc quan trắc môi trường của khí thải trong việc: Quan trắc khí thải, cung cấp, báo cáo dữ liệu quan trắc khí thải,… để làm cơ sở cho hoạt động khai, nộp phí BVMT đối với khí thải; đảm bảo công bằng, hợp lý, dễ dàng, thuận tiện cho người nộp phí và cơ quan quản lý thu phí.

Căn cứ quy định pháp luật về BVMT đối với khí thải, tình hình thực tế hoạt động quản lý khí thải hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ TNMT đã xây dựng và đề xuất, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải mà pháp luật BVMT quy định có thể kiểm soát được khí thải phát sinh, quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định về đối tượng chịu phí và người nộp phí, như sau:

Đối tượng chịu phí BVMT theo quy định tại Nghị định này là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại cột (2) Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và thuộc đối tượng phải cógiấy phép môi trường (sau đây gọi chung là cơ sở xả khí thải).

Người nộp phí BVMT đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải quy định trên.

Khánh Linh – Báo Chính Phủ

Theo Chính Phủ

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baochinhphu.vn/thu-phi-bao-ve-moi-truong-doi-voi-khi-thai-de-nang-cao-y-thuc-bvmt-102231221113134033.htm