• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 60

BRT và đường sắt đô thị: Lựa chọn nào?

Đến thời điểm này, thất bại của tuyến buýt nhanh (BRT 01) tại Thủ đô Hà Nội là không thể bàn cãi. Mới đây, Hà Nội đề xuất làm đường sắt thay tuyến buýt nhanh BRT gây nên không ít tranh luận. Vậy BRT và đường sắt đô thị, phương án nào tốt hơn, khả thi hơn và hiệu quả hơn đối với Thủ đô?

Mới đây, để phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội dự kiến nghiên cứu xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đi theo đường Lê Văn Lương vốn tồn tại tuyến buýt nhanh BRT. Điều này đã gây ra không ít tranh cãi, bởi nếu so với BRT 01, tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông dù có nhiều điểm sáng hơn cả về lượng khách và chất lượng chuyến đi, nhưng thời gian thi công quá dài lại là một điểm trừ lớn.

Vậy loại phương tiện nào tốt hơn? Thông thường, metro thường được coi là đỉnh cao của giao thông đô thị hiện đại. Chúng nhanh, hiệu quả, phù hợp với giao thông xanh trong khi BRT ít hào nhoáng hơn và thường bị gán ghép với các tuyến buýt thông thường.

Nhưng một nghiên cứu từ trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch đã chỉ ra rằng, không phải quan niệm vừa nêu lúc nào cũng đúng. Nghiên cứu lấy dữ liệu từ 86 tuyến metro và buýt nhanh tại nhiều đô thị lớn trên thế giới thông qua các biến số như Tiết kiệm thời gian đi lại, nhu cầu của hành khách, góp phần chuyển đổi phương thức đi lại… Dữ liệu thu thập từ các đô thị cho ra rất nhiều kết quả khác nhau.

Về tiết kiệm thời gian đi lại, BRT tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã góp phần giảm tới 65%, trong khi ở Madrid (Tây Ban Nha) là 33% và Miami (Mỹ) chỉ là 10%. Nhu cầu đi xe buýt của hành khách sau khi xuất hiện BRT cũng lần lượt là 150% ở Istanbul, 85% ở Madrid và 50% ở Miami.

Xét về tác động tới hành khách, qua khảo sát tại 13 thành phố, BRT trung bình khiến 17% người trải nghiệm quyết định thay đổi phương thức di chuyển; trong khi với đường sắt đô thị, con số này ở mức trung bình 23% đối với metro và 16% đối với đường sắt nhẹ.

Dù còn hạn chế về mặt dữ liệu, tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, BRT vẫn có thể cải thiện thời gian đi lại, góp giảm ùn tắc giao thông tương tự như đường sắt đô thị.

Do đó, không thể khẳng định rằng đường sắt đô thị luôn tốt hơn BRT. Điều này còn tùy thuộc vào bối cảnh, chính sách áp dụng tại từng đô thị.

Quay trở lại với Hà Nội, tại tọa đàm “Làm đường sắt thay BRT 01, ổn không?” trên VOV Giao thông vào ngày 1/12 vừa qua, ông Đinh Đăng Hải – chuyên gia về Giao thông và đô thị chia sẻ: “Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, BRT là một trong những phương thức vận tải hành khách công cộng hiệu quả tốt nhất về đầu tư. BRT hiệu quả vì có tổng đầu tư trên mỗi km là rất thấp; về số lượng hành khách thì dù không bằng đường sắt đô thị nhưng tính trên đầu người về mặt tài chính là rất tốt.

Nhưng tại sao BRT Hà Nội lại chưa được thành công như kỳ vọng là vì hệ thống này vẫn còn thiếu một số yếu tố. Thứ nhất là làn đường không được bảo vệ tuyệt đối. BRT vẫn phải đi chung với xe khác, ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ. Thứ hai là đèn tín hiệu, toàn bộ đèn tín hiệu hiện nay của chúng ta là dùng chung và không có sự ưu tiên nào cho BRT. Và điều quan trọng nhất là BRT Hà Nội chưa có kết nối an toàn. Các bến BRT đặt ở dải phân cách giữa. Việc đi bộ từ vỉa hè sang trạm không được an toàn, ảnh hưởng tới việc tiếp cận, giảm sức hấp dẫn của BRT.

Về mặt kỹ thuật, tôi không ủng hộ việc thay đường sắt đô thị cho BRT. Vì BRT có tất cả tính năng giống đường sắt đô thị. Giờ chúng ta lại bỏ đi, đánh đổi, chịu rủi ro để làm một hệ thống tương tự thì rất lãng phí”.

Trong khi đó, tại Trung Quốc hiện đang thử nghiệm một loại vận tải mới hiệu quả hơn BRT nhưng lại ít tốn kém hơn đường sắt đô thị. Được biết đến với cái tên ART (Autonomous Transit Rapid), hay còn gọi là vận tải tự hành siêu tốc, được Công ty sản xuất đầu máy điện Trung Quốc CRRC phát triển từ năm 2013 như một cách để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở các trung tâm đô thị đông đúc tại nước này.

Mô hình phương tiện ART tại Trung Quốc. (Ảnh: Bored Panda)

Phương tiện được mô tả là sự kết hợp giữa xe buýt và xe điện – còn được gọi là ” xe điện không đường ray” khi có ngoại hình giống tàu hỏa, có các toa được nối với nhau bằng các lối đi có khớp nối; phương tiện chạy trên một làn đường riêng nhưng lại không cần đường ray.

Một chiếc ART ba toa dài khoảng 30 m có chi phí đầu tư khoảng 15 triệu nhân dân tệ (tức khoảng 2,2 triệu USD), có thể di chuyển với tốc độ 70 km/h và chở tới 300 hành khách.

Tuyến ART đầu tiên trên thế giới được khai trương tại Chu Châu từ tháng 6/2017, với tổng chiều dài 6,5 km. Cho đến nay, đã có 4 nước sử dụng tàu ART bao gồm Trung Quốc, Úc, thủ đô Abu Dhabi của các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Malaysia. Thành phố Kuching ở Malaysia cũng đã mua 38 xe ART. Hiện phương tiện này đang được sử dụng với mục đích chính là kết nối các tuyến metro với các vùng ngoại ô của đô thị.

Ông Peter Newman, giáo sư tại đại học Curtin (Australia) chia sẻ: “Tại Chu Châu, Trung Quốc, họ có hệ thống metro hiện đại, nhưng cần một giải pháp để cải thiện kết nối giữa người dân và metro. Họ không thể làm thêm hệ thống đường sắt nhẹ vì quá phức tạp, nên họ đã nghĩ ra ART, một dạng đường sắt nhưng lại pha trộn với xe buýt. Bề ngoài thì giống như một chiếc xe buýt vậy, nhưng khi trải nghiệm nó, bạn sẽ nghĩ rằng bạn đang đi metro, tàu hỏa”.

Còn ông Đặng Huy Đông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, vấn đề không nằm ở BRT hay metro, mà nằm ở quy hoạch phát triển đô thị: “Nguyên nhân sâu xa nhất là nếu chúng ta tiếp tục quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình “Đô thị dẫn dắt giao thông” thì có thể khẳng định luôn về mặt khoa học rằng đó là một quy trình ngược và chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi ùn tắc giao thông. Đô thị sẽ phát triển theo mô hình “vết dầu loang”, càng lúc càng dàn trải và không có gì theo kịp cả.

Cái chúng ta cần là giao thông công cộng dẫn dắt đô thị. Giao thông đi đến đâu thì phát triển đô thị đến đó. Với mô hình này thì chúng ta còn tạo được nguồn lực để phát triển giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt của đô thị. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta cần một mạng lưới đủ để cho người dân bỏ phương tiện cá nhân”.

Huy Văn/VOV-Giao thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu áp dụng tốt, BRT vẫn có thể giúp giảm ùn tắc không kém gì đường sắt đô thị. (Ảnh minh họa: Mercedes-Benz)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/brt-va-duong-sat-do-thi-lua-chon-nao-post1068389.vov

Chấn chỉnh tình trạng đào đường cuối năm

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội cứ đến dịp cuối năm lại ngổn ngang vì vỉa hè, lòng đường bị xới tung khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đang bị xới tung để chỉnh trang dịp cuối năm khiến người dân rất bức xúc. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng TP Hà Nội vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Điệp khúc “hành nhau”

Những ngày qua, vỉa hè, lòng đường các tuyến phố như: Tam Trinh, Trần Thái Tông, Duy Tân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Duẩn… vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang, mặt đường bị xới tung để thi công. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Phản ánh về tình trạng thi công đào xới vỉa hè, lòng đường trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người dân cho biết từ đầu năm đến tháng 11 gần như các tuyến phố rất ít được chỉnh trang, duy tu. Tuy nhiên, cứ đến cuối năm là tình trạng đào vỉa hè, lòng đường diễn ra tràn lan trên nhiều tuyến phố khắp Hà Nội.

Bà Lương Thị Yến, chủ một hàng ăn trên đường Khuất Duy Tiến, cho biết việc cải tạo, tu bổ vỉa hè là cần thiết nhưng cơ quan chức năng nên làm đến đâu gọn đến đó, nên làm từ sớm chứ không nên để đến cuối năm mới làm. Có trường hợp vỉa hè trên cùng một tuyến đường nhưng có chỗ đang lát đá dở, có nơi thì mới đổ tạm bê-tông. Thậm chí có khu vực vỉa hè chỉ vừa mới đào lên, lổn nhổn cát, đá khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng công việc kinh doanh của nhiều hộ dân nơi đây.

“Tôi và nhiều nhà bán hàng ăn khác phải thường xuyên lau dọn, thay màng bọc thực phẩm nhiều lần trong ngày. Vỉa hè lộn xộn, không có khu vực để xe nên khách nhìn thấy rất ngại, không muốn bước vào quán ăn khiến nhiều cửa hàng giảm thu rõ rệt” – bà Yến nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng “điệp khúc” sửa đường, vỉa hè cuối năm đã có nhiều năm nay, dư luận, người dân rất quan tâm và phản ánh nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn – khó có thể bố trí ngân sách đầu năm, đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu… Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới có ngân sách để thi công. “Việc đào đường, vỉa hè dịp cuối năm đã tạo thêm những áp lực, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân. TP Hà Nội phải có hướng xử lý vấn đề này cho hài hòa, hợp lý để chấn chỉnh đồng bộ tình trạng này” – vị đại biểu Quốc hội nêu.

Không để tái diễn

Về tình trạng cứ đến dịp cuối năm (tháng 12) mới đồng loạt sửa đường, đại diện Ban Duy tu thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội cho biết lý do liên quan việc phê duyệt chủ trương, kế hoạch của các đơn vị cấp trên. Đơn vị cũng muốn thực hiện từ sớm nhưng do kế hoạch duy tu, sửa chữa hằng năm, hằng quý gửi lên cấp trên, đến quý III, quý IV mới được duyệt dẫn đến việc duy tu, sửa chữa bị chậm, tấp cập.

Lý giải về điệp khúc cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè, theo một cán bộ UBND quận Thanh Xuân, để phê duyệt chủ trương đầu tư thì trước đó, dự án phải được HĐND thông qua, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn. Tiếp đó, UBND quận lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến của rất nhiều sở, như: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch – Kiến trúc, GTVT, Tài nguyên và Môi trường; sau đó mới trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ảnh: HỮU HƯNG

Ngày 27-12, tại cuộc giao ban với các sở – ngành, quận – huyện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ông rất “sốt ruột” về vấn đề này, bởi tình trạng chỉnh trang vườn hoa, vỉa hè, sửa đường… năm nào người dân và báo chí cũng phản ánh. Năm nào cũng vậy, đầu năm lập kế hoạch, cuối năm mới thực hiện.

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho rằng quy trình thủ tục về vấn đề này phải được thực hiện sớm, làm sao để khoảng giữa năm là thi công ngay nhằm bảo đảm chất lượng, mỹ quan đô thị, văn minh, lịch sự. “Dừng cấp phép đào vỉa hè, lòng đường và dừng thi công từ ngày 16-1-2024 (tức mùng 6 tháng chạp) đến hết Tết Giáp Thìn 2024” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu.

Ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết sở sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các nhà thầu công trình giao thông để xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng cản trở an toàn giao thông. Từ ngày 16-1-2024, các nhà thầu thi công công trình giao thông phải tạm dừng toàn bộ hoạt động thi công vỉa hè, đào đường để bảo đảm người dân đi lại thuận lợi.

Còn nhiều hạn chế

Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, kết quả kiểm tra của sở tại các dự án cải tạo, chỉnh trang lát vỉa hè trên địa bàn quận Đống Đa và quận Cầu Giấy cho thấy tại một số dự án vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện.

Kế hoạch nghiệm thu, kiểm soát chất lượng chưa được chủ đầu tư phê duyệt theo quy định; công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đầu vào tại một số dự án chưa bảo đảm theo quy định như thiếu chứng chỉ xuất xưởng vật liệu lát vỉa hè, một số biên bản nghiệm thu vật liệu chưa thể hiện thông tin số lượng nghiệm thu theo yêu cầu của hợp đồng; tổ chức mặt bằng thi công dàn trải, chưa khoa học, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là công tác phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (thi công tại một số vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện chưa bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật); phần lớn các tuyến phố được chỉnh trang chưa ghi nhận các hư hỏng lớn, chỉ xuất hiện một vài hư hỏng cục bộ chủ yếu do sử dụng không đúng công năng, mục đích của hồ sơ thiết kế, việc thi công hoàn trả công trình ngầm chưa bảo đảm yêu cầu…

Bạch Huy Thanh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Nhiều tuyến phố, vỉa hè bị xới tung khiến người dân bức xúc. Ảnh: HỮU HƯNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/chan-chinh-tinh-trang-dao-duong-cuoi-nam-196231228210126573.htm

Thanh tra Mía đường Lam Sơn, Xi măng Bỉm Sơn, Thuốc lá Thanh Hóa về chống tham nhũng

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào ‘tầm ngắm’ thanh tra về tham nhũng, tiêu cực, nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước trong năm 2024 như: Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, Xi măng Bỉm Sơn; Chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa – Nhà máy xi măng, Công ty TNHH MTV thuốc lá Thanh Hóa,…

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của ngành Thanh tra tỉnh Thanh Hóa.

Theo kế hoạch thanh tra, Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 5 đơn vị: Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ.

Tiếp đó, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quản lý ngân sách; quản lý dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của 6 đơn vị: UBND thành phố Thanh Hóa, UBND thành phố Sầm Sơn, UBND huyện Thọ Xuân, UBND huyện Quảng Xương, UBND huyện Nông Cống, UBND huyện Yên Định. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của 03 đơn vị: Viện Nông nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Cùng với đó, thanh tra việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế của 2 doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước là Công ty TNHH một thành viên Sông Chu và Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa.

Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, về thuế đối với ngân sách nhà nước của 6 đơn vị: Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn; Công ty cổ Phần Xi Măng Bỉm Sơn; Chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hóa – Nhà máy xi măng; Công ty TNHH MTV thuốc lá Thanh Hóa; Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hóa; Công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức.

Thanh tra 13 dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thanh tra 3 dự án đầu tư có sử dụng đất chuyển tiếp từ kế hoạch thanh tra năm 2023, gồm: Khu dân cư mới thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc; Khu đô thị mới thuộc dự án số 4, khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa; Khu dân cư thương mại và chợ Vực, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.

Công ty TNHH một thành viên Sông Chu vào tầm ngắm thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa năm 2024

Đồng thời, sẽ có 71 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra về nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước. Trong đó có các doanh nghiệp như: Công ty TNHH một thành viên Tân Thành 8; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Minh; Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tiến Thành Nghi Sơn; Công ty TNHH Phú Quý – Hải Hà; Công ty Cổ phần vận tải Lam Sơn; Công ty TNHH xây dựng Phương Đông; Công ty TNHH Xây Lắp và DVTM HuThaCo; Tổng Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Minh Tuấn; Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Trường Sơn; Công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi Trường Sơn; Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Thanh…

Theo báo cáo, năm 2023, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã triển khai 430 cuộc thanh tra hành chính, bao gồm 334 cuộc thanh tra theo kế hoạch; 96 cuộc thanh tra đột xuất. Qua công tác thanh tra, các tổ chức thanh tra đã phát hiện sai phạm hơn 38,017 tỷ đồng và 20.430m2 đất. Căn cứ vào nội dung, tính chất các khuyết điểm, sai phạm, các tổ chức thanh tra đã kiến nghị thu hồi 25,485 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 12,531 tỷ đồng và 20.430m2 đất; xử lý hành chính 60 tổ chức và 159 cá nhân; chuyển hồ sơ cơ quan điều tra 1 vụ.

Trong đó, Thanh tra tỉnh và các sở, ngành triển khai 127 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội trên các lĩnh vực; phát hiện vi phạm với tổng số tiền 30,792 tỷ đồng. Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố triển khai 303 cuộc thanh tra hành chính, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính ngân sách và đầu tư xây dựng tại các xã, quản lý thu chi tài chính ở một số trường học; phát hiện sai phạm với số tiền 7,224 tỷ đồng.

Cùng với toàn ngành, thanh tra các sở, ngành đã triển khai 491 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện 505 tổ chức và 512 cá nhân vi phạm, với tổng số tiền sai phạm hơn 8,334 tỷ đồng. Trong đó các tổ chức sai phạm với số tiền là 7,318 tỷ; các cá nhân sai phạm với số tiền hơn 1,015 tỷ đồng. Căn cứ vào kết luận thanh tra và các quy định của pháp luật, thanh tra các sở, ngành đã kiến nghị thu hồi hơn 1,212 tỷ đồng, đã thu được 1,090 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 7,121 tỷ đồng; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 363 tổ chức và 462 cá nhân với số tiền phạt hơn 15,812 tỷ đồng.

Minh Đức/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Ảnh: Thanh Hóa: Mía đường Lam Sơn, Xi măng Bỉm Sơn, Công ty thuốc lá Thanh Hóa vào tầm “ngắm” thanh tra

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/thanh-tra-mia-duong-lam-son-xi-mang-bim-son-thuoc-la-thanh-hoa-ve-chong-tham-nhung-20180504224293402.htm

Đắk Nông: Nhiều dự án điện trái quy hoạch

Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện ở tỉnh Đắk Nông được cho làm trên đất rừng tự nhiên, đất quy hoạch bauxite.

UBND tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo giải trình các sai phạm trong việc thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh này theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

“UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát từng nội dung, có kế hoạch khắc phục sai phạm; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan” – nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay.

Cho làm dự án trên đất rừng tự nhiên

TTCP xác định: Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện Đắk G’lun 2 có công suất 3,9 MW và Đắk Glun 3 có công suất 7,1 MW do Công ty CP Thủy điện Đắk Glun làm chủ đầu tư.

Một năm sau, UBND tỉnh Đắk Nông giao 208 ha đất, trong đó gần 190 ha đất có rừng tại địa bàn xã Đắk Ngo và xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Trong số này có hơn 25 ha rừng tự nhiên.

Theo kết luận của TTCP, ngày 31-12-2014 là hết thời hạn thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Đăk G’Lun 2 và 3. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Nông vẫn chưa xem xét, xử lý việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đắk Nông cho các chủ đầu tư thuê hơn 174 ha đất để xây dựng hai dự án điện mặt trời, năm dự án điện gió nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Mặt khác, trong diện tích đất giao cho doanh nghiệp làm dự án thủy điện có diện tích thuộc trường hợp phải xử lý thu hồi. Thế nhưng UBND tỉnh chưa xem xét, xử lý việc thu hồi.

Chủ đầu tư còn thi công xây dựng dự án trên 15,3 ha đất nằm ngoài diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê; thi công trên gần 190 ha đất có rừng là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Dù vậy, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương vẫn thẩm định, trình bộ này phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Nhà máy thủy điện Đắk G’Lun 2 nhưng không lấy ý kiến của UBND tỉnh Đắk Nông, các bộ, ngành liên quan.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo trình, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án Nhà máy thủy điện Đắk G’Lun 3 không tiếp thu ý kiến của Bộ NN&PTNT. Điều này không phù hợp với tiêu chí dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Dự án của Công ty CP Thủy điện Đắk G’Lun thi công hơn 10 năm chưa xong. (Ảnh nhỏ: Dự án thủy điện Đắk G’Lun thực hiện trên đất rừng). Ảnh: LP

Năm dự án điện chồng lên quy hoạch khoáng sản

Cũng theo kết luận của TTCP, đến nay UBND tỉnh Đắk Nông chưa giải quyết dứt điểm việc chấp thuận chủ trương đầu tư bốn dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Xuyên Hà, Ea T’Ling, Cư Knia, Buôn Tua Srah.

Dự án Nhà máy ĐMT Cư Jút và dự án Nhà máy ĐMT Trúc Sơn thực hiện trên khu đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Cư Jút và quy hoạch xây dựng nông thôn mới thị trấn Ea Tling, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút; chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục đường dây 110 kV…

UBND tỉnh Đắk Nông cho các chủ đầu tư thuê hơn 174 ha đất để đầu tư xây dựng hai dự án ĐMT, năm dự án điện gió nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng công trình năng lượng. Trong đó, vị trí các khu đất thực hiện năm nhà máy điện gió nằm trong diện tích hai mỏ bauxite thuộc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TTCP phát hiện nhiều chủ đầu tư khởi công các dự án điện gió, ĐMT khi chưa được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất.

Đó là Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Cư Jút); Công ty Europe Clean Energies Japan K.K và Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên là chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Trúc Sơn. Công ty CP Điện gió Nam Bình (huyện Đắk Song) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1.

Công ty Envision Energy Limited là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Đắk Hòa. Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung, Đắk Nông, Đắk Nông 1, Đắk Nông 2 là các chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3.

Riêng dự án Nhà máy điện gió Nam Bình khởi công xây dựng khi chưa có thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo. Còn dự án Nhà máy ĐMT Cư Jút và dự án Nhà máy ĐMT Trúc Sơn được vận hành thương mại trước khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành.

Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện các biện pháp xử lý.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm; khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Kiến nghị công an điều tra làm rõ các dự án

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, gồm:

– Việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng năm dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite tại tỉnh Đắk Nông.

– Việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Đắk G’lun 2, 3 trên diện tích 15,3 ha đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông (ngoài diện tích 208 ha đất đã được giao); đầu tư xây dựng dự án trên diện tích 208 ha đất được giao, trong đó hơn 25 ha rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình năng lượng.

Vũ Long – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút trên khu đất chưa phù hợp với quy hoạch. Ảnh: VŨ LONG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/dak-nong-nhieu-du-an-dien-trai-quy-hoach-post769188.html

Thảm họa khí hậu gây thiệt hại nặng nề nhất năm 2023

Nghiên cứu của Christian Aid mới công bố xác định 20 thảm họa khí hậu cực đoan tại 14 quốc gia(*) gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm tính theo chi phí bình quân đầu người. Theo đó, cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng khí hậu đã đè nặng lên những người nghèo mà nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng mà họ không gây ra.

Nghiên cứu của Christian Aid mới công bố xác định 20 thảm họa khí hậu cực đoan tại 14 quốc gia(*) gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm tính theo chi phí bình quân đầu người. Theo đó, cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng khí hậu đã đè nặng lên những người nghèo mà nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng mà họ không gây ra.

Không có nơi nào trên thế giới không bị thiệt hại bởi thiên tai vào năm 2023 khi tất cả sáu lục địa đông dân đều có mặt trong danh sách. Ngay cả những quốc gia lớn với dân số đông cũng có tên trong danh sách của Christian Aid. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Mexico, những quốc gia có dân số hơn 100 triệu người nhưng vẫn phải hứng chịu những thảm họa gây thiệt hại hàng chục USD cho mỗi người dân, nghĩa là hàng tỷ USD thiệt hại ở cấp quốc gia.

Christian Aid kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết nhiều hơn về tài chính khí hậu và tăng cường đầu tư vào cảnh báo sớm và hành động sớm.

Audrey Brouillet, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (Pháp), nhận xét: Ở nhiều nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết cực đoan, như lũ lụt hay hạn hán xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Những nơi khô hạn ngày càng khô hơn và những nơi khác ngày càng trở nên khô hạn hơn còn những nơi ẩm ướt thì càng ẩm ướt hơn. Điều này đã xảy ra rồi.

“Trong tương lai, chúng tôi dự đoán tình trạng này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn do việc đốt nhiên liệu hóa thạch liên tục và phát thải khí nhà kính. Sự nóng lên trên 2°C, một số khu vực như Bắc Phi có thể gặp hạn hán dữ dội hơn tới 50% so với các mức hạn hán đã xảy ra, trong khi các khu vực khác như Trung Phi sẽ có lượng mưa lớn dữ dội hơn, lên tới trên 70%.”, nhà nghiên cứu Audrey Brouillet cho biết.

Ngập lụt ở quận Môn Đầu Câu (Bắc Kinh, Trung Quốc) ngày 31.7.2023. Ảnh: Reuters

Chuyên gia này nhận xét, có một cuộc “xổ số toàn cầu” khi mà khủng hoảng khí hậu nhằm vào người nghèo. Ở các nước nghèo hơn, người dân thường ít chuẩn bị hơn cho các thảm họa liên quan đến khí hậu và có ít nguồn lực hơn để khắc phục thiệt hại. Kết quả là có nhiều người chết hơn, quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn và bất bình đẳng hơn.

“Có một sự bất công kép trong thực tế là các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu đã góp phần rất ít vào vấn đề này.

Các chính phủ cần khẩn trương thực hiện thêm hành động trong nước và quốc tế để cắt giảm khí thải và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Khi các tác động vượt quá những gì mọi người có thể thích ứng, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại phải được cung cấp để bù đắp cho các nước nghèo nhất về những ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra”, nhà nghiên cứu Audrey Brouillet nói.

Chi phí mất mát và thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đô la hàng năm chỉ riêng ở các nước đang phát triển. Nushrat Chowdhury, cố vấn chính sách Công lý về Khí hậu của Christian Aid ở Bangladesh, cho rằng “các quốc gia giàu có phải cam kết số tiền mới và số tiền bổ sung cần thiết để đảm bảo Quỹ Thiệt hại và Tổn thất đã thỏa thuận tại COP28 có thể nhanh chóng trợ giúp cho những người cần nó nhất”.

Ông Mohamed Adow, Giám đốc Power Shift Africa, một tổ chức nghiên cứu về khí hậu và năng lượng có trụ sở tại Nairobi, cho biết: “Cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng khí hậu đã đè nặng lên một số người nghèo nhất thế giới. Nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng mà họ không gây ra. Nó nhấn mạnh lý do tại sao việc thế giới loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt.

Điều này cũng cho thấy lỗ hổng tại COP28 gần đây ở Dubai: thiếu nguồn tài chính để các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, các quốc gia nghèo hơn đang phải tự gánh chịu những chi phí này, mặc dù nguyên nhân là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch quá mức ở các quốc gia giàu hơn. Nếu chúng ta không giải quyết được khoảng cách thích ứng to lớn này, phản ứng của nhân loại đối với cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ thất bại. Điều quan trọng là chúng ta phải sửa sai tại cuộc họp COP năm tới và đảm bảo cung cấp tài chính thích ứng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương”, Giám đốc Power Shift Africa nhận định.

Lê Quỳnh – Tạp chí NĐT

Theo Người Đô thị

Ảnh: Một góc thị trấn Lahaina (Hawaii) bị thiêu rụi sau thảm họa cháy rừng vào tháng 8.2023. Ảnh: CNN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nguoidothi.net.vn/tham-hoa-khi-hau-gay-thiet-hai-nang-ne-nhat-nam-2023-42234.html

Hàng loạt dự án trái quy hoạch tại Nha Trang: Bộ Xây dựng đề nghị xử lý trách nhiệm

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các dự án không phù hợp quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 và xử lý trách nhiệm theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc bổ sung tài liệu liên quan đến nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 5/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình số 10244 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung nhiều nội dung mới có cơ sở thẩm định đồ án quy hoạch trình Thủ tướng.

Cụ thể, trong hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 có báo cáo danh mục 42 dự án đã và đang thực hiện rà soát theo yêu cầu tại quyết định của Thủ tướng (hồi tháng 9/2020) và các văn bản, thông báo của Bộ Xây dựng (vào tháng 3,4/2023).

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nhóm 24 dự án đã được tỉnh thỏa thuận địa điểm, cấp giấy phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trước ngày 25/9/2012.

Tuy nhiên 24 dự án trên lại “chưa được định hướng, xác định trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được phê duyệt tại quyết định 1396/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng”.

Còn lại, có nhóm 16 dự án đã được tỉnh thỏa thuận địa điểm, cấp giấy phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết sau ngày có quyết định 1396/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Có 1 dự án “đã được định hướng trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025” theo quyết định 1396/QĐ-TTg nhưng tỉnh đề xuất không tiếp tục định hướng trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Còn 1 dự án khác thì lại được tỉnh đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 để có cơ sở triển khai thực hiện theo thông báo kết luận thanh tra (số 1919/TB-TTCP ngày 4/11/2020) của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nội dung báo cáo trên chưa làm rõ “tiêu chí để xác định các quy hoạch chi tiết, dự án tiếp tục triển khai và đề xuất các giải pháp xử lý đối với các quy hoạch chi tiết, dự án dừng thực hiện” theo yêu cầu của nhiệm vụ.

Ngoài ra, các nội dung của báo cáo cũng chưa nêu rõ các tiêu chí để đánh giá; giải pháp xử lý về tính pháp lý của các dự án, trách nhiệm trước pháp luật về các sai phạm, các giải pháp xử lý nếu thực hiện theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040…

Cũng theo Bộ Xây dựng, sau khi nhận được tờ trình số 10244 (ngày 5/10/2023) của UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ tiếp tục nhận được một số đơn kiến nghị, kêu cứu của các tổ chức, cá nhân có nội dung liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 và đã chuyển đến UBND tỉnh Khánh Hòa để giải quyết theo thẩm quyền. Trong đó, có một số nội dung kiến nghị không nằm trong danh mục 42 dự án đã được rà soát theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo rõ việc xử lý các nội dung nêu trong các đơn kiến nghị, kêu cứu, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh để xảy ra khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng liên quan.

Đồng thời, bộ đề nghị tỉnh báo cáo cụ thể về công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án theo yêu cầu của Thủ tướng (tại quyết định ngày 25/9/2020) và theo các văn bản, thông báo của Bộ Xây dựng vào tháng 3 và 4/2023.

Cụ thể, đề nghị tỉnh làm rõ các cơ sở chính trị, khoa học, căn cứ pháp luật, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc, cảnh quan, môi trường để xác định các dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung TP Nha Trang nhưng được tiếp tục triển khai (giữ nguyên hoặc điều chỉnh chức năng) trong quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang được tỉnh đề nghị phê duyệt.

Với các dự án dừng thực hiện, không đưa vào định hướng quy hoạch chung, cần xác định rõ trách nhiệm xử lý các phát sinh, khiếu kiện.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa “xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các dự án không phù hợp quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1396/QĐ-TTg và xử lý trách nhiệm theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở”.

Hoàng Tư/TCDN

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Ảnh: Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các dự án không phù hợp quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025

Xem bài viết gốc tại đây:

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hang-loat-du-an-trai-quy-hoach-tai-nha-trang-bo-xay-dung-de-nghi-xu-ly-trach-nhiem-d44999.html

Quảng Nam điều tra dấu hiệu vi phạm tại dự án Khu nhà ở xã hội STO

Công an tỉnh Quảng Nam điều tra dấu hiệu vi phạm tại dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp do Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO làm chủ đầu tư.

Ngày 28/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trí Thanh đã có kết luận trong buổi tiếp công dân phản ánh về dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc do Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Theo Chủ tịch Lê Trí Thanh, dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Mục tiêu tạo điều kiện giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án kéo dài nhiều năm, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng mục tiêu ban đầu của dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư hạn chế về năng lực, kinh nghiệm.

Công ty STO còn thực hiện việc huy động vốn đối với phần diện tích đất ở thương mại trong dự án khi chưa đảm bảo điều kiện quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa các bên, đơn thư phản ánh, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam chia sẻ với khó khăn của người dân góp vốn, đặt cọc đăng ký nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án.

Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện dự án. Kết quả thanh tra cho thấy, vụ việc có tính chất phức tạp, có nhiều vấn đề tồn tại, phải chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ.

Tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án. Sau khi có kết quả điều tra, tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo cụ thể việc triển khai thực hiện dự án và xử lý các vấn đề có liên quan theo quy định của pháp luật…

Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2010 và chia làm 3 giai đoạn với thời hạn hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 8/2018 trên diện tích 1.828 ha, có quy mô đầu tư gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và 3.688 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, với tổng vốn hơn 708 tỷ đồng.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc của Công ty STO thực hiện có nhiều sai phạm, vì vậy Thanh tra tỉnh đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.

Công ty STO có nhiều sai phạm về việc chuyển nhượng dự án, hợp đồng góp vốn không đúng quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư thực hiện hợp đồng với nhiều đơn vị khác triển khai thi công không đúng hợp đồng dẫn đến việc kiện tụng, tranh chấp.

Hoàng Anh – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Ảnh: Công an đang điều tra những vi phạm tại dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty STO.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/quang-nam-dieu-tra-dau-hieu-vi-pham-tai-du-an-khu-nha-o-xa-hoi-sto-d206087.html

Lo ngại ‘xây vỏ bỏ ruột’ khi cải tạo, xây mới chợ dân sinh

Hà Nội đã có những thất bại trong cải tạo, xây dựng lại chợ, tiêu biểu là 5 chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại. Do đó, việc cải tạo chợ phải đi cùng với các chính sách thu hút tốt. Đây được coi là mũi tên trúng hai đích, vừa phát triển chợ dân sinh sau cải tạo, vừa xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm.

UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024. Dự kiến, Hà Nội sẽ xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND thành phố; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng… theo các quy định hiện hành. 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố.

Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa) là một trong những chợ được dự kiến xây mới trong năm 2024, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, bên trong chợ gần như không có hoạt động buôn bán. Các sạp bán hàng bày dọc ngõ Chợ Khâm Thiên kéo dài cả trăm mét. Theo bà Liên (chủ sạp rau), chợ ở đây bán cả ngày, tất cả đều bán vỉa hè dọc ngõ, có người thuê nhà dân để làm sạp. “Xây dựng lại chợ bà con cũng không vào vì người dân có thói quen dừng xe mua ngay trên đường chứ không ai gửi xe vào chợ buôn bán”, bà Liên nói.

Bên trong chợ Khâm Thiên ế ẩm, trong khi chợ cóc bên ngoài tấp nập người mua bán

Bên trong chợ Khâm Thiên ế ẩm, trong khi chợ cóc bên ngoài tấp nập người mua bán

Tương tự tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chợ đã xuống cấp qua thời gian. Một số hộ bên trong chợ kinh doanh bị che kín bởi loạt sạp bán hàng bên ngoài.

Cũng chung cảnh, chợ Mơ truyền thống vốn là nơi buôn bán sầm uất của Hà Nội, sau khi bị phá đi để xây thành trung tâm thương mại, chợ vẫn hoạt động trở lại dưới hầm từ năm 2014. Song trái với cảnh đông đúc khi xưa, việc kinh doanh ở chợ Mơ giờ đây ngày càng hắt hiu. Có dãy ki ốt chỉ có một nhà mở cửa. Được biết, mỗi ki ốt ở đây được cho thuê với giá 1 triệu đồng/tháng tuy nhiên nhiều tiểu thương vẫn bỏ đi vì quá vắng khách.

Gắn với chuyển đổi mô hình

Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, theo kế hoạch quận có 3 chợ xây dựng mới là chợ Khâm Thiên, chợ Kim Liên và chợ Ngã Tư Sở. Ngoài chợ Ngã Tư Sở là chợ loại 1 phải chờ Nghị định mới của Chính phủ về Quản lý và phát triển chợ, 2 chợ còn lại đang trong giai đoạn lấy ý kiến của tiểu thương. Qua ý kiến ban đầu, nhiều tiểu thương tại chợ Khâm Thiên không đồng ý cải tạo chợ bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Về lo ngại của người dân, vị đại diện cho rằng: Cùng với xây dựng chợ phải quản lý tốt mới thu hút được người mua, người bán. Đơn cử như chợ Thái Hà, sau khi cải tạo lại thu hút rất đông người dân đến mua bán. Ban quản lý chợ làm việc hiệu quả, khi vào chợ lúc nào cũng sạch sẽ, không có mùi.

Chợ Mơ từ khi được xây mới thành trung tâm thương mại, kinh doanh của các chủ ki ốt ế ẩm

Ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cho biết, địa bàn xã có Triều Khúc đang trong kế hoạch xây dựng mới, dùng nguồn xã hội hóa. Theo ông Lăng, hiện nay chợ Triều Khúc đang là chợ tạm với hơn 200 hộ kinh doanh đăng ký và khá sôi động do nằm ngay mặt đường lớn. Sau khi cải tạo, ban quản lý chợ sẽ thay đổi theo mô hình doanh nghiệp (hiện Trưởng ban quản lý chợ đang làm lãnh đạo xã – PV). “Chúng tôi đã có phương án ưu tiên cho bà con đang kinh doanh tại chợ, đồng thời kiểm tra hoạt động mô hình ban quản lý để đảm bảo hiệu quả khi chợ chính thức hoạt động”, ông Lăng nói.

Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 gửi Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách, chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư…

Đừng chỉ “xây vỏ bỏ ruột”

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: Chợ truyền thống có những ưu thế là tiện lợi cho người mua, giá cả phải chăng và phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt. Chợ dân sinh là nhu cầu tất yếu của mọi người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp – trung bình. Ông này nêu ví dụ: Ngay sáng nay tôi khảo sát, giá thịt thăn ở chợ Vĩnh Hồ đang là 120.000 đồng/kg, trong khi siêu thị bán thịt vai 190.000 đồng/kg, ba rọi 215.000 đồng/kg.

Ông Phú cho rằng: Hà Nội đã có những thất bại trong cải tạo, xây dựng lại chợ, tiêu biểu là 5 chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại. “Ở trên họ bán sản phẩm xa xỉ, đẩy bà con buôn bán xuống tầng hầm. Giá thuê cao đến gần 1 tỷ/kiốt bà con làm gì có tiền để trả. Chưa kể, quản lý trong và ngoài chợ không công bằng. Trong chợ thì như vậy, ngoài chợ thì chợ cóc vẫn bán, không mất phí, không phải gửi xe. Như vậy không ai cạnh tranh được”, vị chuyên gia nói.

Nhìn chung, cải tạo chợ dân sinh là rất cần thiết, trước khi quy hoạch, xây mới, cải tạo hay chuyển đổi công năng đều cần phải cân nhắc, suy xét thấu đáo. Quan trọng hơn, phải công khai lấy ý kiến người dân từ thiết kế, quy mô, giá cả thuê ki ốt, quy chế quản lý để người dân biết và tham gia cùng.

Phải tổ chức hậu cần chợ thật tốt, xử lý các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý rác, bố trí các sạp rau, phản thịt tiêu chuẩn. Cùng với các chính sách thu hút tốt, chợ xây mới không chỉ giúp bà con kinh doanh trong chợ yên tâm mà còn thu hút được bên ngoài vào kinh doanh trong chợ. Đây là mũi tên trúng hai đích, vừa phát triển chợ dân sinh sau cải tạo, vừa xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. “Phải có cuộc cách mạng về chợ, không chỉ xây vỏ bỏ ruột”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Trần Hoàng – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Nhiều năm chợ Ngã Tư Sở xuống cấp nhưng không được cải tạo

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/lo-ngai-xay-vo-bo-ruot-khi-cai-tao-xay-moi-cho-dan-sinh-post1599780.tpo

Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường

Ngày nay, tầm ảnh hưởng của các tổ chức xã hội (TCXH) ở các quốc gia được lan rộng, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững.

Vì vậy, việc tăng cường vai trò của các TCXH trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Môi trường là nơi con người sinh sống và tồn tại, phát triển về mọi mặt như tinh thần, vật chất và tâm lý. Môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người và các động thực vật xung quanh. Để sống và làm việc, chúng ta cần một không gian sống, cung cấp những tài nguyên cần thiết cho việc sản xuất, phát triển kinh tế, các nhu cầu khác của con người… Và con người đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường sống của mình qua các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Tài nguyên thiên nhiên bao gồm các tài nguyên có thể tái tạo (vô hạn) và các tài nguyên không có khả năng tái tạo (hữu hạn) có tác dụng phục vụ cuộc sống con người và các sinh vật xung quanh nhằm cân bằng hệ sinh thái. Nguồn tài nguyên càng dồi dào sẽ cung cấp phần lớn hoạt động sống của con người như: cung cấp nơi ở, thức ăn, tư liệu sản xuất, trao đổi buôn bán nhằm phục vụ mục đích kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên xuất hiện xung quanh môi trường sống của con người, có trong sinh quyển, khí quyển, thủy quyển và thạch quyển. Cho tới khi con người có thể tìm ra các nguồn tài nguyên từ các hành tinh khác để phục vụ cho đời sống thì trái đất là nơi duy nhất mà con người có thể khai thác tài nguyên.

Với đà tăng trưởng dân số hàng năm kèm theo sự phát triển về khoa học kỹ thuật ngày càng vượt bậc thì nguồn tài nguyên sẽ càng bị hao tổn nhiều, kèm theo đó các loại khoáng sản sẽ cạn kiệt theo giới gian. Vì vậy, Nhà nước và các chủ thể quản lý xã hội về môi trường cần sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách phù hợp, hiệu quả, đồng thời có kế hoạch tái tạo nguồn tài nguyên nhằm phục vụ cho cuộc sống và định hướng các cá nhân có ý thức bảo vệ và sử dụng tài nguyên hợp lý.

Trong một xã hội đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa hàng loạt cộng với việc dân số tăng mạnh sẽ tỷ lệ thuật với lượng chất thải đẩy ra môi trường, từ đó môi trường sẽ không kịp phân hủy chất thải dẫn đến việc quá mức chịu tải của môi trường. Do đó, quản lý xã hội về môi trường cần phát huy vai trò của mình nhằm giảm thiểu và quản lý chất thải, có những chính sách hợp lý để bảo vệ môi trường sống của con người cũng như những sinh vật xung quanh, cân bằng hệ sinh thái.

tm-img-altHiện nay, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững ở nhiều quốc gia.

Những năm gần đây, môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước vì nó có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thiếu cho sự tồn tại của con người, sự phát triển về kinh tế, văn hóa. Môi trường bị biến đổi sẽ gây ra vấn đề nguy hiểm đến con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường đang bị tàn phá nặng nề, ô nhiễm trầm trọng do hoạt động sản xuất của con người.

Con người hủy hoại môi trường sống nhằm mục đích phát triển kinh tế, điều này sẽ dẫn đến sự biến đối của môi trường kèm theo rất nhiều hệ lụy nguy hiểm như: hạn hán, lũ lụt… được gọi chung là thiên tai; những vấn đề này ngày càng xảy ra một cách thường nguyên và mức độ nguy hiểm cũng theo đó mà tăng vọt. Ảnh hưởng về môi trường của một quốc gia không gói gọn sự ảnh hưởng của nó trong quốc gia đó mà nó còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường thường xuyên cảnh bảo những mối đe dọa, những thảm họa mà con người sẽ phải gánh chịu nếu thường xuyên tàn phá môi trường. Chính vì vậy, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội mang ý nghĩa và tầm vóc hết sức quan trọng.

tm-img-altTăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường

Hiện nay, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững ở nhiều quốc gia. Các tổ chức xã hội không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng mà còn giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường. Vì vậy, cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cộng đồng và toàn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động theo dõi, phát hiện, tố giác sai phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, cũng như quá trình thực thi, giám sát chính sách và thực hành quyền môi trường.

Đồng thời, tăng cường sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sự phối hợp trong nội bộ các tổ chức xã hội; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, giám sát thực thi pháp luật.

Nguyễn Đăng Thái

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Các TCXH có vai trò kết hợp cùng với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và các vấn đề chính trị trong xã hội.

Kiên Giang: Bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cơ sở

(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 27/12, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CC&CNCH) khu vực U Minh Thượng đã tổ chức buổi huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy cho lực lượng PCCC cơ sở.

Đây là một trong những hoạt động trọng điểm của Đội trong kế hoạch thực hiện cao điểm về PCCC và CNCH, góp phần đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đối tượng bồi dưỡng lần này là người đứng đầu cơ sở và những người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy nổ, gồm gần 100 người, chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn 4 huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.

Tại buổi tuyên truyền, cán bộ của Đội CC&CNCH khu vực U Minh Thượng đã cung cấp những kiến thức cơ bản về cháy nổ, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa; phổ biến các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo trong công tác PCCC và CNCH của các cấp, chính quyền địa phương; Các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các yếu tố phát sinh và hình thành đám cháy; Cách thức bảo quản, sử dụng các loại bình cháy xách tay và các phương tiện chữa cháy được trang bị tại cơ sở; Một số kỹ năng thoát nạn trong điều kiện cháy; Một số kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu người bị nạn trong điều kiện cháy. Đồng thời giải đáp những thắc mắc, khó khăn mà các cơ sở đang gặp phải.

Thực hành cách chữa cháy tại cơ sở.

Ngoài ra, Đội cũng hướng dẫn thực hành một số nội dung như: Đội hình 100m sử dụng mền chữa cháy dập tắt phuy xăng đang cháy và sử dụng bình chữa cháy khí CO2 dập tắt bình gas đang cháy; Cách kiểm tra và sử dụng các trang thiết bị phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở; Sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy giả định; Cách xử lý đám cháy, cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ…

Nội dung thực hành tập trung đội hình 100m sử dụng mền chữa cháy dập tắt phuy xăng đang cháy và sử dụng bình chữa cháy khí CO2 dập tắt bình gas đang cháy.

Thông qua lớp tập huấn đã giúp nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của  các cơ sở kinh doanh đối với công tác PCCC, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Huy Diệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Trung tá Tô Minh Dũng, Đội trưởng Đội CC&CNCH khu vực U Minh Thượng phổ biến các kiến thức cơ bản về PCCC.

Thời tiết khắc nghiệt tấn công châu Á, châu Âu

Hàng chục ngàn người ở miền Nam Thái Lan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng sau nhiều ngày mưa xối xả, làm ngập các tuyến đường bộ và đường sắt, buộc các trường học phải đóng cửa và người dân mắc kẹt trong nhà.

Theo đài Thai PBS, tỉnh Narathiwat (gần biên giới Malaysia) bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với nhiều huyện bị ngập trong nhiều ngày. Mưa to gió lớn cũng khiến ít nhất 7 tàu bị chìm ở vịnh Thái Lan và biển Andaman kể từ ngày 22-12.

Theo Công ty Đường sắt quốc gia Thái Lan, tình trạng sụt lún đường ray khiến các chuyến tàu hướng về phía Nam tới Malaysia đang phải tạm dừng ở khu vực cách biên giới 100 km, thuộc tỉnh Yala bên cạnh tỉnh Narathiwat. Nhà chức trách cũng cảnh báo người dân các nơi sẵn sàng sơ tán nếu lũ lụt tồi tệ hơn, theo đài Al-Jazeera.

Tại nước láng giềng Malaysia, lũ quét ở khu vực phía Bắc cho đến nay đã buộc khoảng 25.000 người rời bỏ nhà cửa ở các bang Kelantan và Terengganu. Mực nước sông Golok dâng cao kỷ lục, khiến toàn bộ cộng đồng ở khu vực biên giới với Thái Lan bị mắc kẹt. Không có dấu hiệu mưa lớn giảm bớt, làm dấy lên lo ngại trận lũ lụt tàn khốc năm 2014 sẽ lặp lại.

Theo dữ liệu của chính phủ, tính đến 0 giờ ngày 25-12, mực nước sông Golok đã dâng lên mức 11,04 m, cao hơn mức 10,84 m được ghi nhận trong trận lũ năm 2014, vốn khiến hơn 300.000 người sơ tán trên toàn quốc.

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Shazlinda Hanif, nhà khí tượng học tại Cục Khí tượng Malaysia (MET), cho biết “cảnh báo nghiêm trọng và nguy hiểm” vẫn còn hiệu lực vào ngày 26-12 trên khắp Kelantan và Terengganu. Hình ảnh người dân mắc kẹt trong nhà trong khi các thuyền cứu hộ vật lộn giữa dòng nước lũ chảy xiết đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Trong khi đó, các khu trượt tuyết ở châu Âu lại gặp khó khăn do lượng tuyết rơi sụt giảm trong mùa đông này, còn mưa và mưa đá liên tục xuất hiện. Tình trạng này dự kiến ngày một tồi tệ hơn khi một nghiên cứu cảnh báo rằng nếu nhiệt độ toàn cầu chạm mốc tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, 53% trong số 28 khu trượt tuyết ở châu Âu sẽ chịu cảnh khan hiếm tuyết, đe dọa ngành công nghiệp trị giá 30 tỉ USD này.

Trái lại, Trung Quốc đang đối diện với đợt lạnh và giá rét kỷ lục trong những ngày cuối năm. Tuy vậy, nước này sẽ đối mặt nhiều đợt nắng nóng cũng như thời tiết cực đoan gia tăng trong năm 2024, do ảnh hưởng của El Nino.

Chuyên gia trưởng của Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc Chu Bing nói với đài CCTV rằng năm sau Trung Quốc có thể nóng hơn nữa dù nước này đã bị bủa vây bởi nắng nóng kỷ lục ở Bắc Kinh và nhiệt độ kỷ lục 52 độ C ở một thị trấn phía Tây Bắc vào mùa hè vừa qua.

Anh Thư – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Ngập lụt ở quận Muang, tỉnh Yala – Thái Lan hôm 25-12 Ảnh: THE BANGKOK POST

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-tiet-khac-nghiet-tan-cong-chau-a-chau-au-196231226210926615.htm

Ninh Thuận: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại 4 dự án điện mặt trời

(Phapluatmoitruong.vn) Ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 3116 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo kết quả thanh tra, việc điều chỉnh quy hoạch, cho thuê đất đối với 4 dự án điện mặt trời của tỉnh Ninh Thuận đã chồng lấn hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đã không thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định, đồng thời chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất thủy lợi sang quy hoạch đất công trình năng lượng, phê duyệt các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi và điều chỉnh quy hoạch đất thuộc dự án thủy lợi mà không có ý kiến của Bộ NN&PTNT, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là vi phạm quy định tại Điều 8 và Điều 42 Luật Thủy lợi và Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch đất cấp tỉnh chưa thực hiện đúng yêu cầu của Bộ TN&MT tại thông báo số 70 ngày 14/4/2017 về việc thuyết minh rõ các hạng mục điều chỉnh tăng giảm diện tích trong quy hoạch, vi phạm Điều 35 Luật Đất đai năm 2013, cung cấp thông tin về đất không chính xác, vi phạm Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Đáng nói, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã có ý kiến về sự không phù hợp trong việc sử dụng đất của các công trình nhà máy điện mặt trời và đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét không thực hiện đối với khu vực của dự án đã quy hoạch thủy lợi và khu vực tưới. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn thực hiện chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất đối với các dự án điện mặt trời.

Ngoài ra, Sở KH&ĐT tỉnh đã báo cáo không đầy đủ các ý kiến của Sở NN&PTNT cho UBND tỉnh về sự chồng lấn diện tích đất của dự án điện mặt trời trên đất dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và triển khai thi công.

Thông báo Kết luận thanh tra vụ việc.

Kết luận thanh tra nêu rõ, các dự án điện mặt trời đã chồng lấn 3,8 ha diện tích khu tưới và kênh, không có cây trồng; một số vị trí kênh chưa thi công bị đứt gãy không thể tiến hành thi công tiếp do đã bị chồng lấn, buộc phải nắn tuyến làm tăng chi phí ngân sách nếu không thu hồi được từ các chủ đầu tư dự án. Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ NN&PTNT), kinh phí xây lắp tăng thêm khoảng 10 tỷ đồng, chưa tính phần diện tích kênh bị chồng lấn.

Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định về đất đai và đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận cho thuê đất, Sở TN&MT không nêu rõ hiện trạng về đất có quy hoạch bị chồng lấn.

Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận và các sở, ngành tham mưu liên quan.

Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ tài liệu để xem xét, điều tra xử lý vi phạm theo quy định.

Lê Hoàn

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Dự án điện mặt trời của tỉnh Ninh Thuận đã chồng lấn hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

 

Cò đất sắp hết cửa bát nháo, thổi giá ăn chênh?

Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới bất động sản không được hành nghề tự do mà phải hành nghề trong một doanh nghiệp.

Môi giới bất động sản không được hành nghề tự do

Văn phòng Chủ tịch nước vừa họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 gồm 10 chương, 83 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trong đó, đáng chú ý là quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh bất doanh bất động sản năm 2023 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện.

Cụ thể, phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.

Điều 61 Luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Cùng với đó, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

“Găm đất, thổi giá”, tạo “sốt ảo”

Vừa qua, cử tri có phản ánh tình trạng làm giả thông tin, đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm lũng loạn thị trường, nhất là thị trường bất động sản. Cử tri đề nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý tình trạng này để thị trường ngày một minh bạch hơn.

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng cử tri phản ánh là một trong những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Bộ cho biết, theo tổng hợp báo cáo đánh giá của các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Trong đó có thể kể đến như hiện tượng môi giới bất động sản hành nghề thiếu chuyên nghiệp, có hành vi “găm đất, thổi giá”, tạo “sốt ảo”.

Nhiều môi giới còn lừa đảo khách hàng bằng “dự án ma”, bằng thông tin thất thiệt gây hậu quả nặng nề cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính.

Ngoài ra còn có hiện tượng các sàn giao dịch câu kết với nhau “ôm hàng”, “tạo sóng”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Tình trạng sàn giao dịch khi hoạt động đã không tuân thủ quy định phải đăng ký, phải báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan quản lý.

Nhiều sàn giao dịch trở thành đối tượng chính tạo ra “sốt đất”, lũng đoạn thị trường bất động sản ở nhiều địa phương, gây hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.

Điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; Quản lý hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và các dịch vụ bất động sản khác trên địa bàn; Thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản trên địa bàn…

Tuy nhiên trong thời gian qua, Bộ Xây dựng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác kinh doanh dịch vụ bất động sản trên địa bàn ở một số địa phương còn hạn chế.

“Việc theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý còn chưa kịp thời, còn để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản còn chưa được thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật…” – Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.

Hồng Khanh – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Từ 1/1/2025, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do. (Ảnh: Hồng Khanh)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/co-dat-sap-het-cua-bat-nhao-thoi-gia-an-chenh-2231489.html

Xây dựng sai phép, Công ty Danh Khôi Holdings bị phạt 240 triệu đồng

Công ty Cổ phần đầu tư Danh Khôi Holdings bị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử phạt 240 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình sai phép, không phép.

Ngày 26/12, thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành Quyết định số 3650/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings (gọi tắt Công ty Danh Khôi Holdings), trụ sở chính tại số 3 Trần Nhật Duật, Phường Tân Định, Quận 1, Tp. HCM.

Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Thống Nhất, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

Theo quyết định xử phạt, Công ty Danh Khôi Holdings đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là tổ chức thi công xây dựng hạng mục công trình khu nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu (tên thương mại Barya Citi, tại Tp. Bà Rịa) sai nội dung giấy phép xây dựng số 02/GPXD ngày 4/1/2019 của Sở Xây dựng cấp.

Tổ chức thi công xây dựng hạng mục trạm xử lý nước thải kích thước khoảng 6.0m x 34.0m, trong đó nhà điều hành có diện tích khoảng 4.3m x 4.3m không có giấy phép xây dựng.

Với hành vi vi phạm trên, Công ty Danh Khôi Holdings bị phạt tổng cộng 240 triệu đồng.

Phối cảnh khu chung cư kết hợp thương mại - dịch vụ trong dự án nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu. (Ảnh: T.L)

Phối cảnh khu chung cư kết hợp thương mại – dịch vụ trong dự án nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu. (Ảnh: T.L)

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Công ty Danh Khôi Holdings dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, công ty phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng điều chỉnh đối với các hạng mục thi công xây dựng sai nội dung GPXD được cấp.

Hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD và có GPXD đối với hạng mục thi công xây dựng không có GPXD.

Công ty Danh Khôi Holdings có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty Danh Khôi Holdings chi trả.

Theo tìm hiểu, vào năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương cho Công ty Danh Khôi Holdings đầu tư dự án khu nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu tại phường Long Toàn, Tp. Bà Rịa. Diện tích khu đất khoảng 87.389,5 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

Gio Linh – Tạp chí NĐT

Theo Người Đưa Tin

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.nguoiduatin.vn/xay-dung-sai-phep-cong-ty-danh-khoi-holdings-bi-phat-240-trieu-dong-a642557.html

Thu phí vỉa hè để tránh lợi ích nhóm, thất thoát ngân sách

Theo chuyên gia, thu phí vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ đem về cho ngân sách một khoản tiền đáng kể, song mục tiêu cao hơn là lập lại trật tự, quản lý vỉa hè, công khai minh bạch, tránh trục lợi.

Mục đích thu phí không chỉ để thu tiền

Chỉ còn vài ngày nữa, kể từ 1/1/2024, TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mục tiêu giúp công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nề nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng… Các tuyến phố có vỉa hè đáp ứng được cả yêu cầu về kinh doanh buôn bán cũng như hoạt động đi lại của người dân sẽ được cho đăng ký đóng phí sử dụng.

Trước đó, từ năm 2022 thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức thí điểm thu phí vỉa hè tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng của quận Hoàn Kiếm, như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo….

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên -Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cho rằng, không thể có cách nào hoàn hảo để quản lý vỉa hè. Cấm kinh doanh vỉa hè không ổn, nhưng cho kinh doanh thì phải quản lý. Vỉa hè không phải của gia đình nào mà là nơi để người dân đi bộ.

Việc thu phí công khai là rất quan trọng để minh bạch quản lý vỉa hè. Khi cho thuê, sẽ phải có hợp đồng giữa người thuê và người cho thuê, được phép bày bán diện tích bao nhiêu % của vỉa hè chứ không có nghĩa thuê rồi thì bày bán chật cứng vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ. Trường hợp vi phạm hợp đồng sẽ bị xử phạt hoặc cấm kinh doanh trên vỉa hè vĩnh viễn.

“Theo tôi, thu phí không phải để lấy tiền. Thu phí để vỉa hè thông thoáng hơn, quản lý bài bản hơn. Để cho thuê kinh doanh vỉa hè không biến tướng thành lợi ích nhóm thì phải quản lý bằng cách công khai. Tất cả các thông tin công khai sẽ tránh được trục lợi”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Theo chuyên gia, vấn đề ở đây là chủ trương phù hợp nhưng tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu, minh bạch nguồn thu và có đảm bảo giám sát người thuê tuân thủ quy định hay không. Tất cả đều rất cần quy định chặt chẽ về thực hiện và giám sát, không để kẽ hở phát sinh tiêu cực. Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Nguồn thu từ phí vỉa hè cũng phải được quản lý chặt chẽ, chi dùng hợp lý cho việc tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè.

Cần tiêu chí để phân loại vỉa hè

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định, vỉa hè cần được quản lý chặt chẽ bởi chúng gắn với kiến trúc không gian hai bên, là đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị.

“Từ 2015 đến nay, Thành phố Hà Nội đã 4 lần ra quân để dẹp vỉa hè, lòng đường. Hà Nội đã thí điểm đề án trên ở một số nơi tại quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu là phố Lý Thường Kiệt. Cần làm thế nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè mới là điều quan trọng” – ông Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có đất công cộng, đất vỉa hè và đất của những người là chủ sở hữu các ngôi nhà liền kề vỉa hè. Vì vậy, cho thuê lòng đường, hè phố là một giải pháp đề xuất nhưng cần phải nghiên cứu những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để phân loại vỉa hè theo từng tiêu chí riêng, tất cả chỉ mới là cảm nhận ban đầu. Về lâu dài, phải có cái nhìn tổng thể, phân loại vỉa hè và xác định chức năng của từng tuyến phố.

“Cơ quan triển khai đề án cần thực hiện theo ý dân chứ không được tự quyết. Bởi đề án cho thuê lòng đường, hè phố có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, điểm bất lợi đó là không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở từng khu vực mà còn tăng thêm áp lực về mặt giao thông” – ông Nghiêm chia sẻ.

Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả các ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung thêm một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Cần thực hiện cho thuê vỉa hè với mức giá công khai, minh bạch.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/thu-phi-via-he-de-tranh-loi-ich-nhom-that-thoat-ngan-sach-16923122509115571.htm

Những điểm mới Luật Kinh doanh bất động sản 2023

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023.

Những điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023

Căn cứ Khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai từ bên đặt cọc để mua, thuê mua khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.

Như vậy, từ ngày 01/01/2025, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán nhà ở, công trình hình thành trong tương lai (Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định).

Căn cứ Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định chế độ thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai như sau:

– Việc thanh toán trong mua bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng cho bên mua; trường hợp bên bán là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.

– Việc thanh toán trong thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng đến khi bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng cho bên thuê mua nhưng tổng số tiền thanh toán trước cho bên cho thuê mua không quá 50% giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng. Số tiền còn lại được tính thành tiền thuê để trả cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng.

– Nếu bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán, cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, thuê mua.

(Hiện hành, quy định việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng; trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.

Trường hợp bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua.)

Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã bổ sung cụ thể điều kiện để cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trong đó, đáng chú ý là quy định, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp.

Hiện nay, khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng sau không phải thành lập doanh nghiệp khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản:

– Cơ quan, tổ chức thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan, tổ chức thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản là tài sản công theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng bất động sản do mình đầu tư xây dựng mà không phải là dự án đầu tư xây dựng bất động sản để kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật mới, chỉ quy định riêng cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc/đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh bất động sản.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ về số lượng, giá trị đối với các loại bất động sản.

Như vậy, từ ngày 01/01/2025, chỉ có cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ mới không phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân khác kinh doanh dịch vụ bất động sản đều phải thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã.

Theo Điều 61 Luật mới, từ ngày 01/01/2025, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện sau:

– Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản

– Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ;

– Có tối thiểu 01 cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản (thay vì 02 người như Luật hiện hành);

– Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.

Theo đó, doanh nghiệp môi giới bất động sản chỉ cần 01 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chứ không phải 02 người như hiện nay.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản chỉ cần 1 người có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: TTXVN

Khoản 2 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 nêu rõ, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;

– Phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản.

Do đó, từ ngày 01/01/2025, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản như sàn giao dịch bất động sản hoặc công ty môi giới bất động sản…

Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập).

Điều 47 Luật Kinh doanh bất động sản mới quy định, việc thanh toán trong giao dịch bất động sản, dự án bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản.

Điều 30 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở thuộc 01 trong 02 trường hợp sau đây:

– Thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị: Loại đặc biệt; Loại I; Loại II; Loại III;

– Thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Như vậy, quy định mới không cho phép phân lô, bán nền đối với cả khu vực phường của đô thị loại III.

Hiện nay, theo khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các khu vực sau:

– Các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; hoặc

– Khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; hoặc

– Mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

Từ ngày 01/01/2025, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực, chính xác các thông tin sau về bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh:

– Thông tin về dự án bất động sản:

Quyết định chủ trương đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư dự án bất động sản;

Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Thông tin về quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Hợp đồng mẫu được sử dụng để ký kết trong giao dịch kinh doanh bất động sản.

– Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai:

Loại bất động sản; vị trí, quy mô, tiến độ xây dựng, công năng sử dụng của bất động sản; thông tin về phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư;

Thiết kế cơ sở đã được thẩm định; giấy phép xây dựng (với trường hợp phải cấp phép xây dựng); thông báo khởi công xây dựng công trình; giấy tờ về nghiệm thu việc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; giấy tờ chứng minh đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng (với nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có nhà ở);

Giấy tờ về quyền sử dụng đất;

Thỏa thuận cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;

Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nhà ở, công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua;

Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

– Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn:

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất/Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong đó có ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, trừ trường hợp:

Nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản của chủ đầu tư thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đó;

Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

– Thông tin về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định đối với phần diện tích đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản;

Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản đủ điều kiện được chuyển nhượng cho cá nhân tự xây dựng nhà ở;

Các hạn chế về quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

Các thông tin này phải được công khai trên:

– Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

– Website của doanh nghiệp (nếu có).

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

An Ngọc (Tổng hợp)/Bnews

Theo Bnews

Ảnh: Những điểm mới Luật Kinh doanh bất động sản 2023

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/nhung-diem-moi-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-2023/319204.html