• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 3

Trại nuôi tôm rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất rừng ở Khánh Hòa

Cơ quan chuyên môn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xác định trại nuôi tôm rộng hàng nghìn m2 ở xã Ninh Phú được xây trái phép trên đất rừng, đề xuất xử phạt và yêu cầu trả lại nguyên trạng đất đai.

Phòng Tài nguyên và Môi trường (Phòng TN&MT) thị xã Ninh Hòa vừa phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra trại nuôi giống tôm trái phép trên đất rừng ở xã Ninh Phú.

Động thái này được đưa ra sau khi khu đất rộng hàng nghìn m2 chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng bị người dân làm trại nuôi tôm với quy mô lớn trên đất rừng. Công trình tồn tại nhiều năm, nằm sát chân núi, có nguy cơ gây sạt lở mùa mưa bão do bị tác động làm thay đổi hiện trạng.

Theo bà Phạm Nguyệt Anh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, đây là trại thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ, có diện tích hơn 9.800m2 thuộc loại đất rừng tái sinh. Trại tôm do ông Lê Minh Chính, người địa phương làm chủ.

Bên trong trại có 5 đìa, gồm 5 ao đìa (1 ao nuôi, 2 ao ươm, 1 ao lắng và 1 ao biogas) có tổng diện tích khoảng 4.396m2 (thuộc thửa đất số 77 và một phần thửa đất số 82). Hiện trạng diện tích xây dựng đã lắp đặt các hạng mục, công trình trên đất có tổng diện tích khoảng 4.542m2.

Phòng TN&MT thị xã Ninh Hòa phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan kiểm tra hiện trạng khu vực trại nuôi tôm. Tại đây, ông Chính xác nhận là người đầu tư, xây dựng, lắp đặt các hạng mục, công trình trên đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm để làm trại nuôi tôm. Công trình hoạt động từ tháng 10/2021 đến nay.

Tuy nhiên, chủ trại tôm không trưng ra hoặc cung cấp được các hồ sơ, quyết định của cơ quan thẩm quyền liên quan việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ông Chính chỉ cung cấp một số giấy tờ như: Giấy chứng nhận của UBND thị xã Ninh Hòa công nhận “Đạt tiêu chí kinh tế trang trại”, quyết định về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình để quản lý, bảo vệ, sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Cùng với đó là biên bản xác nhận diện tích quy hoạch giao thông của UBND xã Ninh Phú, hay thông báo của Phòng TN&MT thị xã về việc chưa xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với Dự án nuôi tôm công nghệ sinh hoạt Farm 2… Tuy nhiên, các giấy tờ này là bản photocopy.

Chính quyền thị xã Ninh Hòa lập biên bản, xử lý khu đất có nhiều ao đìa nuôi tôm trái phép. Ảnh: Xuân Ngọc

Sau khi kiểm tra, làm việc với các bên liên quan, Phòng TN&MT có văn bản báo cáo UBND thị xã Ninh Hòa về hiện trạng, hồ sơ trại nuôi tôm của ông Chính. Trong đó, cơ quan chức năng nêu, việc ông Chính đầu tư lắp đặt các hạng mục, xây dựng công trình trên đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm để phục vụ cho việc nuôi tôm là hành vi vi phạm về sử dụng đất sai mục đích theo quy định của Luật Đất đai.

Phòng TN&MT đề xuất UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo UBND xã Ninh Phú lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Lê Minh Chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Khánh Hòa làm việc với UBND xã Ninh Phú để làm rõ các nội dung liên quan trại nuôi tôm trên đất rừng của ông Chính. Trong đó, có các vấn về về vị trí xây dựng trang trại, thông tin việc nuôi trồng thủy sản tại khu đất trên.

Xuân Ngọc – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Trại tôm rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất rừng ở Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/trai-nuoi-tom-rong-hang-nghin-m2-xay-trai-phep-tren-dat-rung-o-khanh-hoa-2324039.html

TP.HCM: Loạn sân cầu lông xây dựng không phép tại quận Bình Tân

(Phapluatmoitruong.vn) – Theo phản ánh của người dân, thời gian qua tại phường Bình Hưng Hưng Hòa B, quận Bình Tân có nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng chính quyền địa phương làm ngơ, không xử lý.

Từ người dân xây dựng sân cầu lông “chui”                    

Cụ thể, theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tại các thửa 34, 36, 37, 38 tờ bản đồ số 80 (đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B), do một hộ dân tên Huỳnh Đức Long xây dựng một cụm sân cầu lông có diện tích hàng trăm mét vuông, đã đưa vào sử dụng nhiều tháng nay với tên gọi Đan Nguyên 88. Tuy nhiên, cụm cầu lông này có dấu hiệu xây dựng không phép, trái phép.

Ngày 12/9/2024, trong vai người đến thuê sân để tổ chức giải đấu cầu lông, một người đàn ông tên Toàn giới thiệu là quản lý của sân tiếp chúng tôi. Qua trao đổi, ông Toàn cho biết, cụm sân này thường xuyên tổ chức các giải cầu lông cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn. Trong đó có nhiều giải cầu lông quy tụ hàng trăm người tham gia thi đấu.

 “Sân này có thể nói là đẹp nhất tại khu vực phường Bình Hưng Hòa B nên được nhiều người liên hệ thi đấu và tổ chức các giải. Vì vậy, lịch đặt sân vào các giờ “vàng” như chiều tối, hay thứ bảy, chủ nhật hầu như không còn. Còn nếu các anh muốn đặt sân phải báo trước để em sắp xếp lịch thi đấu phù hợp…”, ông Toàn cho biết thêm.

Theo quan sát, cụm sân cầu lông Đan Nguyên 88, được xây dựng bằng tường gạch, lợp tôn, rộng hàng trăm mét vuông, với quy mô rất “hoành tráng”. Sân cầu lông đầy đủ tiện nghi, đảm bảo khả năng tổ chức các giải thi đấu, với hàng trăm trận cầu lông mỗi ngày.

Anh Trần Văn V, một người thường xuyên thi đấu, tập luyện tại cụm sân này cho biết: “Cụm sân cầu lông Đan Nguyên 88 được đưa vào hoạt động khoảng nửa năm nay và thường xuyên thu hút hàng chục người tham gia mỗi ngày, thậm chí hàng trăm người, đặc biệt là vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Nhóm cầu lông của chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các giải nội bộ cũng như giao lưu với các nhóm khác có cùng đam mê”.

Sân cầu lông Đan Nguyên 88 của ông Huỳnh Đức Long xây dựng không phép.

Còn chị Lê Vân A., một người dân sống gần sân cầu lông này cho biết: “Sân này được XD và đưa vào thi đấu từ đầu năm. Mỗi ngày vào sáng sớm, chiều tối và các ngày nghỉ có rất đông người tham gia thi đấu…”.

… đến một số hạng mục không phép trong trường tiểu học

Ngoài sân cầu lông của ông Huỳnh Đức Long, theo ghi nhận của PV, hiện trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Bình Hưng Hòa B cũng đang xây dựng sân cầu lông, hồ bơi không phép, trái phép. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân kiểm tra, xử lý.

Theo tìm hiểu, sân cầu lông được xây dựng không phép hơn 300 m2, nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Ngô Quyền. Đây cũng là sân chơi cầu lông của người dân trong khu vực suốt nhiều năm qua.

Anh N.M.N, một phụ huynh có con đang học tại trường cho biết: “Trường Tiểu học Ngô Quyền là một trong những trường tiểu học có học sinh đông nhất TP.HCM, nhưng không gian ở đây rất hẹp, không có nhiều chỗ cho các em học sinh vui chơi trong giờ nghỉ. Tuy nhiên, không hiểu sao Ban Giám hiệu nhà trường lại cho xây dựng sân cầu lông trong sân trường chiếm hết không gian để kinh doanh. Nhiều phụ huynh rất bức xúc nhưng sợ ảnh hưởng đến việc học của con em nên ngại phản ánh. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết vụ việc, trả lại không gian cho các em học sinh”.

Ngoài sân cầu lông, theo ghi nhận của PV, trường Tiểu Học Ngô Quyền còn xây dựng thêm hồ bơi trong sân trường, nghi vấn không phép, trái phép.

Vị trí sân cầu lông (khoanh đỏ) của trường Tiểu học Ngô Quyền nghi vấn xây dựng không phép.

Để tìm hiểu rõ thông tin vụ việc, ngày 30/8/2024, PV Môi trường và Đô thị điện tử đã đến liên hệ và để lại nội dung làm việc với UBND phường Bình Hưng Hòa B. Mới đây, UBND phường đã có thông tin phản hồi về các nội dung trên!

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Hải

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Diện tích sân cầu lông Đan Nguyên được xây dựng không phép hàng trăm mét vuông.

Giải pháp cung cấp nguồn đất, đá xây dựng công trình

Thành phố Đà Nẵng đang cân đối nguồn đất san lấp, đá xây dựng để đảm bảo cung ứng, phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là dự án đường cao tốc phía Đông đoạn Hòa Liên – Túy Loan và dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung ứng đá xây dựng là do Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, nhất là hai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) và dự án đường cao tốc phía Đông đoạn Hòa Liên – Túy Loan.

Đến đầu tháng 9/2024, dự án đường cao tốc phía Đông đoạn Hòa Liên – Túy Loan đã hoàn thành gần 30% khối lượng thi công; Nguồn vật liệu đất đắp cơ bản đủ để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về nguồn đá xây dựng được xay với tổng nhu cầu gần 350 nghìn m3 đá.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang cần hơn 1 triệu m3 đá để cung cấp cho các dự án. Có 9 khu vực trên địa bàn thành phố được cấp giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực với trữ lượng đá trong năm 2024 và 2025 là hơn 2 triệu m3 đá.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu san lấp trong giai đoạn 2024-2025. Với nhu cầu xây dựng lớn trong những năm tới, thành phố cần hơn 8 triệu m3 đất san lấp cho các công trình xây dựng, tuy nhiên nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu.

Trước tình hình thiếu hụt vật liệu san lấp, thành phố đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cấp bách. Hiện nay, 6 khu vực đã được cấp phép khai thác đất, dự kiến cung cấp khoảng 2,468 triệu m3 đất trong giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục cấp phép khai thác mới cho các mỏ đá và mỏ đất khác.

Hà Trần – Báo Xây Dựng

Theo Xây Dựng

Ảnh: Một đoạn dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan. (Ảnh: TL)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoxaydung.com.vn/giai-phap-cung-cap-nguon-dat-da-xay-dung-cong-trinh-384219.html

TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày

Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và xây dựng các kế hoạch, đề án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải sinh hoạt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) TP.HCM, hiện tại khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đạt khoảng 13.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, khoảng 3.000 tấn rác có khả năng tái chế và tái sử dụng được thu gom và xử lý thông qua cơ chế thị trường. Phần rác còn lại được thu gom, vận chuyển đến các nhà máy xử lý của thành phố để tiến hành xử lý theo quy trình.

Vào ngày 16/9, UBND TP.HCM đã gửi văn bản báo cáo Bộ TN&MT về việc triển khai một số nội dung liên quan đến việc tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp và trình Chính phủ theo đúng quy định. Thông qua báo cáo này, thành phố hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ các cơ quan cấp trên để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nâng cấp trạm trung chuyển rác

Theo Sở TN&MT, UBND TP.HCM đã ban hành định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới trạm trung chuyển rác trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho TP.Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Song song với việc giải tỏa, thành phố cũng tập trung vào cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trạm trung chuyển đạt chuẩn kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Mục tiêu đến năm 2025 là có 40 trạm trung chuyển và đến năm 2050 là 36 trạm được bố trí hợp lý trên địa bàn 16 quận, huyện. Việc quy hoạch và nâng cấp này sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đô thị.

Từ năm 2025 trở đi, tất cả các trạm trung chuyển rác thải tại TP.HCM sẽ phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Mỗi trạm sẽ có khu vực tiếp nhận rác và khu vực đậu chờ phương tiện được thiết kế hoàn toàn kín, sử dụng công nghệ ép rác hiện đại và hệ thống xử lý môi trường đầy đủ. Các trạm này sẽ được đồng bộ với hệ thống thu gom tại nguồn có khả năng tiếp nhận không chỉ rác sinh hoạt mà còn các loại chất thải khác như chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng và chất thải nguy hại. Hơn nữa, các trạm sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại như cân, camera giám sát, phần mềm theo dõi khối lượng chất thải và chất lượng môi trường tại trạm.

Hiện tại, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện như quận 4, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. Trong đó, ba trạm đã hoàn thành và đi vào hoạt động gồm: trạm trung chuyển phường An Phú Đông (quận 12) hoạt động từ tháng 4/2022; trạm trung chuyển phường Thạnh Xuân (quận 12) vận hành từ tháng 6/2024 và trạm trung chuyển Sở Gà (TP.Thủ Đức) bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2023.

Bên cạnh đó, một trạm tại quận 4 đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, một trạm khác tại quận Bình Thạnh đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để tiến tới đầu tư xây dựng.

TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản nhằm khắc phục tối đa tình trạng rác thải ùn ứ trên địa bàn.

TP.HCM cũng đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho 11 trạm khác tại các khu vực như quận 8, 12, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè. Những trạm này đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục giao đất và đăng ký vốn đầu tư công trung hạn để triển khai xây dựng theo quy định.

Tìm kiếm giải pháp tối ưu cho rác thải

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng đến 100% vào năm 2030, TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai hai nhóm giải pháp quan trọng.

Giải pháp đầu tiên là chuyển đổi công nghệ xử lý tại các đơn vị xử lý rác sinh hoạt hiện có trên địa bàn. Hiện tại, thành phố có năm công ty đang ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác sinh hoạt bao gồm Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố.

Trong số đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp giấy phép xây dựng, Công ty Cổ phần Vietstar đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi cho Bộ Xây dựng thẩm định. Công ty Cổ phần Tasco đã nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT). Tuy nhiên, hai công ty còn lại là Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố vẫn chưa nộp hồ sơ điều chỉnh cho Sở KH&ĐT.

Giải pháp thứ hai là kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án xử lý rác sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công tư (PPP), điển hình là dự án REE. Hiện nay, hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thẩm định lần 3 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để trình UBND thành phố xem xét, sau đó trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

Sau đó, thành phố sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhằm triển khai dự án. Quy trình này sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa các nhà đầu tư.

Trước đó, trong buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Trưởng Ban Khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những chia sẻ về cách xử lý rác thải. Cụ thể, ông cho biết: ” Do có nhiều công nghệ xử lý nên chọn công nghệ nào phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm, điều kiện đặt cơ sở xử lý nhưng có một điều cần giải quyết là cân bằng, điều hòa được lợi ích các bên liên quan. Chẳng hạn cơ sở xử lý được lợi gì? Chắc chắn phải là lợi nhuận cao nên họ có thể lách luật nhiều kiểu để giảm giá thành nên cơ quan quản lý phải có cơ chế giám sát tốt để không xảy ra sự cố và khi xảy ra sự cố phải được xử lý kịp thời. Hay yêu cầu các hộ phân loại rác tại nhà phải chỉ ra trách nhiệm và lợi ích mà chúng đem lại cho họ. Nếu cơ quan ra văn bản yêu cầu phân loại và phạt khi họ không tuân thủ thì họ sẽ hiểu rõ cả trách nhiệm và lợi ích nên chấp hành. Tuy nhiên, người dân có thể phản ánh những gì làm chưa tốt, phản biện lại thì cơ quan quản lý phải trả lời thỏa đáng, chẳng hạn, một số người vẫn phân loại và bán được nhiều loại rác và hiện nay có phân loại thành hai ba túi nhưng xe rác đến lại gom chung vào thì phân loại làm gì, mất công thôi. Đây là những vấn đề cần có nghiên cứu thấu đáo hơn nữa”.

Việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày là thách thức lớn đối với TP.HCM, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn, đồng thời triển khai những chính sách bền vững nhằm giảm thiểu rác thải. Chỉ khi kết hợp đồng bộ các biện pháp, TP.HCM mới có thể vượt qua bài toán khó này và hướng đến một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn.

Thanh Trúc – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Rác thải luôn là bài toán khó đối với TP.HCM

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-bai-toan-kho-cho-viec-xu-ly-13000-tan-rac-moi-ngay-93329.html

Nhiều chung cư bị nứt, nghiêng sau bão số 3

Nhiều tòa nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng, không thể đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng do tác động của bão số 3.

Đó là ghi nhận của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Vừa qua, nhiều tỉnh thành phía bắc đã bị thiệt hại nề bởi siêu bão Yagi (bão số 3), lũ lụt ở một số địa phương, thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Theo ghi nhận của một số tỉnh thành, nhiều khu nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng, không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng do ảnh hưởng của cơn bão, một số địa phương đã phải di dời người dân ra khỏi chung cư để đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó nhiều nhà chung cư theo kết quả kiểm định đã thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân sinh sống tại các nhà chung cư cũ trong mùa mưa bão năm 2024; đồng thời thúc đẩy các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ được giao, quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98 của Chính phủ.

Theo đó, cần thực hiện ngay các giải pháp di dời người dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân bị di dời, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của dân.

Cần khẩn trương tổ chức thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn; đối với các nhà chung cư đã hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng mà thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại nhưng chưa đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại thì phải lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98, làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

Phải sớm tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị cần lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có các nội dung theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98; đồng thời xác định hệ số K bồi thường diện tích căn hộ áp dụng cho từng khu vực, vị trí có nhà chung cư được xây dựng từ năm 1994 trở về trước cần cải tạo, xây dựng lại để làm cơ sở cho chủ sở hữu và nhà đầu tư dự án thống nhất diện tích được bồi thường theo hệ số K để đưa vào phương án bồi thường, tái định cư.

Các địa phương sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98.

Cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành và người dân đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98.

Theo Bộ Xây dựng, Hà Nội và TP.HCM có nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, đặc biệt là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã triển khai thực hiện trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị dự án như phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng…

Do đó, bộ đề nghị 2 địa phương nói trên căn cứ quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98 để khẩn trương hoàn thành thủ tục cho các chủ đầu tư sớm triển khai khẩn cấp xây dựng dự án, bố trí tái định cư cho người dân, bảo đảm các quyền lợi của chủ sở hữu nhà chung cư và các chủ đầu tư dự án.

Tuyết Nhung/MTG

Theo Một Thế Giới

Ảnh: Nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp trầm trọng – Ảnh: Internet

Xem bài viết gốc tại đây:

https://1thegioi.vn/nhieu-chung-cu-bi-nut-nghieng-sau-bao-so-3-223998.html

Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa khu vực Đông Nam bộ

Theo kế hoạch phát triển ngành logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng hóa, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm coi dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển dọc đường Vành đai 4 TP.HCM thuộc địa bàn TP.Bến Cát là khu đô thị cảng – logistics – dịch vụ quy mô khoảng 2.702,73 ha ở An Tây, An Điền và Phú An; trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng.

Nhằm phục vụ vận tải cho hệ thống logistics bằng đường sông từ trong nội địa tỉnh Bình Dương đến cảng biển nước sâu Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.HCM), trước đó UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt dự án đầu tư cảng sông An Tây với diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Sau khi cảng hoàn thành sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại tỉnh cũng như vùng Đông Nam bộ.

Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh của mình, Bình Dương tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả đang được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương xem logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045. Bình Dương đang phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.

Xây dựng hạ tầng giao thông liên kết vùng

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, để khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành logistics, Bình Dương đang bám sát quy hoạch tỉnh kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành logistics của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistics đến đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch.

Bình Dương cũng đang nỗ lực sớm hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh; dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, các tuyến đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai; tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Bình Dương nâng cấp mở rộng ga Sóng Thần; hình thành hệ thống các cảng An Sơn, An Tây, An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế… Các công trình này đang và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành khẳng định, Bình Dương cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kinh doanh. Hiện nay, Bình Dương quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; hỗ trợ, bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics một cách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hương Chi – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Cảng tổng hợp Bình Dương Ảnh: H.C

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/binh-duong-se-tro-thanh-trung-tam-ve-tinh-noi-tap-ket-hang-hoa-khu-vuc-dong-nam-bo-post1674792.tpo

Liên tiếp xử phạt các doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Lấn chiếm đất nông nghiệp, đổ thải sai quy định, tập kết sản phẩm trên đất chưa có phép… nhiều doanh nghiệp khai thác khoảng sản trên địa bàn Nghệ An bị xử phạt.

Trong 3 năm qua, liên tiếp xảy ra tình trạng các doanh nghiệp khai thác khoảng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí sử dụng nhiều diện tích đất mà chưa được cơ quan chức năng cho phép, dẫn đến thất thoát phí tài nguyên, khó khăn trong công tác quản lý.

Mới đây UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát (Công ty Kiều Phát) có địa chỉ tại Mỏ Thung Xán II, xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với số tiền 320 triệu đồng do vi phạm 3 hành vi trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cụ thể, Công ty Kiều Phát đã lấn chiếm 32.000m2 đất nông nghiệp, trong đó bao gồm 16.000m2 đất rừng sản xuất tại phía Đông khu vực mỏ (giáp mốc số M3-M4) ở Thung Xán II, xã Liên Hợp. Tại đây, công ty đã đổ đất đá thải và tập kết sản phẩm mà không được cơ quan nhà nước cấp phép thuê đất.

Ngoài ra, công ty còn sử dụng 16.000m2 đất rừng sản xuất tại phía Nam khu vực mỏ (giáp mốc số MI1-MI) để làm văn phòng mỏ, bãi tập kết sản phẩm và bãi thải mà không có sự cho phép từ cơ quan chức năng về việc thuê đất. Với những vi phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt công ty 210 triệu đồng. Công ty cũng bị buộc khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu và trả lại phần đất đã lấn chiếm.

Tiếp đó, với hành vi lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản không đầy đủ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, báo cáo năm 2022 thiếu thông tin về trữ lượng còn lại, không có số liệu thống kê tại thời điểm lập báo cáo, và việc thống kê không dựa trên thông tin từ bản đồ hiện trạng cùng bản vẽ mặt cắt. Với vi phạm này, doanh nghiệp bị xử phạt 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty Kiều Phát còn bị phạt 80 triệu đồng do không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ và tài liệu liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Công ty phải nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp là 128 triệu đồng. Tổng số tiền mà Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát phải nộp vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, bao gồm cả tiền phạt và số tiền thu lợi bất chính, là 448 triệu đồng.

Với những hành vi tương tự, Công ty TNHH Hợp Thịnh có địa chỉ tại Khu Tiểu thủ công nghiệp, thị trấn Quỳ Hợp, cũng vừa bị tỉnh Nghệ An xử phạt 355 triệu đồng. Cụ thể, với hành vi lẫn chiếm hơn 1,7ha đất rừng, được quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định sổ 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công ty Hợp Thịnh bị phạt tiền với mức phạt 210 triệu đồng.

Với hành vi như lập báo cáo thống kê, kiểm kê trừ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác mà không đầy đủ; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm…, doanh nghiệp này bị phạt tiền với mức phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Hợp Thịnh còn bị phạt 80 triệu đồng với hành vi khai thác không đúng hệ thống mở vỉa được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 38 Nghị định số 36 ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Tổng hợp 4 hành vi vi phạm, doanh nghiệp bị nộp tổng tiền phạt là 355 triệu đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 330 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Xây dựng Văn Sơn, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Cụ thể, mỏ đá này đã lấn, chiếm hơn 63.000m2 đất đồi núi chưa sử dụng tại khu vực nông thôn. Trong đó, làm văn phòng, trạm nghiền, bãi tập kết (diện tích 2.800m2); khai thác khoáng sản (diện tích 60.646,8m2) tại khu vực lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn. Với hành vi này, UBND huyện Quỳnh Lưu đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đá lấn, chiếm.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện, công ty đã khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Cụ thể, công ty khai thác vượt ranh giới cấp phép là 1,48ha so với giấy phép. Với hành vi này, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 250 triệu đồng, buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Không chỉ lấn chiếm đất nông nghiệp, đổ thải sai quy định mà thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp còn khai thác ngoài ranh giới được cấp mỏ. Những hành vi này, cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Điền Bắc – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Lấn chiếm đất để đổ đất, đá thải diễn ra phổ biến tại các công ty khai thác khoảng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Đ.Bắc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daidoanket.vn/lien-tiep-xu-phat-cac-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-10290708.html

Quảng Ngãi: Dân khổ vì quy hoạch treo!

(Phapluatmoitruong.vn) – Dự án khu 2 đê bao TX. Quảng Ngãi (cũ) quy hoạch treo 28 năm, đã gây bất an, vất vả cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Lo lắng khi mùa mưa bão đang cận kề và quá bức xúc trước cảnh nhà hư, dột ướt, sinh hoạt tạm bợ kéo dài suốt hơn 28 năm bởi quy hoạch dự án treo, vừa qua, người dân tổ 6, P. Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi đã kéo đến trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu giải quyết đền bù, tái định cư cho dân.

Để tái định cư cho 160 hộ dân với 600 nhân khẩu trong vùng dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đầu tư khu đô thị mới phục vụ tái định cư khu 2 đê bao, đầu tư công trình đường giao thông dọc tuyến đê bao. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư 273 tỷ đồng, diện tích thu hồi đất khoảng 15 ha. Tuy nhiên, dự án này chỉ thực hiện được một phần do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Mặc dù đã nhiều lần quy hoạch rồi thay đổi quy hoạch, đến nay, đã hơn 28 năm trôi qua, người dân vùng dự án khu 2 đê bao vẫn đang sống trong điều kiện chật vật, con cái thất học và đất ở không được tách thửa, nhà hư hỏng, xập xệ không được xây mới. Đường sá trong khu dân cư vẫn là đường đất, tạm bợ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù mịt.

Người dân ở tổ 6, P. Lê Hồng Phong cho biết: “Trước đây, bà con sống ở khu phố này làm ăn khá thuận lợi, nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định. Thế nhưng, từ ngày nơi đây bị quy hoạch dự án treo, bà con khốn đốn trong cảnh nhà hư, dột nát, đi lại khó khăn. Có gia đình hiện nay đông con, nhà cửa chật chội, sinh hoạt tạm bợ mà không thể sửa chữa, xây lại nhà mới…”.

Dự án treo 28 năm đã khiến nhiều hộ dân ở tổ 6, P. Lê Hồng Phong rơi vào cuộc sống bất an.

Dự án đã hơn 28 năm, qua rất nhiều đời lãnh đạo tỉnh, nhưng vẫn không triển khai được khiến người dân phải chịu khổ. Đất đai muốn tách thửa chuyển nhượng cho con cái hay xây dựng nhà mới cũng không được. Người dân ở đây đã quá khổ, đang sống trong phố đô thị loại II mà ngỡ như ở nơi thôn quê heo hút” – Bà Lê Thị Ngọc Phương, một hộ dân ở tổ 6, bức xúc.

Cũng theo bà Phương, bà đã dự nhiều lần họp, nghe chính quyền địa phương nói về kế hoạch, dự định bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Thế nhưng chờ mãi, chờ hoài, đến giờ vẫn không thấy thay đổi gì!

Nhà cửa của nhiều hộ dân trong vùng dự án treo bị hư hỏng, chảy nước nhưng không được sửa chữa.

Còn ông Nguyễn Văn Hải than thở: “Ngôi nhà tôi đã cũ kỹ, nhưng phải ngăn ra để có nơi cho các con sinh hoạt. Suốt 28 năm qua, gia đình tôi cùng hàng trăm hộ dân nơi đây luôn “đội nắng – chống mưa” sống trong cảnh chật vật, bất an. Bà con mong ngóng, hy vọng chính quyền sẽ thực hiện dự án theo quy hoạch, để gia đình sớm được chuyển đến nơi ở mới”.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị điện tử, hiện khu dân cư tổ 6, P. Lê Hồng Phong có hàng trăm ngôi nhà cũ kỹ, dột nát, bị bao phủ bởi những lùm cây xanh um tùm, âm u và rác thải tràn lan, có nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh cao. Chưa kể, cả khu nằm thấp hơn mặt đường Tôn Đức Thắng từ 4 – 5 m. Do đó, mỗi khi trời mưa, nơi đây trở thành túi nước, gây ngập nhiều nhà dân. Rồi đường sá ngập nước, bùn lầy bà con đi lại rất khó khăn.

Nhiều đường đất trong vùng dự án treo bị ngập nước, người dân đi lại rất khó khăn.

Theo tìm hiểu, Quy hoạch dự án khu 2 đê bao TX. Quảng Ngãi (cũ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký phê duyệt điều chỉnh khu 2 đê bao quy hoạch trở thành Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2008.

Đầu năm 2023, UBND TP.Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch diện tích còn lại của khu 2 đê bao; đồng thời ban hành quyết định phê duyệt chi tiết 1/500 khu dân cư đê bao trở thành khu công viên cây xanh Thạch Bích (TP. Quảng Ngãi). Tuy nhiên, dự án này khi nào khởi công thì chưa rõ và người dân vẫn phải chờ đợi tái định cư trong mỏi mòn.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Thiên Bút – Trường Sơn

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Dự án quy hoạch treo và bỏ hoang, cây cối um tùm.

Đồng Nai: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp

(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 19/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1005/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp (giai đoạn 1).

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp (giai đoạn 1), tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư dự án là Công ty CP KCN Tân Hiệp. Quyết định cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý KCN Đồng Nai yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán và xác định tổng vốn đầu tư của Dự án.

Về địa điểm thực hiện dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở địa điểm thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất, giao UBND xác định cụ thể vị trí, ranh giới của dự án trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong quy hoạch chung xây dựng KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp được UBND tỉnh phê duyệt; Đảm bảo việc phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, kết nối hạ tầng kỹ thuật của KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp và không ảnh hưởng đến việc thực hiện các giai đoạn sau của KCN này.

Về thời hạn hoạt động, dự án có thời hạn 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. UBND tỉnh cũng có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai dự án phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, quy định của pháp luật về tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp. Xác định các tuyến, hướng đường giao thông nằm trong khu vực thực hiện dự án để đảm bảo việc đầu tư xây dựng KCN không ảnh hưởng đến việc thực hiện các tuyến giao thông; trường hợp có vướng mắc thì phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh ranh giới KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp cho phù hợp.

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Đối với Công ty Cổ phần KCN Tân Hiệp, phải đáp ứng điều kiện áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan, đảm bảo không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Anh Khang

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh họa.

Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Chương trình thảo luận với hai chủ đề chính: “Rác thải rắn và bài toán quản lý, xây dựng đô thị xanh”; và “Chung tay hợp tác công – tư, kết nối các nguồn lực xử lý hiệu quả chất thải rắn”.

Phát biểu tại tạo đàm Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, quản lý chất thải rắn hiệu quả không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong những năm qua, chúng ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đã đặt ra các quy định cụ thể về quản lý chất thải, tái chế và giảm thiểu ô nhiễm, góp phần hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

Mặc dù các chính sách và quy định đã được thiết lập, việc kiểm soát nguồn thải và quản lý chất thải rắn vẫn là một thách thức lớn. Chất thải rắn, đặc biệt là chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng, tạo áp lực lớn lên hệ thống xử lý và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: “Tọa đàm hôm nay với mong muốn tạo diễn đàn trao đổi, thu nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý và cử tri về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn; những tồn tại, khó khăn và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Từ đó, khuyến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải, chất thải rắn; tìm kiếm những giải pháp công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới việc phát triển xanh và bền vững”.

Tại tọa đàm, các đại biểu là nhà lập pháp, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn là vô cùng cần thiết. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

tm-img-altCác đại biểu tham dự tọa đàm

Ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco cho rằng, bối cảnh hiện nay công nghệ xử lý chất thải không phải là vấn đề mà mấu chốt là làm sao đưa công nghệ vào cuộc sống. Cùng với đó, để biến rác thải thành tài nguyên, rất nhiều việc phải làm, nhưng điều đầu tiên phải thực hiện được đó là phải được phân loại từ nguồn, sau khi phân loại xong thì mỗi loại chất thải đều có công nghệ và cách thức ứng xử khác nhau.

Chia sẻ quan điểm, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi ý kiến về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn và những tồn tại, khó khăn, thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý nguồn thải, chất thải rắn, tìm giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ngọc Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Quang cảnh buổi toạ đàm

Người nuôi hàu, cá ven biển ở Quảng Ninh ‘chẳng còn gì’ sau bão số 3

Ngư dân nuôi hàu, cá ven biển ở Quảng Ninh trắng tay sau bão số 3 (bão Yagi), người mất ít thì vài trăm triệu, người nhiều tới cả chục tỷ đồng.

Trắng tay… sau bão

Từng là khu vực tấp nập với trên 100 hộ nuôi cá lồng bè trên vùng biển Cẩm Phả, thế nhưng sau trận bão số 3, tất cả những gì còn lại ở khu vực Hòn Cò, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn chỉ là ngổn ngang mảnh bè vỡ, phao nhựa, rác thải…

Sức tàn phá kinh hoàng của cơn bão là nỗi sợ hãi, ám ảnh khó quên trong tâm trí bà Lưu Thị Nga ở thôn Đông Thắng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.

Của đau con xót, không riêng gì những người mưu sinh bám biển, bà Nga đã cùng chồng cố gắng giữ lại tài sản giữa biển khơi khi cơn bão số 3 đổ bộ. Vậy nhưng, với sức gió quá mạnh của tâm bão đã khiến bao mồ hôi, của cải biến mất trong chốc lát.

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, bà Nga vẫn còn thất thần vì tiếc khối tài sản đến ngày thu hoạch.

Bà Nga kể lại, hay tin bão sẽ vào Quảng Ninh, nên 2 vợ chồng quyết định ở lại bè nuôi trên vịnh để cố giữ và bảo vệ tài sản. Cứ nghĩ trong vịnh kín gió, bão bùng bao năm nay không việc gì. Thế mà lần này bão quá to, sau nhiều giờ gió rít mạnh kèm mưa to đã kéo toàn bộ tài sản của gia đình chìm đắm xuống biển.

Chiếc bè trú ngụ của hai vợ chồng bà Nga bị gió xé toạc, lênh đênh giữa cửa vịnh rồi cuộn lên ghềnh đá. Toàn bộ tài sản nuôi trồng của gia đình bà Nga gồm 30 dây hàu đang cho thu hoạch, cùng với 19 bè cá bị đánh tan.

“Tài sản trên biển là thế chấp nhà và đất để vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đầu tư nuôi trồng, còn lại vay mượn bên ngoài. 30 dây hàu, mỗi dây trung bình 5 tấn chuẩn bị thu hoạch, cùng với dàn phao 5.000 quả mới thay thế trong đợt cao điểm địa phương hối thúc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE (trung bình 90 nghìn đồng/quả). Ước tính thiệt hại hơn 100 tấn hàu thương phẩm cùng 19 lồng cá, thống phao lên tới 2 tỷ đồng”, bà Nga cho biết thêm.

Sau gần 1 tuần cơn bão số 3 đi qua, ngày nào anh Vũ Viết Vương ở phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả cũng chạy con thuyền nhỏ khắp các đảo mong hy vọng tìm lại số phao nuôi hàu bị gió cuốn đi.

Dừng chiếc thuyền nhỏ, đôi mắt thất thần nhìn ra xa, anh Vương cho biết, cả vùng biển Cẩm Phả, Vân Đồn người dân nuôi hàu, nuôi cá bị xóa sổ, mất trắng. Riêng nhà anh Vương bị thiệt hại 80 dây hàu đã xuống giống từ tháng 5 Âm lịch, trung bình 20 triệu đồng/dây, tổng thiệt hại lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Tiền vay nợ ngân hàng của gia đình anh Vương là 1,2 tỷ đồng. Anh Vương dự tính vụ hàu này thu hoạch sẽ trả được một phần tiền vay. Bão đến, tất cả đều tan biến.

Gia đình bà Lê Thị Thanh từ Cẩm La, thị xã Quảng Yên đến Vân Đồn bám biển mưu sống bằng nghề nuôi cá.

“Bè nuôi 36 ô cá bị bão cuốn phăng. Riêng cá song gia đình cũng nuôi từ 3 – 4 năm, còn cá giò đã nuôi 2 năm, con nào cũng từ 7 – 8 cân, tổng thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng. Gia đình tính Tết Nguyên đán tới thu hoạch để trả nợ, ai ngờ sạch trắng. Nhìn một đống của không còn, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau ứa nước mắt, tiếc của”, bà Thanh nói trong nước mắt.

Giống anh Vương, bà Nga, bà Thanh, tài sản dưới biển của nhiều hộ dân khác tại Quảng Ninh mất sạch sau bão. Họ không còn nguồn vốn để xoay vòng, tái nuôi trồng, nhiều người chán nản, rơi vào tuyệt vọng.

Anh Vũ Viết Vương đang cố gắng vớt vát tài sản là phao nuôi hàu bị bão số 3 hủy hoại.

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Nghề nuôi biển ở Quảng Ninh được xem là ngành kinh tế quan trọng và mang lại giá trị kinh tế tương đối cao.

Chưa bao giờ người dân làm nghề biển tại tỉnh này bị gánh chịu hậu quả tổn thất từ bão lớn như cơn bão số 3 vừa qua.

Theo số liệu từ báo cáo thiệt hại sau cơn bão số 3, tính đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại.

Tại thị xã Quảng Yên, cơ quan chức năng thống kê toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá bị phá hủy sau bão.

Của đau con xót, những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản cuối cùng, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu, hà.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Vân Đồn, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, trong đó hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn.

Tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Thị xã Quảng Yên trên 800 bè nuôi hàu, hà và trên 1.700 lồng nuôi cá bị thiệt hại…

Cả tỉnh Quảng Ninh chưa thống kê hết cũng đã cho thấy con số thiệt hại kinh khủng: Khoảng 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống bị ảnh hưởng nặng nề, mất trắng. Tổng thiệt hại dự kiến đối với hàu là 1.353 tỷ đồng; cá khoảng 533 tỷ đồng; hải sản khác 395 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ…

Bên cạnh việc thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng, điều chỉnh một số chính sách theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ có lợi cho người dân, tổ chức để ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất.

Quảng Ninh cũng báo cáo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn chung đến các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3 như các chính sách: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính…

“Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo là trên cơ sở chính sách hiện có, các chính sách ban hành mới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn tại địa phương, có hiệu quả, độ phủ rộng có nhiều đối tượng thụ hưởng, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực ngân sách của tỉnh, khả năng huy động của các tổ chức; không lợi ích nhóm, không trục lợi chính sách”, ông Cao Tường Huy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Hà Long – Văn Hùng – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Người nuôi cá trên vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh trắng tay sau bão số 3, nợ nần chồng chất.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/nguoi-nuoi-hau-ca-ven-bien-o-quang-ninh-chang-con-gi-sau-bao-so-3-post701285.html

Chốt thời gian cưỡng chế doanh nghiệp ‘xài chùa’ đất 28 năm

UBND TP.Vũng Tàu quyết định vào ngày 25/9 sẽ áp dụng biện pháp tháo dỡ, di dời tài sản trên diện tích hơn 15.341 m2 do Công ty CP Du lịch Quốc tế Hải Dương sử dụng và hơn 23.558 m2 của Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu đang khai thác.

UBND TP. Vũng Tàu vừa ra thông báo về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích hơn 38.800 m2 đất tại khu 28 ha Bãi Sau (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) do Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC) chưa bàn giao mặt bằng thực địa theo quy định.

Hiện tại, trên 38.800 m2 đất của Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC đang có tài sản của 2 doanh nghiệp là Công ty CP Du lịch quốc tế Hải Dương với diện tích hơn 15.341 m2 và Công ty CP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu với diện tích hơn 23.558 m2.

Hôm 23/8, TP. Vũng Tàu đã có văn bản gửi các công ty đề nghị tháo dỡ, di dời tài sản, nhà, vật kiến trúc trên đất, bàn giao mặt bằng chậm nhất đến ngày 5/9 nhưng các công ty chưa chấp hành đúng thời hạn.

Đến ngày 9/9, UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt phương án tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất và buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên diện tích đất do Công ty Du lịch Quốc tế Vũng Tàu và Công ty Du lịch Quốc tế Hải Dương đang sử dụng.

Tại buổi đối thoại mới đây, UBND TP.Vũng Tàu yêu cầu Công ty CP Du lịch quốc tế Hải Dương, Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu tự tháo dỡ, di dời tài sản nhà, vật kiến trúc, bàn giao đất sạch. Trường hợp công ty cố tình không di chuyển tài sản, TP.Vũng Tàu sẽ giao cho UBND phường 8 lập biên bản niêm phong, di chuyển tài sản ra khỏi khu vực cần cưỡng chế.

Thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, áp dụng biện pháp tháo dỡ, di dời tài sản trên đất trong 5 ngày, bắt đầu vào lúc 8h ngày 25/9.

Lãnh đạo TP.Vũng Tàu nhấn mạnh, nhiều nội dung công ty trình bày đã được xem xét, giải quyết tại nhiều cuộc họp trước đó. Về cổ phần hóa, TP. Vũng Tàu yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu liên quan nhưng doanh nghiệp không cung cấp.

Với các quyết định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, doanh nghiệp có quyền khiếu nại. Về việc thu hồi đất doanh nghiệp đã khiếu nại, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh trả lời. Vấn đề thứ 2 là bồi thường tài sản trên đất, nếu có khiếu nại doanh nghiệp có quyền khởi kiện hành chính ra tòa.

Theo đại diện của các doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng chấp hành di dời nhưng thực tế đối tượng di dời không đúng, không phải tên của công ty. Lý do thu hồi đất cũng không đúng vì công ty không tự nguyện trả lại đất mà do Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang trục đường Thùy Vân, phát triển kinh tế xã hội. Hiện, các công ty đang kinh doanh ổn định, đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Các công ty cần các quyết định đúng để có cơ sở báo cáo với cổ đông, tiến hành các thủ tục giải thể…

Duy Quang – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Bãi tắm Thùy Vân rộng khoảng 28 ha, kéo dài 3 km từ cổng khu du lịch Paradise đến đường Phan Chu Trinh hiện vẫn còn 2 công ty chưa bàn giao đất.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/chot-thoi-gian-cuong-che-doanh-nghiep-xai-chua-dat-28-nam-post1674248.tpo

Phát hiện nhiều khoản thu, chi sai quy định tại Bộ Y tế

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế.

KTNN đánh giá, trong năm 2023, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách còn nhiều hạn chế, bất cập.

Bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư

Báo cáo từ KTNN chỉ rõ, công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 của Bộ Y tế chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt; việc giao vốn còn chậm. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân 23,14 tỷ đồng/1.465 tỷ đồng, đạt 1,6% và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34,186 tỷ đồng/1.465 tỷ đồng, đạt 2,3%.

Một số dự án còn phê duyệt quy mô chưa đồng nhất với kết quả thẩm định của cơ quan chức năng về tổng diện tích sàn, diện tích xây dựng; tổ chức tuyển chọn, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc trước khi được cấp giấy phép quy hoạch; thực hiện lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án tỷ lệ 1/500 đối với 2 dự án khi dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện. Việc xác định danh mục trang thiết bị y tế được đầu tư không có thuyết minh sự cần thiết phải đầu tư, không phân tích nhu cầu đầu tư căn cứ trên sơ đồ bố trí, dây chuyền công năng, định mức trang thiết bị, năng lực hiện có dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong giai đoạn duyệt danh mục trang thiết bị; xác định một số danh mục thiết bị y tế chưa phù hợp mục tiêu dự án; lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa phù hợp; xác định giá thiết bị y tế chưa có thuyết minh cơ sở xây dựng giá…

Liên quan đến công tác quản lý tiến độ, KTNN chỉ rõ, năm 2023 Bộ Y tế có 7 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương chậm tiến độ, trong đó có 3 dự án nhóm A có nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại; các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.

Đặc biệt, qua kiểm tra sổ sách, KTNN cũng đã nhìn ra nhiều khoản thu, chi chưa đúng quy định. Cụ thể, Bộ Y tế phân bổ dự toán điều chỉnh nhiều lần; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; phân bổ kinh phí cho một số nhiệm vụ thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững không thuộc nội dung chi theo quy định tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính; phê duyệt một số danh mục nhiệm vụ chưa rõ đối tượng đáp ứng mục tiêu của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; giao dự toán viện trợ cho các đơn vị trực thuộc làm chủ dự án ODA chưa chi tiết từng dự án theo quy định tại Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính.

Liên quan đến thu chi sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi kiểm tra một số đơn vị KTNN chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu. Một số dịch vụ y tế xây dựng giá có một số danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ KCB được BHXH chi trả nhưng cơ sở KCB vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân; áp giá dịch vụ KCB chưa chính xác. Thực hiện vượt số ca thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới so với số ca thí điểm được phê duyệt của Bộ Y tế. Một số khoản thu dịch vụ khác nhưng phản ánh thu KCB; một số bệnh viện phát sinh thu từ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định trong Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 như dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu trong hoặc ngoài giờ hành chính; phẫu thuật ghép gan; thu của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá ngày, giường trong giá dịch vụ phẫu thuật.

Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh có 3 cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cấp trong một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chưa đúng quy định tại Điều 45 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với chi dịch vụ khám, chữa bệnh, kết luận từ KTNN cũng nêu rõ: Việc hạch toán chi phí trong năm một số khoản chi chưa đúng quy định. Đơn cử như chi phí khám chữa bệnh chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm 65,636 tỷ đồng; các khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định 3,524 tỷ đồng; chưa giảm trừ chi phí trong năm giá trị thuốc, bông băng, hóa chất, vật tư tiêu hao còn tồn kho 10,664 tỷ đồng… Trong công tác đấu thầu mua sắm, nhiều đơn vị chưa thực hiện tổng hợp, rà soát đầy đủ nhu cầu và số lượng hàng tồn kho làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm trong năm; chưa thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả đấu thầu, báo giá của nhiều cơ sở y tế khác trong vòng 12 tháng để xây dựng giá kế hoạch; thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu có giá trị trên 1 tỷ đồng chưa đúng quy định…

Về công tác quản lý thuốc, hóa chất, vật tư, còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký; tỷ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định; chưa thực hiện đối chiếu số xuất kho với số thực tế sử dụng tại các khoa điều trị…

Kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng trong đó: Tăng thu NSNN 62,194 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 57,654 tỷ đồng… Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Ngoài ra, KTNN kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với sai sót tồn tại: Lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (Dự án Viện Pháp y Quốc gia); lập, phê duyệt dự toán chi phí và thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với dự án không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ (Dự án Xây dựng nhà Ký túc xá 5 tầng Trường Đại học Y dược Thái Bình; Dự án Cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương (giai đoạn 2), làm tăng chi phí đầu tư dự án); lập, giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; cấp giấy phép, xác nhận cơ cấu tổ chức, địa điểm hoạt động của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại 3 địa điểm chưa tuân thủ theo quy định; tổ chức hoạt động xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động KCB và chứng chỉ hành nghề KCB theo quy định tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Phạm Huyền – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Qua kiểm toán tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/y-te/phat-hien-nhieu-khoan-thu-chi-sai-quy-dinh-tai-bo-y-te-i744463/

Quản lý mảng xanh: Thách thức mới của ‘siêu đô thị’

Liên tiếp các vụ gãy đổ cây xanh vào mùa mưa đã gây ra nhiều thương vong, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn đối với công tác quản lý cây xanh của TPHCM.

Thời điểm đầu tháng 8/2024, vụ việc nhánh cây bị gãy ở công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) làm 2 người chết, 3 người bị thương khiến người dân đặc biệt lo lắng. Sau đó không lâu, Sở Xây dựng TPHCM báo cáo về sự cố cây xanh trên địa bàn quận 5 xảy ra vào ngày 4/9 khi một cây xanh bật gốc, ngã đổ đã khiến 1 người tử vong và gây thiệt hại cho 2 ô tô, 2 xe máy…

Qua làm việc với cơ quan Công an vào các thời điểm xảy ra sự cố gây chết người về cây xanh, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM đã chỉ ra các nguyên nhân chính, đồng thời có văn bản đề xuất một số giải pháp trong công tác chăm sóc cây xanh để hạn chế các sự cố trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, hiện nay việc phát hiện khiếm khuyết trên cây xanh chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn. Trong khi tại nhiều quốc gia tiên tiến đã và đang sử dụng các thiết bị, máy móc để theo dõi, đánh giá khiếm khuyết cây xanh trên cơ sở khoa học để phục vụ công tác quản lý, chăm sóc hoặc thay thế cây xanh.

Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng của TPHCM trong giai đoạn 2024 – 2025 đặt ra chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng. Đồng thời, thành phố triển khai trồng mới và cải tạo khoảng 12.000 cây xanh. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu – chuyên gia về quản lý cây xanh, hiện nay diện tích mảng xanh, trong đó riêng diện tích công viên của TPHCM chỉ khoảng hơn 599ha, tương ứng với mật độ chỉ 0,55m2/người. Đây là những con số thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh của một đô thị đặc biệt như TPHCM. Theo chuyên gia này, với tốc độ phát triển mảng xanh còn chậm như hiện nay thì trong 2 – 3 năm tới TPHCM chưa thể đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hiện việc mở rộng quỹ đất cây xanh ở quận trung tâm là rất khó khăn, việc phát triển quỹ đất chủ yếu có thể triển khai ở TP Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân và khu vực ngoại vi (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè).

Bà Nguyễn Thị Nhi – Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) Nguyễn Thị Nhi cho biết, trước mắt TPHCM sẽ tập trung triển khai 6 công viên để tăng mảng xanh cho đô thị đông dân nhất nước. Đồng thời, thành phố đặt ra chỉ tiêu tới năm 2030 sẽ đạt được tỷ lệ cây xanh không dưới 1m2/người.

Để đạt được mục tiêu trên, bà Nhi cho biết, thành phố vẫn đang cân đối nguồn lực để đầu tư xây dựng. Song song đó, thành phố tiếp tục rà soát, khuyến khích phát triển mảng xanh, cây xanh tại các khu công cộng, khu phố, dân cư, nhà dân, cơ quan công sở, trường học.

Để đảm bảo quy hoạch mảng xanh đô thị bền vững, TS Trương Thị Minh Sâm – Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM góp ý, TPHCM cần quy hoạch mảng xanh có tính bền vững hơn, từ đó quản lý được các rủi ro dài hạn để tăng tính hiệu quả đối với công tác này. Theo TS Sâm, hiện nay ở các quốc gia tiên tiến đều xây dựng quy hoạch cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm dân cư, gắn với chương trình dự báo biến đổi khí hậu. Do đó, các nước này quản lý được từ xa các rủi ro sự cố cây xanh, nhưng đồng thời cũng phát triển nhanh tỷ lệ mảng xanh cho các đô thị.

“Hà Nội và TPHCM là 2 siêu đô thị hiện nay đã và đang phải đối diện với các thách thức bởi sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, cũng như tác động cực đoan của mưa giông, bão lụt. Do đó, kinh nghiệm quy hoạch cây xanh của các siêu đô thị trong khu vực cùng khí hậu là đặc biệt quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay” – TS Sâm nói.

Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Công nhân công ty cây xanh TPHCM xử lý cây xanh gãy đổ vào mùa mưa. Ảnh: Hồng Phúc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daidoanket.vn/quan-ly-mang-xanh-thach-thuc-moi-cua-sieu-do-thi-10290616.html

Cà Mau: Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 18/9, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Họp báo báo chí quý III và cung cấp thông tin các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 – 2024). Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong sự kiện quan trọng này.

Theo Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, sắp tới, tỉnh Cà Mau có nhiều hoạt động được diễn ra, cao điểm từ ngày 10 – 25/11/2024 như: Hội thảo khoa học với chủ đề: “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau – Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” (ngày 22/11); Hội chợ thương mại, diễn ra từ ngày 17/11/2024 đến ngày 27/11/2024; Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia (ngày 22/11); Giải Marathon – Cà Mau 2024 Cúp PETROVIETNAM với chủ đề: “Điểm hẹn Cà Mau” từ ngày 09 – 10/11/2024…

Đặc biệt là chương trình truyền hình trực tiếp diễn ra vào tối ngày 23/11/2024 tại khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, với chủ đề: “Hẹn ngày thống nhất”, trực tiếp trên sóng VTV – Đài Truyền hình Việt Nam và trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Phối cảnh con tàu tập kết ra Bắc chuẩn bị cho hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (nguồn: Internet).

Thông tin tại buổi Họp báo, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kinh tế – xã hội của Cà Mau tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đạt 432.163 tấn, bằng 66,3% kế hoạch, tăng 1,4% so cùng kỳ. Việc chỉ đạo quyết liệt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đến nay có 60/82 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới,  trong đó, có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Tân Dân, Tắc Vân, Lý Văn Lâm) và 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Cà Mau).

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 3,8% so cùng kỳ. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 70.846 tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch, tăng 19% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 838,7 triệu USD, bằng 67,1% kế hoạch, tăng 7,5% so cùng kỳ.

Giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 đạt gần 2.167 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, quản lý chất lượng các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, như: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cầu Gành Hào, tuyến đường U Minh – Khánh Hội, tuyến đường Cái Nước – Vàm Đình – Cái Đôi Vàm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kết luận một số nội dung trong buổi họp báo.

Đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp 336 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 2.405,4 tỷ đồng. Thu hút được 12 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký  hơn 2.200 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 459 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 146.532,9 tỷ đồng.

Riêng ngành du lịch, tính đến đầu tháng 9/2024, Cà Mau đã đón hơn 1.6 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 2.313,4 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, thời gian qua, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Cà Mau còn chậm; lượng khách du lịch, số doanh nghiệp thành lập mới giảm so cùng kỳ; tình hình mưa bão, sụt lún, sạt lở đất bờ biển, bờ sông… đã ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh tiếp tục tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Huy Diệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Quang cảnh buổi họp báo.

Đêm nhạc thiện nguyện gây quỹ ủng hộ đồng bào Miền Bắc bị bão lũ

  1. (Phapluatmoitruong.vn) – Đêm ca nhạc, cải lương với chủ đề “Cầu mong mẹ sống đời với con” sẽ diễn ra vào 19h30, ngày 27/09/2024 tại sân khấu Trống Đồng, số 12B đường CMT8, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM. Toàn bộ tiền bán vé đêm trình diễn sẽ được trao cho quỹ từ thiện để hỗ trợ đồng bào Miền Bắc đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Với ý nghĩa để âm nhạc lan tỏa và kết nối được tình yêu thương của mọi người cùng hướng về miền Bắc chia sẻ nỗi đau và hỗ trợ đồng bào ruột thịt, nghệ sĩ Huy Sang tổ chức chương trình Ca nhạc – Cải lương thiện nguyện nhằm gây quỹ cứu trợ cho đồng bào miền Bắc qua cơn lũ loạn.

Có hơn 20 ca sĩ, nghệ sĩ tham dự đêm nhạc thiện nguyện: NSND Thanh Tuấn, Ns Hồng Tơ, NSƯT Kim Tử Long, Ns Chung Tử Long – Hồng Hạnh, NSƯT Đào Vũ Thanh, CVVC Bùi Trung Đẳng, NNƯT Lương Hồng Huệ, Ns Linh Tâm, Ns Linh Tý, Ns Nguyễn Kha, Ns Ngân Tuấn và các ca sĩ, nghệ sĩ; Hồ Minh Đương, Trịnh Ngọc Huyền, Vũ Duy, Bình Tinh, Võ Hoàng Lâm, Dương Lâm, Bùi Trung Thành, Duy Vương, Nguyễn Minh Anh…

Người tổ chức chương trình ca sĩ Huy Sang.

Ca sĩ Huy Sang, người tổ chức đêm nhạc thiện nguyện chia sẻ: “Tin bão lũ gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào miền Bắc, đã làm cho giới anh em nghệ sĩ miền Nam hết sức đau lòng. Từ đó, tôi thực hiện ý tưởng sẻ chia nỗi đau bằng cách kêu gọi các anh em nghệ sĩ cùng chung tay thực hiện đêm nhạc thiện nguyện để gây quỹ hỗ trợ đồng bào miền Bắc đang chịu cảnh đau thương và mất mát. Trên tinh thần tương thân tương ái theo truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, đa số các anh em NS đều đồng lòng ủng hộ và tham gia đêm ca nhạc – cải lương ý nghĩa này. Số tiền bán vé sẽ dành hết cho việc cứu trợ đồng bào miền Bắc”, Ca sĩ, bầu show Huy Sang bày tỏ.

NSND Thanh Tuấn.

Chia sẻ về sự kiện này, NSND Thanh Tuấn cho biết: “Tôi thật sự hạnh phúc khi được tham dự đêm nhạc thiện nguyện này, vì nó mang đến cho tôi một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và nhân ái. Sự tương thân tương ái, hoạn nạn sẻ chia là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Trên tinh thần đó, tôi muốn góp một chút công sức bằng lời ca tiếng hát của mình để sẻ chia cùng bà con đồng bào miền Bắc khắc phục những khó khăn và ổn định cuộc sống”. “Qua báo, tôi xin gửi lời chia buồn đến với tất cả những gia đình đang gánh chịu nhiều đau thương mất mát”, NSND Thanh Tuấn san sẻ.

NSƯT Đào Vũ Thanh.

“Nhận lời mời tham gia đêm nhạc thiện nguyện, Đào Vũ Thanh mong sao đêm Văn nghệ được tổ chức thành công tốt đẹp. Thanh nghĩ, sự ủng hộ, yêu mến và đồng cảm từ quý khán giả và các mạnh thường quân trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” là những nhân tố quan trọng mang đến sự thành công cho đêm diễn. Là văn nghệ sĩ, Thanh chỉ biết đem là đem lời ca tiếng hát để vận động những tấm lòng nhà hảo tâm, cùng nhau hướng tới, chia sẽ nỗi mất mát, đau thương mà đồng bào ruột thịt chúng ta đang hứng chịu. Đây là một Chương trình rất ý nghĩa cho sự gắn kết yêu thương giữa tình thương và tình người”, NSƯT Đào Vũ Thanh trải lòng.

NNƯT Lương Hồng Huệ.

Từng tham dự nhiều sự kiện thiện nguyện, NNƯT Lương Hồng Huệ cho biết: “Bất cứ nơi nào, ở đâu và dẫu xa xôi cách mấy, nhưng khi được mời hát vì mục đích từ thiện là tôi tham gia ngay. Thiên tai đến với bất kỳ vùng miền nào thì tôi đều thấy xót xa cả. Là người con miền Trung nên tôi không còn lạ với những cơn bão. Tuy nhiên lần này là cơn bão quá lớn, tàn phá nặng nề. Tôi nghĩ, tiền bạc chỉ là một phần, cái cần thiết là sự động viên về tinh thần, vì có những sự mất mát mà không gì bù đắp được. Tôi cảm thấy chút đóng góp của mình là quá nhỏ nhoi so với những mất mát đau thương mà đồng bào chúng ta đang gánh chịu”.

Nghệ sĩ Nguyễn Kha.

Xót xa trước nỗi đau của đồng bào phía Bắc, nghệ sĩ Nguyễn Kha trầm buồn bã: “Tôi không trực tiếp nhìn thấy trận bão dữ càn quét trên quê hương miền Bắc, nhưng qua mạng xã hội và báo đài, những hình ảnh tan thương làm tôi không sao kèm được nước mắt. Cứ nghĩ trong một gia đình mà mất đi một người thân thì đau đớn lắm, vì tôi cũng từng mất đi một người thân nên cảm nhận được điều đó, và đó là sự buồn đau không gì bù đắp được. Bằng tình cảm và lời ca của một nghệ sĩ, tôi xin chia sẻ nỗi lòng mình cùng đồng miền Bắc và hy vọng người dân ta sẽ dần vượt qua nỗi khổ đau, khó khăn để ổn định cuộc sống”, nghệ sĩ Nguyễn Kha bày tỏ.

Nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng.

“Được tham dự chương trình, tôi cảm thấy mình càng phải trách nhiệm hơn với cộng đồng, đặc biệt là với đồng bào miền Bắc đang phải gánh chịu thiên tai. Đến với chương trình, tôi mong sao mình được góp chút công sức nhỏ nhoi, chia sẻ phần nào đối với bà con miền Bắc. Đẵng mong cho bão lũ qua mau để người dân mình xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng cho người dân ổn định công việc, những em bé được cấp sách đến trường”, Chuông vàng vọng cổ Bùi Trung Đẳng mong mỏi.

Nghệ sĩ Chung Tử Long.

Đôi song ca cải lương ăn ý một thời Chung Tử Long và Hồng Hạnh cho biết: “Tôi mong đợi đến ngày 27/9 để cùng nhau góp phần vào đêm diễn. Hy vọng lời ca tiếng hát của mình là phần nào chia sẻ được chút nỗi đau trước sự mất mát rất lớn của đồng bào ruột thịt. Sự tương thân tương ái là truyền thống muôn thuở của dân tộc ta. Và chúng tôi là những nghệ sĩ luôn luôn cống hiến và sẻ chia trên tinh thần nhân văn ấy. Xin chia buồn cùng cùng toàn thể bà con đang còn biết bao khó khăn nhanh chóng vượt qua hoạn nạn”.

Nghệ sĩ Trịnh Ngọc Huyền. 

Được mời tham dự chương trình Đêm nhạc thiện nguyện, nghệ sĩ Trịnh Ngọc Huyền bày tỏ nỗi lòng: “Bão Yagi đã gây ra biết bao đau thương mất mát cho đồng bào miền Bắc. Khi thiên tai ập đến, khi bão lũ hoành hành là lúc mọi người phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tinh thần đoàn kết dân tộc “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Với trách nhiệm là một công dân Việt Nam, em xin gửi lời chia sẻ sâu sắc đến bà con nơi vùng bão lũ , cầu mong mọi người sớm ổn định cuộc sống. Xin chân thành cảm ơn Đảng … Cám ơn những vòng tay nhân ái nhân đã chung tay sẻ chia cùng với nhân dân vùng bão lũ. Ngoài tham dự chương trình, bản thân em còn thực hiện việc quyên góp qua hoạt động với đài truyền hình TPHCM và tham gia các đêm nhạc từ thiện khác. Em cầu mong mọi người vượt gian khổ, bình an” CBVC Trịnh Ngọc Huyền cho biết.

Nghệ sĩ Hồ Minh Đương.

Dù bận nhiều show và trùng lịch diễn, nhưng khi được ca sĩ Huy Sang mời tham dự chường trình thiện nguyện, Ns Hồ Minh Đương đã dời lịch để tham dự chương trình, anh nói: “Tôi cảm ơn chương trình giúp tôi có cơ hội tham dự để mang tiếng hát của mình kêu gọi mọi người ủng hộ. Tôi biết sự góp sức của mình không đáng là bao nhiêu so với những gì mà đồng bào miền Bắc đang phải gánh chịu. Tôi hy vọng vài ngày tới, đồng bào mình sớm vượt qua những khó khăn để ổn định cuộc sống”.

 Hồng Loan.

“Dù cơn bão đã đi qua, nhưng để lại cho bà con miền Bắc những thiệt hại và mất mát không gì bù được. Hồng Loan xin gửi lời chia buồn sâu sắc và cảm thông đến những gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Đây là một thời điểm khó khăn, và hy vọng rằng các gia đình sẽ có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua những mất mát này. Mong rằng, với sự hỗ trợ của cộng đồng, các cấp chính quyền và người dân cả nước, bà con mình sẽ sớm ổn định lại cuộc sống. Cầu chúc cho những gia đình có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn.

Hồng Loan vinh dự được tham gia đêm nhạc với vai trò đồng hành và chung tay cùng Ban tổ chức trong việc hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sau bão lũ. Thông qua hoạt động này, Hồng Loan hy vọng có thể góp phần lan tỏa tình yêu thương và mang lại nguồn động lực giúp những người dân bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đây cũng là dịp để Hồng Loan cùng cộng đồng thể hiện sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn”, bà Hồng Loan bộc bạch.

Lê Huy, Đạo diễn đêm nhạc.

Để chương trình được diễn ra, bầu show Lê Huy, người phụ trách sân khấu Trống Đồng rất vất vã trong việc xin giấy phép và các thủ tục trình diễn, anh tâm sự: “Dù tất tả, nhưng để lời ca tiếng hát lan tỏa sự yêu thương và sẻ chia đến với bà con vùng lũ, mình không ngại khó khăn, chỉ mong sao đêm diễn thành công để cùng hướng về đồng bào miền Bắc”.

Đêm nhạc sẽ diễn ra vào lúc 19h30 tại sân khấu Trống Đồng, giá vé 99.000đ. Chương trình rất mong sự tham dự của quý khán giả để đêm ca nhạc – cải lương được lan tỏa và kết nối được tình yêu thương của mọi người.

Phùng Hiệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)