• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 2

Tìm giải pháp cứu các dòng sông ‘chết’

Các dòng sông phía tây Hà Nội đang đối mặt với tình trạng cạn nước và ô nhiễm nghiêm trọng. Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để cứu các dòng sông này và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Suy giảm dòng chảy khiến các hệ thống thủy lợi tê liệt

Hà Nội hiện có 9 dòng sông chảy qua. Riêng phía tây có 8 con sông, trong đó sông Đáy, sông Tích và sông Nhuệ, đang trong tình trạng cạn nước và ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, sông Đáy – từng là một dòng sông lớn, nay gần như đã “chết”. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do mực nước sông Hồng và sông Đà hạ thấp kéo dài, cùng với việc khai thác cát quá mức.

Tại hội thảo do Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia KC.14 phối hợp với Viện Quy hoạch thủy lợi và Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam vừa tổ chức ở Hà Nội, lý giải nguyên nhân khiến các dòng sông phía tây Hà Nội đang chết dần, ông Đỗ Văn Thành – Viện Quy hoạch thủy lợi, cho rằng mực nước sông Hồng và sông Đà hạ thấp kéo dài đang đẩy hệ thống thủy lợi phía tây Hà Nội vào tình trạng cạn nước đến mức báo động. “Sự suy giảm dòng chảy khiến các hệ thống thủy lợi bị tê liệt, nhiều dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng trong mùa kiệt, khiến các con sông ở phía tây Thủ đô trở thành sông chết” – ông Thành nhấn mạnh.

Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính khiến lòng sông Đà và sông Hồng hạ thấp là do tình trạng khai thác cát quá mức. Do đó cần quản lý việc khai thác chặt chẽ và hợp lý. Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đề xuất: “Cần cấm, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trên sông Hồng, sông Đà. Cùng với đó, cần nghiên cứu chuyển đổi vật liệu xây dựng để giảm khai thác cát và khôi phục các dòng sông”.

Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác và quy hoạch tổng thể.

Xây dựng các đập dâng

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để cứu các dòng sông “chết” và đảm bảo an ninh nguồn nước phía tây Hà Nội. Một trong những giải pháp căn cơ là xây dựng các đập dâng trên sông Hồng và sông Đuống nhằm nâng cao mực nước, đảm bảo cấp nước cho các công trình thủy lợi trọng điểm phía tây Hà Nội như trạm bơm Trung Hà, trạm bơm Phù Sa, cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc. Ông Đỗ Văn Thành cho rằng: “Giải pháp căn cơ là xây dựng các đập dâng trên sông Hồng và sông Đuống nhằm nâng cao mực nước, đảm bảo cấp nước cho các công trình thủy lợi trọng điểm phía tây Hà Nội”.

Phương án tổng thể được đề xuất, bao gồm việc nâng cao mực nước sông Hồng để cấp nước tự chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy; đồng thời nâng mực nước sông Đà để tự chảy vào sông Tích và vận hành chủ động các trạm bơm lớn như Trung Hà, Phù Sa, Đan Hoài. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, hai đập dâng Xuân Quang và Long Tửu sẽ được xây dựng để hỗ trợ quá trình này.

Ông Nguyễn Trường Duy – Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, đề xuất giải pháp lấy nước từ sông Đà để cấp cho 3 con sông phía tây Thủ đô là sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy.

Ngoài ra, cần cải tạo và nâng cấp các hệ thống thủy lợi chính như hệ thống Phù Sa – Đồng Mô, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Đáy. Ông Duy phân tích, nên lấy 100 m³/s nước từ cống Thuần Mỹ đưa vào sông Tích, di chuyển đến km37 (khu vực Sơn Tây). Tại đây, một đập điều tiết sẽ chia lưu lượng thành hai hướng: 40 m³/s dẫn về sông Tích và sông Bùi; 60 m³/s còn lại dẫn qua tuyến kênh theo quy hoạch Tây Thăng Long, cấp cho sông Đáy và sông Nhuệ mỗi sông 30 m³/s.

“Phương án này sẽ duy trì dòng chảy tự nhiên bền vững, cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời thúc đẩy giao thông thủy và du lịch” – ông Duy nhận định. Giải pháp này còn giúp chủ động cấp nước sản xuất nông nghiệp cho khoảng 70.000 ha; giảm chi phí điện do không cần bơm nước từ sông Hồng, và cung cấp nước cho 20.000 ha nuôi trồng thủy sản cùng các nhà máy nước sạch nhằm giảm khai thác nước ngầm. Tổng kinh phí đầu tư cho phương án này ước tính khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng.

GS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam thì cho rằng việc xây dựng 2 đập dâng để hồi sinh các dòng sông suy kiệt là khả thi. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chiều cao của đập dâng và phối hợp với các nhà máy thủy điện để đảm bảo lưu lượng xả ổn định.

Các nhà khoa học cũng cho rằng cần xây dựng quy hoạch tổng thể, lâu dài để phục hồi các dòng sông phía tây Hà Nội, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đây là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực này.

Xuân Dung – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Một đoạn sông Tích hiện nay. Ảnh: Lê Minh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daidoanket.vn/tim-giai-phap-cuu-cac-dong-song-chet-10300937.html

Thị trường carbon 2025: Doanh nghiệp cần làm gì?

Thị trường carbon đặt ra bài toán cấp bách cho các doanh nghiệp. Không chỉ tuân thủ quy định, đây còn là cơ hội chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao vị thế.

Bước ngoặt cho thị trường carbon Việt Nam

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho thị trường carbon Việt Nam. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong nền kinh tế xanh toàn cầu mà còn đang tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đặc biệt, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới…

Thị trường carbon đang mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam, với tiềm năng to lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ gia tăng nguồn thu mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tạo cơ chế minh bạch và đồng bộ trong vận hành thị trường.

Thích ứng với quy định giảm phát thải

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Đức Tiến, Giám đốc Kinh doanh Công ty NAYAN Sustainability cho biết: Khó khăn và thách thức với các doanh nghiệp có thể chia làm hai phần, phần một là về kiến thức và phần thứ hai là về nguồn lực.

Theo đó, kiến thức ở đây là việc các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại chưa có nhiều kiến thức về kiểm kê khí nhà kính, cũng như về thị trường carbon để đăng ký dự án. Bởi vì giao dịch tín chỉ carbon không phải diễn ra trong thời gian ngắn, mà để đăng ký được dự án và cấp chứng nhận sẽ mất thời gian, thường là kéo dài đến 2-3 năm.

Ông Đỗ Đức Tiến, Giám đốc Kinh doanh Công ty NAYAN Sustainability. Ảnh: NVCC

Trong Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 cũng đã nêu rõ từ giờ cho đến tháng 6/2025 sẽ hoàn thiện được khung pháp lý của Việt Nam về thị trường tín chỉ carbon, cũng như giao dịch hạn hạn ngạch phát thải. Từ Quyết định số 232 các doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin để chuẩn bị cho tiến trình gia nhập thị trường carbon”, ông Đỗ Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, về nguồn lực, theo ông Đỗ Đức Tiến, bao gồm cả nguồn lực về tài chính và nguồn lực về nhân sự. Một là về nhân sự, ở Việt Nam không có quá nhiều tổ chức để cấp và chứng nhận tín chỉ carbon trong nước này, dẫn đến chi phí sẽ cao hơn. Hai là, ngay cả những chuyên gia về kiểm kê khí nhà kính hay tín chỉ carbon ở Việt Nam cũng chưa có nhiều dẫn đến các công ty khi muốn tìm hiểu hoặc muốn tìm kiếm nhân sự làm việc cũng không phải là chuyện đơn giản.

Ngoài ra, về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ bởi vì đầu tư được vào các dự án tín chỉ carbon là một khoản đầu tư tương đối lớn và trong khoảng thời gian dài.

Thông tin thêm, ông Đỗ Đức Tiến khuyến nghị với các doanh nghiệp Việt Nam rằng: Thứ nhất, các doanh nghiệp cần theo dõi thêm thông tin chính thống từ Chính phủ.

Thứ hai, hiện nay có rất nhiều khóa học hoặc những hội thảo về thị trường carbon, các doanh nghiệp có thể tham dự để tăng thêm nhận thức và kiến thức. Đồng thời, tìm hiểu kỹ các cơ chế hoạt động, các quy định pháp luật, hay các tiêu chuẩn cũng như quy trình chứng nhận của thị trường carbon.

Thứ ba, các doanh nghiệp cũng có thể chuẩn bị về nguồn nhân sự hoặc nguồn tài chính để đảm bảo có đủ nguồn lực thực hiện các hoạt động liên quan đến dự án giảm phát thải và tham gia thị trường carbon. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức có chuyên môn để được tư vấn và hướng dẫn cũng như hỗ trợ trong quá trình tham gia thị trường carbon.

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg về Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thực hiện thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028. Trong giai đoạn này sẽ triển khai thực hiện thí điểm thị trường carbon trên toàn quốc. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế được nghiên cứu, quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật và được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Toàn bộ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc một số lĩnh vực phát thải lớn. Tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên sàn giao dịch carbon.

Giai đoạn vận hành chính thức trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2029. Theo đó, các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét mở rộng theo lộ trình. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí và phân bổ qua đấu giá.

Thanh Bình – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/thi-truong-carbon-2025-doanh-nghiep-can-lam-gi-376603.html

Không để xảy ra ‘quân xanh, quân đỏ’ khi đấu thầu các dự án cao tốc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu không để xảy ra tình trạng ‘quân xanh, quân đỏ’ khi đấu thầu các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có các dự án cao tốc.

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Ban quản lý dự án giao thông tỉnh nghiên cứu nội dung hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư các dự án theo phương thức công tư và triển khai các tuyến đường của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, ngày 6/2/2025, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và triển khai các tuyến đường cao tốc, gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) khẩn trương hướng dẫn các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án theo phương thức PPP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 564/TB-VPCP ngày 19/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm cạnh tranh, công bằng và minh bạch, không hình thức, không để xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ” khi đấu thầu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định để có thể lựa chọn nhanh nhất được nhà đầu tư, nhà thầu có kinh nghiệm và tiết kiệm chi phí hơn việc đấu thầu.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án theo phương thức PPP chủ động, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, sớm hoàn thành các dự án để phát huy hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai thực hiện 2 tuyến cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc – Liên Khương. UBND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét đề xuất đầu tư Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư, tái định cư phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc Liên Khương của UBND thành phố Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định cơ sở (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 1.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là ông Tôn Thiện San, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính); các Phó chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) và ông Nguyễn Trần Nhật Huy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính).

Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập Tổ giúp việc rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư.

Linh Đan – Báo TC-ĐT

Theo Tài chính – Đầu tư

Ảnh: Cao tốc Liên Khương – Prenn (Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện, đưa vào khai thác. Ảnh: Linh Đan

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/khong-de-xay-ra-quan-xanh-quan-do-khi-dau-thau-cac-du-an-cao-toc-d250505.html

Chu trình nước thải sinh hoạt được làm sạch đưa vào sông Tô Lịch

TP Hà Nội sẽ nghiên cứu sử dụng nước thải đã qua xử lý ở nhà máy xử lý nước thải Yên Xá bổ cập vào hồ Tây và từ đây đưa vào sông Tô Lịch làm sạch ô nhiễm, tạo dòng chảy bền vững.

Làm sạch sông Tô Lịch bằng nước thải đã qua xử lý

Tại kỳ họp thứ 18, HĐND quận Tây Hồ (Thành phố Hà Nội) khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND quận Tây Hồ đã điều chỉnh, cập nhật danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025 đối với 2 dự án mới là bổ cập nước hồ Tây từ nhà máy xử lý nước thải hồ Tây về hồ Sen và khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng nước, hệ sinh thái hồ và giải pháp nâng cao chất lượng nước bảo tồn sinh thái hồ Tây.

Theo phương án mới, nước thải sinh hoạt sau xử lý sẽ không còn chảy ra sông Nhuệ như hiện nay mà được dẫn về hồ Sen (rộng hơn 4 ha, nằm đối diện Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây) thông qua hệ thống ống dẫn. Tại hồ Sen, nước thải sẽ được sơ lắng và quan trắc thường xuyên cho đến khi đạt chất lượng mới được bổ cập vào hồ Tây và từ đây bổ cập vào sông Tô Lịch.

Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây có công suất thiết kế khoảng 15.000m3/ngày, với công suất tối đa lên đến 22.800m3/ngày vào mùa khô và 32.640m3/ngày vào mùa mưa. Mỗi ngày có khoảng 13.000m3 nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng công nghệ bùn hoạt tính dạng mẻ (SBR). Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cột A và hiện đang được xả ra sông Nhuệ qua cửa xả B Xuân La.

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường, nhận định, bổ cập nước sẽ giúp pha loãng chất ô nhiễm, tạo dòng chảy và giảm mùi hôi. Việc thu gom nước thải và xử lý rồi lại đưa trở lại được coi là giải pháp bền vững, lâu dài trong bài toán xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

“Nhưng nếu nguồn nước thải vẫn tiếp tục xả xuống sông, thì việc bổ sung nước chẳng khác nào ‘rửa tay trong chậu bẩn’. Chúng ta phải xử lý tận gốc nước thải trước khi nghĩ đến chuyện hồi sinh dòng sông”.GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nhận định.

Hàn Quốc từng có con sông Cheonggyecheon bị ô nhiễm nặng nề như sông Tô Lịch hiện nay. Chính quyền Seoul đã chi hàng tỷ USD để dỡ bỏ các công trình lấn chiếm, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, đồng thời bổ cập nước sạch từ sông Hàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Cheonggyecheon đã trở thành điểm đến du lịch và biểu tượng xanh của thành phố.

Tại Singapore, sông Kallang từng là “dòng sông chết” do ô nhiễm công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Chính phủ nước này đã thực hiện một chiến dịch kéo dài 10 năm, trong đó trọng tâm là chuyển toàn bộ nước thải ra khỏi sông và tái tạo hệ sinh thái ven sông. Hiện nay, Kallang đã trở thành một phần trong hệ thống hồ chứa nước sạch của Singapore.

Bài học từ các quốc gia này cho thấy rằng muốn hồi sinh sông Tô Lịch, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải, đảm bảo không còn tình trạng xả thải trực tiếp. Song song với đó, TP cũng cần quy hoạch lại khu vực hai bên bờ sông, khuyến khích phát triển không gian xanh để giảm tác động ô nhiễm.

Cống gom nước thải sẽ được thực hiện đồng nhất

Được khởi công xây dựng từ năm 2016, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.

Ngày 1/12/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Hiện nhà máy có công suất 100.000m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ xử lý nước thải của TP Hà Nội lên 40%. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, công suất tối đa có thể đạt là 270.000 m3/ngày đêm, sẽ phát sinh 122,4 tấn bùn/ngày, nâng tổng lượng bùn thải của TP lên 172 tấn/ngày.

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cũng cơ bản hoàn thành.

Với việc xử lý nước thải sinh hoạt đang trực tiếp xả ra sông Tô Lịch, thống kê của Sở Xây dựng hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, bất cập là còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Sở Xây dựng đang xây dựng phương án trình TP để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, ngoài bổ cập nước, để sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, thành phố cũng cần cải tạo lại mặt cắt, tạo cảnh quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp hai bên sông. Có như vậy mới tạo ra hiệu quả đồng bộ. Ngoài ra, không chỉ xử lý sông Tô Lịch, thành phố cũng cần lưu ý với 3 con sông nội đô còn lại, bởi không gian ô nhiễm rất rộng. Thực hiện toàn diện như vậy mới tạo ra những trục cảnh quan đẹp cho thành phố.

Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng trước mắt nghiên cứu phương án lấy nước từ hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, do nguồn nước cung cấp cho Hồ Tây chủ yếu là nước thải chưa được thu gom và nước mưa, việc bổ cập cho sông Tô Lịch có thể ảnh hưởng đến mực nước của hồ. Vì vậy, quận Tây Hồ đã đề xuất phương án sử dụng nước thải sau xử lý từ nhà máy để bổ cập lại cho Hồ Tây, nhằm đảm bảo duy trì mực nước ổn định. Chủ tịch Hà Nội lưu ý phương án này đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây.

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp xử lý, làm sạch sông Tô Lịch.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/chu-trinh-nuoc-thai-sinh-hoat-duoc-lam-sach-dua-vao-song-to-lich-169250303172236571.htm

Quảng Ngãi: Khẩn trương hoàn thành Quảng trường Trung tâm phục vụ kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ – 11/3

(Moitruong&phapluat) – Dự án nâng cấp đường và Quảng trường Phạm Văn Đồng tại TP Quảng Ngãi với tổng đầu tư 146 tỷ đồng, đang gấp rút hoàn thành để phục vụ các sự kiện lớn tại địa phương.

Đặc biệt, quảng trường trung tâm là điểm nhấn của tỉnh sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945-11/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng Quảng Ngãi (24/3/1975-24/3/2025).

Dự án nâng cấp đường và Quảng trường Phạm Văn Đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư; thực hiện trên phần diện tích khoảng 12,2 ha, gồm các hợp phần: Cải tạo quảng trường, hồ điều hòa và đường Phạm Văn Đồng. Quảng trường trung tâm là quảng trường lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố và tỉnh Quảng Ngãi. Quảng trường cũng góp phần nâng tầm đô thị cho TP Quảng Ngãi, đồng thời tạo ra không gian đô thị để người dân vui chơi, giải trí…

Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, các nhà thầu có 120 ngày để thi công hoàn thiện toàn bộ công trình, được triển khai trên thực địa từ ngày 20/12/2024. Tuy nhiên, để hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình, đủ điều kiện đưa vào sử dụng trước ngày 10/3, hiện nay các nhà thầu đang ngày, đêm gấp rút thi công phần việc còn lại trên hiện trường.

Sáng 3/3, trao đổi với phóng viên Môi trường và Pháp luật , Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP Quảng Ngãi Bùi Đức Thuận cho biết: “Trước yêu cầu phải hoàn thành dự án đúng tiến độ, vừa qua, Chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh, chỉ đạo các nhà thầu thi công các hạng mục công trình theo hình thức cuốn chiếu…

Để dự án về đích đúng tiến độ, hiện nay gần 700 cán bộ, kỹ sư, nhân công cùng hàng trăm thiết bị đã được huy động đến công trường và  chia làm hàng chục mũi thi công ngày đêm, gấp rút hoàn thành dự án.

Hiện trên khu vực quảng trường, các nhà thầu đang tập trung thi công hạng mục lát đá granite và đã sắp hoàn thành, chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho đơn vị tổ chức sự kiện. Hạng mục trồng cây xanh, hạng mục điện nằm trong phạm vi khu vực quảng trường chính và sân cảnh quan, cùng nhiều hạng mục khác cũng đã hoàn thành.

Theo ông Bùi Đức Thuận, hiện tổng giá trị đã thực hiện dự án đến nay đạt khoảng 80% khối lượng công việc, tiến độ đang bám sát yêu cầu đặt ra. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục nâng cấp chỉnh trang trục đường Phạm Văn Đồng và Quảng trường trung tâm đúng kế hoạch, Chủ đầu tư kính đề nghị UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét chỉ đạo các cấp thẩm quyền sớm tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông…

Một số hình ảnh nhà thầu thi công Dự án Quảng trường Trung tâm và đường Phạm Văn Đồng:

Minh Trí 

Ảnh: Nhà thầu đang thi công các hạng mục công trình của Dự án Quảng trường Trung tâm Quảng Ngãi và đường Phạm Văn Đồng

Chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 3

Quy định mới về thuế chống bán phá giá với thép cán nóng từ Trung Quốc; quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; kinh doanh xuất khẩu gạo; điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản… có hiệu lực từ tháng 3/2025.

Áp dụng thuế chống bán phá giá với thép cán nóng từ Trung Quốc

Ngày 21/2, Bộ Công thương ban hành quyết định 460/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho 17 nhà sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc là 27,83%. Mức thuế này cũng sẽ áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân khác sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Ấn Độ chưa bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời.

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ có thời hạn áp dụng 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực.

Quyết định 460/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 8/3/2025.

Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo

Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP quy định: Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Thay vì phải báo cáo hàng tuần, quy định trên được Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Nghị định số 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.

Quy định mới về điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Theo đó, từ 1/3 các trường hợp được điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản gồm: Trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò nâng cấp từ các khối tài nguyên trong phạm vi Giấy phép khai thác được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức, cá nhân có đề nghị khai thác, thu hồi khoáng sản đi kèm. Khi có sự thay đổi tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Khi tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi phương pháp khai thác, công suất khai thác đã xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Theo quy định mới, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có nội dung về thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trong ngày, từ 5 giờ đến 19 giờ; quy định về thời gian khai thác trong năm. Tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định khung thời gian khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Theo đó, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi phải nằm trong phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.

Ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Ngày 15/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ và có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.

Trong đó, theo điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin nêu rõ, trong vòng 03 năm kể từ ngày Nghị định 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%.

Trong vòng 2 năm tiếp theo thì nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước, mà phải đóng mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Trong đó, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm d, k và bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về các bên có quan hệ liên kết.

Đây là chính sách quan trọng, căn bản tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí, có thêm dòng tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các quy định mới này đã tháo bỏ được gánh nặng cho doanh nghiệp, khi phần lớn hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Duy Phạm – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/chinh-sach-kinh-te-moi-co-hieu-luc-tu-thang-3-post1721279.tpo

Doanh nghiệp sản xuất xanh sẽ được ưu đãi về thuế, và vay vốn

Theo dự thảo do Bộ Công Thương đang xây dựng, doanh nghiệp sẽ được vay vốn từ Quỹ tài chính quốc gia hỗ trợ dự án chuyển đổi xanh.

Bộ Công Thương đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới.

Cụ thể, như tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương và việc xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo cũng bổ sung đối tượng phải dán nhãn năng lượng. Theo đó, ngoài nhóm thiết bị sử dụng năng lượng, phương tiện vận tải thì các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng phải dán nhãn năng lượng. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ không còn là Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính mà sẽ được giao cho bộ quản lý chuyên ngành triển khai dán nhãn cho từng lĩnh vực. 

Một nội dung mới của dự thảo Luật cũng được nhiều người quan tâm, đó là Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Quỹ này sẽ do Chính phủ thành lập để cho vay ưu đãi, bảo lãnh, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ tài chính đầu tư cho hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các dự án chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Chính phủ quy định nguồn vốn, bao gồm một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn lực của nhân dân, của xã hội và các nguồn lực từ bên ngoài. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về xây dựng các công cụ tăng cường kiểm soát phát thải các bon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn. Bổ sung một số quy định về ưu đãi như: khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; đầu tư và chuyển đổi sang các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Chính phủ xây dựng các cơ chế khuyến khích, giải pháp thúc đẩy các quá trình chuyển đổi phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến công nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghệ bảo tồn và hiệu quả năng lượng.

Với những quy định mới này, dự kiến khi áp dụng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng lớn; doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, thiết bị gia dụng, văn phòng, công nghiệp.

Minh Thành – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-san-xuat-xanh-se-duoc-uu-dai-ve-thue-va-vay-von-96735.html

Biến đổi khí hậu đang đe dọa các đảo Thái Bình Dương

(Phapluatmoitruong.vn) – Tình trạng nước biển dâng cao nhanh chóng, đại dương nóng lên và hiện tượng axit hóa đang đe dọa các đảo Thái Bình Dương, khiến nơi này phải đối mặt với những thách thức về khả năng kinh tế xã hội và thậm chí là sự tồn tại do biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Tình hình khí hậu ở Tây Nam Thái Bình Dương năm 2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết mực nước biển dâng cao trong khu vực này đã cao hơn mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt biển đã tăng nhanh gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu kể từ năm 1980. Trong thời gian đó, các đợt nắng nóng trên biển đã tăng gấp đôi về tần suất kể từ năm 1980 và dữ dội hơn cũng như kéo dài hơn.

Tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Tonga vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc – Ông Antonio Guterres cho biết: “ Một thảm họa toàn cầu đang đặt thiên đường Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm. Mực nước biển trung bình toàn cầu đang dâng lên với tốc độ chưa từng có. Đại dương đang tràn bờ

Theo đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết mặt dù khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ tạo ra 0,02% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng các quốc đảo trong khu vực đang “ở tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ những cơn bão nhiệt đới mạnh đến các đợt nắng nóng kỷ lục ở đại dương.

Ngoài ra, những lý do cho các vấn đề trên được gây ra bởi khí nhà kính – chủ yếu được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, việc này đang làm trái đất nóng lên do biển đang hấp thụ nhiệt theo nghĩa đen.

Theo bà Celeste Saulo – Tổng thư ký WMO, Biến đổi khí hậu đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu và là thách thức lớn mà nhân loại hiện đang phải đối mặt. Các cộng đồng, nền kinh tế và hệ sinh thái trên khắp khu vực Tây Nam Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi những tác động dây chuyền của nó. 

Đại dương đã hấp thụ hơn 90% nhiệt dư thừa bị giữ lại bởi khí nhà kính và đang trải qua những thay đổi không thể đảo ngược trong nhiều thế kỷ tới. Các hoạt động của con người đã làm suy yếu khả năng duy trì, bảo vệ của đại dương. Và thông qua mực nước biển dâng cao, đang biến một người bạn lâu năm của con người thành một mối đe dọa ngày càng tăng. Chúng ta đã chứng kiến ​​nhiều trận lũ lụt ven biển hơn, bờ biển rút lui, nước mặn làm ô nhiễm nguồn nước ngọt và di dời các cộng đồng” bà Celeste Saulo cho biết.

NHỮNG SỰ THAY ĐỔI NGUY HIỂM

Tại Báo cáo Tình hình khí hậu ở Tây Nam Thái Bình Dương năm 2023, các chuyên gia cũng đã cung cấp chi tiết các số liệu đối của các nguyên nhân đang đe dọa các đảo tại khu vực Thái Bình Dương.

Mực nước biển dâng cao 

Ở phần lớn vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương, mực nước biển đã dâng cao khoảng 10–15 cm (4–6 in), gần hoặc gần gấp đôi tốc độ toàn cầu được đo lường kể từ năm 1993. Ở vùng nhiệt đới trung tâm Thái Bình Dương, mực nước biển đã dâng cao khoảng 5–10 cm (2–4 in), theo Báo cáo Tình hình khí hậu ở Tây Nam Thái Bình Dương năm 2023. 

Tính theo năm, tốc độ dâng mực nước biển trung bình từ tháng 1 năm 1993 đến tháng 5 năm 2023 là khoảng 4,52 mm mỗi năm ở vùng biển xung quanh và phía đông của Lục địa Hàng hải và khoảng 4,13 mm mỗi năm ở vùng biển xung quanh New Zealand. 

Xu hướng mực nước biển từ năm 1993-2023 được thu thập từ dữ liệu lưới mực nước biển. Kho dữ liệu khí hậu (CDS) của Dịch vụ biến đổi khí hậu (C3S). DOI: 10.24381/cds.4c328c78

Con số này tương đương với mực nước biển trung bình toàn cầu dâng cao khoảng 3,4 mm mỗi năm trong cùng thời kỳ. 

Mực nước biển dâng cao đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tần suất lũ lụt ven biển kể từ năm 1980.  

Theo Báo cáo giám sát biến đổi khí hậu quần đảo Thái Bình Dương năm 2021, những sự gia tăng đáng chú ý bao gồm Guam từ 2 đến 22 lần một năm; Penrhyn (Quần đảo Cook) từ 5 đến 43 lần một năm; Majuro (Cộng hòa Quần đảo Marshall) từ 2 đến 20 lần một năm; Papeete (Polynésie thuộc Pháp) từ 5 đến 34 lần một năm; và Pago Pago (Samoa thuộc Mỹ) từ 0 đến 102 lần một năm. 

Mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục dâng cao trong thế kỷ 21 do hệ thống khí hậu liên tục nóng lên, và sự dâng cao này sẽ tiếp tục trong nhiều thế kỷ đến hàng thiên niên kỷ do sự hấp thụ nhiệt sâu dưới đại dương và mất khối lượng từ các tảng băng.  

Nhiệt độ bề mặt biển  

Trong giai đoạn 1981-2023, gần như toàn bộ khu vực Tây Nam Thái Bình Dương cho thấy bề mặt đại dương ấm lên, đạt tốc độ hơn 0,4°C mỗi thập kỷ ở phía đông bắc New Zealand và phía nam Úc. Tốc độ này nhanh hơn khoảng ba lần so với tốc độ nóng lên của bề mặt đại dương toàn cầu (nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu đã tăng trong những thập kỷ gần đây với tốc độ khoảng 0,15°C mỗi thập kỷ) 

Sóng nhiệt biển  

Sóng nhiệt biển ngày càng dữ dội hơn và có tần suất tăng gấp đôi kể từ năm 1980.  

Từ những năm 1980 đến những năm 2000, thời gian trung bình của các đợt nắng nóng trên biển ở phần lớn khu vực Thái Bình Dương là trong khoảng từ năm đến 16 ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng đáng kể kể từ năm 2010, với hầu hết Thái Bình Dương hiện đang phải hứng chịu các đợt nắng nóng kéo dài từ tám đến 20 ngày hoặc thậm chí lâu hơn.  

Xu hướng tuyến tính của SST (°C mỗi thập kỷ) trong giai đoạn 1982-2022 Copernicus

Đợt nắng nóng trên biển nổi bật và dai dẳng nhất năm 2023 xảy ra ở một khu vực rộng lớn xung quanh New Zealand. Đợt nắng nóng này được phân loại là cực đoan và kéo dài khoảng sáu tháng, theo báo cáo của WMO.  

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ngay cả trong những kịch bản khí hậu ấm lên ở mức vừa phải, các đợt nắng nóng trên biển sẽ diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong những năm tới.  

Cường độ ngày càng tăng của sóng nhiệt biển có những tác động sâu rộng, từ tác động tiêu cực đến trữ lượng cá và khả năng phục hồi của rạn san hô, đến sự nở hoa của tảo độc và sự phân biệt loài đối với các điều kiện khắc nghiệt và dai dẳng nhất. Điều này có tác động lớn đến hệ sinh thái, nền kinh tế và sinh kế ở Thái Bình Dương.

Vào năm 2023, tình trạng tẩy trắng hàng loạt các rạn san hô đã xảy ra trên khắp vùng nhiệt đới, bao gồm cả Rạn san hô Great Barrier của Úc và các khu vực rộng lớn ở Nam Thái Bình Dương (bao gồm Fiji, Vanuatu, Tuvalu, Kiribati, Samoas và Polynesia thuộc Pháp), theo Chương trình giám sát rạn san hô của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ. 

Hàm lượng nhiệt của đại dương

Hầu hết khu vực Tây Nam Thái Bình Dương đã trải qua hiện tượng ấm lên ở tầng nước biển phía trên (0-700m) kể từ năm 1993. Hiện tượng ấm lên đặc biệt mạnh, với tốc độ vượt quá hai đến ba lần mức trung bình toàn cầu ở Biển Solomon và phía đông Quần đảo Solomon; ở Biển Arafura, Banda và Timor; phía đông Philippines; dọc theo bờ biển phía nam Indonesia và Biển Tasman, theo báo cáo của WMO.  

Ngoài biến đổi khí hậu, sự nóng lên của tầng đại dương ở khu vực này còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự biến đổi tự nhiên, ví dụ như El Niño/La Niña, khi đó một lượng nhiệt lớn được phân phối lại từ bề mặt xuống các lớp sâu hơn của đại dương. 

Axit hóa đại dương

Đại dương hấp thụ khoảng 25% lượng khí thải carbon dioxide. Do đó, axit hóa đại dương đã tăng lên trên toàn cầu trong bốn thập kỷ qua. Các phép đo thu thập được từ Trạm ALOHA ở Hawaii cho thấy độ axit tăng hơn 12% trong giai đoạn 1988–2020. 

Sự suy giảm đáng kể về diệp lục bề mặt đại dương và ước tính kích thước thực vật phù du kể từ năm 1998 có thể phát hiện được trên các phần chính của khu vực Quần đảo Thái Bình Dương. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chuỗi thức ăn biển. 

Chương Hoàng (t/h)

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp bền vững thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch”. Sự kiện nhằm mục đích tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho việc quản lý chất thải và cải thiện chất lượng môi trường nước.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam đang gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 68.000 tấn mỗi ngày. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội một mình chiếm gần một phần ba lượng rác thải này. Trong khi đó, năng lực thu gom và xử lý chỉ đạt 88,34%, đồng nghĩa với gần 12% rác thải chưa được thu gom, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các tuyến sông, kênh, rạch.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn tồn tại. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định rằng việc kiểm soát nguồn thải, bao gồm thu gom và xử lý nước thải, rác thải đô thị là nhiệm vụ cấp bách mà các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện.

Ông Bùi Xuân Cường cũng nhấn mạnh rằng TP.HCM sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa xả thải bừa bãi, duy trì các hoạt động thu gom và xử lý rác thải, nhằm mục tiêu 100% rác thải phát sinh được thu gom và xử lý đúng quy định. Đồng thời, thành phố sẽ thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với chất thải nhựa.

Theo Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam Patrick Haverman, việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển. Ông kêu gọi sự đổi mới trong công nghệ thu gom rác thải và khẳng định rằng UNDP sẵn sàng hợp tác với TP.HCM trong các dự án quản lý chất thải rắn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hệ thống thu gom rác Interceptor 003 tại sông Cần Thơ, đồng thời thảo luận về các biện pháp thu gom và làm sạch thủy vực, đặc biệt là rác thải nhựa. Các khuyến nghị bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý cho các giải pháp bền vững và tăng cường hợp tác công-tư, cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy các giải pháp bền vững trong quản lý chất thải tại TP.HCM, nhằm bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hệ thống thu gom rác Interceptor 003 tại sông Cần Thơ

Sai phạm tại dự án nghìn tỷ sắp được đưa ra xét xử

Ngày 26/9, vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài khu công nghiệp Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông, sẽ được đưa ra xét xử.

Đơn vị nào thi công?

TAND tỉnh Đắk Nông vừa có lịch xét xử bị cáo Ông Đặng Gia Dũng, cựu Giám đốc và ông Hồ Sĩ Điệp, cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông cùng 4 bị cáo khác liên quan đến vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài khu công nghiệp Nhân Cơ vào ngày 26/9/2024.

Theo kết luận điều tra, Dự án khu Công nghiệp Nhân Cơ được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.658 tỷ đồng, diện tích đất 148ha.

Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Để triển khai nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, Ban quản lý dự án thuê Công ty Cổ phần đầu tư Đường Việt thực hiện khảo sát, thiết kê dự án.

Đồng thời, tháng 3/2015, Ban quản lý thống nhất thuê liên danh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt Gia Lai thi công gói thầu 02XL san lấp và gia cố mái taluy lô nhà máy luyện nhôm san nền và bảo vệ mái dốc với giá trị hợp đồng hơn 408 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng vào cuộc vì 5 lần xảy ra sụt trượt

Quá trình thi công gói thầu này, trong thời gian 2018 đến 2020 đã 5 lần xảy ra sự cố sụt trượt phần đất đắp san nền, mái taluy.

Sau khi xảy ra đợt sụt trượt lần thứ nhất, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Xây tỉnh Đắk Nông, Bản quản lý dự tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá nguyên nhân, thực hiện khắc phục, xử lý sự cố.

Tuy nhiên, do việc đánh giá nguyên nhân sự cố chủ yếu trên cơ sở kiểm tra hồ sơ, hiện trạng thực tế tại hiện trường dẫn đến chưa xác định chính xác nguyên nhân, đưa ra được giải pháp khắc phục nên tiếp tục xảy ra các đợt sự cố tiếp theo.

Con đường bị sụt lún nghiêm trọng.

Để đánh giá chính xác nguyên nhân sự cố, trên cơ sở báo cáo của Ban quản lý dự án, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ định Viện Khoa học và Công nghệ Công trình thủy Đại học xây dựng khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố sụt trượt tại Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào khu công nghiệp Nhân Cơ.

Tháng 9/2021, Viện Khoa học và Công nghệ Công trình thủy Đại học Xây dựng ban hành báo cáo kết quả kiểm định khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố sụt trượt tại dự án này, theo đó, xác định để xảy ra sự cố có nguyên nhân chủ quan của các đơn vị tham gia thực hiện dự án.

Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Công an tỉnh xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có sai phạm liên quan đến sự có sụt trượt nêu trên, xử lý theo quy định pháp luật.

Sụt trượt nhiều lần tại một điểm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, kết quả xác định khu vực sụt trượt tại lô xử lý nước thải, lô 5.2 và lô 3 có tổng diện tích 12.39ha, bao gồm một phần mặt bằng và các cơ mái taluy đất đắt, vị trí bị sụt trượt nhiều nhất là 6 cơ mái taluy, khoảng cách giữa vị trí thấp nhất so với vị trí cao nhất khu vực sụt trượt khoảng 53m.

Đối chiếu với hồ sơ nghiệm thu công trình xác định khoảng cách lớn nhất giữa vị trí chân mái taluy thấp nhất khi nghiệm thu so với vị trí ngoài cùng khu vực sụt trượt tại thời điểm khám nghiệm khoảng 83m.

Hiện trạng các khu vực sụt trượt phần lớn các mái taluy âm đất đắp bị sụt trượt hoàn toàn; hệ thống gia cố các mái taluy bị bể, vỡ, gãy. Trên bề mặt đất các khu vực sụt trượt phát hiện nhiều mạch nước ngầm, các vũng tụ nước nhỏ.

Các lần sụt trượt được cơ quan chức năng xác định cụ thể. Ngày 27/8/2018, đã xảy ra sụt trượt đất đắp, mái taluy tại lô 5.2, gồm sụt, trượt hoàn toàn phần đất đắp, mái taluy từ cọc 385 đến cọc 415 dài khoảng 300m, rộng khoảng 30m, cao khoảng 40m, lô xử lý nước thải.

Ngày 21/9/2019 tại lô 5.2 sụt lún cục bộ một số vị trí tấm ốp mái taluy âm từ cọc 370 đến cọc TC25 và cọc 406 đến cọc 418, lô xử lý nước thải sụt lún đất nền từ cọc 419 đến cọc 445 dài khoảng 250m, rộng khoảng 30m, cao khoảng 3m.

Ngày 4/4/2020 tại lô 3 sụt , lún đất mái taluy âm từ cọc 326 đến cọc 338 dài khoảng 150m, rộng khoảng 70m, cao khoảng 40m; lô 5.2 sụt, lún đất mái taluy âm từ cọc 344 đến cọc TC24 dài khoảng 120m, rộng khoảng 20m, cao khoảng 40m.

Ngày 22/9/2020 tại lô 5.2 sụt, lún đất đắp mái taluy âm từ cọc D26 đến cọc 376 dài khoảng 400m, rộng khoảng 50m, cao khoảng 40m.

Ngày 13/10/2020 tại lô 3, sụt, trượt đất đắp mái taluy âm khoảng từ cọc 300 đến cọc 325 dài khoảng 225m, rộng khoảng 70m, cao khoảng 30m; lô xử lý nước thải xuất hiện các vết nứt tại khu xử lý nước thải, các vết nứt tại tuyến đường N11, sụt lún tường rào.

Nguyễn Duy Cường – Tạp chí NĐT

Theo Người Đưa Tin

Ảnh: Hiện trường sạt trượt, sụt lún tại dự án cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài khu công nghiệp Nhân Cơ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.nguoiduatin.vn/sai-pham-tai-du-an-nghin-ty-sap-duoc-dua-ra-xet-xu-204240922130619074.htm

Dự án Golden Hills City nghìn tỷ biến thành khu ‘phố ma’ ở Đà Nẵng

Dự án Golden Hills City ở Đà Nẵng có vốn đầu tư gần 4,5 nghìn tỷ đồng xây dựng dở dang, bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, hiện bỏ hoang thành ‘khu đô thị ma’.

Golden Hills City có tổng diện tích hơn 381ha thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), TP Đà Nẵng do Công ty CP Trung Nam (thành viên Trung Nam Group) làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu khoảng 4.447 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 – 2016.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, hiện khu đô thị này là những khối nhà xây dựng xong phần thô rồi bị bỏ hoang, không một bóng người.

Theo quy hoạch, dự án quy mô 6 phân khu chức năng chính. Cụ thể, khu A có diện tích 86ha, gồm nhà liền kề, biệt thự, công viên cây xanh. Khu B diện tích 45ha, gồm nhà liền kề, biệt thự, văn phòng, bệnh viện, siêu thị, quảng trường, viện bảo tàng. Khu C diện tích 76ha, gồm các hạng mục nhà liền kề, biệt thự cao cấp. Khu D có tổng diện tích 122ha, gồm villa sinh thái, bến du thuyền. Khu E diện tích 45ha là khu thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí. Khu đảo có diện tích 2ha, gồm các dinh thự biệt lập đặc biệt.

Dự án được UBND TP Đà Nẵng giao đất năm 2008, cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2010, thực hiện trong thời gian 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu đầu tư, xây dựng khu đô thị sinh thái văn minh, hiện đại. Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2010-2013 và giai đoạn 2 từ năm 2013-2016.

Sau đó Đà Nẵng cấp sổ hồng cho hàng trăm ha đất thuộc dự án và chủ đầu tư đã bán nhiều biệt thự, nhà phố. Tuy nhiên, năm 2012, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án có sai phạm liên quan tới giao đất, cho thuê đất, cấp phép đầu tư không đúng quy định. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhưng chưa lập thủ tục trình Thủ tướng cho phép theo quy định, giao đất không qua đấu giá.

Mới đây, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh, cập nhật thông tin nhà đầu tư, tên dự án gồm bổ sung nội dung xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua. Chủ đầu tư cũng đề nghị nâng quy mô, tổng vốn đầu tư từ 4.447 tỷ đồng lên 7.648 tỷ đồng và đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án từ 2010 – 2016 thành 2023 – 2029.

Theo TP Đà Nẵng, việc xem xét điều chỉnh dự án hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nên tháng 6/2023, UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch – Đầu tư kiến nghị xem xét các đề xuất của chủ đầu tư.

Mới nhất, tháng 6/2024, Đà Nẵng tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của chủ đầu tư nhưng hiện chưa có phản hồi.

Trong khi chờ quyết định từ Thủ tướng và các bộ, ngành, dự án hiện đang bỏ hoang, hoạt động xây dựng phải tạm dừng. Toàn khu đô thị hoang vắng, trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân.

Châu Thư – Báo VTC News

Theo VTC News

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtcnews.vn/du-an-golden-hills-city-nghin-ty-bien-thanh-khu-pho-ma-o-da-nang-ar897304.html

TP.HCM: Tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng lái xe an toàn

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 22/9/2024, Ủy ban MTTQ, Đoàn thể chính trị và Ban ATGT xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã tổ chức tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng lái xe an toàn.

Đây là một trong những chương trình nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT đường bộ đến đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn xã. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư hiện nay. 

Ông Trương Công Minh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Lộc B cho biết, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao đường bộ trên địa bàn xã diễn biến khá phức tạp, chịu tác động từ nhiều mặt như: phương tiện và người tham gia giao thông tăng nhanh, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm liên tục tái diễn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao… Do vậy, chương trình tập huấn, tuyên truyền lần này nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho người dân. Từ đó, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Đông đảo người dân tham gia chương trình.

Tại buổi tập huấn, Đại úy Phan Thành Nghĩa – Bí thư Chi đoàn Trạm CSGT Tân Túc cũng đã trình bày một số nội dung tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025).

Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên lái xe an toàn thuộc hệ thống HEAD – Visacoop cũng đã chia sẻ nhiều thông tin, nội dung hữu ích về ATGT, kỹ thuật lái xe an toàn như: kiểm tra xe trước khi vận hành, tư thế lái xe chuẩn, khả năng quan sát. Hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách, các hoạt động tương tác và những câu hỏi trắc nghiệm cho người tham gia…

Người dân tham gia thực hành kỹ năng lái xe an toàn vượt thử thách trên xe máy.

Ngoài việc được thực hành kỹ năng lái xe an toàn vượt thử thách trên xe máy, người dân khi tham gia chương trình còn được kiểm tra xe và thay nhớt hoàn toàn miễn phí.

Anh Khang

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Tập huấn kiến thức ATGT và kỹ năng lái xe an toàn tại xã Vĩnh Lộc B.

TP.HCM: Loạn sân cầu lông xây dựng không phép tại quận Bình Tân (Bài 2)

(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 6/9/2024, UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã có văn bản trả lời thông tin liên quan đến việc các sân cầu lông xây dựng không phép, trái phép. Tuy nhiên, có nhiều nội dung đơn vị này né tránh, trả lời không đúng sự thật…

Sân cầu lông chưa được cấp phép hoạt động

Cụ thể, tại văn bản trả lời số 3665/UBND, ngày 6/9/2024, UBND phường Bình Hưng Hòa B cho biết, vị trí sân cầu lông Đan Nguyên 88 thuộc thửa đất số 494, tờ bản đồ số 80 (TL 2005), địa chỉ số 85/92/8 đường Bình Thành, do ông Huỳnh Đức Long làm chủ.

Thửa đất này đã được Sở TN&MT TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số CS26852 ngày 16/11/2020. Ngày 06/9/2024, UBND phường cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế công trình, qua kiểm tra ghi nhận chủ đầu tư có sơn nền, kẻ vạch 4 sân, gắn lưới làm sân cầu lông bên trong khuôn viên nhà số 85/92/8 đường Bình Thành, hiện trạng không có người sử dụng. 

Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết:“Qua làm việc, ông Huỳnh Đức Long (chủ sân cầu lông – PV) cho biết do tình tình kinh tế khó khăn nên có cải tạo bên trong khuôn viên nhà để làm các sân cầu lông phục vụ cho việc luyện tập thể thao cho các cháu học sinh và người dân trong khu vực. Hiện nay, đang hoàn thiện và tập thử chưa đưa vào hoạt động kinh doanh, đang tiến hành xin các thủ tục để cho thuê sân tập theo quy định. UBND phường đã đề nghị ông Long dừng hoạt động sân cầu lông khi chưa có ý kiến chấp thuận (cấp phép) của cơ quan có thẩm quyền. Ông Huỳnh Đức Long đã cam kết dừng hoạt động cho đến khi được cho phép”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đức, trường hợp ông Huỳnh Đức Long sử dụng nhà ở để cho thuê sân cầu lông mà không được cơ quan thẩm quyền cấp phép thì UBND phường sẽ tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV, sân cầu lông Đan Nguyên 88 đã hoạt động suốt thời gian qua, với hàng trăm người tham gia mỗi ngày. Vì vậy, UBND phường Bình Hưng Hòa B cho rằng sân cầu lông này chưa sử dụng, hoặc không hoạt động là không đúng sự thật.

Văn bản trả lời thông tin vụ việc của UBND phường Bình Hưng Hòa B.

UBND phường né tránh trách nhiệm?

Đối với nội dung liên quan đến việc trường Tiểu học Ngô Quyền đã xây dựng một số hạng mục như sân cầu lông rộng hàng trăm m2 có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát hiểm, công tác dạy và học của nhà trường…, UBND phường Bình Hưng Hòa B cho rằng, việc xây dựng, quản lý sử dụng của nhà trường thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Giám hiệu trường Tiểu học Ngô Quyền và các cơ quan, đơn vị khác…?

Đáng chú ý, việc một phần thửa số 2, một phần thửa số 3 và các thửa số 6, 7, 8, 12, 13, 15, tờ bản đồ số 81 (địa chỉ: 85/47 đường Bình Thành) hiện đã san lấp, phân lô, đang xây dựng đường và công trình nhà ở kiên cố bằng bê tông cốt thép, ông Nguyễn Văn Đức thông tin rằng, việc giải quyết hồ sơ tách thửa thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân. Đồng thời, kiến nghị PV liên hệ để được thông tin theo thẩm quyền. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý trật tự đô thị, xây dựng đối với loại hạng mục công trình như trên thuộc quyền quản lý của địa phương, vậy phải chăng UBND phường Bình Hưng Hòa B đang đá “trái bóng trách nhiệm” cho các đơn vị khác?

Bên cạnh đó, việc người dân đang phân lô bán nền, làm đường, xây dựng công trình nhà ở tại địa chỉ 85/47 đường Bình Thành, nhưng UBND phường lại không nắm rõ, cho thấy sự buông lỏng quản lý về trật tự đô thị, xây dựng của địa phương này.

Khu vực hồ bơi trường Tiểu học Ngô Quyền đã dỡ bỏ chỉ còn lại nhà vệ sinh.

Được biết, sau phản ánh của Môi trường và Đô thị điện tử, hiện trường Tiểu học Ngô Quyền đã tiến hành dỡ bỏ sân cầu lông và hồ bơi trong khuôn viên nhà trường.

Chúng tôi đề nghị UBND quận Bình Tân sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị, xây dựng tại phường Bình Hưng Hòa B. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, lãnh đạo phường buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm (nếu có).

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Hải

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Cụm sân cầu lông xây dựng trái phép tại các thửa 34, 36, 37, 38 tờ bản đồ số 80 (đường Bình Thành).

Xem thêm tại đây:  TP.HCM: Loạn sân cầu lông xây dựng không phép tại quận Bình Tân

 

 

Nhiều “tấm lòng vàng” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Sau một tuần vận động để góp phần hỗ trợ cho người dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, tập thể cán bộ, phóng viên VPĐD Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tại TP.HCM và nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã quyên góp, ủng hộ với số tiền hơn 60 triệu đồng.

Cơn bão số 3 vừa qua với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra vô vàn thiệt hại cho con người và tài sản của rất nhiều người dân ở các tỉnh/thành phía Bắc nước ta. Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều nơi đang rất cần sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất của nhân dân khắp mọi miền đất nước và cộng đồng quốc tế để có thể sớm ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cán bộ, phóng viên thuộc văn phòng đại diện tại TP.HCM đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ với tinh thần tương thân tương ái: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với người dân trong vùng bão lũ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tình cảm quý báu của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bạn đọc đã đồng hành cùng chúng tôi trong công tác thiện nguyện xã hội.

Danh sách quyên góp hỗ trợ tính đến chiều 21/9/2024

Ban biên tập

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Hơn 60.000 tỷ đồng tiêu tan vì bão số 3 càn quét

Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, bão số 3 ước tính gây thiệt hại sơ bộ hơn 60.000 tỷ đồng cho các tỉnh thành miền Bắc. Tăng trưởng GRDP của các tỉnh thành và GDP cả nước không chỉ giảm trong quý III mà còn ảnh hưởng tới quý IV, cả năm so với các dự báo trước đó.

Thiệt hại sơ bộ hơn 60.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc là con số ước tính cao hơn báo cáo cuối tuần trước (40.000 tỷ đồng).

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các địa phương, đặc biệt là nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 26 tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi bão số 3, ước tính tăng trưởng cả năm của một số địa phương sụt giảm. Tăng trưởng của Quảng Ninh chịu tác động nặng nhất, ước tính giảm 0,65%; tiếp theo là Hải Phòng, Lào Cai cùng có mức ảnh hưởng 0,63%; Thái Nguyên giảm 0,59%.

Tăng trưởng cả năm của Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái giảm trung bình khoảng 0,5%; Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La giảm trung bình khoảng 0,4%. Các tỉnh khác giảm 0,2 – 0,35% và Thanh Hóa có mức giảm ước tính thấp nhất, khoảng 0,14% tăng trưởng cả năm.

Cả 3 trụ cột của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều chịu thiệt hại. Tổng cục thống kê cho biết, tính chung cả năm, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước có thể giảm tăng trưởng khoảng 0,33% so với kịch bản.

Từ báo cáo ước tính của các địa phương, Tổng cục Thống kê cho biết đến ngày 18/9 diện tích lúa bị thiệt hại ước tính lên đến gần 195.000 ha; diện tích hoa, rau màu là 47.700 ha; số lượng hoa cây cảnh lên đến hơn 2 triệu cây.

Cây lâu năm, đặc biệt là diện tích cây ăn quả tập trung ước tính thiệt hại 38.000 ha. Thiệt hại về chăn nuôi với số lượng gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi khoảng hơn 3,1 triệu con.

Ngành lâm nghiệp diện tích rừng trồng tập trung bị thiệt hại lớn, khoảng 150.000 ha. Ngành nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhiều trong nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi cá bị thiệt hại 16 nghìn ha. Gần 4.800 lồng bè nuôi thủy, hải sản các loại (100m3/lồng), 130 chiếc tàu thuyền khai thác bị hư hại.

Ngành công nghiệp và xây dựng cũng bị ảnh hưởng do nhiều công trình thiết yếu, đường sá, cầu cống, hệ thống lưới điện, cấp nước cấp điện bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc trong những ngày mưa bão, ngập lụt làm ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp tại các tỉnh này.

Cơ quan thống kê đánh giá, thiệt hại này của ngành công nghiệp sẽ tập trung vào quý III và ảnh hưởng không nhiều vào quý IV. Tính chung cả năm, ngành công nghiệp và xây dựng có thể giảm tăng trưởng khoảng 0,05%.

Ngành dịch vụ mặc dù cũng đã có những dự báo, chuẩn bị từ trước nhưng trước sự tàn phá quá lớn của bão số 3 vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của ngành dịch vụ đặc biệt ở một số tỉnh như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… Tăng trưởng cả năm của ngành có thể giảm 0,22%.

Việt Linh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu thiệt hại sau bão.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/hon-60000-ty-dong-tieu-tan-vi-bao-so-3-can-quet-post1675213.tpo

Bắc Ninh: Hàng loạt khuyết điểm trong dự án nhà ở bị thanh tra

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa thông báo Kết luận thanh tra về việc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Dabaco Lạc Vệ, tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du và đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, tồn tại …

Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở Dabaco Lạc Vệ có quy mô 62.965,5m. Trong đó, đất ở khoảng 27.078,84m2; đất giao thông 22.931,07m2; đất hạ tầng kỹ thuật 257,6m; đất công trình dịch vụ công cộng 4.042,56m; đất cây xanh, mặt nước 7.736,64m2; đất cửa hàng xăng dầu 918,79m2. Tổng vốn đăng ký đầu tư dự án hơn 177 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam.

THỰC HIỆN DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ

Theo Kết luận thanh tra, việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với dự án vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm. Cụ thể, về thực hiện pháp luật đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn thiếu nội dung về mục tiêu dự án; Công ty Dabaco thực hiện dự án chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư được cấp.

Ngoài ra, liên quan đến thực hiện pháp luật về nhà ở: Công ty Dabaco không có văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án và nộp hồ sơ năng lực tới Sở Xây dựng để thực hiện các thủ tục xem xét, đánh giá theo quy định; UBND huyện Tiên Du ban hành Văn bản số 676/UBND-Cth ngày 24/8/2012 về chấp thuận đầu tư dự án phát triển khu nhà ở còn thiếu Văn bản của UBND tỉnh công nhận Công ty Dabaco là chủ đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, trong thực hiện pháp luật về đất đai: Sở Tài nguyên – Môi trường và Công ty Dabaco đã chậm ký lại hợp đồng thuê đất khi được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (tuy nhiên, việc chậm ký lại hợp đồng thuê đất nhưng không ảnh hưởng đến tiền thuê đất phải nộp); tại thời điểm UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh chưa thực hiện các trình tự, thủ tục thẩm định phương án giá đất và trình phương án giá đất dự án để UBND tỉnh xem xét, quyết định;

Việc thẩm định, phê duyệt phương án xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất đối với dự án thời điểm năm 2018 (Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 26/7/2018) cũng chưa đúng thời điểm tính tiền sử dụng đất; khi thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt giá đất làm căn cứ tính tiền sử dụng đất năm 2018, UBND huyện Tiên Du chưa đề xuất mức giá đối với khu đất cần định giá; Văn bản 1039/CCT-TT-HTNNT-TB-TK ngày 2/7/2019 của Chi cục Thuế huyện Tiên Du về nộp tiền sử dụng đất không đưa thông tin tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của Công ty Dabaco là chưa đúng quy định;

Công ty Dabaco chưa chấp hành nghiêm thời hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Chi cục Thuế khu vực Tiên Du – Quế Võ ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp số 323/TBĐ-TTHT-TB-TK ngày 12/2/2020 đã tính toán, xác định thừa số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất là 40.082.329 đồng.

Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Công ty Dabaco phê duyệt tổng mức đầu tư dự án tại Quyết định số 1920/QĐ- XDCB ngày 4/12/2018 có chi phí tiền sử dụng đất là 101.803.882.000 đồng là chưa đúng theo quy định. Mặt khác, việc tính toán, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để quyết toán có một số công tác chưa đúng; quyết toán chi phí quản lý dự án chưa đúng theo quy định tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/2/2017 của Bộ Xây dựng; tổng số tiền giảm trừ so với quyết toán được duyệt là 183.312.680 đồng.

Đối với kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất: trong năm 2019, Công ty Dabaco đã chuyển nhượng 104/110 lô đất tại dự án trong khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai (chưa nộp tiền chậm nộp tiền sử dụng đất)…

XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐỐI VỚI TẬP THỂ, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Từ những khuyết điểm trên, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kiến nghị thu hồi số tiền 183.312.680 đồng của Công ty Dabaco về tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh để chờ xử lý, do nghiệm thu và quyết toán sai chi phí xây lắp, chi phí quản lý dự án tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, kiến nghị Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du xem xét trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên đến khuyết điểm, tồn tại theo đúng quy định.

Ngoài ra, với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần chỉ đạo Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Dabaco do việc thực hiện dự án chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư được cấp.

Chi cục Thuế khu vực Tiên Du – Quế Võ thực hiện nghiêm quy định về xác định và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và phối hợp chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng quy định; Tính toán, xác định tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; xử lý dứt điểm khoản tiền chậm nộp tiền sử dụng đất đã tính toán, thông báo và Công ty Dabaco đã nộp nhiều hơn số phải nộp theo đúng quy định.

UBND huyện Tiên Du tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đất đai, trật tự xây dựng… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi nộp hồ sơ đề xuất xác định giá đất, quy định của pháp luật về nhà ở.

Đặc biệt, đối với Công ty Dabaco, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức khắc phục các khuyết điểm, tồn tại như phần kết quả thanh tra, kết luận nêu trên. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Ban hành văn bản xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Thực hiện dự án đầu tư xây dựng phần nhà ở (đối với các lô đất phải xây thô) theo quy định của pháp luật.

Thanh Xuân/VnEconomy

Theo VnEconomy

Ảnh: Ảnh minh họa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vneconomy.vn/bac-ninh-hang-loat-khuyet-diem-trong-du-an-nha-o-bi-thanh-tra.htm