• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 186

Điểm tên 11 dự án bất động sản ở Phú Quốc bị thu hồi

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án trên địa bàn TP Phú Quốc.

Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang vừa thông báo kết luận của chủ tịch UBND tỉnh này tại cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh để nghe báo cáo về việc rà soát các dự án theo Kết luận thanh tra số 602, ngày 27/4/2020, của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, sau khi nghe Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc báo cáo kết quả rà soát các dự án theo Kết luận thanh tra số 602 của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư ở Phú Quốc.

Các dự án thu hồi, gồm: Khu dân cư tại ấp Gành Gió và ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương; khu du lịch sinh thái nhà vườn và dịch vụ vui chơi giải trí tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương; khu dân cư, thương mại dịch vụ tại xã Cửa Cạ; trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng tại phường An Thới; trung tâm hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật tại khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ.

Khu du lịch tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh; Bệnh viện sinh thái 500 giường Phú Quốc tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ; khu du lịch sinh thái Nam Việt Á tại khu du lịch Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; khu nghỉ dưỡng Sasco – Bà Kèo tại khu phố 7, phường Dương Đông; khu vườn ươm cây giống tại ấp Suối Cát, xã Cửa Dương; khu dịch vụ du lịch và làng nghề truyền thống Khánh An Phú Quốc tại xã Gành Dầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc làm việc với các nhà đầu tư lần cuối; đối với những nhà đầu tư tự nguyện trả lại, xin tự chấm dứt hoạt động dự án thì thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; các dự án còn lại thì thực hiện thủ tục thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Sau khi thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc có trách nhiệm phối hợp với UBND TP Phú Quốc quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, nhất là đất Nhà nước quản lý, không để xảy ra tình trạng bao chiếm, lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Đối với dự án khu nghỉ dưỡng Dovi Resort tại khu du lịch sinh thái Bãi Ông Lang, xã Cửa Dương, nhà đầu tư có văn bản xin chấm dứt hoạt động của dự án. UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất hủy bỏ chủ trương đầu tư tại Công văn số 950/VP-KTCN, ngày 19/3/2014 của Văn phòng UBND tỉnh. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn 4 dự án do nhà đầu tư thực hiện nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các cổ đông để thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc làm việc thống nhất với nhà đầu tư 4 dự án này có văn bản tự nguyện xin chấm dứt hoạt động dự án. Sau đó, nếu nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì hướng dẫn thực hiện lại thủ tục đầu tư.

Đối với 16 dự án đề xuất cho tiếp tục triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao tổ rà soát theo Quyết định số 2541 ngày 12/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh rà soát, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc làm việc với nhà đầu tư để cam kết bằng văn bản về lộ trình, thời gian triển khai hoàn thành dự án; báo cáo UBND tỉnh trước khi thực hiện thủ tục tiếp theo.

Gia Lai/VietnamDaily

Theo VietnamDaily

Ảnh: Một góc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/thu-hoi-nhieu-du-an-o-phu-quoc-160475.html

Thị trường BĐS khó khăn, hàng loạt ‘ông lớn’ nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Chiều 9/1, Cục Thuế TP. HCM đã tổ chức tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2023.

Theo đó, Cục Thuế TP. HCM thông tin nợ thuế tiếp tục tăng cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tổng số nợ thuế này tính đến 30/11/2022 là 43.918 tỷ đồng, tăng 4.622 tỷ đồng, tương ứng 11,76% so với cuối năm 2021.

Nguyên nhân gây ra tăng nợ thuế liên quan đến tiền nợ thuế của 2 doanh nghiệp đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất Thủ Thiêm 8.774 tỷ đồng, trong đó Công ty Thế kỷ 21 nợ 6.098 tỷ đồng, Công ty Thuận Việt nợ 2.676 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có số tiền thuế nợ lớn được Cục Thuế TP. HCM liệt kê gồm: Công ty Golden Hill (quận 1) nợ 645 tỷ đồng, Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà (TP. Thủ Đức) nợ 442 tỷ đồng, Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) nợ 287 tỷ đồng, Tập đoàn Đất Xanh (quận Bình Thạnh) nợ 185 tỷ đồng, Công ty Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (quận 1) nợ 160 tỷ đồng, Công ty Quốc Lộc Phát (TP. Thủ Đức) nợ 147 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (TP. Thủ Đức) nợ 106 tỷ đồng…

Tính đến cuối tháng 11/2022, cơ quan thuế đã ban hành 89.900 quyết định cưỡng chế thu nợ thuế, tương ứng 181.376 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 41% về số quyết định cưỡng chế thuế và tăng 149% về tiền thuế nợ.

Cục Thuế TP. HCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế cũng như xử lý, thu hồi 26.075 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ. Trong đó thu nợ từ năm 2021 chuyển sang 7.718 tỷ đồng, đạt 172% so với cùng kỳ; thu nợ mới phát sinh trong năm 2022 là 18.357 tỷ đồng, đạt 118% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước thực hiện 319.500 tỷ đồng, đạt 118,3% dự toán pháp lệnh năm 2022, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa (trừ dầu thô, xổ số, tiền sử dụng đất) ước thực hiện 270.650 tỷ đồng.

Trần Lê/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Ảnh: TP. HCM: thị trường BĐS khó khăn, DN lớn nợ thuế hàng trăm tỷ (ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/thi-truong-bds-kho-khan-hang-loat-ong-lon-no-thue-hang-tram-ty-dong-20180504224279643.htm

Bê bết dự án buýt đường sông TP.HCM

Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt cho Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư 2 tuyến buýt đường thủy với hình thức đối tác công – tư. Song tới giờ này, một tuyến chỉ mới xây được 5/9 bến, tuyến còn lại vẫn nằm trên giấy, nguy cơ đội vốn rất cao.

Nguy cơ đội vốn

Từ tháng 10/2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 5080/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố (còn gọi là tuyến buýt đường thủy). Sau đó, giữa Công ty Thường Nhật và Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM (theo ủy quyền) đã ký Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh số 2683/HĐ-SGTVT theo hình thức đối tác công – tư đối với 2 dự án này.

Theo đó, tuyến buýt đường thủy số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) dài khoảng 10,8 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông – Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Tuyến này gồm 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Tuyến buýt đường thủy số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dài khoảng 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng, đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, quận 6 và ngược lại. Tuyến này gồm 7 bến đón trả khách, đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 8.

Đây là 2 tuyến buýt đường thủy đầu tiên của TP.HCM và cũng là của cả nước.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, lượng khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy chỉ chiếm hơn 1% lượng khách tới TP.HCM năm 2022. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng bến cảng, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế; chưa có cơ chế giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách du lịch.

Theo phê duyệt, tiến độ thi công công trình và đưa vào khai thác vận hành là năm 2015 – 2016. Trong đó, với tuyến buýt đường thủy số 1 đầu tư 9 bến, 5 tàu. Tuyến buýt đường thủy số 2 sẽ là 11 bến, 5 tàu, có sức chở từ 30 khách/tàu.

Thế nhưng, tới giờ này, theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, chỉ có tuyến buýt đường thủy số 1 được đưa vào khai thác vận hành. Nhưng ở tuyến này, nhà đầu tư cùng chỉ mới xây dựng được 5/9 bến và mới chỉ đầu tư được 4/5 tàu với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng.

Còn tuyến buýt đường thủy số 2 thì nhà đầu tư chưa xây dựng được bến, cũng như chưa có phương tiện chở khách nào. Đáng nói, sau khi vỡ kế hoạch vận hành năm 2016, tuyến buýt số 2 được lùi lại đến đầu năm 2018. Tới năm 2018, tuyến này lại tiếp tục “lỡ hẹn” và lùi tới năm 2020, nhưng rồi kết thúc năm 2022 vẫn chưa xong.

Tháng 8/2022, trước vướng mắc của dự án, cơ quan chức năng đã lập Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cập nhật quy hoạch, sử dụng đất của 2 dự án, từ đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Nhưng tới tận bây giờ, tuyến số 1 vẫn chỉ có 5/9 bến được xây. Tuyến số 2 thì vẫn chưa có bến nào được xây dựng.

Với việc liên tục lỡ hẹn, theo cơ quan chức năng, việc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh vốn là điều đã nhìn thấy trước.

Chính quyền “lề mề” thủ tục giao đất

Theo Điều 12, Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh số 2683/HĐ-SGTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện việc bàn giao cho thuê đất để thực hiện dự án. Theo Sở GTVT TP.HCM, một trong những nguyên nhân chậm bởi Công ty Thường Nhật chưa chủ động trong việc thực hiện thủ tục xác định vị trí, diện tích đất để thực hiện kê khai đăng ký đất đai và phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương xác định vị trí, nguồn gốc đất và cập nhật quy hoạch cục bộ các vị trí khu đất để đầu tư xây dựng bến.

Song, nhà đầu tư cho hay, theo đôn đốc của cơ quan chức năng, họ đã hoàn tất hồ sơ để thực hiện thủ tục giao thuê đất, thì tới giờ này, đa số các bến trên tuyến buýt đường thủy số 1 và 100% bến tuyến buýt đường thủy số 2 chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nguồn gốc đất.

Nguyên nhân, Sở GTVT cho rằng: “Việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các vị trí khu đất để đầu tư xây dựng bến chưa được UBND TP. Thủ Đức và các quận quan tâm; việc thực hiện còn chậm”.

Đến nay, chỉ có bến Linh Đông (TP. Thủ Đức) đã được chính quyền thành phố này phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Bến Hiệp Bình Chánh được TP. Thủ Đức trình Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định hồ sơ điều chỉnh chi tiết xây dựng đô thị 1/2.000. Các bến còn lại chưa được UBND TP. Thủ Đức, các quận trình cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Đáng nói, trước đó, từ tháng 9/2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu UBND các quận khẩn trương rà soát quy hoạch các bến thuộc địa bàn, đề xuất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các bến; yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính (Thường trực Ban chỉ đạo 167) và UBND các quận/ huyện liên quan rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý và hiện trạng các khu đất dự kiến xây dựng các bến thủy nội địa thuộc Dự án để trình Ban chỉ đạo 167 Thành phố quyết định; báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM trong tháng 11/2020. Sau khi hoàn tất thủ tục phê duyệt quy hoạch và xác định cơ sở pháp lý trong giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND TP.HCM giải quyết thủ tục sử dụng đất đối với tất cả các bến thủy nội địa thuộc dự án trước ngày 31/12/2020.

Thế nhưng, đến nay, là cơ quan được ủy quyền ký với nhà đầu tư, Sở GTVT vẫn chưa nhận được kết quả thực hiện cập nhật quy hoạch của các quận, TP. Thủ Đức và kết quả việc xác định nguồn gốc đất, giao thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở GTVT TP.HCM khẳng định, việc chậm giao thuê đất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư dự án.

Chậm tiến độ còn bởi 2 đại dự án trọng điểm

Theo nhà đầu tư, trên lộ trình tuyến buýt đường thủy số 2 còn bị vướng bởi 2 dự án trọng điểm của TP.HCM là Dự án Cải thiện môi trường nước (Giai đoạn II, trị giá hơn 11.000 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư cổng kiểm soát triều Bến Nghé (hơn 10.000 tỷ đồng)

Cũng tức là, nếu cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục giao thuê đất để nhà đầu tư tuyến buýt đường thủy số 2 xây bến, mua tàu, thì cũng chưa biết bao giờ mới vận hành, nếu 2 dự án liên quan trên chưa được hoàn thành.

Trong khi đó, Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn II, triển khai từ năm 2010 và được phê duyệt thời gian hoàn thành vào tháng 6/2022. Thế nhưng, tới nay UBND TP.HCM cho biết, dự án chỉ mới thi công đạt 80% khối lượng, không thể hoàn thành đúng tiến độ nên cần gia hạn hoàn thành vào tháng 12/2023.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Thành phố có hơn 900 km đường thủy, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thủy trên địa bàn phát triển chưa tương xứng. 74 bến thủy nội địa phục vụ hành khách của Thành phố chỉ mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Lượng khách du lịch đi bằng đường biển ngày càng tăng và tâm lý du khách ngày càng thích những tàu lớn, nhưng TP.HCM vẫn chưa thật sự có một bến cảng phù hợp, tầm cỡ phục vụ khách du lịch quốc tế, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ gần khu vực bến tàu nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm để tăng chi tiêu của du khách. Hiện tại, chỉ có cảng Sài Gòn tiếp nhận tàu khách, các cảng khác hầu hết là cảng hàng hóa.

Còn Dự án Đầu tư cổng kiểm soát triều Bến Nghé (nhà đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547) được thực hiện theo hình thức BT, khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, sau đó dự án này phải ngưng thi công 10 tháng do nhiều vướng mắc liên quan đến việc tái cấp vốn.

Dự án tái khởi động tháng 2/2019, Trung Nam BT 1547 cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý I/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết với UBND TP.HCM sẽ giao mặt bằng sạch trước ngày 30/6/2019, nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do có quá nhiều vướng mắc, tới mức hồi cuối năm 2020, Trung Nam BT 1547 đã có văn bản gửi UBND TP.HCM xin trả lại dự án bởi những vướng mắc từ phía chính quyền đã khiến nhà đầu tư thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín…

Sau 7 năm với 3 lần tạm dừng, mới đây, cơ quan chức năng cho hay, dự án đang được UBND TP.HCM cố gắng gỡ vướng, để công trình sẽ về đích trong năm 2023.

Với quá nhiều dự án chậm tiến độ, dù cơ quan chức năng đã cố gắng, nhưng thời điểm hoàn thành các đại dự án vẫn “mù mịt”, khiến dự án tuyến buýt đường thủy số 2 cũng trễ hạn kiểu domino theo là vậy.

Ngô Nguyên – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Ảnh: Buýt đường sông của Công ty Thường Nhật mới chỉ vận hành được ở tuyến số 1.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/be-bet-du-an-buyt-duong-song-tphcm-d181854.html

2 doanh nghiệp ở Nghệ An bị phạt 1,8 tỷ đồng vì khai thác cát vượt mức cho phép

Khai thác cát vượt công suất cho phép suốt 2 năm liền, 2 doanh nghiệp ở huyện Thanh Chương và huyện Nam Đàn bị xử phạt tổng số tiền 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, cả 2 cùng bị đình chỉ khai thác khoáng sản 5,5 tháng.

UBND tỉnh Nghệ An vừa có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành bị xử phạt 900 triệu đồng.

Hợp tác xã này có địa chỉ ở khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam, đoạn qua huyện Nam Đàn. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hợp tác xã này đã khai thác cát lòng sông vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên.

Cụ thể, trong năm 2020, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành khai thác vượt 80,8%; năm 2021 vượt 171,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Tình tiết giảm nhẹ là Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hợp tác xã này cũng có tình tiết tăng nặng là đã có hành vi vi phạm khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản trong 2 năm liền.

Ngoài phải nộp phạt 900 triệu đồng, UBND tỉnh còn đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành.

Cùng trong đợt này, UBND tỉnh Nghệ An còn xử phạt hành chính 900 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương vì vi phạm tương tự. Công ty này có địa chỉ ở khối 1, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty này đã khai thác cát, sỏi lòng sông vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên. Cụ thể, năm 2020 vượt 211,2%; năm 2021 vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm.

Công ty này cũng có tình tiết giảm nhẹ là đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính và tình tiết tăng nặng là đã có hành vi vi phạm khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép trong 2 năm liền.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương.

Trước đó, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên vì những vi phạm tương tự. Công ty này có địa chỉ tại phường Hưng Bình (TP. Vinh), được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn từ xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tới xã Cát Văn, huyện Thanh Chương.

Theo đó, công ty này bị UBND tỉnh xử phạt 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Cụ thể, công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920 m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5 m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831 m3.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng buộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra. Đây không phải lần đầu tiên Công ty TNHH Hoàng Nguyên bị xử phạt. Chỉ trong tháng 6/2022, công ty này đã 3 lần bị UBND huyện Đô Lương phạt với tổng số tiền là 65 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 6/6, công ty này bị UBND huyện Đô Lương xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì không thống kê số liệu qua trạm cân. Đến ngày 13/6, công ty này tiếp tục bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi lấn, chiếm đất đai. Cũng trong ngày 13/6, UBND huyện Đô Lương còn ban hành thêm một quyết định xử phạt 20 triệu đồng với Công ty TNHH Hoàng Nguyên về hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp để làm bãi tập kết cát…

Tiến Hùng – Báo Nghệ An

Theo Nghệ An

Ảnh: Khu vực Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành được cấp phép khai thác cát trên sông Lam. Ảnh: Tiến Hùng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baonghean.vn/2-doanh-nghiep-o-nghe-an-bi-phat-18-ty-dong-vi-khai-thac-cat-vuot-muc-cho-phep-post263996.html

Cần cấp thiết xây dựng chợ đầu mối gia cầm liên vùng Liên Sơn (Tân Yên – Bắc Giang)

Việc xây dựng chợ đầu mối gia cầm liên vùng bảo đảm an toàn thực phẩm là cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Vấn đề đặt ra, cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ mô hình này.

Khoảng mười năm trở lại đây, trên địa bàn xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã hình thành chợ đầu mối tiêu thụ gia cầm, số lượng gà thịt được “xuất khẩu” hàng ngày từ nơi đây ước tính lên đến khoảng 500 tấn.

Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và dịch vụ. Là điểm đến tin cậy của nhiều thương lái, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai gần.

tm-img-alt
Chợ gà họp đêm ở ngã ba Đình Nẻo, thôn Chung, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) bắt đầu từ 19 giờ 00’ tối cho tới rạng sáng hôm sau. Mô hình chợ tự phát này gây ô nhiễm môi trường.

 

Cách trung tâm huyện Tân Yên chừng 3km, nằm giữa hai thị trấn: Thị trấn Cao Thượng và thị trấn Nhã Nam, Liên Sơn có vị trí địa lý rất thuận lợi, giao thương kết nối Lạng Sơn- Hà Nội- Thái Nguyên. Với diện tích tự nhiên là 7,67km2, dân số hiện nay khoảng 6.300 nhân khẩu với 1.713 hộ gia đình ở 7 thôn xóm.

Khác xa với vài năm trước, Liên Sơn hiện nay đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là đã chuyển mình mạnh mẽ sau Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Là một xã có diện tích vườn đồi lớn phù hợp cho phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp với chăm nuôi gia cầm, trú trọng phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa, an toàn.

Đặc biệt là phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội đã tuyên truyền vận động nhân dân trong xã hiến đất và tài sản trên đất cho dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 17 được 2.540m2 đất thổ cư, trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân xã Liên Sơn đã “góp công- góp của” hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hóa…

Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn xã Liên Sơn đã huy động nhân dân đóng góp được trên 68 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến được 27.480m2 đất, cứng hóa được trên 20 km đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2014 xã Liên Sơn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2023, xã Liên Sơn phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo con số thống kê của UBND huyện Tân Yên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của xã Liên Sơn năm 2022 ước đạt 121,5 tỷ đồng; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp – xây dựng: 167,4 tỷ đồng; thương mại- dịch vụ: 154,8 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2021 đạt 443,7 tỷ đồng.

Nhận thấy tiềm năng của xã, UBND huyện Tân Yên và đã sớm quy hoạch và đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang điều chỉnh bổ sung xây dựng 5 KCN, 8 CCN tập trung với tổng diện tích lên đến 915ha. Trong đó, phải kể đến dự án quy hoạch CCN Tân Sơn tại xã Liên Sơn với điểm nhấn nhằm phát huy thế mạnh của xã hiện nay đó là Chợ đầu mối gia cầm (Chợ gà).

tm-img-alt
Giao dịch vận chuyển gà ra xe ô tô của đại lý gà ngã ba Đình Nẻo, mặt đường quốc lộ 17 rất mất mỹ quan, mất an toàn toàn giao thông.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, CCN này và chợ đầu mối chế biến nông lâm sản sẽ phụ trợ, thúc đẩy phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi… Đây là hướng đi đúng đắn, của cấp ủy cũng như chính quyền địa phương.

Chợ gà đầu mối ở Tân Yên được hình thành từ khu vực ngã ba Đình Nẻo (Liên Sơn). Đây là nơi giao thông thuận lợi- địa điểm “xuất khẩu” gia cầm đi các tỉnh thành. Chợ gà Đình Nẻo hiện có khoảng hơn 200 hộ kinh doanh buôn bán nằm sát quốc lộ 17 và tỉnh lộ 298, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 500 tấn gà đi các tỉnh thành cả nước.

Tuy nhiên, cũng đã trở thành “điểm nóng” gây cản trở, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh…Do đến nay chợ vẫn là tự phát, chưa có đơn vị vận hành, chưa được quy hoạch quy củ…

tm-img-alt
Tại ngã ba Đình Nẻo, các “thương nhân” luôn tấp nập chuyển gà lên xe mang ra chợ TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh ) tiêu thụ- Nơi đây đã trở thành “điểm nóng” gây cản trở, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

 

Việc xây dựng chợ đầu mối tập trung không chỉ giúp giải quyết vấn đề về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, PCCC mà còn giúp các hộ tiểu thương ổn định buôn bán, từ đó xây dựng thương hiệu địa phương.

tm-img-alt
Chợ gà tự phát luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào

 

Hơn nữa, huyện Tân Yên đã phê duyệt dự án và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, tổ chức mời thầu với gói thầu xây dựng đường tỉnh 298 kéo dài, chạy qua cụm CCN và chợ đầu mối để kết nối với vùng nguyên liệu của Yên Thế.

Trong tương lai gần, khi Chợ đầu mối gia cầm Liên Sơn đi vào hoạt động, sẽ giúp thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị địa phương và còn góp phần thu hút làn sóng đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tại xã Liên Sơn và huyện Tân Yên.

Một chuyên gia Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Quốc gia cho biết, theo quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối, các chợ đều nằm ở khu vực đô thị nên sẽ liên quan trực tiếp đến công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do đó, nếu làm tốt việc phát triển chợ đầu mối sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm với Hà Nội như: Bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, cần cơ chế linh hoạt để hình thành các chợ nông sản đầu mối, bảo đảm thuận lợi cho công tác quản lý, quy trình công nghệ, liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về mô hình “Chợ đầu mối nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ gặp khó khăn trong phát triển mô hình chợ đầu mối là do: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gặp nhiều vướng mắc; tiến độ triển khai các dự án xây dựng chợ chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống chợ nói chung, chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản an toàn nói riêng. Ngoài ra, công tác quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa được coi trọng; việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch chợ và thu hút các dự án đầu tư phát triển chợ còn hạn chế…

Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thiếu cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối, nhất là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hóa. Tiếp thu kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở một số nước trên thế giới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan định hướng cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm xây dựng mạng lưới chợ đầu mối hiệu quả, phù hợp với thực tế ở Việt Nam./.

Diệp Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Xã hội hóa đăng kiểm – ồ ạt thành lập trạm và lỗ hổng buông lỏng kiểm soát

Xã hội hóa đăng kiểm đã mang lại nhiều thuận tiện cho xã hội và người dân, đáp ứng nhu cầu của lượng phương tiện gia tăng mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, việc này đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu hậu kiểm từ cơ quan chức năng đã và bộc lộ những bất cập…

Góc khuất đã có từ lâu

Cụm từ “bôi trơn đăng kiểm” hay “bỏ quên tiền” trên xe khi đưa phương tiện đi “khám” định kỳ đã trở thành những thuật ngữ quen thuộc với chủ phương tiện. Tùy tình trạng của phương tiện, lỗi nặng thì phải bỏ ra 400.000 – 500.000 đồng, lỗi nhẹ thì 100.000 – 200.000 đồng để được các đăng kiểm viên bỏ qua, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với tem kiểm định đã trở thành… luật bất thành văn với các chủ phương tiện. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp, 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, hoạt động kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định về việc các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm (sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời) đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Thậm chí một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị tại những khu vực đô thị, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó mật độ xây dựng các đơn vị đăng kiểm tại các khu vực đô thị rất cao, trong khi tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới thì không có, hoặc rất ít khiến người dân, doanh nghiệp phải đi xa, tốn thời gian, chi phí.

Tình trạng phương tiện xếp hàng dài chờ đăng kiểm kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay chưa dứt

Tình trạng phương tiện xếp hàng dài chờ đăng kiểm kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay chưa dứt

Qua quá trình kiểm tra, giám sát, Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận có đơn vị đăng kiểm khi hoạt động không có hiệu quả, doanh nghiệp, chủ đầu tư tự quyết định ngừng hoạt động đã gây khó khăn cho lái xe, chủ xe tìm lại hồ sơ cũ, người lao động không được bố trí việc làm và cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc theo dõi, quản lý các hồ sơ phương tiện. Có trường hợp một chủ đầu tư hoặc một doanh nghiệp đứng ra thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, sau đó thực hiện luân chuyển nhân sự thường xuyên.

Có trường hợp đăng kiểm viên của đơn vị này lại tham gia đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm khác với vai trò chủ đầu tư. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát các điều kiện hoạt động, không rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Thậm chí, có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra.

Mới đây, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 3-1, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, ông Hồ Hữu Tài – Giám đốc tại Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP.HCM) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học hết lớp 3. Theo tìm hiểu, ông Hồ Hữu Tài được Trung tâm đăng kiểm 50-17D thuê làm Giám đốc, không phải đăng kiểm viên, không phải là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của trung tâm và ký Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện thực hiện kiểm định tại trung tâm này.

Một điều đáng lo ngại là đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân nên chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. “Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn nhiều hạn chế” – Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định.

Cần chấn chỉnh những sai phạm

Để hoàn thiện đồng bộ, quy trình, quy chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẽ đánh giá, tổng kết, nghiên cứu để báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; bổ sung, sửa đổi các thông tư như: Thông tư số 18/2019/TT-BGTVT ngày 20-5-2019 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ tổ chức rà soát, đánh giá mô hình tổ chức của mình và các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cả nước, đặc biệt là công tác xã hội hóa các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; nghiên cứu xây dựng đề án tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện hoạt động đăng kiểm theo hướng cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm.

Đáng nói, không phải đến thời điểm hiện tại, khi nhiều sai phạm trong hệ thống đăng kiểm bị Công an TP Hồ Chí Minh phanh phui mà trong thời gian qua, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm trên phạm vi cả nước trong công tác đăng kiểm.

Trong hầu hết các đợt thanh tra, kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải đều phát hiện những vi phạm liên quan đến việc đăng kiểm viên lợi dụng “góc khuất” để nhận tiền của các chủ xe, làm sai lệch kết quả kiểm định và đã áp dụng hình thức xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ có thời hạn cả trung tâm đăng kiểm để xảy ra nhiều sai sót. Bộ Giao thông vận tải đã từng có văn bản chấn chỉnh công tác đăng kiểm, đồng thời đề nghị chủ phương tiện mỗi lần đi “khám xe” không được “bỏ quên tiền” trên phương tiện để hạn chế tình trạng vòi vĩnh, nhận hối lộ của các đăng kiểm viên.

Theo quy định tại Nghị định số 139, những tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực theo quy định tại nghị định này và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông vận tải ban hành, thì được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Quy định thông thoáng trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực dịch vụ vốn xưa nay chỉ do các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp.

Chỉ tính riêng năm 2019 (năm bắt đầu xóa bỏ quy hoạch) đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3 – 4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019. Do có thêm sự cạnh tranh, nên phần lớn đơn vị đăng kiểm đã phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ hiện đại; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ hướng đến khách hàng.

Hải Dương – Báo ANTĐ

Theo An ninh Thủ đô

Ảnh: Cả nước hiện có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.anninhthudo.vn/xa-hoi-hoa-dang-kiem-o-at-thanh-lap-tram-va-lo-hong-buong-long-kiem-soat-post528107.antd

Bất an dưới chân thủy điện Châu Thắng

Khoảng vài năm trở lại đây, sau khi Thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động, tình trạng sạt lở ngay dưới chân đập thủy điện ngày càng nghiêm trọng. Đã có nhiều diện tích đất vườn, công trình phụ của nhà dân bị trôi tuột xuống lòng sông.

Nguy cơ trôi tuột xuống lòng sông

Nhiều năm nay, gia đình ông Trần Đình Quang ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu), giật mình lo lắng mỗi lần nghe tin Thủy điện Châu Thắng xả lũ. Bởi mỗi lần như thế, khu vườn nhà ông lại càng bị thu hẹp, bởi lòng sông Hiếu nuốt trọn. Chỉ tay về phía sau nhà, ông Quang cho biết, khu vực đó từng là khu vườn trồng chuối, cỏ voi và chuồng trại. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, sau khi thủy điện tích nước và xả lũ, khu vườn cũng biến mất vì bị sông ăn vào nhiều mét.

Hộ ông Quang là 1 trong 22 hộ dân ở bản Minh Tiến bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi Thủy điện Châu Thắng hoạt động, thậm chí đe dọa đến tính mạng và tài sản. Mỗi lần mưa lớn, thủy điện xả lũ, những hộ dân này lại phải hốt hoảng tháo chạy đến nơi an toàn. “Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến nước dâng cao, chảy xiết và nước lũ duy trì dài ngày hơn trước đây nên đất bị ngấm nước lâu, bở ra và sạt xuống”, ông Quang nói.

Cách khu vực 22 hộ dân này khoảng 3 km về phía thượng lưu sông Hiếu là Nhà máy Thủy điện Châu Thắng. Thủy điện này có công suất thiết kế 14MW, được xây dựng trên địa bàn 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong, trong đó, khu vực nhà máy đặt tại huyện Quỳ Châu. Nhà máy có hồ chứa với chiều dài hơn 10 km, bề rộng trung bình 200m, dung tích hồ chứa 18 triệu m3. Thủy điện Châu Thắng bắt đầu tích nước vào tháng 2/2017; phát điện vào tháng 5/2017… Trung bình mỗi năm, nhà máy nộp thuế cho Nhà nước khoảng 6,5 tỷ đồng.

Tương tự ông Quang, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lục cho biết, gia đình sinh sống ở đây từ hàng chục năm. Năm 2018, mưa lớn buộc Thủy điện Châu Thắng phải xả lũ, gây sạt lở nghiêm trọng. “Thủy điện xả cả 6 cửa. Ban đêm, chúng tôi nghe nước lũ về ầm ầm, sáng ra nhiều giường, tủ gỗ của gia đình mua về để bán lại đang để ở kho phía sau bị nước lũ cuốn mất”, bà Lục kể. Sau khi lũ rút, sông Hiếu đã “ăn” vào khoảng 20m, sát bức tường phía sau của căn nhà.

Theo bà Lục, trước khi có thủy điện, lũ lớn nước sông vẫn dâng cao và chảy mạnh nhưng không xiết và tạo sóng mạnh như thời điểm sau khi có thủy điện. “Họ xả lũ quá mạnh nên nước chảy tạo thành các đợt sóng ập vào khu đất ở của chúng tôi gây sạt lở”, bà Lục nói. Năm 2019, chủ đầu tư Thủy điện Châu Thắng đã hỗ trợ gia đình bà Lục 100 triệu đồng để khắc phục sự cố sạt lở. “Tôi phải bỏ thêm 40 triệu đồng nữa để thuê chở đất về san lấp mới bù được lượng đất đã bị nước cuốn đi. Nhưng tôi vẫn cứ nơm nớp mỗi khi có lũ, vì nếu thủy điện tiếp tục xả lũ như năm đó thì đất sẽ lại trôi”, bà Lục cho hay. Trong khi đó, ông Nhâm cũng được chủ thủy điện này hỗ trợ tiền mua đất, đá về san lấp, và dù 2 năm qua không có lũ quá lớn, nhưng đất, đá san lấp cũng đã bị nước cuốn đi gần một nửa.

Sát nhà bà Lục, gia đình ông Phan Văn Nhâm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chỉ vào 2 bụi tre trơ gốc nằm dưới mép sông, ông Nhâm nói, 2 bụi tre này trước đây nằm trên cao, giữa vườn nhà ông. Nước lũ ồ ạt đổ về, dâng cao do thủy điện xả lũ đã đẩy 2 bụi tre trôi khỏi vị trí cũ khoảng 10m. Cách đó không xa, gia đình ông Phan Huy Ngọc cũng đang lo nhà bị cuốn trôi lúc nào không hay. Ông Ngọc cho biết, sau các đợt mưa lũ, móng nhà, nền, sàn gạch đều bị nứt nẻ. Hai căn nhà gỗ của gia đình ông bị xô nghiêng, phải chằng chống. Năm 2019, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Châu Thắng đã cử người xuống kiểm tra thiệt hại, hỗ trợ ông 100 triệu đồng. Ông thuê người sửa lại nhà, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn chưa yên ổn.

Nhiều đất vườn, công trình phụ của người dân đã bị trôi tuột xuống dòng sông Hiếu. Ảnh: Tiến Hùng

Nhiều đất vườn, công trình phụ của người dân đã bị trôi tuột xuống dòng sông Hiếu. Ảnh: Tiến Hùng

Mòn mỏi chờ xây kè

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, hiện tượng sạt lở ở bản Minh Tiến xảy ra với chiều dài khoảng 1.000m, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của 22 hộ dân. Nhiều bụi tre, công trình phụ của người dân bị trôi xuống sông, tường nhà dân bị nứt nẻ. Nguyên nhân sạt lở, báo cáo nhận định có tác động của việc thủy điện xả lũ, gây ngập kéo dài, tạo sóng lớn khiến đất ven sông bị xói lở.

Theo người dân địa phương, ngay cả trận lụt lịch sử vào năm 1988 và 2007, nước sông Hiếu dâng cao nhất ngập tràn lên cả mặt đường, thế nhưng, khu vực dọc sông không có hiện tượng sạt lở. 2 năm qua khi nhà máy thủy điện hoạt động, hơn 20 nhà sống cạnh sông, có nhà bị sông “nuốt” 10m, có gia đình mất tới 15m đất. Nhiều vườn tược, chuồng chăn nuôi gia súc đã bị cuốn xuống sông.

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hùng Cường

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Hùng Cường

Mới đây, UBND huyện Quỳ Châu đã vận động doanh nghiệp hơn 400 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Phan Huy Ngọc di dời nhà đến nơi ở mới. Tuy nhiên, ông Ngọc không đồng ý vì thấy không thỏa đáng. “Gây sạt lở không phải do hiện tượng thiên nhiên, thời tiết mà do thủy điện xả lũ nên chúng tôi không đồng ý với kiểu hỗ trợ này”, ông Ngọc nói.

Ông Sầm Thanh Hoài – Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, tình trạng sạt lở uy hiếp hàng chục hộ dân. Tuy nhiên, ngân sách của xã không đủ để làm kè bảo vệ dân làng. “Từ lâu chúng tôi đã đề xuất làm kè nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, ông Hoài nói.

Năm 2019, khi tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An thời điểm đó, ông Hồ Ngọc Thiết – Giám đốc Công ty cổ phần Prime Quế Phong cho biết, công ty đã và đang tích cực hợp tác cùng các cấp chính quyền để xin nguồn vốn xây dựng hệ thống kè mềm để phòng, chống sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, bờ kè để bảo vệ cho 22 hộ dân vẫn chưa thấy đâu.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho rằng, để quy hoàn toàn trách nhiệm cho Thủy điện Châu Thắng phải có đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng hiện nay chưa làm được. Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân này, huyện đã đề xuất tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí để xây dựng bờ kè chống sạt lở với kinh phí hàng chục tỷ đồng và vẫn đang chờ phê duyệt.

Tiến Hùng – Báo Nghệ An

Theo Nghệ An

Ảnh: Đập thủy điện Châu Thắng. Ảnh: Thành Cường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baonghean.vn/bat-an-duoi-chan-thuy-dien-chau-thang-post263944.html

Vì sao chưa thể khai thác chợ cổ Cần Thơ?

Dù đề án đã có nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác khu chợ cổ Cần Thơ, dẫn đến gây nhiều lãng phí…

Lãng phí cả bãi giữ xe, nhà vệ sinh

Bến Ninh Kiều, điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ có một khu vực gọi là chợ cổ Cần Thơ. Chợ này có bề dày lịch sử, khi xưa được gọi là “chợ Lục Tỉnh”, rồi “chợ Hàng Dương”; được xây dựng cùng thời với những ngôi chợ lớn ở Sài Gòn. Hiện nơi này được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp TP.

Thời gian qua, hoạt động tại chợ cổ còn tồn tại nhiều bất cập. Việc sắp xếp bố trí các lô kinh doanh còn mang tính thương mại, chưa có hoạt động để thể hiện cũng như giữ gìn tính lịch sử văn hóa của chợ cổ.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, khu chợ cổ được TP Cần Thơ giao cho Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (doanh nghiệp Nhà nước) quản lý khai thác.

Sau đó, Công ty này tiến hành cổ phần hóa; và UBND TP Cần Thơ đã cho thu hồi khu đất chợ cổ với diện tích hơn 1.600m2, giao lại cho UBND phường Tân An, quận Ninh Kiều quản lý.

Trên cơ sở đó, tháng 6/2021, UBND phường Tân An đã ra “Đề án bảo tồn cải tạo giá trị văn hóa lịch sử tại chợ cổ Cần Thơ”.

Mục tiêu của đề án giống như tên gọi, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử gắn liền các hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng miền sông nước tại chợ cổ.

Theo đó, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện không gian, kiến trúc đáp ứng nhu cầu khách địa phương và du khách ngoài tỉnh. Phấn đấu trở thành điểm nhấn du lịch của địa phương, của quận và của TP. Và sau cùng là tạo thêm việc làm và tặng thu nhập người lao động địa phương.

Các hạng mục của đề án bao gồm: kiểm tra, cải tạo hệ thống cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng. Chỉnh trang, sắp xếp việc kinh doanh các lô ki ốt mang tính văn hóa – lịch sử: quà lưu niệm, đặc sản đặc trưng địa phương, viết thư pháp.

Đồng thời cải tạo khu nhà vệ sinh, bãi giữ xe phục vụ khách tham quan. Tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ…

Tuy nhiên đến nay, đề án này vẫn chưa thể thực hiện. Các hoạt động mua bán kinh doanh tại chợ cổ vẫn diễn ra như lúc trước.

Đặc biệt theo ghi nhận của PV, cạnh bên chợ cổ có một khu đất (cặp phà Xóm Chài), và một nhà vệ sinh. Khu đất này trước đây được khai thác làm bãi giữ xe. Do đề án chưa thể triển khai nên bãi xe này cũng không thể hoạt động, phải bỏ trống. Còn nhà vệ sinh cũng tương tự.

Hiện nay, mỗi tuần, bãi xe này và nhà vệ sinh chỉ doạt động đúng vào chiều tối thứ Bảy để phục vụ cho phố đi bộ Ninh Kiều. Những ngày còn lại để bỏ trống, dẫn đến gây lãng phí.

Bãi giữ xe ở phà Xóm Chài bỏ trống, gây lãng phí.

Bãi giữ xe ở phà Xóm Chài bỏ trống, gây lãng phí.

Anh Huỳnh Minh Tuấn (quận Ninh Kiều) cho biết: “Tui thường xuốn bến Ninh Kiều chơi, và gửi xe tại phà Xóm Chài. Vị trí gửi xe này rất thuận tiện vì ngay điểm đầu công viên Ninh Kiều. Từ đây có thể đi bộ một dọc tham quan hết công viên. Nếu để bãi xe trống như thế này sẽ rất lãng phí”.

Vướng chỗ nào?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, xác nhận khu vực chợ cổ trước đây được giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ quản lý. Sau đó thì bàn giao về cho quận khai thác quản lý.

Việc khai thác quản lý có hai mặt. Thứ nhất là khai thác về mặt văn hóa, nhằm duy tu, bảo tồn văn hóa lịch sử của khu chợ. Và lĩnh vực này đã được thực hiện tốt.

Tuy nhiên còn mặt thứ hai là khai thác về kinh tế thì đang gặp vướng mắc. Đây thực tế là khu nhà lồng chợ.

Hoạt động tại phố đi bộ bến Ninh Kiều vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Hoạt động tại phố đi bộ bến Ninh Kiều vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Trước đây khi doanh nghiệp Nhà nước quản lý, có hợp đồng với các tiểu thương. Sau đó, doanh nghiệp đã cổ phần hóa, và khu nhà lồng chợ đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Hiện giờ phải rà soát lại xem các lô sạp trước đây do tiểu thương tự đầu tư hay do Nhà nước đầu tư. Khi đơn vị mới vào khai thác thì quyền lợi của họ sẽ như thế nào?.

Bên cạnh đó, quận chỉ lên phương án, kế hoạch tổ chức đấu giá khai thác khu chợ, còn đơn giá thì phải chờ TP cho thông qua. Dẫn đến đề án khai thác chậm, chưa hiệu quả.

Một nguyên nhân khác, theo ông Ánh là có sự chồng chéo giữa đề án khai thác chợ cổ và đề án khai thác phố đi bộ. Hiện nay, nguồn thu tại chợ cổ phải bù cho nguồn chi vận hành phố đi bộ.

Ông Ánh cũng thừa nhận, việc đề án triển khai chậm đã dẫn đến nhiều lãng phí. Đơn cử như bãi giữ xe và nhà vệ sinh đã không thể hoạt động thường xuyên phục vụ người dân và du khách.

“Nếu làm chậm thì gây lãng phí. Nhưng các quy trình thủ tục thì không thể không tuân thủ. Phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, rồi thông qua hội đồng giá, rồi làm các thủ tục mời thầu, tổ chức đầu, rất mất thời gian”, ông Ánh nói.

Trần Lưu – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Khu chợ cổ Cần Thơ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-the-khai-thac-cho-co-can-tho-d578556.html

Chương Mỹ – Hà Nội: Hàng loạt trang trại lợn gây ô nhiễm, xã Phú Nghĩa có vô can? (Bài 1)

Năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ đã nhiều lần kiểm tra và chỉ ra hàng loạt vi phạm pháp luật về môi trường của các trang trại lợn tại xã Phú Nghĩa. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương có vô can?

Dân kêu trời vì ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua trên khu vực cánh đồng thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội có khoảng 20 trang trại lợn xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận lại sự việc, hàng loạt trang trại lợn chăn nuôi với quy mô lớn, có trang trại diện tích lên đến cả nghìn mét vuông được xây dựng trên cánh đồng 2 lúa, những lúc cao điểm lên đến hàng vạn con.

Dọc theo các bờ kênh tưới tiêu T8 dành cho sản xuất nông nghiệp cách đoạn lại có hàng chục ống cống được chôn sâu phía dưới nước thải không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường khiến cho con kênh đen kịt, đặc quánh. Mùi hôi thối, ruồi bọ tại các bể chứa phân, nước thải khiến cho không khí vô cùng ngột ngạt, khó thở.

Ông Nguyễn Văn N., người dân thôn Phú Vinh bức xúc cho biết: Chúng tôi gửi đơn về huyện và xã bao nhiêu lần rồi nhưng không được giải quyết, các trang trại này từ lâu đã xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương tưới tiêu khiến cho người dân không thể canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Theo quan sát của Phóng viên, các trang trại được xây dựng một cách tạm bợ, không có hệ thống xử lý môi trường theo quy định. Hầu hết phân lợn, chất thải được tập kết tại các hố đất tự đào, cái lộ thiên, cái được che phủ bạt nhưng không tránh khỏi sự phát tán mùi hôi thối ra môi trường. Từ các hố tập kết phân, nước thải được cho tự chảy ra môi trường qua các cống ngầm mà không hề được xử lý.

 Cánh đồng thôn Phú Vinh có khoảng trên 20 trang trại chăn nuôi tập chung.

Cánh đồng thôn Phú Vinh có khoảng trên 20 trang trại chăn nuôi tập chung.

Cũng theo người dân địa phương việc phát thải trực tiếp của các trang trại lợn không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khi hàng chục héc ta lúa, hoa mầu của người dân phải bỏ hoang không canh tác được.

Trong năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã nhiều lần tổ chức đoàn kiểm tra, cụ thể trong tháng 6/2022, đối với các trang trại chăn nuôi của hộ ông: Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Mạnh; Trần Văn Tưởng; Nguyễn Trọng Tuấn… trong biên bản đều chỉ ra rằng các trang trại này đều không cung cấp được hồ sơ pháp lý về môi trường và tài nguyên nước theo quy định.

 Biên bản kiểm tra của UBND huyện Chương Mỹ.

Biên bản kiểm tra của UBND huyện Chương Mỹ.

Tại biên bản kiểm tra hộ ông Trần Văn Mạnh ngày 22/6/2022, ghi rõ: Nước thải trong quá trình sản xuất tại bể lắng số 3 vỡ tường bao, chảy vào bể lắng của hộ ông Nguyễn Trọng Tuấn do vượt công suất chứa, chảy trực tiếp ra môi trường, cụ thể tại kênh T8, nước thải có màu và mùi hôi thối. Hay tại biên bản kiểm tra ngày 28/6/2022 của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn ghi rõ: có tình trạng bục, thủng một góc gây tràn nước thải trong quá trình chăn nuôi không được xử lý, nước thải qua quan sát bằng mắt thường có mùi đen, mùi hôi thối chảy thẳng ra kênh T8…

Còn trong biên bản kiểm tra tháng 8/2022 đối với các hộ ông (bà): Trần Văn Ngoạt, Vương Văn Tạo; Trần Văn Tư; Nguyễn Văn Hùng; Nguyễn Hữu Ngọ; Nguyễn Văn Hán; Trịnh Thị Phương; Trần Thu Hà… các trang trại này cũng chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước theo quy định và cũng xả nước thải ra môi trường mà chưa được xử lý.

Chính quyền địa phương có vô can?

Như vậy, có thể thấy vi phạm pháp luật về môi trường tại khu trang trại chăn nuôi tập chung của xã Phú Nghĩa khá rõ ràng, cụ thể nhưng không hiểu sao đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường này!?

Để làm rõ những vấn đề liên quan Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Phú Nghĩa mà cụ thể là ông Nguyên Văn Doanh, Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua Nhóm PV vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ vị lãnh đạo này.

Trước đó, tháng 6/2022, ông Doanh đã từng trả lời công luận: UBND xã kiểm tra, đối với những hộ nào làm ảnh hưởng đến môi trường, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu đình chỉ, không cho hoạt động nữa. Nhưng đến nay việc ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi này vẫn đang tiếp diễn, chưa hề có bất kỳ sự thay đổi nào.

 UBND xã Phú Nghĩa.

UBND xã Phú Nghĩa.

Trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hương, Phó trưởng phòng TNMT huyện Chương Mỹ, bà Hương cho biết: UBND huyện Chương Mỹ đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại khu chăn nuôi tập trung tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa. Về kết quả kiểm tra cũng đã có nhưng chúng tôi cũng đang phải chờ quy định mới để áp dụng các biện pháp xử lý cho phù hợp. Về trách nhiệm chúng tôi cũng đang tổng hợp báo cáo Huyện ủy để xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi để xảy ra các vi phạm pháp luật về môi trường.

Vẫn biết tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế, nhưng rõ ràng các trang trại lợn ở xã Phú Nghĩa đã bất chấp, thậm chí coi thường quy định Luật môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Còn chính quyền địa phương có phải đang đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá!?

Dư luận cho rằng việc trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ mà trực tiếp là xã Phú Nghĩa và huyện Chương Mỹ.

 Nước thải không được xử lý chảy thẳng ra môi trường.

Nước thải không được xử lý chảy thẳng ra môi trường.

Cử tri địa phương cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội cùng các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những những vi phạm pháp luật, đặc biệt chấp hành pháp luật về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng trang trại… có hay không dấu hiệu bảo kê, hiệu lợi ích nhóm cho những tồn tại, vi phạm này.

Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, điều 168: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền…

Cũng theo quy định tại khoản 9, điều 6: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

Kiên Giang – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Miệng ống cống từ trang trại chảy thẳng ra kênh T8.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/chuong-my-ha-noi-hang-loat-trang-trai-lon-gay-o-nhiem-xa-phu-nghia-co-vo-can-74902.html

Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 02-2023

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 02-2023 với những nội dung chính như sau:

Về quản lý môi trường

– Nền kinh tế kỹ thuật số ảnh hưởng đến lượng khí thải carbon như thế nào? Bằng chứng từ 60 quốc gia toàn cầu

– Tác động của ô nhiễm không khí đối với tỷ lệ mắc, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong do COVID-19: Đánh giá có hệ thống các nghiên cứu ở Châu Âu và Bắc Mỹ

– Mối tương quan giữa tình trạng kinh tế xã hội với các ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận và nồng độ nước thải SARS-CoV-2 trong các cộng đồng quy mô vừa và nhỏ

– Phát thải oxit nitơ trong chu trình nitơ thay đổi và tác động đối với biến đổi khí hậu

– Tác động của khoảng cách giữa đăng ký doanh nghiệp và các trạm giám sát đối với hoạt động môi trường – Bằng chứng từ các trạm giám sát chất lượng không khí

– Xem xét lại các chiến lược phân bổ chính sách: Đánh giá các công cụ chính sách môi trường và áp dụng mô hình CGE

– Những thay đổi về mô hình thời gian và phân bố không gian của các chất gây ô nhiễm môi trường ở 8 quốc gia châu Á do đại dịch COVID-19

– Chúng ta còn cách những ước tính chắc chắn về rò rỉ rác thải nhựa ra môi trường bao xa?

– Hội tụ phát thải carbon và phân tích yếu tố quyết định: Bằng chứng từ các nước ASEAN

Về môi trường đô thị

– Mô hình hóa ngập lụt đô thị tích hợp với dòng chảy và vận chuyển trầm tích trong mạng lưới thoát nước

– Những thách thức về quá trình oxy hóa năng lượng mặt trời khi xử lý sau xử lý nước thải đô thị từ hệ thống UASB: Hiệu quả xử lý, khử trùng và độc tính

– Tác động của sự thay đổi nhiệt và luồng gió vào đối với vận chuyển thẳng đứng xung quanh một tòa nhà siêu cao – Thí nghiệm thực địa The One Vanderbilt

– Loại bỏ độc tính trong nước thải: Giám sát dựa trên hiệu quả và hóa học tích hợp của các nhà máy phản ứng sinh học màng và bùn hoạt tính thông thường quy mô lớn

– Hóa chất phụ gia lốp xe, hạt mài mòn đường lốp xe và polyme sản xuất cao trong nước mặt tại 5 trung tâm đô thị ở Queensland, Úc

– Xác định các hạt vi nhựa lơ lửng trong không khí dạng sợi ở Khu đô thị Bandung, Indonesia

– Xác định các hạt vi nhựa lơ lửng trong không khí dạng sợi ở Khu đô thị Bandung, Indonesia

– Đánh giá về hệ thống bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị: Phân tích nước rỉ rác, khí thải, phân tích môi trường và kinh tế

– Đánh giá lợi ích sức khỏe cho trẻ em của chính sách môi trường giao thông vận tải ở thành phố New York

Về môi trường khu công nghiệp

– Phối hợp hóa rắn đất nhiễm chì bằng magie oxit và vi sinh vật

– Kỹ thuật xử lý ô nhiễm dược phẩm bằng khung hữu cơ kim loại – Đánh giá độc học, ứng dụng và cơ chế

– Những tiến bộ gần đây trong quá trình oxy hóa tiên tiến dựa trên polyme sinh học cho các ứng dụng loại bỏ thuốc nhuộm: Đánh giá

– Khám phá tiềm năng giảm phát thải của các ngành công nghiệp: Mô hình phối hợp nguồn-xử lý-đầu cuối và ứng dụng của nó

– Vai trò của công nghệ màng lọc trong xử lý nước thải ngành thực phẩm

– Thiết kế mạng lưới chuỗi cung ứng cạnh tranh bền vững cho sản phẩm xanh trong điều kiện không chắc chắn: Nghiên cứu điển hình về ngành công nghiệp da của Iran

– Việc tạo ra một biên giới dầu mỏ: Động lực lãnh thổ hóa trong ngành công nghiệp dầu mỏ mới nổi của Uganda

– Chuyển đổi mô hình hướng tới tính bền vững trong ngành công nghiệp dầu mỏ thượng nguồn để tăng cường phục hồi – Đánh giá hiện đại

– Những thách thức chính đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hydro ở Liên bang Nga

Xin trân trọng giới thiệu!

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

1. How does digital economy affect carbon emissions? Evidence from global 60 countries

Science of The Total Environment, Volume 852, 15 December 2022, 158401

Abstract

The digital economy is of great significant for countries to achieve carbon neutrality and carbon peak. Using country-level panel data from 2008 to 2018, this study empirically examined the impact of the development of the digital economy on carbon emissions and the associated transmission mechanisms by using the intermediary effect model. Our main findings are as follows. (1) The level of digital economy development varies greatly between countries, and the difference between “hyper-digitalized countries” and “under-connected countries” is increasingly obvious. (2) Development of the digital economy significantly reduces the carbon emission intensity, but promotes increases in the per capita carbon emissions. (3) Analysis shows that economic growth, financial development, and industrial structure upgrading play mediating roles between the digital economy and carbon emissions. Our study not only advances the study on digital economy and carbon emissions, but also provides a significant reference for policy makers to achieve carbon peak and carbon neutrality.

2. The impact of air pollution on COVID-19 incidence, severity, and mortality: A systematic review of studies in Europe and North America

Environmental Research, Volume 215, Part 1, December 2022, 114155

Abstract

Background

Air pollution is speculated to increase the risks of COVID-19 spread, severity, and mortality.

Objectives

We systematically reviewed studies investigating the relationship between air pollution and COVID-19 cases, non-fatal severity, and mortality in North America and Europe.

Methods

We searched PubMed, Web of Science, and Scopus for studies investigating the effects of harmful pollutants, including particulate matter with diameter ≤2.5 or 10 μm ( or ), ozone (), nitrogen dioxide (), sulfur dioxide () and carbon monoxide (CO), on COVID-19 cases, severity, and deaths in Europe and North America through to June 19, 2021. Articles were included if they quantitatively measured the relationship between exposure to air pollution and COVID-19 health outcomes.

Results

From 2,482 articles screened, we included 116 studies reporting 355 separate pollutant-COVID-19 estimates. Approximately half of all evaluations on incidence were positive and significant associations (52.7%); for mortality the corresponding figure was similar (48.1%), while for non-fatal severity this figure was lower (41.2%). Longer-term exposure to pollutants appeared more likely to be positively associated with COVID-19 incidence (63.8%). , , , , and were most strongly positively associated with COVID-19 incidence, while and with COVID-19 deaths. All studies were observational and most exhibited high risk of confounding and outcome measurement bias.

Discussion

Air pollution may be associated with worse COVID-19 outcomes. Future research is needed to better test the air pollution-COVID-19 hypothesis, particularly using more robust study designs and COVID-19 measures that are less prone to measurement error and by considering co-pollutant interactions.

3. Socioeconomic status correlations with confirmed COVID-19 cases and SARS-CoV-2 wastewater concentrations in small-medium sized communities

Environmental Research, Volume 215, Part 2, December 2022, 114290

Abstract

Over two years into the COVID-19 pandemic, it is apparent that some populations across the world are more susceptible than others to SARS-CoV-2 infection and spread. Understanding how populations with varying demographic patterns are impacted by COVID-19 may highlight which factors are most important in targeting to combat global suffering. The first objective of this study was to investigate the association of various socioeconomic status (SES) parameters and confirmed COVID-19 cases in the state of Ohio, USA. This study examines the largest and capital city of Ohio (Columbus) and various small-medium-sized communities. The second objective was to determine the relationship between SES parameters and community-level SARS-CoV-2 concentrations using municipal wastewater samples from each city’s respective wastewater treatment plants from August 2020 to January 2021. SES parameters include population size, median income, poverty, race/ethnicity, education, health care access, types of COVID-19 testing sites, and social vulnerability index. Statistical analysis results show that confirmed (normalized and/or non-normalized) COVID-19 cases were negatively associated with White percentage and registered hospitals, and positively associated with registered physicians and various COVID-19 testing sites. Wastewater viral concentrations were negatively associated with poverty, and positively associated with median income, community health centers, and onsite rapid testing locations. Additional analyses conclude that population is a significant factor in determining COVID-19 cases and SARS-CoV-2 wastewater concentrations. Results indicate that community healthcare parameters relate to a negative health outcome (COVID-19) and that demographic parameters can be associated with community-level SARS-CoV-2 wastewater concentrations. As the first study that examines the association between socioeconomic parameters and SARS-CoV-2 wastewater concentrations as well as confirmed COVID-19 cases, it is apparent that social determinants have an impact in determining the health burden of small-medium sized Ohioan cities. This study design and innovative approach are scalable and applicable for endemic and pandemic surveillance across the world.

4. Nitrous oxide emission in altered nitrogen cycle and implications for climate change

Environmental Pollution, Volume 314, 1 December 2022, 120272

Abstract

Natural processes and human activities play a crucial role in changing the nitrogen cycle and increasing nitrous oxide (N2O) emissions, which are accelerating at an unprecedented rate. N2O has serious global warming potential (GWP), about 310 times higher than that of carbon dioxide. The food production, transportation, and energy required to sustain a world population of seven billion have required dramatic increases in the consumption of synthetic nitrogen (N) fertilizers and fossil fuels, leading to increased N2O in air and water. These changes have radically disturbed the nitrogen cycle and reactive nitrogen species, such as nitrous oxide (N2O), and have impacted the climatic system. Yet, systematic and comprehensive studies on various underlying processes and parameters in the altered nitrogen cycle, and their implications for the climatic system are still lacking. This paper reviews how the nitrogen cycle has been disturbed and altered by anthropogenic activities, with a central focus on potential pathways of N2O generation. The authors also estimate the N2O–N emission mainly due to anthropogenic activities will be around 8.316 Tg N2O–N yr−1 in 2050. In order to minimize and tackle the N2O emissions and its consequences on the global ecosystem and climate change, holistic mitigation strategies and diverse adaptations, policy reforms, and public awareness are suggested as vital considerations. This study concludes that rapidly increasing anthropogenic perturbations, the identification of new microbial communities, and their role in mediating biogeochemical processes now shape the modern nitrogen cycle

5. Impact of distance between corporate registration and monitoring stations on environmental performance – Evidence from air quality monitoring stations

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116192

Abstract

Several countries are adopting vertical environmental regulations (air quality monitoring stations) to control pollution. However, there is a relative lack of research analysing environmental regulations and performance from a geographic distance perspective. This study introduces atmospheric quality monitoring stations as a type of environmental regulation using data from Chinese listed companies from 2010 to 2019 to determine the effect of monitoring station distance on corporate environmental performance and the moderating role of corporate strategy. This analysis yielded the following findings. First, based on institutional and signalling theories, we find that monitoring station distance inhibits environmental performance. Second, disclosure, digital transformation, and environmental strategies can reverse the negative effects of monitoring stations. Third, while market drivers improve the ability to monitor station distances, political corruption hinders this. Fourth, firm heterogeneity analysis tells us that the “crowding out” effect of monitoring station distance is more significant for state-owned enterprises, high-tech firms, and heavy polluters. Finally, we found that the monitoring role of stations can be fully utilised only if they are established within a certain distance from the enterprise. These findings are important for establishing air quality monitoring stations and corporate environmental performance in developing countries, including China.

6. Reconsider policy allocation strategies: A review of environmental policy instruments and application of the CGE model

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116176

Abstract

How to choose environmental policy instruments within a clearly defined scope of the market mechanism and government intervention will profoundly affect the policy effectiveness. Through a systematic review of 111 representative literature, this paper traces the theoretical development of environmental policy instruments, empirical analyses based on the CGE (Computable General Equilibrium) model, and globally practical experience. We find that the reflections on environmental policy instruments have shifted from command-based to market-based, from trade-offs between quantity-based and price-based instruments within the scope of market-based instruments to combining both, and finally a reasonable allocation of both command-based and market-based instruments. The CGE model promotes the shift, deepens the theory, and accelerates the transformation from theoretical thinking to practical application. By providing approaches to recognize and measure the overall economic costs of environmental policies, the CGE model plays an important role in validating efficiency theories, identifying efficiency losses, and amending policy instruments. It also promotes the implementation of environmental tools through region-pertinent settings and simulations. Based on reflections and discussions upon existing literature, we propose that the market should play a dominant role in allocating resources to obtain long-term environmental goals with corresponding environmental regulations as supplementary; under the circumstances with market efficiency losses, command-based instruments should be employed to cope with market failures. The results in this paper can facilitate the expansion of the environmental policy theory and also assist governments with better selection and formulation of environmental policy instruments relying on a solid theoretical basis and rational practical approaches.

7. Does the Emission Trading Scheme achieve the dual dividend of reducing pollution and improving energy efficiency? Micro evidence from China

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116202

Abstract

Resolving the negative externality of environmental pollution has always been a concern in both the theoretical and practical space. To stimulate enterprises to participate in environmental governance actively, China has implemented a series of environmental regulation policies. The Emission Trading Pilot Scheme (ETPS) is an example of such policies implemented to ensure the gradual transition toward marketization. From a micro-enterprise perspective, the study examines how this policy achieves the dual effects of reducing emissions and promoting energy efficiency. We further explore potential channels through which this policy influences the dual effects. We empirically find ETPS to reduce the pollution emissions of enterprises significantly. However, the pollution reduction effect is mainly achieved by encouraging enterprises to strengthen cleaner production rather than through end governance. In addition to bringing environmental dividends, we observe ETPS to improve fossil energy efficiency by about 7.5% indirectly. We conclude by urging policy makers and participants to optimize energy structures and adjust intermediate input as they serve as significant pathways through which ETPS can affect fossil energy efficiency. The ETPS can encourage enterprises to actively step out of their “comfort zone” of environmental governance to be viewed as an effective environmental regulation policy.

8. Wikis as collaborative knowledge management tools in socio-environmental modelling studies

Environmental Modelling & Software, Volume 158, December 2022, 105538

Abstract

The data requirements of many socio-environmental system (SES) modelling studies have increased substantially in recent years. This has made the already challenging task of data compilation, retrieval, and sharing progressively more difficult. Recognising the current lack of best practice for knowledge management in SES modelling studies, we propose using SES wikis as a means of addressing these challenges. Wikis have attributes that make them well suited to complex knowledge management tasks and their hierarchical, interconnected, algorithmic logic closely fits with the logic needed in SES model design. In this article, we describe how wikis can be used at each stage of the SES modelling cycle, and we discuss our experiences of putting the approach into practice. We conclude that while SES wikis can be time consuming to initially develop, they have the potential to significantly improve the quality, transparency, and efficiency of SES modelling projects.

9. Changes in temporal pattern and spatial distribution of environmental pollutants in 8 Asian countries owing to COVID-19 pandemic

Chemosphere, Volume 308, Part 1, December 2022, 136075

Abstract

This study investigated the changes in air pollutant’s concentration, spatio-temporal distribution and sensitivity of changes in air pollutant’s concentration during pre and post COVID-19 outbreak. We employed Google Earth Engine Platform to access remote sensing datasets of air pollutants across Asian continent. Air pollution and cumulative confirmed-COVID cases data of Asian countries (Afghanistan, Bangladesh, China, India, Iran, Iraq, Pakistan, and Saudi Arabia) have been collected and analyzed for 2019 and 2020. The results indicate that aerosol index (AI) and nitrogen dioxide (NO2) is significantly reduced during COVID outbreak i.e. in year 2020. In addition, we found significantly positive (P < 0.05, 95% confidence interval, two-tailed) correlation between changes in AI and NO2 concentration for net active-COVID case increment in almost each country. For other atmospheric gases i.e. carbon monoxide (CO), formaldehyde (HCHO), ozone (O3), and Sulfur dioxide (SO2), insignificant and/or significant negative correlation is also observed. These results suggest that the atmospheric concentration of AI and NO2 are good indicators of human activities. Furthermore, the changes in O3 shows significantly negative correlation for net active-COVID case increment. In conclusion, we observed significant positive environmental impact of COVID-19 restrictions in Asia. This study would help and assist environmentalist and policy makers in restraining air pollution by implementing efficient restrictions on human activities with minimal economic loss.

10. Policy, technical change, and environmental efficiency: Evidence of China’s power system from dynamic and spatial perspective

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116232

Abstract

Feed-in tariff (FIT) and renewable portfolio standard (RPS) policies have been implemented to facilitate wind and solar power technologies with the aim of achieving sustainable development in power system. It is essential to study how efficient these policies are in accelerating technical progress and how efficient the power system is in balancing development and environmental protection. Dynamic network data envelopment analysis and the global Malmquist productivity index are first employed to study the environmental efficiency and technical progress, after which a dynamic spatial Durbin model is applied to analyze the impact of policies on technical progress. The results reveal that both FIT and RPS lead to technical progress which is the main driving force in environmental efficiency improvement, but that RPS performs better than FIT. From a spatial perspective, the adjacent regions usually show similar characteristics in technical progress. Therefore, future policy design should carefully consider the regional agglomeration effects and should effectively strengthen the implementation of RPS policy.

11. How far are we from robust estimates of plastic litter leakage to the environment?

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116195

Abstract

Litter pollution is a global concern, and identifying sources and pathways is crucial for proposing preventative actions. Existing models of plastic litter leakage to the environment have provided worldwide estimates at a country-based level, but only a few initiatives address subnational scales. Adding relevant parameters and improving models is needed to reduce the limitations of global estimates. However, availability of information, which varies among countries and is critical in the Global South, may preclude such improvements. To understand the potentialities and limitations of subnational estimates of plastic litter leakage to the environment, we reviewed the parameters used in the literature and addressed data usability, considering Brazil as a case study. We gathered data on parameters identified for all 5570 Brazilian municipalities and evaluated their usability considering reliability and temporal and geographic granularity. We identified 51 parameters that are either currently used in models or could improve estimates, including parameters regarding territory, population density, socioeconomic condition, and solid waste generation, composition, collection, and final destination, selective waste collection, recycling, and hydrology. Only 29.4% of parameters were linked to data sources with good or very good usability, while most of them presented average usability (45.1%) and 7.8% were not linked to any data source. This panorama of low data usability reveals uncertainties and explicit difficulties of estimating plastic litter leakage to the environment, including mobilization from the terrestrial environment to the ocean. The Brazilian scenario reflects current data availability conditions and the difficulties of countries in the Global South to robustly understand plastic litter leakage and face land-based sources of marine litter.

12. Spatiotemporal distribution characteristics of PM2.5 concentration in China from 2000 to 2018 and its impact on population

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116273

Abstract

PM2.5 is an important indicator reflecting changes in air quality. In recent years, affected by climate change and human activities, the problem of environmental pollution has become more and more prominent. In this study, the PM2.5 data from 2000 to 2018 obtained by satellite remote sensing inversion algorithm were selected to analyze the temporal and spatial distribution of PM2.5 in China. The results show that the areas with higher PM2.5 concentrations were mainly in the North China, the Sichuan Basin, and the Tarim Basin. The areas with a significant increase in PM2.5 were mainly in the Northeast China, while the areas with a significant decrease were mainly in the Sichuan Basin and southeastern Gansu. The change of PM2.5 in southern China was not significantly correlated with the change of population and economy, while PM2.5 in Northeast China increases with the increase of population and economy. In 2000, 2005, 2010, and 2015, the proportion of the population polluted by PM2.5 was 8.65%, 7.2%, 22.99%, and 9.75%, respectively. The year with the highest percentage (37.63%) of population when air quality reached EXCELLENT was 2015. When the PM2.5 spatial cluster number was six, it can better reflect the PM2.5 spatial distribution state. The places with large changes in PM2.5 spatial clustering were mainly in the Northeast China, Sichuan Basin, and Tarim Basin, which were also areas with large changes in PM2.5. This study provides an important reference for atmospheric environmental monitoring and protection.

13. Carbon emissions convergence and determinant analysis: Evidence from ASEAN countries

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116299

Abstract

In this study, we aim to uncover the convergence pattern of carbon emissions and its determinants towards effective reduction policies. In particular, we contribute to the emissions convergence literature by examining convergence in CO2 emissions for a sample of Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) member states, spanning the period from 1960 to 2018. We adopt the log (t) club convergence approach and examine convergence patterns in total CO2 emissions as well as emissions disaggregated by sources. We focus on emissions emerging from coal, oil, natural gas and cement production. The findings from the full sample analysis reveal two sub-convergent clubs that reflect population size, geography, and energy demand. The disaggregated analysis by sources show that the sources of emissions significantly influence convergence behaviour across the ASEAN countries investigated. We find that the transition paths of emissions are more pronounced for oil, gas and cement production with a large number of non-converging states. To ascertain the reason behind this result, we examine the determinants of the convergence process. We detect that urbanization plays a vital role in the convergence path of carbon emissions and calls for urgent efforts to decarbonize urbanization-related infrastructure processes.

14. Climate transition risk and bank performance:Evidence from China

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116275

Abstract

Under the “carbon peaking and carbon neutrality goals”, China’s commercial banks are facing a severe climate transition risk. This paper proposes a climate transition risk measurement method for commercial banks, and investigates the impact of climate transition risk on bank performance based on the data of 490 commercial banks in China from 2008 to 2019. The empirical findings are as follows: firstly, the climate transition risk has an inhibitory effect on the performance of commercial banks, and the inhibitory effect weakens with the increase of bank size. Secondly, the signing of the Paris Agreement and the increase of the economic policy uncertainty in China have a positive moderating effect, which weakens the inhibitory effect of the climate transition risk. Finally, the climate transition risk inhibits the performance of commercial banks partly by reducing the scale of bank loans.

15. Environmental impacts of post-consumer plastic wastes: Treatment technologies towards eco-sustainability and circular economy

Chemosphere, Volume 308, Part 1, December 2022, 135867

Abstract

The huge amounts of plastic production (millions of tons) are carried out all around world every year and EU is one of the biggest consumers of these products. In 2021, recycling rate of plastic wastes around 32.5% in the EU and the rest end up on their journey in landfills and oceans that lead to environmental pollution which is a crucial global concern. Thus, it is important to take necessary steps to control the use of such plastic and to sustainably dispose them. One of the solutions to the problem is to use a better alternative to plastics which doesn’t degrade land, water or air nor affects living organisms. Circular economy is another answer to this problem, it would ensure prevention of post-consumer plastic waste from getting formed. In addition, sustainable disposal approaches for plastic waste such as pyrolysis, plasma gasification, photocatalytic degradation, and production of value-added products from polymer waste can be explored. These recycling methods has huge potential for research and studies and can play a crucial in eliminating post-consumer plastic waste. This review paper aims to discuss the environmental effects of post-consumer plastic wastes as well as the emerging approaches for the treatment of these environmental wastes towards eco-sustainability and circular economy.

MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Modelling urban flooding integrated with flow and sediment transport in drainage networks

Science of The Total Environment, Volume 850, 1 December 2022, 158027

Abstract

Drainage networks play an essential role in mitigating urban flooding, which, nevertheless, are prone to suffer sediment deposits. To date, however, the effects of sediments in drainage networks on urban flooding remain poorly understood. Here an integrated model is proposed for urban flooding. It is composed of a hydrological module for surface runoff integrated with a one-dimensional hydro-sediment-morphodynamic module for coupled open-channel or pressurized flow and sediment transport in drainage networks. The governing equations are solved synchronously using a well-balanced finite volume method. The model is tested against two laboratory cases involving mixed flow and sediment transport in pipes, and the results agree well with observed data. A new residential area with virtually pervious surface and an established urban area with essentially impervious surfaces are studied using the present model to unravel how sediments in drainage networks affect urban flooding under different extreme rainfall and sediment scenarios. The results reveal that sediments alter the discharge hydrographs in the drainage networks to distinct extents under different storm return periods. As far as the present computational cases are concerned, when a third of the pipe diameter is occupied by sediment deposits, the peak pipeline flow discharge decreases by up to 25 %. Accordingly, the surface inundation depth increases by up to 18 %, and the inundation area expands by up to 12 %, characterizing a considerably higher flooding risk. The present findings provide insight into the influences of sediment transport in drainage networks on urban flooding.

2. Challenges on solar oxidation as post-treatment of municipal wastewater from UASB systems: Treatment efficiency, disinfection and toxicity

Science of The Total Environment, Volume 850, 1 December 2022, 157940

Abstract

The application of solar photo-Fenton as post-treatment of municipal secondary effluents (MSE) in developing tropical countries is the main topic of this review. Alternative technologies such as stabilization ponds and upflow anaerobic sludge blanket (UASB) are vastly applied in these countries. However, data related to the application of solar photo-Fenton to improve the quality of effluents from UASB systems are scarce. This review gathered main achievements and limitations associated to the application of solar photo-Fenton at neutral pH and at pilot scale to analyze possible challenges associated to its application as post-treatment of MSE generated by alternative treatments. To this end, the literature review considered studies published in the last decade focusing on CECs removal, toxicity reduction and disinfection via solar photo-Fenton. Physicochemical characteristics of effluents originated after UASB systems alone and followed by a biological post-treatment show significant difference when compared with effluents from conventional activated sludge (CAS) systems. Results obtained for solar photo-Fenton as post-treatment of MSE in developed countries indicate that remaining organic matter and alkalinity present in UASB effluents may pose challenges to the performance of solar advanced oxidation processes (AOPs). This drawback could result in a more toxic effluent. The use of chelating agents such as Fe3+-EDDS to perform solar photo-Fenton at neutral pH was compared to the application of intermittent additions of Fe2+ and both of these strategies were reported as effective to remove CECs from MSE. The latter strategy may be of greater interest in developing countries due to costs associated to complexing agents. In addition, more studies are needed to confirm the efficiency of solar photo-Fenton on the disinfection of effluent from UASB systems to verify reuse possibilities. Finally, future research urges to evaluate the efficiency of solar photo-Fenton at natural pH for the treatment of effluents from UASB systems.

3. The impact of heat and inflow wind variations on vertical transport around a supertall building – The One Vanderbilt field experiment

Science of The Total Environment, Volume 851, Part 2, 10 December 2022, 157834

Abstract

The impact skyscrapers have on wind flow remains poorly characterized, thus affecting atmospheric dispersion predictions in dense urban centers. A new mobile observatory equipped with remote sensors controlled by a smart sampling protocol was developed to collect high-resolution (18 m, 15 s) observations throughout the atmospheric layer below 1.5 km. A series of four deployments was performed around the One Vanderbilt skyscraper (H1 = 427 m) located in Manhattan, NY to document wind flow and temperature in canyons with relatively high width-to-depth ratios (H2/W ~ 1.2–7.5; H2 being the height of the adjacent building) and steepness (H1/H2= 2.1–11.2) and that under a range of inflow wind and solar heating conditions.

A series of flow features were common to all case studies with head-on winds. A stagnation point was observed 2/3 of the way up the impeded portion of the One Vanderbilt, pointing to the importance of the upwind building height in controlling vertical air flow. In the canyons parallel to the flow, three sets of mirroring counterrotating vortices were detected pointing to the fact that H2 is not as important a parameter in controlling flow in canyons parallel to the inflow wind.

Plumes of rapidly rising air were detected near building heat vents under both 10 m s−1 and 3 m s−1 inflow wind conditions, at night and in the morning respectively. This suggests that anthropogenic heat may be an important energy source especially in the absence of solar heating. In the presence of solar heating, a systematic tendency for upward flow was observed above H1. We associate this pattern to the presence of rising thermals, a common mechanism for planetary boundary layer growth. Below H2, complete flow reversal (relative to mechanically driven circulations) was detected ~20 % of the time, showing evidence of dominant thermal effects even under 7 m s−1 inflow wind conditions.

4. Wastewater toxicity removal: Integrated chemical and effect-based monitoring of full-scale conventional activated sludge and membrane bioreactor plants

Science of The Total Environment, Volume 851, Part 1, 10 December 2022, 158071

Abstract

The literature is currently lacking effect-based monitoring studies targeted at evaluating the performance of full-scale membrane bioreactor plants. In this research, a monitoring campaign was performed at a full-scale wastewater treatment facility with two parallel lines (traditional activated sludge and membrane bioreactor). Beside the standard parameters (COD, nitrogen, phosphorus, and metals), 6 polynuclear aromatic hydrocarbons, 29 insecticides, 2 herbicides, and 3 endocrine disrupting compounds were measured. A multi-tiered battery of bioassays complemented the investigation, targeting different toxic modes of action and employing various biological systems (uni/multicellular, prokaryotes/eukaryotes, trophic level occupation). A traffic light scoring approach was proposed to quickly visualize the impact of treatment on overall toxicity that occurred after the exposure to raw and concentrated wastewater. Analysis of the effluents of the CAS and MBR lines show very good performance of the two systems for removal of organic micropollutants and metals. The most noticeable differences between CAS and MBR occurred in the concentration of suspended solids; chemical analyses did not show major differences. On the other hand, bioassays demonstrated better performance for the MBR. Both treatment lines complied with the Italian law’s “ecotoxicity standard for effluent discharge in surface water”. Yet, residual biological activity was still detected, demonstrating the adequacy and sensitivity of the toxicological tools, which, by their inherent nature, allow the overall effects of complex mixtures to be taken into account.

5. Tyre additive chemicals, tyre road wear particles and high production polymers in surface water at 5 urban centres in Queensland, Australia

Science of The Total Environment, Volume 852, 15 December 2022, 158468

Abstract

Plastics pollution is a global issue impacting every part of our environment. Tyre road wear particle (TRWP) plastics pollution is thought to be one of the largest pollution sources in urban environments. These plastics are also of concern due to the presence of additive chemicals, incorporated during manufacture, that can be released into the surrounding environment. This study aimed to provide information on concentrations of a range of anthropogenic plastics related pollutants in the Australian environment through a scoping study of surface water in 5 key urban centres around Queensland, Australia. Samples were analysed for a suite of 15 common tyre additive chemicals, TRWPs and 6 common high production polymers, and included the new transformation product of concern 6PPD-quinone which has recent reports of causing mass mortality events in certain aquatic species. The additives were ubiquitously detected (2.9–1440 ng/L) with 6PPD-quinone concentrations lower than in previous studies (<0.05–24 ng/L) and TRWPs detected at 18 of the 21 sites

6. Material mass balance and elemental flow analysis in a submerged anaerobic membrane bioreactor for municipal wastewater treatment towards low-carbon operation and resource recovery

Science of The Total Environment, Volume 852, 15 December 2022, 158586

Abstract

The anaerobic membrane bioreactor (AnMBR) has gained huge attention as a municipal wastewater (MWW) treatment process that combined high organics removal, a low sludge yield and bioenergy recovery. In this study, a 20 L AnMBR was set up and operated steadily for 70 days in temperate conditions with an HRT of 6 h and a flux of 12 LMH for the treatment of real MWW, focusing on the behavior of the major elements (C, N, P and S) from an elemental balance perspective. The results showed that the AnMBR achieved more than 85 % COD removal, a low sludge yield (0.081 gVSS/gCODremoved) and high methane production (0.31 L-CH4/gCODremoved) close to the theoretical value. The elemental flow analysis revealed that the AnMBR converted 77 % of the influent COD to methane (57 % gaseous and 20 % dissolved) and 6 % of the COD for sludge production. In addition, the AnMBR converted 34 % of the total carbon to energy-generated carbon, and only 3 % was in the form of CO2 in the biogas for further upgradation, which was in line with the concept of carbon neutrality. Since little nitrogen or phosphorus were removed, the permeate was nutrient-rich and further treatment to recover the nutrients would be required. This study illustrates the superior performance of the AnMBR for MWW treatment with a microscopic view of elemental behavior and provides a reference for implementing the mainstream AnMBR process in carbon-neutral wastewater treatment plants.

7. Identification of fibrous suspended atmospheric microplastics in Bandung Metropolitan Area, Indonesia

Chemosphere, Volume 308, Part 2, December 2022, 136194

Abstract

Most research mainly focused on microplastics in the aquatics and terrestrial environment, whereas studies related to microplastics in the atmospheric environment are still limited. This study aims to identify microplastics in Total Suspended Particulates (TSP) in two different spatial areas. The measurement and study was to represent the commercial area (urban area) and residential area (sub-urban) in Greater Bandung City, Indonesia. Suspected microplastics were identified by visual observation using a digital microscope, then were confirmed by the hot needle test method. Microplastics fibres were found in all samples with a concentration range of 0.3–0.6 particles/m3 in the commercial area and 0.1–0.3 particles/m3 in the residential area. Black is the dominant colour of microplastics both in the commercial and residential areas, which counted up to 77.2% and 81.8% respectively. Microplastics fibres have various sizes, with the dominant size ranging from 1000 to 1400 μm in the commercial area and 600–1000 μm in the residential area. The proven occurrence of microplastics in Greater Bandung Region and in other parts of the world can be used to attract attention on further study on source, fate, impact, and possibility of a new air quality monitoring parameter.

8. Impact of solid content on hydrothermal pretreatment of municipal sludge prior to fermentation and anaerobic digestion

Chemosphere, Volume 308, Part 3, December 2022, 136363

Abstract

This study investigated the impact of the solid sludge content concentrations (SC) on hydrothermal pretreatment (HTP) before fermentation and anaerobic digestion. Five different SC of 3.5%, 7%, 10%, 12%, and 16% were investigated in two different scenarios. The first scenario entailed using only the pretreated samples as substrates, whereas in scenario two, the substrates included pretreated samples combined with the supernatant. Results revealed that the highest overall pCOD solubilization (considering HTP and fermentation) of 64% was achieved for the sample with 12% SC combined with supernatant. The maximum volatile fatty acids production of 2.8 g COD/L occurred with 10% SC without supernatant. The maximum methane yield of 291 mL CH4/g VSS added was attained at 7% SC without supernatant. Furthermore, the results indicated that increasing the SC beyond 7% in scenario 1 and 10% in scenario two led to a decrease in methane yield. Additionally, optimizing for all desired endpoints may be difficult, and there are limits on the increase in SC concerning methane production.

9. An assessment of volatile organic compounds pollutant emissions from wood materials: A review

Chemosphere, Volume 308, Part 3, December 2022, 136460

Abstract

Various construction materials and interior equipment contain volatile organic compounds (VOCs). Their higher quantities in indoor air are linked to poor health consequences and are controversial regarding health risks, given that people spend so much time indoors. As a result, VOCs in indoor air cause concern regarding sick building syndrome. From a historical perspective, wood and wood-based panels have been frequently employed. Nonetheless, wood appears to be a product and a material of the future in today’s world. The emission of VOCs from wood and wood products is essential when assessing the impact of different materials on the indoor environment. The emission rate is affected by both the wood species and the boundary circumstances (drying, storage, etc.). The issue of VOCs emitted from wood, and wood-based panels are addressed in this review paper. The most prevalent VOCs were listed. The advantages and limits of using VOCs for analytical determination from these composites are discussed.

10. Identification of fibrous suspended atmospheric microplastics in Bandung Metropolitan Area, Indonesia

Chemosphere, Volume 308, Part 2, December 2022, 136194

Abstract

Most research mainly focused on microplastics in the aquatics and terrestrial environment, whereas studies related to microplastics in the atmospheric environment are still limited. This study aims to identify microplastics in Total Suspended Particulates (TSP) in two different spatial areas. The measurement and study was to represent the commercial area (urban area) and residential area (sub-urban) in Greater Bandung City, Indonesia. Suspected microplastics were identified by visual observation using a digital microscope, then were confirmed by the hot needle test method. Microplastics fibres were found in all samples with a concentration range of 0.3–0.6 particles/m3 in the commercial area and 0.1–0.3 particles/m3 in the residential area. Black is the dominant colour of microplastics both in the commercial and residential areas, which counted up to 77.2% and 81.8% respectively. Microplastics fibres have various sizes, with the dominant size ranging from 1000 to 1400 μm in the commercial area and 600–1000 μm in the residential area. The proven occurrence of microplastics in Greater Bandung Region and in other parts of the world can be used to attract attention on further study on source, fate, impact, and possibility of a new air quality monitoring parameter.

11. A review on landfill system for municipal solid wastes: Insight into leachate, gas emissions, environmental and economic analysis

Chemosphere, Volume 309, Part 1, December 2022, 136627

Abstract

Landfill is one of the common processes for removing and disposing waste materials that comprises the final method of disposing municipal solid waste. Disposal of municipal solid waste through land filling has become an important environmental problem all over the world which results in environmental contamination and pollution. Microbes present in the land act on the dumped materials and decompose the organic content present. The leachate from landfill is rich in organic, inorganic and suspended particles which may cause threat to ecosystem. The pollutants from leachate may be heavy metals, organic and inorganic content and organic compounds. The geological properties of soil get altered when leachate migrates. The physical, chemical and biological properties of the dumped material are determined by the decomposition of substances and microbes acting onto it. Trace gas emission may occur due to volatilization of chemical substances, degradation of waste materials and conversion reactions. The concentration of gas released varies from region to region of dumping, covered and uncovered dumped materials. The current review recommends an engineered landfill design helpful for landfill gas generation which replaces the fossil fuel as a compressed natural gas or liquefied natural gas. The landfill area is separated into organic and inorganic cells to scope at the objective of energy generation and resource recovery. However, the impact of these released gaseous emissions has been analyzed completely.

12. Characterizing the source apportionment of black carbon and ultrafine particles near urban roads in Xi’an, China

Environmental Research, Volume 215, Part 1, December 2022, 114209

Abstract

Better knowledge of the sources of black carbon (BC) and ultrafine particles (UFPs) in urban roadway region will provide helpful information for improving road air pollution caused by vehicle emissions. For this purpose, we conducted daily observation of BC and UFPs at two trafficked sites (intersection and roadside), and a background site in Xi’an, China. The concentration data of BC and UFPs measured were combined with Aethalometer model and UFPs source apportion model, to determine and analyze the sources of BC in an urban road region. Further, the source and variation characteristics of primary and secondary UFPs at the roadside sites were clarified. The results showed that average BC concentrations at the intersection, roadside, and background were respectively 3577 ± 2771, 3078 ± 2343, and 1914 ± 1229 ng/m3. The BC source apportionment results revealed contribution rates of on-board fossil fuel combustion (BCff) at the intersection and near the road of ca. 78.7% and 73.6%, respectively. Moreover, the proportion of particles number concentrations directly emitted from vehicles and nucleated upon emission (47%) was lower than that of particles formed during the dilution and cooling of vehicle emissions and by in-situ new particle formation (53%) at the roadside site. At 49%, the proportion of primary particles number was slightly higher at the intersection. The impacts of new particle-formation events on the diurnal variation of secondary particles were explored. Generally, the majority of BC originated from traffic exhausts, while the secondary particles from non-traffic sources are dominant at the road intersections. By providing a better understanding of near-road pollution issues, this study’s findings can be useful for taking effective regulatory efforts to improve air quality and reduce people’s exposure to traffic-pollutants in an urban environment.

13. Indicators for climate change-driven urban health impact assessment

Journal of Environmental Management, Volume 323, 1 December 2022, 116165

Abstract

Climate change can cause multiply potential health issues in urban areas, which is the most susceptible environment in terms of the presently increasing climate volatility. Urban greening strategies make an important part of the adaptation strategies which can ameliorate the negative impacts of climate change. It was aimed to study the potential impacts of different kinds of greenings against the adverse effects of climate change, including waterborne, vector-borne diseases, heat-related mortality, and surface ozone concentration in a medium-sized Hungarian city. As greening strategies, large and pocket parks were considered, based on our novel location identifier algorithm for climate risk minimization.

A method based on publicly available data sources including satellite pictures, climate scenarios and urban macrostructure has been developed to evaluate the health-related indicator patterns in cities. The modelled future- and current patterns of the indicators have been compared. The results can help the understanding of the possible future state of the studied indicators and the development of adequate greening strategies.

Another outcome of the study is that it is not the type of health indicator but its climate sensitivity that determines the extent to which it responds to temperature rises and how effective greening strategies are in addressing the expected problem posed by the factor.

14. Assessment of the health benefits to children of a transportation climate policy in New York City

Environmental Research, Volume 215, Part 3, December 2022, 114165

Abstract

Background

Assessments of health and environmental effects of clean air and climate policies have revealed substantial health benefits due to reductions in air pollution, but have included few pediatric outcomes or assessed benefits at the neighborhood level.

Objectives

We estimated benefits across a suite of child health outcomes in 42 New York City (NYC) neighborhoods under the proposed regional Transportation and Climate Initiative. We also estimated their distribution across racial/ethnic and socioeconomic groups.

Methods

We estimated changes in ambient fine particulate matter (PM2.5) and nitrogen dioxide (NO2) concentrations associated with on-road emissions under nine different predefined cap-and-invest scenarios. Health outcomes, including selected adverse birth, respiratory, and neurodevelopmental outcomes, were estimated using a program similar to the U.S. EPA BenMAP program. We stratified the associated monetized benefits across racial/ethnic and socioeconomic groups.

Results

The benefits varied widely over the different cap-and-investment scenarios. For a 25% reduction in carbon emissions from 2022 to 2032 and a strategy prioritizing public transit investments, NYC would have an estimated 48 fewer medical visits for childhood asthma, 13,000 avoided asthma exacerbations not requiring medical visits, 640 fewer respiratory illnesses unrelated to asthma, and 9 avoided adverse birth outcomes (infant mortality, preterm birth, and term low birth weight) annually, starting in 2032. The total estimated annual avoided costs are $22 million. City-wide, Black and Hispanic children would experience 1.7 times the health benefits per capita than White and Non-Hispanic White children, respectively. Under the same scenario, neighborhoods experiencing the highest poverty rates in NYC would experience about 2.5 times the health benefits per capita than the lowest poverty neighborhoods.

Conclusion

A cap-and-invest strategy to reduce carbon emissions from the transportation sector could provide substantial health and monetized benefits to children in NYC through reductions in criteria pollutant concentrations, with greater benefits among Black and Hispanic children.

15. Investigation of a haze-to-dust and dust swing process at a coastal city in northern China part I: Chemical composition and contributions of anthropogenic and natural sources’

Science of The Total Environment, Volume 851, Part 2, 10 December 2022, 158270

Abstract

The long retention of dust air masses in polluted areas, especially in winter, may efficiently change the physicochemical properties of aerosols, causing additional health and ecological effects. A large-scale haze-to-dust weather event occurred in the North China Plain (NCP) region during the autumn-to-winter transition period in 2018, affecting the coastal city Qingdao several times between Nov. 27th and Dec. 1st. To study the evolution of the pollution process, we analyzed the chemical characteristics of PM2.5 and PM10–2.5 and source apportionments of PM2.5 and PM10, The dust stagnated around NCP and moved out and back to the site, noted as dust swing process, promoting SO42− formation in PM2.5 and NO3− formation in PM10–2.5. Source apportionments were analyzed using the Positive Matrix Factorization (PMF) receptor model and weighted potential source contribution function (WPSCF). Before the dust invasion, Qingdao was influenced by severe haze; waste incineration and coal burning were the major contributors (~80 %) to PM2.5, and the source region was in the southwest of Shandong Province. During the initial dust event, mineral dust and the mixed factor of dust and sea salt were the major contributors (46.0 % of PM2.5 and 86.5 % of PM10). During the polluted dust period, the contributions of regional transported biomass burning (22.3 %), vehicle emissions (20.8 %), and secondary aerosols (33.8 %) to PM2.5 from the Beijing–Tianjin–Hebei region significantly increased. The secondary aerosols source was more regional than that of vehicle emissions and biomass burning and contributed considerably to PM10 (30.8 %) during the dust swing process. Our findings demonstrate that environmental managers should consider the possible adverse effects of winter dust on regional and local pollution.

16. Microplastics in surface sediments of a highly urbanized wetland

Environmental Pollution, Volume 314, 1 December 2022, 120276

Abstract

This study investigates the incidence of MPs in surface sediment samples, collected from the Anzali Wetland, Gillan province, North of Iran. This natural habitat receives municipal wastewater effluents and hosts industries and recreational activities that could release plastic to the wetland. There is need for studies to understand MPs pollution in wetlands. A total of 40 superficial sediment samples were taken covering potential pollution hotspots in the wetland. The average level of MPs was 362 ± 327.6 MP/kg: the highest MPs levels were near the outlet of a highly urbanized river (Pirbazar River) (1380 MP/kg), which runs through Rasht city. This was followed by 1255 MP/kg where there was intense fishing, boating and tourism activities in the vicinity of Bandar-e Anzali city. Fibers were the most common type of MPs (80% of the total MPs detected). The MPs polluting the wetland were predominantly white/transparent (42%), and about 40% of them were >1000 μm. Polypropylene (PP) and polyethylene (PE) prevailed in MPs found. MPs were characterized with polarized light microscopy, Raman spectroscopy, Scanning Electron Microscopy coupled with Energy-Dispersive X-ray spectroscopy. Microplastics levels were found to correlate significantly (p > 0.7) with electrical conductivity (EC) and sand-size fraction of the sediments. Coarse-grained sediments presented large capacity to lodge the MPs. This study can be used to establish protection policies in wetlands and newly highlights the opportunity of intercepting MPs in the Anzali Wetland, which are generally >250 μm, before they fragment further.

17. Microplastic reorganization in urban river before and after rainfall

Environmental Pollution, Volume 314, 1 December 2022, 120326

Abstract

Microplastics (MPs) present in non-negligible amounts in urban environments, where urban rivers serve as important transport channels for MPs. However, the footprint of MPs in urban rivers under the influence of natural and anthropogenic factors is poorly understood. This study investigated the MPs organization, stability and pollution risk before and after rainfall in the Qing River, Beijing. Rainfall potentially diluted the MPs abundance, attributed to opening of barrages and increase of flow velocity. The proportion of small-sized MPs (SMPs, 48–300 μm) decreased slightly, whereas that of normal-sized MPs (NMPs, 300–1000 μm) and large-sized MPs (LMPs, > 1000 μm) increased. However, SMPs dominantly presented in the Qing River before and after rainfall. Polyethylene terephthalate (PET), polypropylene (PP), polyethylene (PE), and polystyrene (PS) were main polymers observed in the Qing River. The proportions of PET and PS decreased, while PP and PE increased after rainfall. The main types of MPs introduced by stormwater were PP and PE. The elevated MP diversity integrated index after rain suggested that rainfall enriched the local sources of MPs. Rainfall reduced the stability and fragmentation of MPs owing to the introduction of large debris. NMPs and LMPs were susceptible to further fragmentation and downsizing, implying that MPs abundance in the Qing River tended to rise and SMPs might enriched. In addition, alteration of MPs fragmentation and stability reflected that the likely input source was wastewater treatment plant and atmospheric deposition before rainfall, whereas soil and road dust were possible sources after rainfall. The pollution risk assessment defined the MPs pollution risk of Qing River as low level and decreased after rainfall. This study demonstrated that rainfall substantially influences MPs organization in urban river and provided empirical support for MPs environmental behavior under influence of natural and anthropogenic factors.

MÔI TRƯỜNG KHU CÔNG NGHIỆP

1. Source apportionment of ambient PM10 collected at three sites in an urban-industrial area with multi-time resolution factor analyses

Science of The Total Environment, Volume 850, 1 December 2022, 157981

Abstract

Chemical speciation data for PM10, collected for annual trend analyses of health-relevant species, at three receptor sites in a highly industrialized area (IJmond) in the Netherlands were used in a multi-time resolution receptor model (ME-2) to identify the PM10 sources in this area. Despite the available data not being optimized for receptor modelling, five-factor solutions were obtained for all sites based on independent PMF analysis on PM10 data from the three sites (IJM, WAZ and BEV). Four factors were common to all three sites: nitrate-sulphate (average percentage contributions to PM10: IJM: 35.3 %, WAZ: 37.7 %, and BEV: 36.3 %); sea salt (20.2 %, 23.7 %, 15.2 %); industrial (8.1 %, 11.0 %, 18.1 %) and brake wear/traffic (31.4 %, 21.2 %, 20.6 %). At WAZ, a local/site-specific factor containing most of the PAH measurements was found (6.4 %) while a crustal matter factor was resolved at IJM (7.6 %) and BEV (9.8 %). Additionally, sludge-drying was a potential source of the marker species in the industrial factor at WAZ. Bootstrapping (BS) and factor displacement (DISP) were applied to the factor profiles in this work for error estimation. In general, the factor profiles at all three sites had very small intervals from both BS and DISP methods. To our knowledge, this is the first time DISP was applied in a complex model such as the multi-time resolution model. Most of the measured metal and PAH concentrations found in the IJmond area during the 2017–2019 period had local sources, with significant contributions from several processes related to the steel industry. This study shows that available detailed PM10 chemical speciation data, although primarily collected for annual trend analyses of health-relevant species, could also be used in receptor modelling by applying a multi-time framework. We propose general recommendations for the optimization of the measurement strategy for source apportionment of PM in areas with similar urban-industrial land use.

2. Occurrence of emerging organic contaminants and endocrine disruptors in different water compartments in Mexico – A review

Chemosphere, Volume 308, Part 1, December 2022, 136285

Abstract

This review compiles the studies (2007–2021) regarding the occurrence of emerging organic contaminants (EOCs) and endocrine disruptors (EDs) in wastewater, surface water and groundwater in Mexico. A total of 174 compounds were detected, including pharmaceuticals, hormones, plasticizers, personal care products, sweeteners, drugs, and pesticides considered as EDs. The levels of EOCs and EDs varied from ng/L to 140 mg/L, depending on the compound, location, and compartment. Raw wastewater was the most studied matrix, showing a greater abundance and number of detected compounds. Nevertheless, surface waters showed high concentrations of bisphenol-A, butylbenzil-phthalate, triclosan, pentachlorophenol, and the hormones estrone, 17 α-ethinylestradiol, and 17 β-estradiol, which exceeded the thresholds set by international guidelines. Concentrations of 17 α-ethinylestradiol and triclosan exceeding the above-mentioned limits were reported in groundwater. Cropland irrigation with raw wastewater was the principal activity introducing EOCs and EDs into groundwater. The groundwater abundance of EOCs was considerably lesser than that of wastewater, highlighting the attenuation capacity of soils/aquifers during wastewater infiltration. However, carbamazepine and N,N-diethyl-meta-toluamide showed higher concentrations in groundwater than those in wastewater, suggesting their accumulation/concentration in soils/pore-waters. Although the contamination of water resources represents one of the most environmental concerns in Mexico, this review brings to light the lack of studies on the occurrence of EOCs in Mexican waters, which is important for public health policies and for developing legislations that incorporates EOCs as priority contaminants in national water quality guidelines. Consequently, the development of legislations will support regulatory compliance for wastewater and drinking water, reducing the human exposure.

3. Legacy of contamination with metal(loid)s and their potential mobilization in soils at a carbonate-hosted lead-zinc mine area

Chemosphere, Volume 308, Part 3, December 2022, 136589

Abstract

Chemical weathering of carbonate-hosted Pb–Zn mines via acid-promoted or oxidative dissolution generates metal-bearing colloids at neutral mine drainage sites. However, the mobility and bioavailability of the colloids associated with metals in nearby soils are unknown. Here, we monitored the mobility of metal(loid)s in soils affected by aeolian deposition and river transport in the vicinity of a carbonate-hosted Pb–Zn mine. Using chemical extraction, ultrafiltration, and microscopic and spectroscopic analysis of metals we find that contamination levels of the soil metals cadmium (Cd), lead (Pb) and zinc (Zn) were negatively correlated with metal extractability. However, nano-scale characterization indicates that colloid-metal(loid) interactions induced potential mobilization and increased risk from metal(loid)s. Dynamic light scattering (DLS) and HRTEM-EDX-SAED analysis further indicate that organic matter (OM)-rich nano-colloids associated with calcium (Ca), silicon (Si) and iron (Fe) precipitates accounted for the majority of the dissolved metal fractions in carbonate-hosted Pb–Zn mine soils. More stable nano-crystals (ZnS, ZnCO3, Zn-bearing sulfates, hematite and Al–Si–Fe compounds) were present in the pore water of aeolian-impacted upland soils rather than in river water-impacted soils. Our results suggest that future work should consider the possibility that potential mobilization of metal(loid)s induced by the weathering and transformation of these metal-bearing nano-crystals to metal-bearing amorphous colloids, potentially elevating metal mobility and/or bioavailability in river water-impacted agricultural soils.

4. Microplastics in sewage sludge: Distribution, toxicity, identification methods, and engineered technologies

Chemosphere, Volume 308, Part 3, December 2022, 136455

Abstract

Microplastic pollution is becoming a global challenge due to its long-term accumulation in the environment, causing adverse effects on human health and the ecosystem. Sludge discharged from wastewater treatment plants (WWTPs) plays a critical role as a carrier and primary source of environmental microplastic contamination. A significantly average microplastic variation between 1000 and 301,400 particles kg has been reported in the sludge samples. In recent years, advanced technologies have been successfully applied to address this issue, including adsorption, advanced oxidation processes (AOPs), and membrane bioreactors (MBRs). Adsorption technologies are essential to utilizing novel adsorbents (e.g., biochar, graphene, zeolites) for effectively removing MPs. Especially, the removal efficiency of polymer microspheres from an aqueous solution by Mg/Zn modified magnetic biochars (Mg/Zn-MBC) was obtained at more than 95%. Also, advanced oxidation processes (AOPs) are widely applied to degrade microplastic contaminants, in which photocatalytic by semiconductors (e.g., TiO and ZnO) is a highly suitable approach to promote the degradation reactions owing to strongly hydroxyl radicals (OH*). Biological degradation-aided microorganisms (e.g., bacterial and fungal strains) have been reported to be suitable for removing microplastics. Yet, it was affected by biotic and abiotic factors of the environmental conditions (e.g., pH, light, temperature, moisture, bio-surfactants, microorganisms, enzymes) as well as their polymer characteristics, i.e., molecular weight, functional groups, and crystallinity. Notably, membrane bioreactors (MBRs) showed the highest efficiency in removing up to 99% microplastic particles and minimizing their contamination in sewage sludge. Further, MBRs illustrate the suitability for treating high-strength compounds, e.g., polymer debris and microplastic fibers from complex industrial wastewater. Finally, this study provided a comprehensive understanding of potential adverse risks, transportation pathways, and removal mechanisms of microplastic, which full-filled the knowledge gaps in this field.

5. Synergistic solidification of lead-contaminated soil by magnesium oxide and microorganisms

Chemosphere, Volume 308, Part 2, December 2022, 136422

Abstract

Although microbially induced carbonate precipitation (MICP) technology effectively promotes the remediation of heavy metal contaminated soils in low concentrations, the high concentration of heavy metals has a toxic effect on microorganisms, which leads to the decline of carbonate yield and makes the soil strength and environmental safety after remediation no up to the standard. This study describes the synergistic curing effect of MgO and microorganisms on soil contaminated with high concentrations of heavy metals. The experimental results with MgO showed 2–6 times increase in unconfined compressive strength (UCS) compared to bio-cemented samples without MgO. Toxicity characteristic leaching procedure experiments indicated that Pb-contaminated soil at 10,000 mg/kg with quantitative MgO for synergistic solidification could meet the international solid waste disposal standards, which leachable Pb2+ are less than 5 mg/L. In addition, the microscopic results showed that the introduction of MgO promoted the formation of magnesium calcite and dolomite, improved the solidification efficiency of heavy metal contaminants, and demonstrated the presence of Pb2+ in carbonate minerals. This study suggests that MgO and microorganisms have broad application prospects for synergistic solidification of Pb2+ soil.

6. Techniques for remediation of pharmaceutical pollutants using metal organic framework – Review on toxicology, applications, and mechanism

Chemosphere, Volume 308, Part 2, December 2022, 136417

Abstract

Treatment of recalcitrant and xenobiotic pharmaceutical compounds in polluted waters have gained significant attention of the environmental scientists. Antibiotics are diffused into the environment widely owing to their high usages, very particularly in the last two years due to over consumption during covid 19 pandemic worldwide. Quinolones are very effective antibiotics, but do not get completely metabolized due to which they pose severe health hazards if discharged without proper treatment. The commonly reported treatment methods for quinolones are adsorption and advanced oxidation methods. In both the treatment methods, metal organic frameworks (MOF) have been proved to be promising materials used as stand-alone or combined technique. Many composite MOF materials synthesized from renewable, natural, and harmless materials by eco-friendly techniques have been reported to be effective in the treatment of quinolones. In the present article, special focus is given on the abatement of norfloxacin and ofloxacin contaminated wastewater using MOFs by adsorption, oxidation/ozonation, photocatalytic degradation, electro-fenton methods, etc. However, integration of adsorption with any advanced oxidation methods was found to be best remediation technique. Of various MOFs reported by several researchers, the MIL-101(Cr)–SO3H composite was able to give 99% removal of norfloxacin by adsorption. The MIL – 88A(Fe) composite and Fe LDH carbon felt cathode were reported to yield 100% degradation of ofloxacin by photo-Fenton and electro-fenton methods respectively. The synthesis methods and mechanism of action of MOFs towards the treatment of norfloxacin and ofloxacin as reported by several investigation reports are also presented.

7. Recent advances in biopolymer-based advanced oxidation processes for dye removal applications: A review

Environmental Research, Volume 215, Part 1, December 2022, 114242

Abstract

Over the past few years, synthetic dye-contaminated wastewater has attracted considerable global attention due to the low biodegradability and the ability of organic dyes to persist and remain toxic, causing numerous health and environmental concerns. As a result of the recalcitrant nature of those complex organic dyes, the remediation of wastewater using conventional wastewater treatment techniques is becoming increasingly challenging. In recent years, advanced oxidation processes (AOPs) have emerged as a potential alternative to treat organic dyestuffs discharged from industries. The most widely employed AOPs include photocatalysis, ozonation, Fenton oxidation, electrochemical oxidation, catalytic heterogeneous oxidation, and ultrasound irradiation. These processes involve the generation of highly reactive radicals to oxidize organic dyes into innocuous minerals. However, many conventional AOPs suffer from several setbacks, including the high cost, high consumption of reagents and substrates, self-agglomeration of catalysts, limited reusability, and the requirement of light, ultrasound, or electricity. Therefore, there has been significant interest in improving the performance of conventional AOPs using biopolymers and heterogeneous catalysts such as metal oxide nanoparticles (MONPs). Biopolymers have been widely considered in developing green, sustainable, eco-friendly, and low-cost AOP-based dye removal technologies. They inherit intriguing properties like biodegradability, renewability, nontoxicity, relative abundance, and sorption. In addition, the immobilization of catalysts on biopolymer supports has been proven to possess excellent catalytic activity and turnover numbers. The current review provides comprehensive coverage of different AOPs and how efficiently biopolymers, including cellulose, chitin, chitosan, alginate, gelatin, guar gum, keratin, silk fibroin, zein, albumin, lignin, and starch, have been integrated with heterogeneous AOPs in dye removal applications. This review also discusses the general degradation mechanisms of AOPs, applications of biopolymers in AOPs and the roles of biopolymers in AOPs-based dye removal processes. Furthermore, key challenges and future perspectives of biopolymer-based AOPs have also been highlighted.

8. Exploring the emission reduction potential of industries: A source-processing-end coordinated model and its application

Journal of Cleaner Production, Volume 380, Part 1, 20 December 2022, 134885

Abstract

Many requirements have been proposed for pollution control in a legal, scientific and targeted way. At the critical stage of pollution prevention and control, refined management of industrial pollution is a way of achieving targeted pollution control. Focusing regional pollution reduction targets on industrial production processes with reduction emission potential is an effective way to achieve targeted control. We established a source-processing-end (S–P-E) coordinated model—SPECM—by collaboratively considering the whole-process of raw material-processing-end-of-pipe (EOP) chains and applied the model to the setting of medium- and long-term pollution control targets and selection of reduction options for various industries in Lanzhou, China. The results indicated that (1) chemical manufacturing-related industries are the key potential volatile organic compound (VOC) emission reduction industries in Lanzhou, accounting for approximately 89% of the total emission reduction potential; (2) metal furniture manufacturing and paper-making industries should strengthen processing optimization while also giving attention to material substitution; and (3) printing-related industries need collaborative control of their whole-process, especially material substitution enhancement. The SPECM method focuses on the reduction in industrial processes and proposes reduction options under different reduction targets. This new collaborative control method could facilitate the design of coordinated control schemes across industries under industrial emission reduction targets. Overall, our results could provide new ideas and guidance for the refined management of regional industrial pollution.

9. Role of membrane technology in food industry effluent treatment

Materials Today: Proceedings, Available online 7 December 2022

Abstract

Water is crucial for all industrial as well as domestic use. With the increase in population and development of industry, the demand for potable drinking is surging rapidly.x Wastewater discharge is a major issue for industries as regulatory bodies mandate adequate treatment before releasing it to the aquatic bodies. The food industry is one of the most water-intensive industries. The demand for food increases with the increase in population which leads to more production of readymade food products. This will lead to more water demand and usage for production, which ultimately generates more and more wastewater. Food industry effluent characteristic depends on the type of processing operations. Conventional wastewater treatment plants can treat this type of effluents to some extent. Treatment of this wastewater for utilization in manufacturing applications requires enrichment and development for agricultural and domestic use. Membrane technology is gaining popularity for wastewater remediation methodolgies because of its benefits over traditional methods. Membrane technology is used to extract out valued compounds from the waste stream in many food industries. Membrane technology can also be used as a pre- or post-treatment to enhance the performance of the conventional processes. Many integrated membrane techniques are recently developed and used by various food industries to treat their effluent.

10. A sustainable competitive supply chain network design for a green product under uncertainty: A case study of Iranian leather industry

Socio-Economic Planning Sciences, Volume 84, December 2022, 101414

Abstract

The leather industry typically generates a large amount of wastewater. Leather production requires large quantities of freshwater and various chemicals are added to the water at every stage of production. The absence of proper regulatory bodies and specialized treatment plants to recycle the wastewater add to the environmental hazards caused by the industry. Due to the problems cited above and the significant cost of safe wastewater disposal, numerous manufacturers illegally discharge their chemically polluted wastewater, causing immeasurable damage to the environment and public health. Governments’ failure to adopt suitable taxation and subsidy policies further aggravates the crisis and discourages manufacturers from transitioning toward sustainable production practices. As a result, the majority of manufacturers are on the brink of bankruptcy. In this study, we propose a model for a leather industry supply chain that incorporates the three pillars of sustainability which include economic viability, environmental protection, and social equity. The proposed model features flexible governmental policies and enacts a Stackelberg competition between the producers and retailers under both certain and uncertain conditions in the context of the Iranian leather industry to ensure maximum customer satisfaction. To verify the applicability of the model, it was applied to a real-world case study under uncertainty. In the end, the validity of the model was confirmed when the results were approved by a panel of industry experts.

11. The making of an oil frontier: Territorialisation dynamics in Uganda’s emerging oil industry

The Extractive Industries and Society, Volume 12, December 2022, 101188

Abstract

Extractive industries are operating in an increasingly complex global context with concerns about human rights, environmental protection, and transparency high on the agenda. To establish a new oil project, oil companies must navigate a landscape of competing territorialisation processes, where the state and extractive companies put in place measures to recognise community rights, conduct ESIAs and provide local benefits. Indigenous groups, social movements and NGOs may challenge these efforts by demanding greater rights protection and benefits, or by resisting extractive industry projects. Drawing on the post frontier concept, this article explores territorialising and counter territorialising dynamics in Uganda during the pre-oil stages of the industry. We find that the drivers and agents of competing territorialisation processes change over time as the industry develops. This is due to the changing role and priorities of oil multinational companies (MNCs) over time, constraints on Ugandan civil society, and tension between the interests of the state to push through oil infrastructure projects and the pressure on oil MNCs to uphold international standards of human rights. We find that the Ugandan post frontier is emerging through a negotiated process, however, not one that is locally responsive and based on consensus but driven more by the changing priorities of oil MNCs and the need to mitigate risk.

12. Paradigm shift towards the sustainability in upstream oil industry for enhanced recovery – A state-of-art review

Journal of Cleaner Production, Available online 30 December 2022, 135784

Abstract

Sustainability refers to achieving our goals without compromising the capacity of coming generations to accomplish their aims. Sustainability is a multifaceted approach considering ecological, social, and economic factors. Adopting sustainable practices, whether large or small, can have a significant long-term impact. Therefore, a detailed study of sustainability in the upstream Oil and Gas (O & G) industry is presented. In this review, a contemporary explanation of the enhanced oil recovery methods and their evolution over the years in terms of chemicals and mechanisms has been discussed. The application of nano-sized particles for better recovery has been introduced in hydrocarbon recovery. The nanoparticles, the involvement of polymeric surfactants, Pickering emulsions, and ionic liquids show effectiveness in oil recovery. This review encounters the applicability of various chemical enhanced recovery methods. Moreover, the synergistic impacts of the above-mentioned chemicals with standard methods, their efficiency, and their evolution in the petroleum industry have also been investigated thoroughly. The era of enhanced recovery begins with the involvement of surfactants, followed by alkali, polymers, combinations of both, and microemulsions. Then, nanotechnology came into the picture followed by Pickering emulsions. The journey is still continuing in search of sustainable recovery methods for a better tomorrow. Recently, ionic liquids have also been involved in oil recovery methods. Current research works show the potentiality of ionic liquids in the hydrocarbon industry as a green solvent. Overall, this review gives a clear-cut insight regarding the chemicals involved in recovery as well as the paradigm shift happening in the hydrocarbon industry for sustainability. CO2 injection with geological storage has also been discussed and this method could help to achieve a target of net-zero emission. A substantial discussion regarding the applications of chemical enhanced oil recovery and CO2 injection procedures for sustainable production of energy is presented to show the paradigm shift in enhanced oil recovery methods. This paper reviews the previous works done by the researchers on various enhanced oil recovery (EOR) methods and tries to meticulously add the new developments that caused the switch from conventional materials to bio-based materials as well as the carbon capture, utilization, and storage (CCUS) strategies. The major objective of this study is to provide insight into various advancements in the upstream O & G Industry for EOR and also helps in understanding the significance of bio-based additives, microbial enhanced oil recovery (MEOR), and the CCUS for achieving more environmentally friendly and cost-effective operations. The state-of-art review will provide a complete and detailed comprehensive analysis of EOR methods as well as the shift toward sustainability. This paper is beneficial as it delivers insights into the mechanism of various new synthetics in the EOR application. Also, it offers commendations and guiding principles for future advances in sustainable methods.

13. Assessing the chlorine metabolism and its resource efficiency in chlor-alkali industrial symbiosis – A case of Shanghai Chemical Industry Park

Journal of Cleaner Production, Volume 380, Part 2, 20 December 2022, 134934

Abstract

As an important part of China’s chemical industry, chlor-alkali enterprises were featured by heavy consumption of natural resource and large amount of pollutants. Circular economy in chlor-alkali industry should be developed in China to achieve a balance between economic growth and resource consumption. This study took three chlor-alkali enterprises in Shanghai Chemical Industry Park as a case, and three scenarios were established for chlorine metabolism: Scenario 1 (Chlorine flows independently), Scenario 2 (Chlorine flows from Enterprise A to Enterprise B and C), Scenario 3 (Closed loop of Chlorine Gas). An integrated methodology based upon Substance Flow Analysis (SFA), Life Cycle Assessment (LCA), Life Cycle Cost (LCC), and Data Envelopment Analysis (DEA) was set up and used to evaluate the Chlor-Alkali Industrial Symbiosis. The results showed that the resource efficiency, production and conversion rate of chlorine was significantly improved with the establishment and optimization of symbiosis scenarios, which also showed very positive environmental and economic benefits according to LCA-LCC analysis. DEA was performed to analyze the Chlorine’s resource efficiency in its metabolism, and the results showed that the efficiency of Scenario 1, Scenario 2 and Scenario 3 were 0.8548, 0.9490 and 1, respectively. Especially, in Scenario 3, a new chemical technology, catalytic oxidation of hydrogen chloride, can convert the by-product hydrogen chloride into chlorine, which can be reused and finally made a closed-loop in this industrial symbiosis. The results of this study can provide a new way to optimize the resource recycle, pollutants discharge and carbon emissions of chlor-alkali industry.

14. Key challenges for the development of the hydrogen industry in the Russian Federation

Sustainable Energy Technologies and Assessments, Volume 54, December 2022, 102867

Abstract

The Russian Federation is one of the five largest emitters of carbon dioxide. The carbon intensity of the Russian economy is one of the highest in the world. The development of the hydrogen industry in Russia is of crucial importance because it will allow reducing the carbon footprint of the economy, reducing the impact on the environment and reaching a new level of the fuel production basis and energy complex of the country. The paper presents the development prospects of hydrogen technologies in the Russian Federation, identifies the features of resource constraints in the H2 production and aspects of H2 transportation. Several hydrogen technologies of highest priority are identified, and technological barriers that must be overcome for their wide dissemination are described. Advanced solutions developed by Russian scientific, educational and industrial organizations for hydrogen energy infrastructure are presented. Special attention is paid to the standardization aspects of hydrogen technologies and the educational issues for the hydrogen industry development in the Russian Federation. The actions/targets set by Russian Federation are highlighted in the framework of Sustainable Development Goals system introduced by United Nations.

15. Combination method of multiple molding technologies for reducing energy and carbon emission in the foundry industry

Sustainable Materials and Technologies, Volume 34, December 2022, e00522

Abstract

More advanced technologies are a critical way to achieve energy reduction and energy efficiency in the manufacturing industry. However, the foundry industry has not been sufficiently researched to use multiple molding technologies to reduce energy and carbon emissions. This study proposes a method for reducing energy consumption, carbon emissions, and improving resource efficiency in the foundry industry by combining multiple molding technologies into the modular design. More specifically, the proposed method analyses the indicators of resource utilization, energy consumption and effective energy degree per unit casting, carbon emissions and effective carbon emissions degree per unit casting (resource utilization, energy consumption and effective energy degree per unit casting, carbon emissions and effective carbon emissions degree per unit casting as indices of the ecological impact of the process solution). The experimental results show that the proposed composite mold modules have self-adaptability in forming. Using composite technologies, energy savings of about 8.92% and 6.99% per unit casting may be achieved in single small batch and batch casting manufacturing. Although the energy efficiency of casting is close to that of Additive Manufacturing, the time consumption per unit is much lower, which has significant application value. The results also show that the composite technologies save 6.99% energy in mass production, reduce 11.06% carbon emissions and 5.571 h in manufacturing per unit casting compared to traditional casting methods. Due to the long manufacturing time, the benefits of a single technology (sand 3D printing and sand mold milling) rapidly diminish in mass production. Therefore, composite technologies are a feasible solution to achieve sustainable development of the foundry industry.

Nếu quý bạn đọc có nhu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ thông tin để có thể xem toàn văn bài báo khoa học mà quý vị cần. Vui lòng liên hệ:

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Cà Mau: Dân gặp khó bởi dự án chồng dự án!

(Phapluatmoitruong.vn) – Một dự án với quy mô hơn 287 ha vừa bị thu hồi do quá 3 năm không thực hiện, tiếp tục có một dự án khác nhỏ hơn chồng lên. Bất thường là cả hai đều được giao cho cùng một DN.

Dự án chồng dự án

Vừa qua, Môi trường và Đô thị điện tử nhận được phản ánh của nhiều hộ dân khu bờ Nam Sông Đốc (khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) về những khó khăn gặp phải liên quan dự án Khu dân cư bờ Nam Sông Đốc từ năm 2017 đến nay. Suốt thời gian qua, người dân không thấy có bất kỳ động thái nào về việc kiểm đếm, đo đạc để thực hiện dự án.

Ông Huỳnh Hải Đăng (khóm 4, thị trấn Sông Đốc) cho biết: “Khi triển khai dự án, người dân rất đồng tình ủng hộ, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, chưa thấy làm gì, dẫn đến chúng tôi không thể xây dựng được nhà để ở. Đất đai cũng gặp khó trong việc giao dịch với ngân hàng để vay vốn làm ăn”.

Được biết, năm 2021, sau 3 năm không triển khai, HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND về việc hủy bỏ dự án trên. Tuy nhiên, người dân chưa kịp vui mừng thì ngày 09/3/2021, UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định số 445/QĐ-UBND chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị Cửu Long với quy mô 88,3 ha. Điều đáng nói ở đây là cả hai dự án trên đều giao cho một doanh nghiệp. Ông Phan Văn Út, một hộ dân có đất thuộc dự án, bức xúc: “Mong muốn chính quyền giải quyết sớm cho chúng tôi, chứ 5 năm qua có giao dịch gì được đâu, nuôi trồng thủy sản cũng không được. Không hiểu sao suốt 3 năm không thực hiện được dự án cũ, vậy mà dự án sau vẫn tiếp tục giao cho doanh nghiệp đó?!”.

 

Nhiều hộ dân khu bờ Nam Sông Đốc gặp khó khi dự án không triển khai từ năm 2017 đến nay.

Nóng việc xây dựng trái phép

Vì gặp khó cho việc xây dựng nhà ở nên nhiều hộ đành làm “chui”, bất chấp vi phạm. Theo ghi nhận thực tế của PV, khu vực dự án mới là Khu đô thị Cửu Long đã có rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép với nhiều quy mô từ tạm bợ đến kiên cố. Nhiều hộ dân cho biết: “Chính quyền làm dữ lắm nên chúng tôi không dám cất nhà. Do không có nhà ở nên chúng tôi mới cuốn nền để làm nhà tạm để ở, nhưng mới xong phần móng thì chính quyền thị trấn Sông Đốc đến lập biên bản và không cho xây dựng. Cái nhà bé xíu này thì cấm, còn những căn nhà to đùng kia lại xây dựng được, chúng tôi thật sự không hiểu!”.

Về tình trạng xây dựng trái phép tại đây, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho rằng: “Do dự án kéo dài không triển khai được nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn, cả thị trấn chỉ có hai cán bộ chuyên trách mảng này không thể nào thường xuyên kiểm tra được. Nhiều lúc người dân họ hỗ trợ nhau xây dựng ban đêm, chúng tôi đã lập biên bản nhiều hộ vi phạm nhưng vẫn không ngăn được tình trạng xây dựng trái phép!”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là có thật, vì ngay sau phát biểu của lãnh đạo thị trấn, PV có đi thực tế hiện trường vẫn thấy một vài công trình đang xây dựng.

Do có đường lộ lớn, giá đất tăng vụt khiến câu chuyện giao dịch đất và xây dựng trái phép diễn ra thường xuyên.

UBND huyện nói gì?

Trả lời những bức xúc của người dân bờ Nam Sông Đốc vì gặp khó nhiều năm qua, ông Hồ Song Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Căn cứ theo điều 49 luật Đất đai năm 2013, sau khi triển khai dự án theo kế hoạch sử dụng đất thì người sử dụng đất trong phạm vi dự án không được xây dựng nhà mới ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

Còn những vấn đề khúc mắc về dự án cũng như thông tin liên quan, ông Toàn cho rằng PV cần liên hệ với nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Quang Tiền và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau vì đơn vị này đã được UBND tỉnh làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, còn Sở Xây dựng có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định.

Đối với vai trò tại địa phương, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cũng mong mỏi nhà đầu tư và Trung tâm phát triển quỹ đất sớm thực hiện Dự án Khu đô thị Cửu Long để tránh tình trạng khó khăn trong việc quản lý xây dựng trái phép tại khu bờ Nam Sông Đốc.

Ông Trần Quốc Lâm  – Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết địa phương đang gặp khó bởi việc xây dựng trái phép.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Huy Diệu – Bình An

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Một căn nhà đang xây dựng trái phép tại khu vực dự án Khu đô thị Cửu Long.

 

Bộ GTVT: Xả trạm thu phí khi ùn tắc kéo dài dịp Tết Nguyên đán

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngành GTVT kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài dịp Tết Nguyên đán.

Bộ GTVT đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị ngành GTVT về bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023.

Công điện yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/2022 và Công điện số 1174/2022; Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023 của Bộ GTVT.

Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, báo hiệu đường bộ, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; Khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra.

Khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho nhân dân đi lại 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán;

Kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào TP Hà Nội và Tp.HCM, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức Lễ hội Xuân.

PV/TCDN

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Xem bài viết gốc tại đây:

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-gtvt-xa-tram-thu-phi-khi-un-tac-keo-dai-dip-tet-nguyen-dan-d35865.html

18 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm công trình thủy lợi Bắc Đuống

Tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về việc 18 doanh nghiệp trên địa bàn ngang nhiên xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh – Sở NN-PTNT) và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống cho biết, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thực hiện gia hạn giấy phép; 1 doanh nghiệp chưa được cấp phép nhưng ngang nhiên xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi, không báo cáo quan trắc chất lượng nước xả thải định kỳ theo quy định gây ô nhiễm môi trường.

Sở NN&PTNT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống tổ chức chỉ đạo xử lý và yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên dừng ngay các hoạt động xả nước thải ra hệ thống công trình thủy lợi. Các trường hợp cố tình vi phạm đề nghị kiện toàn hồ sơ, xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời phối hợp, kiện toàn hồ sơ đề nghị xử lý các trường hợp cố tình xả thải ra công trình khi chưa được cấp phép và quan trắc định kỳ.

Ô nhiễm hệ thống thủy lợi của 5 huyện thị

Quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Đuống được xây dựng mới vào năm 2017 có vai trò cấp nước tưới cho 55.000ha và tiêu 53.000ha diện tích nông nghiệp các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh.

Báo cáo “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Đuống phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, ô nhiễm trên hệ thống công trình thủy lợi Bắc Đuống xảy ra ngày càng nghiêm trọng, do phải tiếp nhận nguồn xả thải từ các cụm công nghiệp làng nghề, khu dân cư trong địa bàn.

Kết quả điều tra thống kê được 185 điểm xả thải có lưu lượng ≥5m3/ngày đêm (nước thải thuộc diện cấp phép xả thải) với tổng lưu lượng nước thải 231.724,8 m3/ngày đêm. Trong 81 cơ sở đã được cấp phép xả thải có 62 giấy phép còn thời hạn sử dụng và 19 giấy phép đã hết hạn sử dụng.

Ô nhiễm môi trường trên sông Ngũ Huyện Khê

Ô nhiễm môi trường trên sông Ngũ Huyện Khê

Khối lượng nước thải được cấp phép theo giấy phép còn thời hạn sử dụng là 144.726 m3/ngày đêm chiếm tỷ lệ 62,46% so với tổng lưu lượng nước thải thuộc diện cấp phép xả thải. Trong đó, nước thải công nghiệp xả vào hệ thống là nhiều nhất, khoảng 170.431,0 m3/ngày đêm, chiếm 73,55%.

Với tốc độ phát triển công nghiệp, khu đô thị, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề tỷ lệ thuận với lưu lượng nước thải đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Đuống. Nước thải của quá trình sản xuất tại làng nghề không được thu gom xử lý mà độ trực tiếp ra hệ thống kênh mương thủy lợi.

Đặc biệt, nước thải của cụm làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm, làng nghề sắt thép, đúc đồng Đa Hội với mức độ ô nhiễm rất lớn, lượng bột giấy trong nước thải quá lớn làm bồi lắng hệ thống kênh mương đặc biệt là hệ thống sông Ngũ Huyện Khê, khiến nhiều thời điểm trong mùa khô không thể lấy nước vào kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mới đây, Quy hoạch Tài nguyên nước giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT xây dựng đề án cải tạo, làm sống lại các hệ thống sông chết do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có sông Ngũ Huyện Khê chảy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

18 doanh nghiệp xả thải ra công trình thủy lợi đã hết hạn cấp phép:

Tại TP Từ Sơn: Công ty Cổ phần và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (điểm xả – Kênh tiêu 6) hết hạn giấy phép.

Tại huyện Tiên Du: Công ty Cổ phần tập đoàn C.E.O (điểm xả – Kênh tiêu Trịnh Xá) hết hạn giấy phép.

Tại huyện Quế Võ: Công ty cổ phần VIEPAC và Công ty cổ phần tập đoàn DABACO (điểm xả – đều tại Kênh tiêu Kim Đôi 7) hết hạn giấy phép.

Tại huyện Yên Phong: Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera – Chi nhánh Tổng công ty Viglacera (điểm xả – Kênh tiêu chính trạm bơm Vạn An – Đặng Xá) hết hạn giấy phép.

Tại huyện Thuận Thành: Công ty CP KCN Khai Sơn; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật KVC (điểm xả – Kênh tiêu Sông Đông Côi – Đại Quảng Bình) và Công ty TNHH&Thương mại quốc tế Việt Sinh (điểm xả – Kênh G2) hết hạn giấy phép.

Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (điểm xả – Kênh G16); Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun – Par (điểm xả – Cống tiêu Ngọ Xá); Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (điểm xả ra Kênh tiêu L6) và Công ty Thực phẩm Farina (điểm xả – Tại K1+500, bờ tả kênh tiêu S5) đều hết hạn giấy phép.

Tại huyện Gia Bình: Công ty CP TM và VLXD Phú Bình (xã Quỳnh Phú); Bệnh viện Đa Khoa Gia Bình (điểm xả – Kênh tiêu N9); Công ty cổ phần xốp 76; Công ty CP Đông Bình (Thị trấn Gia Bình) (điểm xả – Hệ thống thoát nước Thị trấn ra kênh tiêu N9) đều hết hạn giấy phép.

Tại huyện Lương Tài: Công ty TNHH MTV DHA (điểm xả – Hồ thủy lợi Táo đôi Thôn Bùi, thị trấn Thứa) hết hạn giấy phép. Đặc biệt, Công ty ống thép Hòa Phát xả thải ra kênh C2 thậm chí còn chưa có giấy phép xả thải.

(Công văn số 1929/SNN-CCTL của Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh)

Kiên Trung – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Ô nhiễm môi trường từ làng giấy Yên Phong đối với sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Nguyễn Thắng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/18-doanh-nghiep-xa-thai-ra-he-thong-cong-trinh-thuy-loi-bac-duong-2098666.html

Đến 2025, Đà Nẵng có bao nhiêu tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa?

UBND TP. Đà Nẵng vừa có quyết định Ban hành kế hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, TP. Đà Nẵng sẽ phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với hơn 150 phương tiện.

Cụ thể: Tuyến Sông Hàn – cầu Trần Thị Lý có 56 phương tiện hoạt động. Trong đó, phương tiện trên 100 khách có 6 tàu, thuyền và phương tiện đến 100 khách có 51 tàu, thuyền. Thời gian hoạt động của tuyến từ 7h30 – 23h.

Tuyến sông Hàn – Vịnh Đà Nẵng có 29 phương tiện tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30 – 17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Tuyến Cu Đê – Trường Định có 9 phương tiện tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30 – 17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Tuyến Sông Hàn – cầu Trần Thị Lý sẽ là tuyến hoạt động sôi nổi nhất với hơn 150 phương tiện tàu, thuyền tham gia

Tuyến Sông Hàn – cầu Trần Thị Lý sẽ là tuyến hoạt động sôi nổi nhất với hơn 150 phương tiện tàu, thuyền tham gia

Tuyến cửa sông Cu Đê – Vịnh Đà Nẵng có 11 phương tiện tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30 – 17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà có 29 phương tiện tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30-17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Tuyến vận tải trên sông còn lại có 10 tuyến/chuyến tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30-17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo có 6 phương tiện/chuyến tham gia hoạt động. Thời gian từ 7h30-17h30, riêng nhà hàng nổi kết thúc trước 23h.

Loại hình kinh doanh các tuyến là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển, kinh doanh vận chuyển khách du lịch

Loại hình kinh doanh các tuyến là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển, kinh doanh vận chuyển khách du lịch

Các tuyến này loại hình kinh doanh chủ yếu là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

Ngoài các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, TP. Đà Nẵng cũng có hoạt động tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi và hoạt động du thuyền.

Quyết định Ban hành kế hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến 2030 của TP. Đà Nẵng cũng có yêu cầu chung về phương tiện, trang thiết bị đối với phương tiện vận tải hành khác

Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc ban hành kế hoạch nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách đương thủy nội địa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển phương tiện phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách; phát triển đội tàu theo hướng đa dạng, hiện đại, an toàn cao, bảo vệ môi trường. Việc phát triển các tuyến đường thủy nội địa nhằm kết nối các điểm đến du lịch,…

Nguyên Khang – Tạp chí GTVT

Theo Giao Thông Vận Tải

Ảnh: TP. Đà Nẵng sẽ phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với hơn 150 phương tiện.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tapchigiaothong.vn/den-2025-da-nang-co-bao-nhieu-tuyen-van-tai-hanh-khach-duong-thuy-noi-dia-183230107113722386.htm

HoREA đề xuất thêm giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh ‘trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn’ để phát triển nhà ở xã hội.

Góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhận định, nếu chỉ “trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, theo HoREA, ngay cả TP HCM năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỷ đồng nên trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỷ đồng mà thôi.

“Với số tiền ít ỏi này thì khó thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, ông Châu dẫn chứng.

Vì vậy, HoREA đề xuất nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh “trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo HoREA, hạn chế của Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là đã không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đúng khi bỏ quy định “bắt buộc” chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án (quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 2 Điều 16, khoản 4 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP).

Bởi lẽ, không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp vì nếu xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án này thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2).

“Hiệp hội đề xuất Nghị định của Chính phủ sau khi có Luật Nhà ở (mới) sẽ quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ của “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội” và sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì chủ đầu tư được bán toàn bộ sản phẩm của dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.

Điều này vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và sau này thì người mua nhà ở xã hội tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp.

 Bộ Xây dựng đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ảnh HNM.

Bộ Xây dựng đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ảnh HNM.

Vì vậy, HoREA đề nghị, rất cần thiết bổ sung quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” vào Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.

“Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm huy động các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế để góp phần phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nhà ở xã hội trong lĩnh vực nhà ở”, Chủ tịch HoREA kết luận.

Bộ Xây dựng: Thúc đẩy xây nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng, trước sự suy giảm của thị trường bất động sản năm 2022, ngay những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với các địa phương, nhà đầu tư để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tổ công tác đã nhận diện rõ 3 khó khăn, vướng mắc chính: Quy định pháp luật còn chồng chéo; trình tự thủ tục triển khai dự án còn bất cập; nguồn vốn triển khai thực hiện dự án bị ách tắc (nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng). Đồng thời, đã đề xuất các giải pháp đồng bộ, đầy đủ cho các nhóm vấn đề này để xử lý.

Các giải pháp cũng được các bộ, ngành từng bước triển khai thực hiện: Nới room tín dụng, hướng dẫn trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ ngay các vướng mắc hoặc tổng hợp, chuyển các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương,… Qua đó, đã từng bước tạo được những dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản và doanh nghiệp. “Với sự vào cuộc tích cực trên, tôi cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản sẽ ổn định và phát triển trở lại”- ông Vương Duy Dũng cho hay.

Về giá thành nhà ở, lãnh đạo Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng, giá cả hàng hóa dựa trên quy luật cung – cầu. Nguồn cung tăng lên sẽ là một trong những thông số giúp giảm giá nhà. Theo đó, Bộ Xây dựng xác định thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2023.

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”. Theo Đề án, các địa phương sẽ chủ động triển khai dành quỹ đất lập dự án xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bất động sản có đủ năng lực…

Với nội dung, giải pháp cụ thể trong Đề án, hy vọng sẽ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp mạnh mẽ hơn. Đây cũng là giải pháp quan trọng, vừa tạo ra nhà ở cho người dân, vừa khiến giá nhà hạ nhiệt.

Đông Bắc/DNVN

Theo Doanh nhân VN

Ảnh: HoREA đề xuất giải pháp để phát triển nhà ở xã hội. Ảnh HNM.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/horea-de-xuat-them-giai-phap-phat-trien-nha-o-xa-hoi.html

Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đỗ Kha: Người “vỡ hoang” di sản Vịnh Hạ Long

Thật khó có ai có được một “gia tài” ảnh về Vịnh Hạ Long vượt qua được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha. Cảnh sắc trên Vịnh Hạ Long đều hiển hiện trong ảnh, trong từng góc ông bấm máy.

Bấm máy bằng cả tấm lòng mình đối với quê hương

Không quá khi nói về ông như vậy, bởi với 160 phim dương bản và hàng ngàn tấm phim âm bản mà ông đã thầm lặng đi và chụp, những cảnh bình minh lên hay khi hoàng hôn buông xuống, các mùa thay đổi trong năm với cảnh sắc trên Vịnh Hạ Long, đều hiển hiện trong ảnh, trong từng góc ông bấm máy.

Với đóng góp của ông, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, từ những thước phim dương bản và âm bản nêu trên được trình chiếu tại Phu Kẹt Thái Lan.

Đối với tôi, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Kha là người bạn vong niên, là người anh mà tôi kính trọng. Ông từng là nhà báo chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống Mỹ… thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

tm-img-alt

 

tm-img-alt
NSNA Đỗ Kha giới thiệu bộ ảnh ông đang chỉnh lý, biên tập và sắp xếp lại với Nhà Văn Đặng Vương Hưng

 

Ông sinh ra tại mảnh đất bãi Cháy, bên bờ Vịnh Hạ Long thơ mộng, tâm hồn ông là tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ, thấm đẫm tiếng ru của mẹ hòa trong tiếng gió, tiếng sóng của biển khơi đã ru ông lớn lên. 17 tuổi ông tham gia làm thợ mỏ, rồi ông chuyển sang làm báo Quảng Ninh, nhưng ông đặc biệt yêu hội họa, ông từng vẽ tranh chân dung các thợ mỏ, những cô gái dân quân, tự vệ vùng mỏ, cảnh quan kỳ vĩ Vịnh Hạ Long…

Khi có điều kiện cầm máy ảnh, cái máy ảnh cổ lỗ hiệu Fed-2 của Liên Xô mà đồng nghiệp đã thải hồi, đối với ông còn quý hơn cả vàng. Ông có thể nhịn ăn, dành tiền lương thuê thuyền, nhờ thuyền câu, thuyền chài ra vịnh, hỏi thăm ngư dân những hang núi, những cảnh quan chưa ai biết, lặn lội ngày đêm chụp bằng được thần thái của núi, của sương, của nắng, mưa, mây khói, của trăng… trên Vịnh Hạ Long. Có thể nói, NSNA Đỗ Kha bấm máy bằng cả tấm lòng mình đối với quê hương.

tm-img-alt
Chân dung NSNA Đỗ Kha

 

Không chỉ chụp cảnh quan Vịnh Hạ Long, NSNA Đỗ kha còn là một phóng viên chiến trường, vì vậy ông có mảng đề tài khác cũng rất giá trị. Đó là một kho ảnh đồ sộ với rất nhiều ảnh đen trắng về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Kho tư liệu ảnh của ông về những nữ dân quân, bộ đội, dân công phục vụ chiến đấu, từ mảnh đất Bình Liêu đến địa đầu Móng Cái đa dạng, nhiều chủ đề và có nội dung sâu sắc.  

Cho đến nay, NSNA Đỗ Kha đã nhận nhiều giải thưởng về ảnh Vịnh Hạ Long cũng như được vinh danh các tước hiệu quốc gia và quốc tế khác nhau.

Thay lời kết

Có lẽ cuộc gặp của chúng tôi với NSNA Đỗ Kha là cái duyên, cái duyên ấy bắt đầu từ việc tòa soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Gala tổng kết cuối năm 2022 tại Bãi Cháy, quê hương của NSNA Đỗ Kha và chúng tôi đã liên hệ ông vào sáng 7/1/2023 sẽ đến thăm.

Khi vừa phân xong ngôi chủ khách, trà rót ra chưa kịp nhấp môi, Nhà văn Đặng Vương Hưng bỗng thú vị thốt lên: “NSNA Đỗ Kha có bộ sách của tôi kìa!”. Quả thật trên giá sách phòng làm việc của Đỗ Kha có trọn bộ 4 tập sách dày Nhật ký Thời chiến Việt Nam của nhiều tác giả, do ông chủ biên. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã trân trọng ký tặng bộ sách cho NSNA Đỗ Kha, và NSNA Đỗ Kha cũng xúc động trao tặng Nhà văn Đặng Vương Hưng bộ ảnh quý về Vịnh Hạ Long mà ông mới xuất bản.

tm-img-alt

 

tm-img-alt
Nhà văn Đặng Vương Hưng giới thiệu bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam và ký tặng sách cho NSNA Đỗ Kha.

 

Trước khi chia tay, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn sự cống hiến của ông với di sản quốc gia Vịnh Hạ Long hôm nay và khẳng định trong đó có sự quan tâm động viên trực tiếp rất lớn từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ. Thật bất ngờ, giọng ông bỗng chùng xuống, ông nói chậm như nói với chính mình: “Từ năm 1994 đến nay, tôi nhận được duy nhất một cái giấy khen của tỉnh”.

Năm nay, NSNA Đỗ Kha đã 85 tuổi, ông có thể chờ đợi sự vinh danh ông trong thời gian bao lâu nữa? Nhiều chục năm qua, hàng trăm triệu du khách trong nước và đặc biệt nhiều triệu lượt khách quốc tế đã biết và đã đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Việt Nam nhưng đã mấy ai biết, nhắc nhớ tên ông, dù chỉ để làm ấm lòng một cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam – NSNA Đỗ Kha?

Thái Minh Châu

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: NSNA Đỗ Kha trao tặng bộ sách, ảnh Vịnh Hạ Long cho Nhà văn Đặng Vương Hưng.