• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 181

Triều cường gây thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân những ngày Tết

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, triều cường dâng cao gây sạt lở đê bao, bờ bao với tổng chiều dài 2.166 m, tràn cục bộ 1.348 m, gây thiệt hại hơn 182 ha hoa màu, lúa, ao tôm, ảnh hưởng 11 căn nhà, ước giá trị thiệt hại khoảng gần 2,9 tỷ đồng.

Trong đó, tại huyện Châu Thành bị vỡ bờ bao và ngập ao tôm của 179 hộ dân với tổng diện tích hơn 20ha tại các xã Long Hòa, Hòa Minh, Phước Hảo, Hòa Thuận, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, một số diện tích hoa màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng.

Tại huyện Cầu Kè bị vỡ 11 đoạn bờ bao ven sông Hậu, gây ngập hơn 110 ha vườn cây ăn trái của 223 hộ dân ở các xã Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân… Địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự… và vật tư, phương tiện của người dân khắc phục, gia cố bờ bao, tôn cao những đoạn xung yếu.

Còn tại huyện Trà Cú có 5 đoạn đê bao bị vỡ, gây thiệt hại 36 ha mía và lúa, ảnh hưởng đến 10 căn nhà ở khu dân cư Trà Cú C. Ngoài ra, sạt lở gây ngập nhà 6 hộ dân tại xã Lưu Nghiệp Anh… Tại các địa phương khác như huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải cũng ghi nhận thiệt hại về hoa màu, thủy sản…

Tại thành phố Trà Vinh bị sạt lở, sụp lún 4 đoạn đường bê tông với chiều dài 50 m ở xã Long Đức làm nước tràn vào nhà dân. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng quân đội được huy động cùng cán bộ, dân quân địa phương gia cố tạm thời cho phương tiện và người dân qua lại…

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương kết hợp với lực lượng quân sự và nhân dân địa phương đã tổ chức khắc phục tạm thời để bà con ổn định cuộc sống, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố để bảo đảm an toàn cho nhân dân sản xuất.

Cũng trong những ngày Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 87 lượt hộ nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, với diện tích hơn 28 ha, số lượng gần 10 triệu con giống. Nguyên nhân là ảnh hưởng của mưa trái mùa cùng không khí lạnh tăng cường làm cho nhiệt độ môi trường không ổn định. Tôm bị thiệt hại ở giai đoạn 25-75 ngày tuổi, đa số có dấu hiệu của bệnh đốm trắng, đỏ thân…

Cảnh Kỳ – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Khắc phục sự cố sạt lở đê bao hôm mùng 4 Tết.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/trieu-cuong-gay-thiet-hai-hoa-mau-anh-huong-hang-tram-ho-dan-nhung-ngay-tet-post1505730.tpo

Đà Nẵng: Thêm tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa phục vụ khách du lịch

UBND thành phố vừa công bố 5 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa này nhằm mục đích phục vụ phát triển loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 121/QĐ-UBND về Công bố các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Theo đó, Đà Nẵng có 5 tuyến đường thủy nội địa phục vụ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, gồm: Các tuyến sông Hàn-cầu Trần Thị Lý với lộ trình: Cảng, bến xuất phát đầu tiên (trong phạm vi cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước)-hạ lưu cầu Văn Trỗi-thượng lưu cầu Thuận Phước-cảng, bến đích cuối cùng. Phương tiện hoạt động tuyến này phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 23 giờ. Tuyến sông Hàn-hòn Chảo với lộ trình: Cảng, bến xuất phát đầu tiên (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước)-cầu Thuận Phước-cửa biển-điểm đến theo quy định-cảng, bến đích cuối cùng, phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến từ Bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp-bãi Nam-bãi Đa với lộ trình: Bến thủy nội địa CT15 (bến xuất phát) đi hòn Sụp-bãi Nam-bãi Đa-bến thủy nội địa CT15 (đích đến cuối cùng), cách bờ không quá 1,8km, phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận vùng hoạt động SB.

Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến sông Hàn đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng với vị trí bến xuất phát và đích đến cuối cùng: Cảng, bến trên sông Hàn (giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi-cầu Thuận Phước), kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV, thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến Bến thủy nội địa K20 đi sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, kết thúc tại cảng, bến thủy nội địa được công bố theo quy định. Phương tiện hoạt động trên tuyến phải được cơ quan đăng kiểm chứng nhận một trong các vùng hoạt động: SI, SII, SB, vùng IV.

Thời gian hoạt động trên tuyến: Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Theo Kế hoạch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với hơn 150 phương tiện. Hiện nay Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu đang hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ, bảo đảm tiêu chuẩn quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trước đó vào Tháng 5/2022, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ban hành quyết định 1315/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng “Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kinh phí xây dựng đề án từ nguồn dự toán chi sự nghiệp du lịch được giao năm 2022 của Sở Du lịch Đà Nẵng với số tiền hơn 600 triệu đồng. Đề án trên nhằm mục đích hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển du lịch đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc; hoàn thiện, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương khu vực phía Nam, phía Bắc và khu vực miền Trung – Tây Nguyên…

Từ đề án này, mục tiêu của Đà Nẵng là khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch… Cảng Sông Hàn sẽ được đầu tư hoàn thiện thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên tuyến đường thủy. Phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030 đạt 1,5-2 triệu lượt khách/năm. Quyết định 21/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và định hướng của chính quyền Đà Nẵng là cơ hội để du lịch đường thủy tại đây khởi sắc.

Nguyễn Triệu/DNVN

Theo Doanh nhân VN

Ảnh: Đà Nẵng: Công bố 5 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa (Ảnh báo Công Thương)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/da-nang-them-tuyen-van-tai-hanh-khach-duong-thuy-noi-dia-phuc-vu-khach-du-lich.html

‘Điểm danh’ loạt doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất lớn tại Hòa Bình

Thanh tra Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận số 1358/Kl-TTr do ông Phạm Văn Tình, Phó chánh thanh tra ký ngày 12/12/2022 về công tác quản lý ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Thanh Tra đề nghị tỉnh Hòa Bình thực hiện thu hồi đất, xử lý nợ tiền thuê đất

Theo số liệu báo cáo của Cục thuế, hàng loạt doanh nghiệp đang nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất lớn tại địa phương này.

Trong đó, 4 doanh nghiệp nợ thuế lớn gồm: Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai nợ 128.800 triệu đồng, Công ty cổ phần cơ khí lắp máy Sông Đà nợ 40.500 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình nợ 22.300 triệu đồng, Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư thương mại Hưng Long (Điện Biên) nợ 14.000 triệu đồng.

2 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất lớn (tính đến tháng 9/2022): Công ty cổ phần đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình (Dự án khu nhà ở cao cấp dầu khí Hòa Bình tại xã Nhuận Trạch, Lương Sơn) là 1.011.580 triệu đồng, Công ty cổ phần dự án khu đô thị Thống Nhất (Dự án khu đô thị Thống Nhất thành phố Hòa Bình) là 258.590 triệu đồng (tiền sử dụng đất: 241.539 triệu đồng, tiền chậm nộp là 14.057 triệu đồng).

Một số doanh nghiệp nợ tiền thuê đất lớn, kéo dài: Công ty thủy điện Hòa Bình nợ tiền thuê đất năm 2021 là 14.290 triệu đồng/số phải nộp năm 2021 là 28.580 triệu đồng (do công ty đang kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích đất thuê và ký lại hợp đồng thuê đất nhưng Sở TN&MT chưa giải quyết); Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội 6.405 triệu đồng, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình nợ từ các năm trước chuyển sang là 3.762 triệu đồng, Công ty cổ phần 305 Hòa Bình nợ tiền thuê đất năm 2021 là 3.008 triệu đồng…

Nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thời điểm ngày 31/12/2021 là 88.451 triệu đồng, thời điểm ngày 12/10/2022 là 97.425 triệu đồng.

Điển hình, Doanh nghiệp tư nhân xí nghiệp xây dựng Trung Dũng nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến ngày 31/12/2021 là 4.117 triệu đồng. Cơ quan thuế đã ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng chưa bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và chưa có quyết định điều chỉnh/ chấm dứt quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, có 7 doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2021 trở về trước, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế để thu nợ nhưng vẫn không chấp hành, số tiền 21.319 triệu đồng.

Kết luận Thanh tra cho biết, theo số liệu Cục Thuế báo cáo, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến 31.12.2021 là 592.520 triệu đồng (trong đó: Nợ có khả năng thu: 526.498 triệu đồng; nợ thuế đang khiếu nại: 18.212 triệu đồng; tiền thuế đang xử lý: 1.993 triệu đồng; nợ khó thu: 45.817 triệu đồng), bằng 11.42% số thu ngân sách năm 2021 (592.520 triệu đồng/5.188.836 triệu đồng), không đạt chỉ tiêu của Tổng cục Thuế giao tại Công văn số 300/TCT-QLN ngày 29.01.2021.

Anh Thế – Báo ĐBND

Theo Đại Biểu Nhân Dân

Ảnh: Công ty thủy điện Hòa Bình nợ tiền thuê đất năm 2021 là 14.290 triệu đồng/số phải nộp năm 2021 là 28.580 triệu đồng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daibieunhandan.vn/giam-sat-quoc-hoi-va-cu-tri/diem-danh-loat-doanh-nghiep-no-thue-no-tien-su-dung-dat-lon-tai-hoa-binh-i314765/

Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất việc cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng

Việc kiểm tra các thủ tục hành chính như cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và Nhà ở (sổ đỏ), giấy phép xây dựng trên địa bàn Hà Nội có thể được thực hiện đột xuất tại đơn vị có phản ánh, kiến nghị hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2023 trên địa bàn TP.

Theo đó, kế hoạch kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thông qua kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, trọng tâm là việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Trong lần này, các lĩnh vực trọng tâm kiểm tra gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng; lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh; lĩnh vực quy hoạch; lĩnh vực giáo dục – đào tạo (cấp huyện, cấp xã); nông nghiệp, văn hóa và các lĩnh vực khác theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Về cách thức tiến hành, trưởng đoàn kiểm tra xây dựng thông báo tới đơn vị được kiểm tra. Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị được kiểm tra, yêu cầu giải trình (nếu cần thiết).

Đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp kiểm tra hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; công khai thủ tục hành chính; quy trình tiếp nhận hồ sơ; việc mở sổ, ghi chép sổ sách theo dõi hồ sơ, kết quả giải quyết tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, thực hiện thủ tục hành chính…, công khai niêm yết địa chỉ tiếp nhận đường dây nóng, hướng dẫn phản ánh kiến nghị về quy định hành chính.

Việc kiểm tra có thể được thực hiện đột xuất tại đơn vị có phản ánh, kiến nghị hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trưởng đoàn kiểm tra; đơn vị được kiểm tra đột xuất không phụ thuộc vào danh sách đơn vị được kiểm tra…

Lộc Liên – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Hà Nội sẽ kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng; lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh,…(Ảnh: Lộc Liên)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/ha-noi-se-kiem-tra-dot-xuat-viec-cap-so-do-giay-phep-xay-dung-post1505538.tpo

Quần đảo Hoàng Sa bao gồm những nhóm đảo chính nào?

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai cụm đảo chính là nhóm Lưỡi Liềm ở phía tây và nhóm An Vĩnh ở phía đông.

Nhóm Lưỡi Liềm:

Nhóm đảo này có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.

– Đảo Đá Bắc có tọa độ địa lý 17006 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông.

– Đảo Hoàng Sa nằm ở tọa độ 16032 vĩ độ Bắc và 111036,7 kinh độ Đông, có hình bầu dục, độ cao khoảng 9m, diện tích khoảng 0,5 km2, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải là đảo lớn nhất nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trên đảo Hoàng Sa từng có bia chủ quyền của Việt Nam với dòng chữ khắc trên bia: République Francaise -Royaune d’An Nam – Arehipel des Paracels – 1816 – Ile de pattle 1938 (Cộng hòa Pháp – Vương triều An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – đảo Hoàng Sa 1938). Ngoài ra, trên đảo còn có Miếu Bà, một số ngôi mộ của binh lính ra canh đảo bị chết tại đây.

– Đảo Hữu Nhật nằm về phía nam và cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý, ở tọa độ 16030,3 vĩ độ Bắc và 111035,3 kinh độ Đông, dáng đảo hình tròn, đường kính 800m, độ cao 8m, diện tích 0,6 km2, có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng.

– Đảo Duy Mộng nằm về phía đông nam đảo Hữu Nhật và phía đông bắc đảo Quang Hòa ở tọa độ 16027,6 vĩ độ Bắc và 111044,4 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, bãi san hô nằm xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4 m, có hình bầu dục, diện tích 0,5 km2.

– Đảo Quang Hòa nằm ở tọa độ 16026,9 vĩ độ Bắc và 111042,7 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, diện tích gần 0,5 km2, trên đảo có nhiều cây cối, xung quanh đảo là một bãi san hô màu vàng nhạt, nhô ra rất xa đảo, nối với một số đảo nhỏ khác thành đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.

Nằm ở tọa độ 16027 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông do san hô cấu tạo thành, độ cao 6 m. Chung quanh đảo là bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể thả neo gần đảo mà phải neo ở ngoài khơi, muốn vào phải sử dụng thuyền nhỏ. Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,7 km2.

– Đảo Bạch Quy nằm ở tọa độ 16003,5 vĩ độ Bắc và 111046,9 kinh độ Đông, với độ cao 15m thì đây là đảo có độ cao lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa.

– Đảo Tri Tôn nằm ở tọa độ 15047,2 vĩ độ Bắc và 111011,8 kinh độ Đông, nằm ở gần bờ biển Việt Nam nhất, có nhiều hải sâm, ba ba. San hô ở đây phát triển mạnh và đa dạng.

Ngoài ra, nhóm Lưỡi Liềm còn có một số đảo nhỏ, mỏm đá và bãi như: Đảo Ốc Hoa, đảo Ba Ba, đảo Lưỡi Liềm, đá Hải Sâm, đá Lồi, đá Chim Én, bãi Xà Cừ, bãi Ngự Bình, bãi ngầm Ốc Tai Voi…

Nhóm An Vĩnh:

Nằm ở phía đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá.

– Đảo Phú Lâm nằm ở tọa độ 16050,2 vĩ độ Bắc và 112020 kinh độ Đông, là đảo quan trọng nhất của cụm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Đảo có chiều dài 1,7 km, chiều ngang 1,2 km.

– Đảo Linh Côn có tọa độ 16040,3 vĩ độ Bắc và 112043,6 kinh độ Đông, cao khoảng 8,5 m, trên đảo có nước ngọt. Vùng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía Nam đến 15 hải lý.

– Đảo Cây nằm ở tọa độ 16059 vĩ độ Bắc và 112015,9 kinh độ Đông.

– Đảo Trung (còn gọi là đảo Giữa) nằm ở tọa độ 16057,6 vĩ độ Bắc và 112019,1 kinh độ Đông.

– Đảo Bắc nằm ở tọa độ 16058 vĩ độ Bắc và 112018,3 kinh độ Đông.

– Đảo Nam nằm ở tọa độ 16057,0 vĩ độ Bắc và 112019,7 kinh độ Đông.

– Đảo Đá nằm ở tọa độ 16050,9 vĩ độ Bắc và 112020,5 kinh độ Đông, diện tích 0,4 km2.

Ngoài ra, nhóm An Vĩnh còn có nhiều mỏm đá, cồn cát và bãi như: Đá Trương Nghĩa, đá Sơn Kỳ, đá Trà Tây, đá Bông Bay, bãi Bình Sơn, bãi Đèn Pha, bãi Châu Nhai, cồn Cát Tây, cồn Cát Nam, Hòn Tháp, bãi cạn Gò Nổi, bãi Thủy Tề, bãi Quang Nghĩa.

DANH SÁCH VÀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CÁC ĐẢO, ĐÁ, BÃI Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

tm-img-alt

TS.LS Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng, Việt Nam)

Quảng Ninh: Phản cảm hình ảnh nhân viên an ninh khu du lịch Yên Tử xô xát với khách du lịch

Khoảng 09h50, ngày 25/1/2023, tại khu du lịch Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra xô xát giữa nhân viên an ninh của Công ty CP phát triển Tùng Lâm với khách du lịch.

Mâu thuẫn khi điều tiết phương tiện ô tô vào bãi gửi xe khu du lịch Yên Tử, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nhân viên an ninh đã ném mũ cối, cố tình lao người lên nắp capo xe du khách để ăn vạ, xô đẩy với khách du lịch gây phản cảm, bức xúc dư luận.

Theo phản ánh của người dân, vào khoảng 09h50, ngày 25/1/2023, tại khu du lịch Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra xô xát giữa nhân viên an ninh của Công ty CP phát triển Tùng Lâm với khách du lịch.

Cụ thể, tại khu vực cổng một bãi giữ xe, nhân viên an ninh chặn đầu 2 xe ô tô con mục đích là hướng dẫn du khách quay đầu đưa xe vào bãi đỗ xe khác. Tuy nhiên, hai xe ô tô này vẫn cho xe di chuyển vào trong với nhiều lý do khác nhau, do đó nhân viên an ninh kiên quyết chặn xe lại, yêu cầu quay đầu sang hướng khác. Đỉnh điểm sự việc xảy ra là nhân viên an ninh đã ném một chiếc mũ cối vào một xe và lao người lên nắp capo một xe khác, sau đó lái xe và nhân viên an ninh đã xảy ra xô xát nhẹ, rất may không có thương tích.

Anh Bùi Huy Nghĩa một du khách chứng kiến sự việc, cho rằng hành động của nhân viên an ninh cố tình lao người lên nắp capo như thế là cực kỳ nguy hiểm, nếu lái xe không giữ được bình tĩnh, đạp nhầm chân ga thì rất có thể nhân viên an ninh kia phải trả giá bằng sức khoẻ và thậm chí cả  tính mạng của chính mình.

Ngoài ra, nhân viên an ninh nói riêng và Công ty Tùng Lâm nói chung đã làm xấu, làm méo mó hình ảnh khu du lịch Yên Tử mà các cấp, các ngành chức năng cùng người dân tỉnh Quảng Ninh mất rất nhiều công sức trong nhiều năm để xây dựng.

Clip nhân viên an ninh khu du lịch Yên Tử, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cố tình lao người lên nắp capo xe du khách để ăn vạ.

 

Hành động của nhân viên an ninh như thế là không thể chấp nhận được, cơ quan chức năng liên quan và đặc biệt là Công ty Tùng Lâm cần đào tạo, giáo dục cán bộ, nhân viên của mình về thái đố cũng như quy tắc ứng xử sao cho hài hòa, nhã nhặn, phù hợp với khu du lịch tâm linh và đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khách du lịch cũng cần nghiêm chỉnh chấp hành theo hướng dẫn của cán bộ, nhân viên khu du lịch, vì một ngày có hàng vạn du khách đến tham quan khu du lịch Yên Tử, nếu cứ “mạnh ai nấy đi” thì cả khu du lịch sẽ diễn ra cảnh tắc đường, mất an toàn giao thông.

Trước thông tin trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam  đã liên hệ với ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Ông Dũng cho biết nhân viên an ninh nói trên thuộc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, TP. Uông Bí, chúng tôi đã yêu cầu công ty này lập biên bản, xử lý vụ việc.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Lê Trọng Thanh – Phó Giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, cho biết rất buồn vì thái độ làm việc của nhân viên an ninh, không ai chấp nhận được hành vi của nhân viên an ninh này. Chỉ ít phút sau khi xảy ra sự việc, công ty đã cử ngay cán bộ đến hiện trường xử lý sự việc. Hiện công ty đã cho nhân viên an ninh gây ra sự việc trên tạm nghỉ việc để xem xét hình thức xử lý.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc trên, ông Lê Trọng Thanh nói: Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là khu du lịch có hai bãi đỗ xe, nơi xảy ra sự việc là bãi đỗ xe bên trong, thuận lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc bãi đỗ xe này đã hết chỗ, nên nhân viên an ninh hướng dẫn du khách cho xe vào bãi khác với quãng đường di chuyển xa hơn nên mới xảy ra mâu thuẫn trên.

PV

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Đường phố Hà Nội đông đúc trở lại sau kỳ nghỉ Tết

Sáng 27/1/2023 (mùng 6 tháng Giêng), ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều tuyến phố tại Hà Nội trở lại đông đúc.

Ùn tắc đoạn lên cầu vượt Ngã Tư Sở hướng về trung tâm thành phố. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ùn tắc đoạn lên cầu vượt Ngã Tư Sở hướng về trung tâm thành phố. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hướng đi từ phố Phạm Ngọc Thạch về hầm chui Đại Cồ Việt phương tiện lưu thông khá đông. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hướng đi từ phố Phạm Ngọc Thạch về hầm chui Đại Cồ Việt phương tiện lưu thông khá đông. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hướng đi từ Trường Chính ra Ngã Tư Sở trở lại ùn tắc. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hướng đi từ Trường Chính ra Ngã Tư Sở trở lại ùn tắc. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hướng đi từ phố Tây Sơn hướng về trung tâm thành phố khá đông. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hướng đi từ phố Tây Sơn hướng về trung tâm thành phố khá đông. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Ùn ứ trên đường Phạm Ngọc Thạch, đoạn thi công cầu vượt chữ C. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ùn ứ trên đường Phạm Ngọc Thạch, đoạn thi công cầu vượt chữ C. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch lượng phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Nút giao Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch lượng phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Huy Hùng – TTXVN

Theo Bnews/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/duong-pho-ha-noi-dong-duc-tro-lai-sau-ky-nghi-tet/277980.html

Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Với nguồn năng lượng đầy hứng khởi từ năm Nhâm Dần 2022, chúng ta bước vào năm 2023, năm Quý Mão với nguồn năng lượng đầy hứng khởi và niềm tin mãnh liệt rằng: Đất nước sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình quyết liệt hơn, uyển chuyển hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn trên con đường hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.

Năm “Con Hổ – 2022” – một năm kinh tế đất nước chuyển mình vượt qua đại dịch COVID-19, mạnh mẽ “vươn lên như hổ” với tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 15 năm qua và nhiều kỷ lục mới về kinh tế được xác lập.

Với nguồn năng lượng đầy hứng khởi từ năm Nhâm Dần 2022, chúng ta bước vào năm 2023 – Năm Quý Mão với niềm tin mãnh liệt rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, đất nước sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình nhanh hơn, uyển chuyển hơn, hiệu quả hơn trên con đường đi tới hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc hơn.

Nhớ lại lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, khi đó, Tổng Bí thư chúc “Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021!”. Bước qua năm 2022, sang năm 2023, chúng ta tự tin hơn vì đất nước đã có những bước tiến dài mà chính từ đầu năm chúng ta cũng không dám kỳ vọng. Trước hết cả nước đã chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi “Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân” để làm dầy thêm, vững chắc thêm “tấm lá chắn ngăn chặn COVID-19”, nhờ đó dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

Trên cơ sở đó, cả nước đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm với tinh thần “Tiền hô hậu ủng – Nhất hô bá ứng – Trên dưới đồng lòng – Dọc ngang thông suốt”; chúng ta phải hạn chế tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh hay xóa bỏ tình trạng vô cảm với nhân dân;; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Điều đáng phấn khởi là, trong bối cảnh “mây đen bao phủ nền kinh tế toàn cầu”, đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây không chỉ là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, mà còn là số vốn thực sự chất lượng, với các dự án hiện đại, có sức lan tỏa công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Vượt qua những khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gẫy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, tổng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đã vượt mốc 730 tỷ USD (đạt 732,5 tỷ USD), với 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, giúp Việt Nam không chỉ giữ vững vị trí trong top đầu những thị trường thương mại lớn nhất thế giới.

“Chấm điểm” bức tranh kinh tế-xã hội 2022, trên báo chí, công luận trong và ngoài nước, mật độ dầy những dòng tít nổi bật như: GDP Việt Nam tăng trưởng kỷ lục; Nông nghiệp Việt xác lập kỷ lục mới; Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lập kỷ lục; tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam bứt tốc thần kỳ;… Các chuyên gia kinh tế đã không chần chừ khi hạ phút phê rằng: “Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp thì đây là một kỳ tích. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét “khác biệt đáng tự hào” của kinh tế Việt Nam. Đồng tình với quan điểm này, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”. Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

Bên cạnh kinh tế, các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, khoa học, công nghệ,… cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp thêm những đường nét, những gam màu tươi sáng cho bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của đất nước.

Vui mừng với những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta “tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, bởi tình hình kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bức tranh kinh tế đất nước năm 2022 vẫn còn không ít những gam màu trầm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết một loạt những bất cập mang tính “thâm căn” cũng như ứng phó với những rủi ro, biến động rất nhanh, rất khó lường của thế sự.

Cơ hội đã mở ra trước mắt, nhưng con đường phía trước không “trải đầy hoa hồng”, những mục tiêu đặt ra cho năm 2023 không dễ dàng gì đạt được, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; với sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, dù vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước, nhưng chắc chắn Chính phủ sẽ vững tay chèo, đưa “con thuyền” kinh tế-xã hội đất nước tiếp tục tiến nhanh, bền vững trong “hải trình” đi tới phồn vinh, hạnh phúc. Đất nước sang năm 2023 với bao thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng chúng ta cùng nhau thực hiện bằng được khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta có quyền hy vọng và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho cả dân tộc, người dân ấm no, hạnh phúc hơn.

TH – Tạp chí CNMT

Theo Công nghiệp môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congnghiepmoitruong.vn/khat-vong-phon-vinh-hanh-phuc-9455.html

Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Thông tư quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và được áp dụng với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Trường hợp chủ dự án tự trồng rừng thay thế

Chủ dự án tự tổ chức trồng rừng thay thế phải có diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế.

Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản đề nghị phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; bản chính Phương án trồng rừng thay thế quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; bản chính dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư này; bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyên mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bản sao tài liệu khác có liên quan (nếu có). 

Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ: Chủ dự án nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho chủ dự án và nêu rõ lý do. Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho chủ dự án và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định hồ sơ Phương án trồng rừng thay thế. Trường hợp cần kiểm tra, đánh giá Phương án trồng rừng tại thực địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định và hoàn thành thẩm định trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có diện tích đất trồng rừng thay thế; đại diện tổ chức khoa học có liên quan (nếu có). Số lượng thành viên Hội đồng thẩm định không quá 07 người. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế; kèm theo dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho chủ dự án và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế; dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế kèm theo dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế, gửi kết quả đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ dự án. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ dự án.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi Phương án trồng rừng thay thế, dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế được phê duyệt, chủ dự án nộp đủ số tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh nơi chủ dự án nộp hồ sơ; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thông báo bằng văn bản về việc hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế cho chủ dự án.

Chủ dự án phải thực hiện trồng rừng trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm Phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế tại địa điểm khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn bằng nguồn tiền do chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện giải ngân tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Thông tư này.

Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế

Chủ dự án nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt nộp tiền trồng rừng thay thế.

Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bản sao các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho chủ dự án và nêu rõ lý do. Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho chủ dự án và nêu rõ lý do.

Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 3 Điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị vũ trang là chủ đầu tư đối với trường hợp trồng rừng thay thế trên diện tích đất được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị vũ trang quản lý; giao Chi cục Kiểm lâm hoặc Ban quản lý dự án phát triển rừng cấp huyện là chủ đầu tư đối với trường hợp trồng rừng thay thế trên diện tích đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được giao nhiệm vụ, chủ đầu tư lập dự toán, thiết kế gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự toán, thiết kế va thông báo bằng văn bản cho chủ dự án về thời gian, số tiền phải nộp để thực hiện trồng rừng thay thế.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế.

Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

Mai Châu

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Bỏ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai: Đi ngược lợi ích người mua nhà?

Với đề xuất bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, đề xuất này không những không phù hợp, mà đi ngược lại lợi ích của người mua nhà.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ đề nghị xem xét bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai vì có một số bất cập, hạn chế và làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu.

Cụ thể, HOREA cho biết, điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 và điều 27 dự thảo luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đều quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực có cam kết thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện quy định này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu. Bởi khi thực hiện bảo lãnh, chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh ngân hàng thường bằng khoảng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh.

Trong khi hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để kéo giảm giá nhà ở. Do vậy, rất cần thiết xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng trong việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở, có lợi cho người mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, quy định này chỉ làm lợi cho ngân hàng.

“Hiện nay, luật đã quy định chặt chẽ việc cho vay. Nếu chủ đầu tư và ngân hàng thương mại cấp tín dụng đều thực hiện đúng các quy định pháp luật về tín dụng thì gần như sẽ không phát sinh rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng” – văn bản HoREA nêu rõ.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, đề xuất này không những không phù hợp, mà đi ngược lại lợi ích của người mua nhà.

Theo ông Hùng, trong những năm qua, dù có quy định bảo lãnh này, nhưng thực tế người dân cũng gặp không ít chủ đầu tư chậm trễ trong việc bàn giao nhà, dù có khiếu nại, khiếu kiện, kêu cứu khắp nơi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

“Dù có quy định bão lãnh, nhưng thực tế chưa đi vào cuộc sống, khi chủ đầu tư sai phạm, phía ngân hàng, chủ đầu tư tìm mọi cách đổ lỗi, không thực hiện đền bù cho thời gian chậm tiến độ bàn giao. Điều này cũng xuất phát từ việc khi quy định bảo lãnh vẫn mang tính “hình thức” chưa rõ ràng, chưa có các cơ chế giám sát, đảm bảo thực hiện của cơ quan nhà nước”, ông Hùng nói.

Chính vì thế, ông Hùng cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về việc bảo lãnh này, quy định phải có tính chất bắt buộc, có cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước khi chủ đầu tư sai phạm, chậm bàn giao nhà. Bắt buộc chủ đầu tư phải có cam kết thời gian giao nhà cụ thể, không cho phép các quy định dạng như thời gian dự kiến, hoặc các mốc thời gian không cụ thể.

Ngoài ra, cần có quy chế bồi thường chậm bàn giao, bao gồm: tiền phạt chậm bàn giao, các khoản tiền thuê nhà trong thời gian chậm bàn giao, hoặc một số quy định bồi thường thiệt hại khác hỗ trợ người dân. Thậm chí, cần kéo dài thời gian bảo lãnh đến khi bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; bắt buộc chủ đầu tư phải có tài sản, khoản tiền phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw cho rằng, mục đích ban đầu của việc ban hành các quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai trong luật kinh doanh bất động sản nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của bên mua nhà.

Theo ông Hà, khách hàng đã trả tiền rồi nhưng đến hạn lại không nhận được nhà do bên bán chưa hoàn thành xong việc xây dựng, hoặc đã hoàn thành việc xây dựng nhưng không đáp ứng được các yêu cầu nghiệm thu là những tình trạng xảy ra phổ biến. Để hạn chế những tình trạng trên, pháp luật mới quy định về bảo lãnh trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ việc quy định như vậy vẫn chưa thực sự bảo vệ tốt cho phía người mua nhà và kéo theo những bất cập khác nên mới xuất hiện những đề xuất yêu cầu bỏ quy định bảo lãnh trên.

Ông Nguyễn Thanh Hà cho rằng, việc quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai có một số hạn chế nhất định. Từ đó làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở và mục đích bảo vệ người mua nhà gần như không được mà ngược lại còn gây khó khăn trong việc quản lý và khai thác nguồn tài sản hình thành trong tương lai này.

Tuy nhiên, theo ông Hà, việc bỏ quy định này cũng rất đáng lo ngại đối với người mua. Bởi mục đích của quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà – những người yếu thế trong quan hệ mua bán bất động sản khi ít hiểu biết về thủ tục mua bán, nắm được ít thông tin về dự án, không đủ điều kiện để nắm bắt, theo dõi, quản lý dự án trong quá trình triển khai.

Trên thực tế, đã có nhiều dự án chậm tiến độ bàn giao, có dự án hàng chục năm vẫn ‘đắp chiếu’, nếu không có ngân hàng đứng ra bảo lãnh thì quyền lợi của người mua sẽ phải đảm bảo như thế nào? Do đó, phải có bảo lãnh thì người mua mới an tâm.

“Từ hai luồng ý kiến trên ta có thể phần nào hiểu được những cái được và mất khi bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Suy cho cùng, mục đích vẫn nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua nhà và thực hiện tốt việc quản lý của nhà nước trong việc kiểm soát giá nhà, đất. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định tiếp tục áp dụng hay bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”, ông Hà chia sẻ.

Sơn Lam/MTG

Theo Một Thế Giới

Ảnh: Đề xuất bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

Xem bài viết gốc tại đây:

https://1thegioi.vn/bo-bao-lanh-nha-o-hinh-thanh-trong-tuong-lai-di-nguoc-loi-ich-nguoi-mua-nha-192462.html

Sắp đóng cửa sân bay Điện Biên ít nhất 6 tháng

Sân bay Điện Biên sẽ phải đóng cửa 6 – 7 tháng để thực hiện xây dựng mở rộng.

Tin từ TCT Cảng hàng không VN (ACV), dự kiến cuối tháng 3/2023, tiến hành đóng cửa sân bay 6 – 7 tháng để triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Cụ thể, tháng 6/2023, hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh. Tháng 12/2023 sẽ hoàn thành công trình đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn, sân đỗ máy bay.

Đối với công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, Phó tổng giám đốc ACV Nguyễn Đức Hùng cho biết: Tháng 3/2023 hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng gói thầu số 30 “Thi công xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ” và gói thầu 34 “Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ”. Tháng 4/2023, tiến hành khởi công trước khi hoàn thành vào tháng 12/2023.

Liên quan đến các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, lãnh đạo ACV cho hay: Hiện tại, một số vị trí chưa thi công được do chưa giải phóng xong mặt bằng; một số vị trí khi thi công chặn đường dân sinh và hệ thống kênh mương tưới tiêu của dân nên người dân cản trở, không cho thi công. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ chung của dự án.

Cùng đó, nguồn vật liệu cho thi công dự án (đất đắp, cát) hiện tại rất hạn chế, không đủ trữ lượng cho việc thi công dự án. Thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu mới đòi hỏi phải có thời gian. Chính vì vậy cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo kế hoạch, ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như sớm hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh (đường đi lại, hệ thống tưới tiêu), tránh để người dân cản trở việc thi công xây dựng công trình.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên có phương án bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo đủ trữ lượng, khả năng cung cấp cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Cụ thể, theo ACV, hiện nay chỉ có thể khai thác đất đắp tại mỏ Cò Chạy. Tuy nhiên, công suất chỉ được khoảng 130.000m/năm so với khối lượng đất thông thường cần cho đường CHC, đường lăn, sân đỗ máy bay là khoảng 467.000m3 (trong đó riêng đất thông thường dành cho thi công đường cất hạ cánh, lề vật liệu khoảng 170.000m” và dự kiến thi công trong khoảng 3 tháng, từ 23/01/2023 đến tháng 4/2023).

Với cát tự nhiên (đặc biệt là cát dành cho bê tông xi măng), hiện chỉ có thể khai thác từ sông Nậm Rốn. Do vậy, ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu dự án Quản lý đa thiên tai sông Nậm Rốn, đảm bảo khi hoàn thành sẽ có nguồn cung cấp đủ cho thi công đường CHC, đường lăn, sân đỗ máy bay.

Trước đó, hồi tháng 9/2022, ACV chính thức khởi công đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay thuộc Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Theo Quyết định số 470 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Điện Biênđược phê duyệt Chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng với quy mô đường cất hạ cánh dài 2400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.

Cùng đó, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Thanh Bình – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Cảng hàng không Điện Biên đang được đầu tư xây dựng mở rộng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/sap-dong-cua-san-bay-dien-bien-it-nhat-6-thang-d580077.html

Thanh Hóa: Công an yêu cầu định giá tài sản dự án Khu nhà ở sinh thái FLC

Để phục vụ cho việc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa có yêu cầu định giá tài sản thửa đất của dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất không thông qua đấu giá.

Theo đó, nội dung yêu cầu định giá tài sản gồm: xác định giá trị 4.200 m2 đất ở và 11.822,5 m2 đất thương mại, dịch vụ tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa tại thời điểm ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Hai là, xác định giá trị đất ở của thửa đất có diện tích đất xây dựng nhà ở liền kề 5.150 m2, đất xây dựng biệt thự 2.381,8 m2, đất xây dựng công trình hỗn hợp 3.120 m2 và 287,5 m2 đất thương mại, dịch vụ tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa tại thời điểm ban hành Quyết định số 4228/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ba là, xác định giá trị đất ở của thửa đất có diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng 4.035 m2 tại Lô C4, C5 Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa tại thời điểm ban hành Quyết định số 3288/QĐ-UBND ngày 1/9/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành các bước theo quy định để thực hiện định giá nội dung tài sản theo yêu cầu, đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác. Thời gian cơ quan chức năng thực hiện định giá tài sản là đến ngày 15/2/2023.

Trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận thanh tra, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan công an điều tra dấu hiệu tội phạm đối với tổ chức, cá nhân tham mưu việc giao cho chủ đầu tư (là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) Dự án Công trình hỗn hợp và nhà ở thuộc khu đô thị mới Nam TP Thanh Hóa (nay là Dự án khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa) hơn 11.000 m2 không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có vi phạm khi triển khai dự án.

Dự án khu nhà ở sinh thái xanh FLC Thanh Hóa cũng là 1 trong 7 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là chủ đầu tư mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cung cấp hồ sơ hồi tháng 7/2022.

Hoàng Lam – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/thanh-hoa-cong-an-yeu-cau-dinh-gia-tai-san-du-an-khu-nha-o-sinh-thai-flc-post1505383.tpo

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội

Hiện nay, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Với vị trí thông thương, Biển Đông nằm trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á và Trung Đông – châu Á. Tuyến hàng hải qua Biển Đông là một trong những tuyến giao thương hàng hải quốc tế sầm uất nhất trên thế giới. Sự phát triển của nhiều nền kinh tế ở Đông Á đều gắn liền với tuyến đường biển này. Trong khi đó, bờ biển Việt Nam có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 1
Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp quan trọng để triển khai Nghị quyết 36NQ/TW trong 5 năm tới. (Ảnh: Bộ TN&MT)

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn trong khu vực, với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trịnh kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Các vùng biển và hải đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nguồn lợi thủy sản ven bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính bao gồm: Vịnh Bắc bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản, vùng duyên hải miền Trung chiếm 20,0%, vùng Đông Nam bộ chiếm 25,6%, vùng Tây Nam bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.

Việt Nam là quốc gia có có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000 ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp để phát triển nuôi biển. Đến nay, khoảng 57.000 ha đã được sử dụng cho nuôi biển, 443.000 ha còn lại vẫn ở dạng tiềm năng, đặc biệt là các khu biển vùng bờ và vùng lộng.

Trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và đá bán quý, và khoáng sản lỏng. Tiềm năng dầu khí phân bố trong các bể trầm tích…

Các vùng biển và hải đảo Việt Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Dọc bờ biển, có hơn 120 bãi tắm có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế…

Với vị trí địa lý như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước.

Thế kỷ của biển và đại dương

Cùng với những lợi thế trên, nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 3
Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các vấn đề biển. (Ảnh: TTXVN)

Trong hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có hai Nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cả hai Nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Từ đó, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện…

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Đối với tình hình trong nước ta thì việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 4

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò phát triển kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thế kỷ XXI – “Thế kỷ của biển và đại dương”, phát triển kinh tế biển đã trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đã có chiến lược khai thác tiềm năng để “tiến ra biển lớn”.

Khẳng định kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế – xã hội cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các áp lực lên môi trường biển nước ta. Trên cơ sở đó, vấn đề nổi cộm hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là: Vấn đề rác thải nhựa đại dương; sự cố tràn dầu trên biển; vấn đề kiểm soát các nguồn thải và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về biển và trong việc tổ chức còn nhiều hạn chế như thể chế, chính sách về biển, đảo chưa đồng bộ, thiếu các quy định chi tiết, khả thi, một số chủ trương lớn chưa được thể chế hóa kịp thời. Nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển. Đầu tư cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân đang sinh sống tại các khu vực ven biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Việt Nam cần tập trung triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ban hành, đặc biệt quan tâm triển khai các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Đưa ra những định hướng quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2030, cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đã được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đặc biệt tập trung vào du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu, khí, nuôi biển, điện gió. Bên cạnh đó, về phân vùng không gian biển, quy hoạch không gian biển là quy hoạch khung, mang tính định hướng làm cơ sở để các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các mục đích sử dụng biển cụ thể nhằm đạt được các mục đích chung của kinh tế biển xanh.

Có thể nói, sự trường tồn của biển phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển. Hay nói cách khác, phụ thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Mục tiêu phát triển kinh tế biển cũng được Đảng đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, hải đảo nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của các ngành, các cấp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện, trên nguyên tắc “sử dụng và khai thác” phải đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”. Đó chính là chìa khóa mở rộng cửa cho kinh tế biển Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Biển và đại dương có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển, sự tồn tại của nhân loại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Từ năm 2007, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của khu vực Châu Á thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược này đã được thực hiện năm 2018 để trên cơ sở đó hình thành Chiến lược mới, “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được cơ quan có thẩm quyền chính sách cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 (NQ36).

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

 

Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển đem lại cho Liên minh châu Âu 218 tỉ Euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỉ Euro (số liệu 2018). Còn đối với Mỹ, báo cáo năm 2020 (số liệu 2017) của Tổ chức Quản trị Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA), kinh tế biển đem lại cho Mỹ 318 tỉ USD trong GDP. Đối với Trung Quốc, từ năm 2010, kinh tế biển đã đóng góp cho GDP quốc gia này 240 tỉ USD. Bên cạnh phát triển các ngành kinh tế biển chính để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, các quốc gia lớn đều đang có những chiến lược biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình (như “Chiến lược Ấn độ Dương – Thái bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ).

Mạnh Quân – Tạ Nhị – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc gia. (ảnh: Ngọc Lân, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/dao-la-nha-bien-ca-la-que-huong-75077.html

Giải pháp phòng, chống ngập lụt đô thị tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với quá trình đô thị hóa thì vấn đề ngập lụt đô thị đang diễn biến phức tạp, gây kinh hoàng cho sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam.

Thiên tài cực tả

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có hơn 800 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các đô thị lớn là nơi thường xuyên hứng chịu tác động của các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, giông lốc, nắng nóng, gây thiệt hại lớn cho người và tài sản.

Mưa lớn, ngập lụt là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho các đô thị, nhất là các khu vực đô thị lớn, tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế, xã hội như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An)…

Trận mưa lịch sử tại Thủ đô Hà Nội (từ 30/10 đến 11/3/2008) có lượng mưa rất lớn: 400-600mm, một số trạm đo lượng mưa lớn nhất trong lịch sử quan trắc như Thanh Oai 988 mm , Hà Đông 830 mm, Láng 597 mm. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên báo động 1 ở sông Hồng tại Hà Nội và ngập lụt nghiêm trọng khu vực nội thành, làm 22 người chết, 21 nhà bị ngập, trôi, 34.868 nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 3.000 tỷ đồng.

Tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trận mưa lịch sử với tổng lượng 700 mm/24 giờ ngày 16/10/2019 đã làm 5.000 hộ dân bị ngập. UBND thành phố Vinh đã phải huy động 800 người để hỗ trợ sơ tán khoảng 700 hộ dân tại các phường Trung Đô, Bến Thủy.

Do ảnh hưởng của cơn bão hoàn lưu số 5, từ ngày 14-15/10/2022, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra mưa rất lớn từ 500-700 mm. Mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, có nơi ngập tới 1,5-2 m. Tính đến 14 giờ ngày 18/10, mưa lớn đã làm 4 người chết, xã 52/56, phường thuộc 7 quận, huyện với 70.000 nhà, 14 điểm trường ngập, trên 2000 xe ô tô và trên 30 xe máy. ngập nước và nhiều tài sản khác của người dân bị thiệt hại…; ước thiệt hại lên tới gần 1.500 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn ngày 11/3/2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đã nêu thực trạng tràn ngập các đô thị đang xảy ra khắp nơi những nơi như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay Hà Nội, những thành phố lớn ở Việt Nam cứ mưa là ngập. Đây là vấn đề được cử tri nhiều địa phương quan tâm và cần có biện pháp căn cơ, từ nhiều cơ quan, cấm, ngành liên quan mới có thể giải quyết triệt để.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đô thị Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn có rất nhiều hoạt động phát triển phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng, nhiều khu dân cư tập trung, sẽ là nơi chịu nhiều rủi ro thiên tai, trong đó có vấn đề ngập đô thị, cần có biện pháp chủ động phòng ngừa và ứng phó thời gian.

Tiến sĩ Seneka, Giám đốc Ban ứng phó khí hậu – Dự án tăng cường khả năng chống lại khí hậu cực lạnh cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á (URCE), Trung tâm phòng, chống thiên tai châu Á cho biết: Năm 2015, dân số thành thị trên thế giới đông hơn dân số nông thôn ( chiếm 54%), dân số nông thôn là 46%. Đến năm 2030, ít nhất có 61% dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố và hơn 2 tỷ người trên thế giới sẽ sống ở các khu ổ chuột. Do đó, xây dựng khả năng chống chịu của đô thị thông qua cảnh báo sớm và phản ứng nhanh là một vấn đề rất quan trọng. Khả năng chống chịu của đô thị là khả năng của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống trong thành phố để tồn tại, thích ứng dụng và phát triển.

Thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, trong đó có mưa cường độ rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn (từ 3-6 giờ) như tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh… Triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, gây ngập lụt nghiêm trọng cho các thành phố. Quy mô dân số tại các đô thị ngày càng gia tăng, phát triển đô thị chưa tính toán đầy đủ các yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai như thiếu thời gian thoát lũ, lưu trữ lũ (các hồ sơ, ao tự nhiên), hệ thống thoát nước không trả lời yêu cầu,… Các hệ thống tiêu thoát (cống tiêu, kênh tiêu…), tốt nhất là ở nội thành đã cũ lại hư hỏng, không hoặc chưa được duy trì, bảo dưỡng thường xuyên, cho nên khi có mưa (dù là mưa vừa) cũng đã gây nên ngập tràn nhiều vùng.

Cùng với đó, các đô thị lớn ven biển chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và triều cường với tần suất gia tăng. Phương án ứng phó thiên tài cho đô thị (nơi tập trung đông dân cư, cơ sở hạ tầng….) chưa được quan tâm đúng mức, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai của các thành phố thị còn hạn chế, hướng dẫn quản lý đô thị an toàn chưa được triển khai đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề về nhà ở, hệ thống thoát nước, cây xanh,…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Năm 2022, nhiều địa phương đã có giải pháp phòng, chống ngập lụt thành phố. Các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã và đang triển khai dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị tăng khả năng chống chịu, phục hồi trước khí hậu” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ không hoàn lại. Dự án được triển khai tại 5 đô thị thuộc vùng trước tác động của Thiên Tài, bao gồm: Thị xã Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình), thị xã Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), ​​thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), thị trấn Hương Khê và Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Dự án này giúp các khu vực đô thị tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi hệ thống trước hiệu quả của thiên tài và trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tràn ngập đô thị trong thời gian tới, cần thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn thiên tai khu vực đô thị.

Giải pháp chung đối với khu vực đô thị là cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, nhất là tiêu tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, ngập lụt, tràn ngập, tấn công cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Đối với giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tài, cần đầu tư, bổ cố, bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt do mưa lớn, lũ lụt, triều đại cường, nhất là đối với các đô thị lớn, trong đó yêu cầu tập trung phòng, chống tràn ngập mưa lớn và triều cường.

Quản lý đô thị an toàn trước thiên tài, cần kiểm soát quy hoạch, xây dựng để hạn chế tác động của thiên tai làm gia tăng rủi ro; xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng, chống ngập, chống ngập phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ; bố trí các đồng hồ điều hòa để lưu trữ nước tạm thời, chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước…

Cùng với đó, cần ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất tràn ngập không gian thoát nước, đồng thời tăng cường quét sạch hệ thống tiêu dùng, thoát nước; kiểm tra, kiểm tra các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tài chống lại cơ sở hạ tầng, công trình công cộng. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, hệ thống cống, trạm xả, hồ điều hòa, hệ thống tiêu chuẩn và kênh dẫn nước chống ngập ; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm tra giám sát toàn thiên tài, tốt nhất là tràn ngập trò chơi.

Đề cập đến các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị của Việt Nam, chị Hoàng Thị Thảo, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần điều tra khảo sát, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu, đề xuất giải pháp, hình thành bản đồ đô thị – khí hậu cho đô thị; tích hợp các biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cảnh báo rủi ro tại các thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro do biến đổi khí hậu; thực hiện các giải pháp công trình Giới hạn chế độ, kiểm tra các ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro khí hậu đối với hệ thống đô thị, có giải pháp định cư, di dân phù hợp. Đồng thời, truyền thông nâng cao năng lực của các cấp quản lý và cộng đồng dân cư về quản lý, phát triển thành phố ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học – công nghệ, phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu…

Thắng Trung (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh : Tuyến đường ven hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) bị triều cường dâng cao sáng 13/9/2022. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/xa-hoi/giai-phap-phong-chong-ngap-lut-do-thi-tai-viet-nam-20230126102220213.htm

Quảng Nam: Tạm dừng đấu thầu dự án bất động sản mới

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tiếp tục rà soát các dự án bất động sản, thực hiện tạm dừng đấu thầu các dự án mới.

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành thông báo kết luận cuộc họp giao ban ngày 16/01/2023 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các dự án bất động sản, thực hiện tạm dừng đấu thầu các dự án mới;

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu, Theo dõi việc khai thác đất san lấp, xây dựng công trình phục vụ thi công để kịp tiến độ các dự án; yêu cầu các địa phương thực hiện công tác đấu giá các dự án khai thác đất (kể cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường); chỉ đạo Sở Xây dựng cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Như Vietnamfinance trước đó thông tin,UBND tỉnh Quảng Nam đã công văn yêu cầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số dự án (chủ yếu tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc) vẫn còn diễn ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương lập danh mục dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị này phải tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

“Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ theo yêu cầu”, UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định. Thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, công khai việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền.

Xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi trốn thuế, đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường bất động sản, tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Phước Nguyên/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Ảnh: Quảng Nam sẽ tạm dừng đấu thầu các dự án bất động sản mới. Ảnh: Phước Nguyên

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/quang-nam-tam-dung-dau-thau-du-an-bat-dong-san-moi-20180504224280073.htm

Trồng cây gắn với bảo vệ rừng hiệu quả

“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày xuân.

Trong những năm qua, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.

Mục đích là để Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. 

Đến nay, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng năm 2022 đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng rừng mới, rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở các khu vực đô thị và nông thôn, tạo cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.

Tổ chức trồng cây gắn với quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra vi phạm.

Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỉ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường, chỉ tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vì rừng còn là nguồn sinh kế, nguồn thu nhập của hàng triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số nên trồng cây gây rừng có thể nói là “đòn bẩy” quan trọng để tăng thu nhập cho người trồng và chăm sóc rừng.

Trong khi đó, cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi thì nạn chặt phá rừng trái phép đã thu hẹp diện tích và khiến cho gần 10 triệu ha đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Chính những nguyên nhân trên đã và đang tác động trực tiếp đến kế sinh nhai cũng như thu nhập của hàng triệu người dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo. 

Bùi Phương

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Trồng rừng phòng hộ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)