• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 80

Đà Nẵng lý giải nguyên nhân cứ mưa là ngập

Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng cứ mưa là ngập, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.

Tại buổi họp báo quý 3 diễn ra chiều 25/10, ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Đà Nẵng liên tiếp xảy ra ngập lụt các tuyến đường, khu dân cư mỗi khi có mưa lớn.

Theo ông Phong, trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa lớn ngày càng nhiều, vượt quá năng lực của hệ thống thoát nước hiện có.

Hệ thống cống khu vực đô thị TP dài khoảng 1.800km và có gần 30km kênh mương hở. Trong đó khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994 bằng loại đá hộc, được che đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép.

Ông Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin tại buổi họp báo.

“Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Phần lớn hệ thống thoát nước được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp; một số tuyến cống cũ được xây bằng gạch và sau này xây bằng đá hộc, đã bị sụt lở, tắc nghẽn”, ông Phong cho hay.

Đối với một số khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu như đường Mẹ Suốt, Khe Cạn, ông Phong cho biết, đây là những khu vực mà người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, có nơi không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng.

Theo ông Phong, việc triển khai các dự án thoát nước tại khu vực này ở thời điểm hiện nay cần phải cân nhắc kỹ nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp với định hướng quy hoạch sử dụng đất.

Khu dân cư đường Mẹ Suốt bị ngập trong đợt mưa vừa qua.

Để giải quyết tình trạng ngập lụt đô thị, ông Phong cho biết, hiện nay, TP đang chuẩn bị đầu tư và thi công các dự án thoát nước, xử lý ngập úng.

Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp như tăng cường hơn nữa công tác khơi thông cửa thu, mương thu nước; khảo sát toàn bộ các bất cập về hệ thống cống thoát nước, trước mắt ưu tiên tại khu vực đô thị cũ…

Về giải pháp căn cơ, Sở Xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị. Đây là cơ sở để đề xuất các dự án thoát nước có quy mô lớn trên địa bàn TP trong thời gian tới, bảo đảm giải quyết triệt để vấn đề ngập úng.

Ông Phong cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa.

Trước mắt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các ban quản lý dự án chuyên ngành hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng và triển khai dự án cải tạo các hồ điều tiết khu vực sân bay Đà Nẵng (dự kiến kinh phí khoảng trên 700 tỷ đồng).

Ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP phát triển đô thị mới trên lõi nền đô thị cũ, việc thoát nước ở TP thực sự có vấn đề.

Ngoài lỗi thiết kế không khớp nối, còn có vấn đề lượng nước quá lớn ở sân bay. Trước đây khu vực sân bay Đà Nẵng được thiết kế với 14 hồ điều hòa nhưng thời gian qua các hồ đã bị bồi lấp.

Mặc dù Đà Nẵng đã nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa bão nhưng chỉ cần 1 tấm nylon bít cửa thu cũng ảnh hưởng đến việc thoát nước. Do đó việc nạo vét, kiểm tra cần phải xử lý trước, trong và sau khi mưa.

Ông Nam nhận định, việc Sở Xây dựng triển khai đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị sẽ là giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng ngập lụt.

Diệu Thùy – Hồ Giáp – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Đường phố Đà Nẵng ngập sâu sau mưa lớn.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/da-nang-ly-giai-nguyen-nhan-cu-mua-la-ngap-2206696.html

Công viên phần mềm gần 1.000 tỷ ở Đà Nẵng xây xong… bỏ đó

Tháng 5/2020, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư Công viên phần mềm số 2 với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, sau đó dự án được điều chỉnh lên mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án đã phải dừng do vướng hành lang pháp lý để đưa vào hoạt động.

Chiều 25/10, tại buổi họp báo quý III của UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Sơn Phong – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Đà Nẵng – đã thông tin về dự án Công viên phần mềm số 2, quận Hải Châu, hiện đang vướng pháp lý nên chưa thể hoạt động.

Ông Phong cho biết Dự án Công viên phần mềm số 2 hiện đang tạm thời dừng thi công dù đã hoàn thành thi công phần thô.

Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng – thông tin tại buổi họp báo.

“Công viên phần mềm này được thành phố xem là công trình trọng điểm, triển khai từ năm 2020. Sau nhiều lần triển khai thu hút đầu tư, đấu giá không thành công, thành phố đã quyết định đầu từ ngân sách thành phố”, ông Phong cho biết.

Ông Phong thông tin, công viên này về mặt thực tiễn là kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin của thành phố. Do được đầu tư bằng ngân sách nên Công viên phần mềm số 2 là tài sản công. Tuy nhiên, đến bây giờ quy định của pháp luật về hành lang pháp lý về tài sản kết cấu hạ tầng công lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa được Chính phủ ban hành.

“Cụ thể là quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công viên phần mềm chưa có. Đây chính là vướng mắc chính đối với dự án này”, ông Phong nói.

Theo Phó giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, năm 2022, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng. Ngày 21/3, Thủ tướng đã đồng ý cho phép thành phố bổ sung nội dung này vào quy định cơ chế đặc thù. Hiện, thành phố Đà Nẵng đang giao cơ quan chức năng xử lý việc này.

Trả lời câu hỏi về thời gian đưa công trình vào hoạt động, đại diện Sở TT&TT cho biết: Chưa có thời gian chính xác vì đang chờ Chính phủ ban hành nghị định. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã 2 lần lấy ý kiến bộ, ngành; Đà Nẵng đã 3 lần có văn bản giải trình, kiến nghị, đề xuất liên quan đến công trình này.

Ông Phong cũng cho biết thêm, đây là một điểm nghẽn của ngành công nghệ thông tin của thành phố nên Sở TT&TT mong công trình sớm đi vào hoạt động, để tạo không gian phát triển, tránh lãng phí vì nhu cầu đăng ký sử dụng trong không gian để phát triển doanh nghiệp đã vượt khả năng cung ứng.

Trong năm nay, Sở TT&TT đã nhận được nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển không gian sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2.

Nguyễn Thành – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Dự án Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng vướng hành lang pháp lý.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/cong-vien-phan-mem-gan-1000-ty-o-da-nang-xay-xong-bo-do-post1581374.tpo

Thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm quản lý xây dựng ‘chung cư mini’

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các ban ngành trực thuộc thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm quản lý xây dựng ‘chung cư mini’.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn thanh tra đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

“Việc thanh tra toàn diện ngoài mục đích kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật (nếu có); thông qua đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý loại hình nhà ở riêng lẻ, nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tế hiện nay”, Bộ Xây dựng cho biết.

Trước đó, ngày 22/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 991/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc “về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân”

Trong một số nhiệm vụ giao cho Bộ Xây dựng có nhiệm vụ: “tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023”.

Thực hiện Công điện số 991/CĐ-TTg của Thủ tướng, ngày 23/10/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ chủ trì xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Cụ thể, Bộ Xây dựng giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra tại một số địa phương tâp trung nhiều công trình nhà ở riêng lẻ, nhà cao tầng, cơ sở lưu trú và các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ tại các khu công nghiệp có mật độ người ở cao, như: Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Đối với các tỉnh, thành phố còn lại Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc tiến hành thanh tra (theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Bộ) và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng trong tháng 12/2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 29/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 1029/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy”.

Thành Lâm – Báo VTC News

Theo VTC News

Ảnh: Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các ban ngành trực thuộc thanh tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm quản lý xây dựng “chung cư mini”. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtc.vn/thanh-tra-toan-dien-xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-quan-ly-xay-dung-chung-cu-mini-ar829630.html

Hà Nội: Vi phạm tại 22 thửa đất, chủ đầu tư dự án The Jade Orchid bị phạt nặng

Liên danh chủ đầu tư dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế là Công ty Vimedimex và Công ty Bạch Đằng TMC bị xử phạt 320 triệu đồng, do vi phạm về đất đai.

Ngày 19/9/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4679/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính liên danh Công ty cổ phần Bất động sản Vimedimex và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC số tiền 320 triệu đồng.

Liên danh này bị phạt do có hành vi “chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị”, thuộc dự án Tổ hợp công trình nhà ở căn hộ, văn phòng và công cộng – tên thương mại là The Jade Orchid Cổ Nhuế (thuộc Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế – Chèm, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Ngoài xử phạt bằng tiền, UBND TP. Hà Nội còn buộc liên danh chủ đầu tư phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thời gian khắc phục hậu quả 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.

Trước đó, ngày 5/9/2023, UBND phường Xuân Đỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính số 41/BB-VPHC tại dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế, thuộc 22 thửa đất, tờ bản đồ số 8 đất nông nghiệp, bản đồ tỷ lệ 1/1.000 năm 1994. Dự án này do liên danh Công ty cổ phần Bất động sản Vimedimex và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC làm chủ đầu tư. Sau đó, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có tờ trình đề nghị UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu, dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế xây dựng trên khu đất rộng hơn 8ha. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 3.000 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021, dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế đã tạo cơn sốt trên thị trường bất động sản Hà Nội.

Thông tin quảng cáo trên một số website cho biết, dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế gồm 5 tòa nhà căn hộ chung cư cao tầng, cao 26 tầng, 3 tầng hầm và 3 khu nhà ở thấp tầng gồm biệt thự lâu đài và biệt thự lâu đài phố. Dự án này khi hoàn thành sẽ cung cấp 1.275 căn hộ chung cư và 104 căn biệt thự lâu đài phố, 22 căn biệt thự lâu đài.

Trải qua thời gian sốt “nóng” ấy, dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế hiện gần như toàn bộ các căn biệt thự, nhà liền kề của dự án mới chỉ xây xong phần thô, chưa hoàn thiện.

Sau nhiều năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thi công của dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế vẫn rất ỳ ạch

Được biết, năm 2010, UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và lắp máy TMC (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC) theo hình thức thỏa thuận chuyển nhượng, với mục đích xây dựng tổ hợp công trình căn hộ, văn phòng và công cộng. Đến năm 2016, dự án được phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Bất động sản Vimedimex – công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex lừng lẫy một thời của “nữ tướng” Nguyễn Thị Loan và Công ty Cổ phần Bạch Đằng TMC (tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC) liên danh triển khai dự án trên.

Tháng 5/2018, theo quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới, dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế được chia làm 2 phân khu có tổ hợp chung cư cao tầng và nhà liền kề biệt thự. Thế nhưng, như đã thấy, sau nhiều năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thi công của dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế đến nay vẫn rất ỳ ạch, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai của thành phố.

Việc bị phạt nặng như vậy khiến nhiều khách hàng lo ngại về vấn đề pháp lý phát sinh xung quanh giao dịch thương mại, khả năng tiến độ triển khai dự án của chủ đầu tư và việc phải khắc phục sai phạm sẽ ra sao, quyền lợi khách hàng được bảo đảm như thế nào khi thực hiện đúng quy định xử phạt sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy.

Khôi Nguyên – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Liên danh chủ đầu tư dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế là Công ty cổ phần Bất động sản Vimedimex và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC bị xử phạt 320 triệu đồng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/ha-noi-vi-pham-tai-22-thua-dat-chu-dau-tu-du-an-the-jade-orchid-bi-phat-nang-280710.html

TP.HCM ấn định thời gian khởi công cải tạo rạch Xuyên Tâm sau hơn 20 năm ì ạch

TP.HCM vừa phê duyệt dự án nạo vét cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư 9.600 tỷ đồng. Dự án này sẽ khởi đông đoạn đầu tiên vào tháng 8/2024 sau hơn 20 năm ì ạch thực hiện.

Ngày 24/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM thông tin về tiến độ triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, từ năm 2002, TP.HCM đã khởi động cải tạo dự án rạch Xuyên Tâm nhưng vì nhiều lý do khách quan nên công trình chưa thực hiện được.

Ngày 6/10/2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4584/QĐ-UBND phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm. Sau khi dự án được phê duyệt Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM đang triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công dự án.

Về kế hoạch khởi công dự án, ông Dũng cho biết dự kiến, trong tháng 8/2024 sẽ khởi công gói thầu xây lắp trên địa bàn quận Gò Vấp và hoàn thành công tác xây lắp gói thầu này vào tháng 4/2025. Riêng gói thầu trên địa bàn quận Bình Thạnh, dự kiến khởi công vào tháng 4/2025, hoàn thành tháng 4/2028.

Để cải tạo rạch Xuyên Tâm, TP.HCM phải thu hồi 159.000 m2 đất, với 1.880 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.107 hộ dân phải giải tỏa toàn phần.

“Hiện nay, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM đã ký hợp đồng tạm ứng kinh phí và bàn giao ranh dự án cho quận Gò Vấp và Bình Thạnh để 2 địa phương tiến hành khảo sát, chuẩn bị phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Quan điểm của thành phố khi giải phóng mặt bằng là người dân có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, ông Dũng thông tin.

Ông Dũng cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư sẽ kiến nghị UBND TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù như dự án đường Vành đai 3 trong giải phóng mặt bằng, trong đó sẽ thực hiện phương án bố trí kinh phí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ bố trí nền đất hoặc nhà tái định cư để bàn giao mặt cho dự án.

Rạch Xuyên Tâm là một trong những điểm ô nhiễm nặng nề nhất của TP.HCM. Suốt 2 thập kỷ qua, người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp dọc hai bên bờ rạch ô nhiễm khiến cuộc sống, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo quyết định được UBND TP.HCM phê duyệt, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật có tổng chiều dài hơn 8,8 km. Tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023-2028.

Dự án sẽ xây dựng tuyến kè bảo vệ 2 bên, nạo vét lòng rạch với độ sâu 3,5 m; chiều rộng rạch từ 20-30 m, xây dựng hệ thống thoát nước thải, đường giao thông dọc 2 bên rạch với quy mô 2 làn xe…

Lê Quân – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Ảnh: Một đoạn rạch Xuyên Tâm thuộc địa bàn quận Bình Thạnh bị ô nhiễm nặng – Ảnh: Lê Toàn

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/tphcm-an-dinh-thoi-gian-khoi-cong-cai-tao-rach-xuyen-tam-sau-hon-20-nam-i-ach-d201521.html

Những ‘vết thương’ trên núi Cấm

Nhìn những chỗ bị đào xới, băm nát, lở lói khắp núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), phần lớn do các công trình không phép, nhiều người yêu vẻ đẹp tự nhiên đầy hoang sơ của vùng đất này không khỏi xót xa.

Các công trình không phép chỉ bị nộp phạt

Theo UBND thị xã Tịnh Biên, các công trình không phép trên núi Cấm hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2019. Khi đó, UBND xã An Hảo đã có kiểm tra, nhắc nhở đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy định.

Trong các năm 2022 – 2023, chính quyền xã An Hảo tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình không phép do chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp. Các chủ công trình này đã chấp hành quyết định xử phạt nhưng không khôi phục tình trạng ban đầu của đất.

Gần đây, núi Cấm xảy ra một số vụ sạt lở sườn núi, trong khi các công trình đều được xây dựng tại các vị trí có địa hình lồi lõm, cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao với kết cấu tạm bợ, không đồng bộ nên UBND xã An Hảo tiếp tục buộc dừng hoạt động.

Chính vì lý do này, đồng loạt các chủ công trình này bắt đầu “kêu cứu”. Họ cho rằng việc dừng đột ngột gây ảnh hưởng đến kinh doanh, phải hoàn trả tiền đặt cọc cho khách, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được hướng dẫn làm thủ tục pháp lý.

Sau đó, Sở Xây dựng An Giang đã có buổi khảo sát trên núi Cấm, cùng tham gia có lãnh đạo UBND thị xã Tịnh Biên và các ngành chức năng tỉnh.

Việc khảo sát cho thấy các công trình ấy hoàn toàn sai, xây cất trên đất rừng nhưng không có giấy phép. Địa phương đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng chủ các công trình không chịu tháo dỡ mà vẫn hoạt động.

UBND thị xã Tịnh Biên xác định có 10 công trình (7 cũ, 3 mới) xây dựng, hoạt động tự phát trên núi Cấm. Địa phương vẫn giữ quan điểm buộc tháo dỡ.

Sau đó, UBND tỉnh An Giang đã họp các sở ngành và chính quyền thị xã Tịnh Biên để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc.

Vết thương tàn phá cảnh quan núi đồi

Những năm gần đây núi Cấm được nhiều người biết đến với điểm du lịch “săn mây”, thu hút nhiều du khách khắp nơi đổ về.

Nhưng, thật đáng buồn và không khỏi xót xa, chỉ trong thời gian ngắn, một vùng đất tuyệt đẹp đã xuất hiện nhiều công trình không phép mọc lên.

Những công trình sai phạm, xây dựng không phép đang tồn tại, ảnh hưởng xấu đến đời sống dân sinh, quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, đặc biệt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tài nguyên…

Chỉ trong thời gian ngắn, một vùng đất tuyệt đẹp đã xuất hiện nhiều công trình không phép mọc lên – Ảnh: V.T

Đến “Thiên đường mây” Núi Cấm vào thời điểm này không khó nhận ra hàng loạt các công trình không phép đã được xây dựng, đi vào hoạt động.

Người dân địa phương nói rằng nhìn những “vết thương” của rừng, đồi, núi do bị các công trình trái phép băm nát, những người yêu vẻ đẹp tự nhiên đầy hoang sơ của vùng đất này không khỏi xót xa.

Hủy kết luận giữ nguyên hiện trạng

Để làm rõ những thông tin về tình trạng xây dựng không phép, xâm lấn đất rừng tại “Thiên đường săn mây”, ngày 23.10, phóng viên Một Thế Giớiđã trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Thành Nhơn – Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên thì được ông cho biết địa phương đang chờ kết luận bằng văn bản của Ban Cán sự đảng, khi nào có sẽ cung cấp cho báo chí.

Văn bản của UBND tỉnh An Giang – Ảnh: T.V

Trước đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định số 1684 về việc hủy bỏ nội dung nêu ở mục 9, thông báo số 276 ngày 12.10.2022 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang về kết luận của cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (đã bị bắt giam về vụ án khác) tại buổi họp về tình hình quản lý, định hướng phát triển núi Cấm và xây dựng loại hình lưu trú các công trình không phép trên địa bàn núi Cấm.

Theo đó, nội dung bị hủy bỏ là: “Đối với các công trình xây dựng tự phát, trước mắt giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, yêu cầu các chủ công trình không phép giữ nguyên hiện trạng; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không đảm bảo quy định”.

Núi Cấm từng xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng

Vào khoảng 8 giờ ngày 5.5.2012, vụ tai nạn khủng khiếp bất ngờ xảy ra tại núi Cấm. Hòn đá lớn từ trên núi bất ngờ lăn xuống đè trúng chiếc xe của Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang.

Theo thông tin ban đầu, ngọn núi này cao khoảng 700m và tai nạn xảy ra ở khoảng lưng chừng núi. Chiếc xe du lịch 7 chỗ gặp nạn đang chạy hướng từ trên đỉnh xuống chân núi thì bất ngờ bị một hòn đá lớn và cùng nhiều đá nhỏ lăn xuống đè bẹp.

Tại hiện trường, chiếc xe du lịch lữ hành An Giang hoàn toàn bị bẹp dúm dưới tảng đá khổng lồ khiến 6 người thiệt mạng.

Rạng sáng 3.10.2023, cũng trên tuyến đường chính lên núi Cấm đã xảy ra trận sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể trận sạt lở xảy ra tại khu vực dốc Gió (thuộc tổ 7, ấp Thiên Tuế, xã An Hảo).

Ngay khi vụ việc xảy ra, UBND thị xã đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Tịnh Biên, UBND xã An Hảo phối hợp cùng Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm khảo sát thực tế để đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu.

Đoàn công tác phát hiện vụ sạt lở đã gây thiệt hại mái ta luy đường, hộ lan cứng và sập rào chắn lưới chắn B40, diện tích ảnh hưởng ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 40 – 60m3, ảnh hưởng giao thông 1/2 mặt đường và chỗ liền kề tại vị trí sạt lở thì phát hiện có 1 khu vực khoảng 20 m2 có nguy cao sẽ sạt lở tiếp.

Hơn thế nữa, địa phương và các đơn vị tư vấn khảo sát dọc sườn núi được 2 lần trong 5 ngày, đã phát hiện và xác định 397 vị trí có nguy cơ và nguy cơ cao sạt lở đá.

Tô Văn/MTG

Theo Một Thế Giới

Ảnh: Một trong những công trình không phép tại núi cấm, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang – Ảnh: V.T

Xem bài viết gốc tại đây:

https://1thegioi.vn/nhung-vet-thuong-tren-nui-cam-208002.html

Cận cảnh loạt dự án chiếm đất vàng, bỏ hoang hơn 15 năm của BMC ở Nghệ An

Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC được Nghệ An giao hàng ha ‘đất vàng’ tại các khu vực đắc địa để thực hiện các dự án bất động sản, thương mại. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, BMC chỉ xây dựng được một vài hạng mục rồi ‘quây tôn’ án binh bất động suốt nhiều năm nay.

Mới đây, BMC bị Chi cục Thuế TP. Vinh (Nghệ An) đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP. HCM ban hành quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì doanh nghiệp này chầy ì nợ thuế kéo dài khiến “số phận” các dự án càng trở nên hẩm hưu.

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC – Vinh – Plaza tại phường Quán Bàu (TP. Vinh) được chấp thuận chủ trương từ năm 2007 đến nay hơn 15 năm năm vẫn đang “quây tôn” giữa trung tâm TP. Vinh.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty BMC (có địa chỉ tại Số 455-457, đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 12/11/2010, do ông Phạm Lê Hùng (sinh năm 1968, ở TP.HCM) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty.

Dự án có tổng diện tích quy hoạch 11.253,3 m2. Vị trí triển khai dự án nằm trên khu đất “kim cương” tại ngã tư ga Vinh, giao nhau giữa đường Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Nguyễn Sỹ Sách và đường Lê Lợi, TP. Vinh.

Tại Nghệ An, BMC là chủ của 3 dự án lớn gồm: Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, chung cư cao tầng BMC tại phường Hưng Bình, TP. Vinh; dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC – Vinh – Plaza tại phường Quán Bàu (TP. Vinh) và dự án BMC Cửa Lò Plaza ở phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.

Sau 16 năm được phê duyệt, nơi đây chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm, hàng rào quây tôn xiêu vẹo theo thời gian, và người dân nơi đây đã đặt cho dự án này với cái tên rất hình tượng “dự án quay tôn”.

Cả 3 dự án này được UBND tỉnh Nghệ An trao chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC theo hình thức “trải thảm đỏ” từ những năm 2007 nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Trong đó, dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC – Vinh – Plaza tại phường Quán Bàu, TP. Vinh có tổng diện tích quy hoạch 11.253,3 m2.

Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC cũng tọa lặc ở vị trí đắc địa trên trực đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình, TP. Vinh được chấp thuận đầu tư vào năm 2006.

Vị trí triển khai dự án nằm trên khu đất “kim cương” tại ngã tư ga Vinh, giao nhau giữa đường Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Nguyễn Sỹ Sách và đường Lê Lợi, TP. Vinh.

Trước khi chấp thuận cho BMC làm chủ dự án, khu đất này là đất sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, cá nhân, trong đó riêng đất của Hợp tác xã Bình Vinh và Hợp tác xã Xuân Thành quản lý… được thu hồi cho BMC để triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại. Đến nay, sau 16 năm được phê duyệt, nơi đây chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm, hàng rào quây tôn xiêu vẹo theo thời gian, và người dân nơi đây đã đặt cho dự án này với cái tên rất hình tượng “dự án quay tôn”.

Năm 2009, dự án được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thiện, đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng nhà đầu tư chỉ triển khai xây dựng đến tầng thứ 11 của dãy 2 tòa nhà thì bất ngờ dừng lại cho đến nay…

Cũng án ngự vị trí “đắc địa” tại trung tâm TP. Vinh (thuộc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình, TP. Vinh), dự Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho BMC làm đầu tư vào tháng 6/2006. Quy mô dự án là xây dựng 2 tòa nhà cao 20 và 18 tầng.

Tháng 2/2009, dự án được bàn giao mặt bằng và được BMC khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thiện, đưa vào sử dụng vào năm 2010.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng dự án này, chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Đến năm 2013, khi chủ đầu tư BMC đã xây dựng đến tầng thứ 11 của dãy 2 tòa nhà thì bất ngờ dừng lại cho đến nay.

Bên ngoài dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC được vây rào tôn xung quanh và “án binh bất động” suốt nhiều năm nay.

Theo quan sát của PV, đến thời điểm hiện nay, bên ngoài dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC được vây rào tôn xung quanh, bên trong không thấy bóng dáng công nhân hay máy móc đang hoạt động.

Nhìn từ bên ngoài, 2 tòa nhà đã được xây đến tầng thứ 11, 3 tầng dưới chủ đầu tư mới đổ cọc và sàn bê tông, trong khi đó các tầng phía trên cơ bản hoàn thành phần thô, phía ngoài được sơn trắng. Phía trên nóc tua tủa hàng trăm thanh thép chờ.

Hệ thống cốt thép cọc trụ phía trên tòa nhà bị ghỉ sét… do ngừng thi công từ nhiều năm nay

Việc dự án xây dựng dở dang, kéo dài cả chục năm trời đã khiến bộ mặt đô thị của thành phố Vinh trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị…

Ngoài 2 dự án ở TP.Vinh, dự án BMC Cửa Lò Plaza (phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò) với diện tích đất hơn 5.000m2 được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 đến nay cũng chung cảnh ngộ. Sau thời gian dài không triển khai thực hiện xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thu hồi dự án này.

Theo Chi cục Thuế TP. Vinh, tính đến thời điểm ngày 6/10/2023, BMC còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp hơn 60 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất hơn 29,3 tỷ đồng, tiền chậm nộp hơn 30,6 tỷ đồng. Chi cục Thuế TP. Vinh đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP. HCM ban hành quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nêu trên trong thời hạn 10 ngày hoặc thông báo cho Chi cục Thuế TP. Vinh về lý do không thu hồi…

Theo Chi cục Thuế TP. Vinh, tính đến thời điểm ngày 6/10/2023, BMC còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp hơn 60 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất hơn 29,3 tỷ đồng, tiền chậm nộp hơn 30,6 tỷ đồng. Chi cục Thuế TP. Vinh đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP. HCM ban hành quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nêu trên trong thời hạn 10 ngày hoặc thông báo cho Chi cục Thuế TP. Vinh về lý do không thu hồi

Văn Tuân/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/can-canh-loat-du-an-chiem-dat-vang-bo-hoang-hon-15-nam-cua-bmc-o-nghe-an-20180504224290457.htm

4 hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường: Chúng ta có thể làm gì?

Bạn có đang hiểu sai về bảo vệ môi trường? Có phải sản phẩm thân thiện với môi trường đều là sản phẩm bền vững?

tm-img-altNguồn: Pexels

Tái chế là biện pháp toàn diện nhất

Các bạn trẻ thường nghĩ tái chế là biện pháp tối ưu nhất để giảm thiểu được các vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều trào lưu như “Gom 10 vỏ chai nước được tặng 1 chai nước mới” hay “Biến đồ nhựa thành đồ gia dụng” vô tình khiến mọi người suy nghĩ rằng tái chế là quy trình quan trọng nhất các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ: Chỉ 32,1% rác thải được tái chế vào năm 2018. Một sản phẩm phải trải qua nhiều quy trình và công nghệ phức tạp mới có thể tái chế và đưa ra thị trường. Điều đó nghĩa là nếu chỉ áp dụng quy trình tái chế là không đủ để cải thiện tình hình rác thải.

Theo mô hình 3R: Reduce – Recycle – Reuse (Giảm thiểu – Tái chế – Tái sử dụng), chúng ta có thể bảo vệ môi trường thông qua những hành động khác như: Giảm thiểu rác thải thực phẩm, rác thải nhựa bằng việc hạn chế sử dụng bao bì dùng một lần, không lãng phí thức ăn…

tm-img-altPhân loại rác cũng là một phương pháp đơn giản và thiết thực để bảo vệ môi trường. Nguồn: Unsplash

Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm bền vững

Các sản phẩm gắn nhãn eco – friendly (thân thiện với môi trường) là những sản phẩm có chiết xuất tự nhiên và được sản xuất dựa trên mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng những sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đồng thời là phẩm bền vững.

Trên thực tế, tính bền vững của một sản phẩm còn dựa trên rất nhiều tiêu chí khác như vòng đời, dấu chân carbon, độ bền, tuổi thọ và khả năng tái chế.

Ví dụ: Các doanh nghiệp đang có xu hướng sử dụng nhựa phân huỷ sinh học vì có khả năng phân huỷ nhanh hơn nhựa truyền thống.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường: Loại nhựa này chỉ phân huỷ trong điều kiện nhiệt độ cao và tiếp xúc lâu với tia UV. Trong điều kiện tiêu chuẩn, chúng có thể tồn tại nhiều năm và góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Một phần nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn này còn do trào lưu tẩy xanh của các doanh nghiệp, gây ra sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.

tm-img-altSử dụng túi vải thay thế cho túi nylon dùng một lần để giảm thiểu rác thải nhựa. Nguồn: Pexels

Trước khi chọn mua một sản phẩm, bên cạnh cân nhắc đến thành phần, tính năng và giá tiền, bạn nên ưu tiên chọn những sản phẩm có chứng nhận về tính bền vững của sản phẩm được công nhận bởi các bên thứ ba như Energy Star, Fair Trade và Cradle to Cradle.

Công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề

Công nghệ là một trong những yếu tố được kỳ vọng rất nhiều trong việc thay thế và giải quyết các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, điều này cũng có rất nhiều mặt hạn chế. Một giải pháp công nghệ hoàn chỉnh đòi hỏi phải đi kèm với thay đổi hành vi người tiêu dùng, chính sách nhà nước và tình hình kinh tế hiện tại.

Theo nghiên cứu về môi trường của tạp chí Nature: Mặc dù tiến bộ công nghệ có thể giảm thiểu lượng khí thải, nhưng để đạt được sự bền vững lâu dài đòi hỏi phải thay đổi hành vi, chính sách cải cách và hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề một cách toàn diện.

Ví dụ: Xe điện thường được xem là thân thiện với môi trường vì không thải ra khí thải ô nhiễm, nhưng quy trình sản xuất pin và nguồn điện vẫn gây tác động ít nhiều đến các tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể là một lựa chọn bền vững hơn vì giúp giảm thải lượng carbon và hạn chế quy trình sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của những đất nước phát triển

Đối với những quốc gia đang phát triển, yêu cầu cấp bách nhất được cho là phát triển nền kinh tế, giáo dục, tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân. Tuy vậy, môi trường cũng là một vấn đề đáng để ưu tiên.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới: Hơn 90% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi kinh tế trên toàn cầu. Điều này chứng tỏ việc bảo tồn nguồn nước và hạn chế ô nhiễm không khí là vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Gen Z có thể làm gì cho môi trường?

Bằng cách định nghĩa lại những quan điểm sai lầm về bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng nhận thức đi kèm với hành động tức thời, gen Z là thế hệ được kỳ vọng rất nhiều trong việc tạo ra một môi trường thiên nhiên bền vững và lành mạnh:

Ưu tiên các sản phẩm bền vững: Hạn chế sử dụng thời trang nhanh hay các loại bao bì dùng một lần. Thay vào đó, tái sử dụng lại tủ quần áo và thay các loại chai nhựa, túi nilon bằng bình nước, hộp thuỷ tinh hoặc túi vải cá nhân để đựng thực phẩm.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng: Sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng tiếp cận với rất nhiều thông tin. Việc thường xuyên chia sẻ những tin tức, vấn đề về môi trường sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người xung quanh về các vấn đề này.

Bảo vệ môi trường từ lâu đã không còn là vấn đề của các tổ chức hay doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Chỉ với những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, bạn đã góp phần cho sự thay đổi tích cực của môi trường sống xung quanh mình. Tham khảo: Vietcetera

Trâm Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Các bạn trẻ nhóm tình nguyện Nghệ An xanh cùng nhau dọn rác dưới lòng sông. Nguồn: Môi trường và Đô thị

Quảng Ngãi: Công nhân môi trường “xung kích” mùa mưa bão

(Phapluatmoitruong.vn) – Đã mấy ngày qua, nhiều công nhân của Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi suốt ngày đêm dầm mình trong mưa lũ.

Tình cờ đi qua khu phố nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, TP. Quảng Ngãi, tôi bắt gặp những công nhân nữ đang cặm cụi quét rác, dọn những cành cây xanh vừa bị cơn mưa và lốc thổi bay tứ tung. Ngay trên đoạn đường Phan Đình Phùng (trước cổng Thành ủy Quảng Ngãi), nước mưa đã nhấn chìm lòng đường gần cây số. Những chiếc xe máy, xe con ì ạch cố vượt qua đoạn nước chảy mạnh. Chiếc xe bị tắt máy, một công nhân đang trực hố ga liền chạy đến đẩy giúp chủ xe đi qua đoạn nước ngập với gương mặt mệt mỏi. Họ là những công nhân “xung kích” của Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đang ngày, đêm quét rác và túc trực nơi hố ga để cào rác, tháo nắp cống để thoát nước ngập trong khu phố…

“Cả đêm qua trời mưa kèm theo gió mạnh đã làm nhiều tuyến phố ngập nước. Có nơi rác thải sinh hoạt trong các khu dân cư trôi tấp ra đường, hố ga làm tắc cống thoát, gây ngập cục bộ trong thành phố. Công nhân đội số 10, thuộc Xí nghiệp môi trường phải thường xuyên túc trực móc rác, mở nắp hố ga để thoát nước. Có nhiều người mất ngủ trong những đêm trực mưa lũ với gương mặt phờ phạc, nhưng vẫn “xung kích” giải phóng nhanh những đống rác đang bốc mùi hôi thúi và dọn những cành cây đổ gãy nằm ngổn ngang trên đường phố” – Một công nhân Xí nghiệp môi trường cho hay.

Sau cơn mưa lớn, các tuyến đường trong TP. Quảng Ngãi ngập sâu trong nước.

Một số hộ dân trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tự Tân chia sẻ: “Mấy hôm nay trời mưa lớn nên nước thoát không kịp đã làm nhiều khu dân cư bị ngập cục bộ. Đường sá ngập sâu đi lại rất khó khăn. Phương tiện giao thông hoạt động hạn chế, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nhờ có công nhân thường xuyên quét rác, túc trực mở cống thoát nước nên đã “giải cứu” kịp thời cho những tổ dân phố bị ngập nước, cô lập trong đêm qua”.

“Họ là những công nhân xung kích thường xuyên có mặt ở các điểm nóng trên đường phố trong những ngày mưa lũ. Họ không những làm tốt công việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày, mà còn cảnh báo kịp thời cho người và phương tiện tham gia giao thông né tránh những hố ga bị ngập nước, hư hỏng, tránh tai nạn xảy ra. Đồng thời, họ cũng xử lý nhanh những đống rác, súc vật chết tấp vào khu vực ngập nước, gây ô nhiễm môi trường”, bà Nguyễn Thị Thu, ở đường Trần Hưng Đạo cho biết.

Trận mưa lớn vừa qua đã làm nhiều KDC bị ngập nước.

Có thể thấy, những công nhân vệ sinh môi trường đã không quản ngại ngày đêm, thường xuyên có mặt xử lý những khu vực còn ứ đọng rác thải với khối lượng lớn. Nhất là trong những ngày mưa lũ, lượng thác thải, súc vật chết trôi tấp vào nhiều nơi, nhưng Đội xung kích vệ sinh môi trường đã có mặt xử lý kịp thời, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là công nhân Lê Thị Thùy Tân – Đội sản xuất số 10 (Xí nghiệp môi trường), dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng đã nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành “bông hồng đường phố” mà chương trình Cây chổi vàng đã giới thiệu trước đây.

Công nhân Lê Thị Thùy Tân đang quét rác trong đêm tại khu vực Công viên Ba Tơ (TP. Quảng Ngãi).

Đáng nói, năm 2023, Công ty đã ký hợp đồng mở rộng khu vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn và Khu kinh tế Dung Quất. Nơi đây đã tuyển thêm khoảng 300 lao động và đào tạo tay nghề đảm bảo thực hiện nhiệm vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn. Công ty cũng đã đầu tư thêm 30 đầu xe chuyên dụng, đáp ứng vận chuyển, xử lý kịp thời khối lượng rác thải trên địa bàn mới khoảng 100 tấn/ngày. Nhờ đó, hiện nay các địa địa phương đã thực hiện khá tốt việc thu gom, xử lý rác thải, không còn cảnh rác thải ứ đọng tràn lan trên đường hay khu dân cư như trước đây.

“Việc thu gom, vận chuyển rác về nhà máy xử lý được chính quyền địa phương và người dân rất đồng tình ủng hộ. Trước đây, địa phương sử dụng biện pháp thủ công chôn lấp rác không bảo đảm vệ sinh, người dân trong vùng đã phản ứng mạnh mẽ. Nay Công ty xử lý rác thải bằng biện pháp công nghệ cao, mang tính chuyên nghiệp nên xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh. Đây là một trong những tiêu chí cơ bản để huyện Mộ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024” – Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân khẳng định.    

Công nhân đang cắt, tỉa cành cây cao trên các con đường thuộc TP. Quảng Ngãi.

 Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi Bùi Văn Quang: “Trong mùa bão, lũ, Công ty gặp nhiều khó khăn không những về xử lý rác thải sinh hoạt mà còn tỉa cành, hạ độ cao cây xanh và sửa chữa điện thắp sáng công cộng… Tuy nhiên, Công ty có những công nhân xung kích tuyến đầu, đã xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trên địa bàn. Nhờ đó, Công ty hiện nay đã xử lý khối lượng rác thải trên 450 tấn/ngày, đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng nơi công viên cây xanh, đường phố và đã có biện pháp gia cố, cắt tỉa cành trên 1.500 cây xanh cao to xong trước ngày 30/9…”.    

So với nhiều năm trước, việc cắt tỉa cây xanh năm nay chủ động hơn về mặt thời gian. Người dân đều nhận thức rõ việc cần thiết phải cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trước mùa mưa bão nên rất ủng hộ. Trong quá trình thi công, việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và vệ sinh đường phố luôn được Công ty coi trọng. Đến thời điểm này, đội thi công “xung kích” đã hoàn thành cắt tỉa cành cây to trong thành phố. Đặc biệt, các tuyến đường Nguyễn Nghiêm, Hùng Vương, Phan Chu Trinh là ưu tiên cắt tỉa cành và có biện pháp gia cố trước. Đây là những tuyến đường đặc thù, vì vừa qua có thực hiện nâng cấp, cải tạo vỉa hè nên rễ cây bị tổn thương, cây yếu, khả năng bị ngã đổ cao…”, ông Quang cho biết thêm.

Xe chuyên dụng của Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi vận chuyển rác thải về nhà máy xử lý.

Miền Trung hiện đang bước vào mùa mưa bão, những cơn dông kèm theo sấm chớp bất ngờ là chuyện xảy ra thường xuyên. Việc phòng chống ngã đổ cây do tác động của mưa bão là việc làm cấp thiết. Hiện nay, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi liên tục cập nhật thông tin tổng hợp cho các Xí nghiệp để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ xung kích, xử lý kịp thời điểm nóng trên địa bàn.      

                                                      Minh Trí

                                             (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đang cắt cành cây trước mùa mưa bão.

 

TP.HCM: Chính quyền cấp sổ chồng lấn gây tranh chấp lối đi chung

(Phapluatmoitruong.vn) – Thời gian qua, tình trạng người dân tranh chấp lối đi chung diễn ra khá phổ biến. Đây được xem là một trong những vấn đề phức tạp, bởi không chỉ liên quan đến nguồn gốc, ranh giới đất, mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Sổ hồng chồng lấn lối đi chung

Theo tìm hiểu của PV, một trong những nguyên do của việc trên xuất phát từ việc chính quyền địa phương quản lý đất đai còn lỏng lẻo.

Đơn cử vừa qua, Môi trường và Đô thị điện tử nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân tại huyện Bình Chánh, về việc UBND xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đã xác nhận lối đi chung cho người dân từ năm 2003, nhưng mới đây lại xác nhận đo đạc, cấp GCNQSDĐ mới cho người khác.

Đồng thời, UBND xã cho phép người dân xây dựng hàng rào tạm, san lấp đất mà không tiến hành thẩm tra, xác minh hiện trạng đất sử dụng thực tế. Không lập biên bản xác định ranh giới theo quy định, dẫn đến việc tranh chấp lối đi chung của các hộ dân phía trong.

Cụ thể, theo thông tin phản ánh của bà Huỳnh Thị Diệu (đại diện các hộ dân), từ năm 1975 đến nay, toàn bộ thửa đất số 90, Tờ bản đồ số 86, được UBND huyện Bình Chánh cấp GCNQSDĐ số CH04205 ngày 21/5/2015 tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho bà Diệu và chồng Nguyễn Văn Út (đã mất) là đồng chủ sở hữu. Thửa đất trên được vợ chồng bà cùng dòng tộc cam kết được sử dụng làm lối đi chung cho 22 hộ dân có đất bao bọc xung quanh.

Theo xã Phạm Văn Hai và xã Bình Hưng Hòa (cũ), huyện Bình Chánh xác nhận, diện tích thỏa thuận lối đi chung trên rộng 8 mét, dài 50 mét. Dòng tộc của bà Diệu cũng đã có giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Út đứng tên để thực hiện các thủ tục về đất đai lối đi chung trên.

Bà Diệu cho biết: “Tháng 11/2020, bà Trương Thị Giác (SN: 1959; ngụ 101/31 Phạm Đình Hổ, P.6, Q.6, TP.HCM), do có nhiều thửa đất phía bên trong khu đất trên nên đã thương lượng được góp để được sử dụng chung lối đi trên. Trong quá trình làm thủ tục góp tiền, lợi dụng sức khỏe và tuổi già của tôi không làm thủ tục được, bà Giác đã chuyển nhượng phần đất trên sang tên mình. Sau đó, bà Giác lại tiếp tục chuyển nhượng cho con ruột là ông Trịnh Gia Phú (thường trú tại: 101/31 Phạm Đình Hổ, P.6, Q.6, TP.HCM). Mới đây, ông Phú đã đến rào chắn con đường, ngăn cản người dân sử dụng lối đi trên”.

Từ đây, các bên phát sinh mâu thuẫn, bà Diệu đã có đơn trình báo cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Giấy tờ liên quan đến việc UBND xã Phạm Văn Hai xác nhận lối đi chung tại thửa đất của bà Diệu và giấy cam kết của bà Trương Thị Giác.

Chủ đất mới né tránh cam kết

Đáng chú ý, theo người dân phản ánh, mặc dù bà Trương Thị Giác có đơn cam kết thửa đất trên là lối đi chung, nhưng ông Trịnh Gia Phú (con ruột bà Giác) lại bác bỏ, ngang nhiên rào chắn lối đi chung trên đó. Điều này gây khó khăn cho rất nhiều hộ dân bên trong và lân cận, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp bằng bạo lực nếu chính quyền không có biện pháp xử lý thấu tình đạt lý.  

Bình luận về vụ việc, theo LS Phan Văn Việt – Đoàn Luật sư TP.HCM, theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi BĐS của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu BĐS liền kề dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Những chủ sở hữu BĐS lân cận phải có nghĩa vụ tạo lối đi cho người có đất bị vây bọc.

“Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tranh chấp về lối đi, chính quyền địa phương cần có sự can thiệp sớm, giúp đôi bên hòa giải vụ việc, tránh tình trạng kiện tụng ra tòa. Đồng thời, để tranh chấp kèo dài gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội tại địa phương”, LS Việt chia sẻ thêm.

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin vụ việc, ngày 24/10/2023, PV đã đến liên hệ làm việc với UBND xã Phạm Văn Hai, nhưng lãnh đạo xã này đi vắng, bà Trương Thị Uyên – cán bộ văn phòng xã đề nghị PV để lại thông tin, UBND xã trả lời sau.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Đỗ Thuận

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Lối đi chung đang tranh chấp thuộc xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

TP.HCM: Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường chìm trong biển nước

Mưa không quá nặng hạt nhưng rải rác kéo dài, cứ mưa rồi tạnh rồi lại mưa, đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, chủ yếu tại các quận 8, Bình Tân, Tân Bình.

Chiều 23/10, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến hàng loạt tuyến đường tại một số quận, huyện bị ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy do nước ngập quá bánh xe, người dân chật vật di chuyển qua đoạn ngập nước.

Theo ghi nhận từ ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường UDI Maps của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thoát nước Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa xuất hiện vào khoảng gần 14 giờ chiều tại một số khu vực vùng ven của Thành phố, sau đó lan dần vào các quận trung tâm.

Mưa không quá nặng hạt nhưng rải rác kéo dài, cứ mưa rồi tạnh rồi lại mưa.

Đến hơn 19 giờ cùng ngày, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố vẫn còn mưa.

Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, chủ yếu tại các quận 8, Bình Tân, Tân Bình.

Trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), nước ngập gần hết bánh xe môtô khiến nhiều phương tiện chết máy, người dân phải vất vả dắt xe qua đoạn ngập hoặc dựng tạm xe trên vỉa hè chờ nước rút.

Cách đó khoảng vài km, tuyến đường Quốc lộ 1 (đoạn qua Khu công nghiệp Pouyuen, quận Bình Tân) cũng bị ngập sâu.

Tuyến đường Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) ngập sâu gây khó khăn cho người tham gia giao thông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Cả đoạn đường dài trên 2km chìm trong biển nước khiến giao thông gần như bị tê liệt; dòng nước chảy mạnh khiến nhiều người điều khiển xe loạng choạng tay lái, suýt té ngã.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh radar thời tiết và ảnh định vị sét cho thấy nhiễu động gió Đông ở rìa phía Nam áp cao cận nhiệt đới là nguyên nhân gây mưa diện rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ vào chiều nay.

Lượng mưa đo được tại trạm Lê Minh Xuân 1 (huyện Bình Chánh) gần 90mm, tại Hóc Môn là 60mm, nhiều quận huyện khác từ 30-50mm.

Dự báo tối 23/10, mây dông tiếp tục phát triển và gây mưa rào, kèm theo dông, sét cho hầu hết các khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm; trong cơn dông, đề phòng sét và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17 m/s)./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) chìm trong biển nước. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/tphcm-mua-lon-keo-dai-nhieu-tuyen-duong-chim-trong-bien-nuoc/903800.vnp

Cả nước đang tồn kho gần 17.000 bất động sản

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù lượng giao dịch bất động sản quý III tăng nhưng tồn kho vẫn lớn. Cả nước có gần 17.000 sản phẩm bất động sản tồn kho.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ cơ chế và chính sách, cũng như sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng, song vẫn tồn tại nhiều dự án bất động sản đang phải tạm ngưng do gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý, điều chỉnh quy hoạch…

Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang làm cho việc giải quyết lượng tồn kho bất động sản trở nên khó khăn.

Theo Bộ Xây dựng, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn hơn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.

Hàng tồn kho lớn được thể hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho thấy, giá trị tồn kho 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ đồng). Lượng hàng tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.

Dù giá trị tồn kho bất động sản gia tăng, nhiều chuyên gia vẫn duy trì dự báo lạc quan và cho rằng tồn kho này sẽ trở thành tài sản giá trị trong giai đoạn sắp tới, khi thị trường bất động sản trở lại với tình trạng thanh khoản tốt hơn.

Để gỡ khó thị trường bất động sản Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường; Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, phải tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể nguyên nhân và khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, địa phương phải rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án bất động sản mới, trong đó có dự án nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, mỗi địa phương phải lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Ngọc Mai – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Tồn kho bất động sản quý III tăng hơn quý II.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/ca-nuoc-dang-ton-kho-gan-17000-bat-dong-san-post1580563.tpo

Loạt sai phạm tại dự án Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang

Theo Thanh tra tỉnh Bắc Giang, có nhiều vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư; đất đai, môi trường; pháp luật về xây dựng; thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… đối với Dự án ‘Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics Quốc tế thành phố Bắc Giang’.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang vừa tiến hành thanh tra toàn diện Dự án Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang tại xã Song Khê và đã chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện.

Đây là dự án trọng điểm có quy mô lớn được thực hiện theo chủ trương thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước của tỉnh Bắc Giang.

Tháng 9/2016, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang làm nhà đầu tư dự án. Dự án triển khai trên diện tích 66,69ha; tổng vốn đầu tư là 4.194 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 50 năm. Dự án đã triển khai thực hiện 15,17% tổng vốn đầu tư đăng ký và 25,45% tổng vốn đăng ký giai đoạn 1.

Quá trình triển khai, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang và các cơ quan liên quan cơ bản thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện công ty kê khai không trung thực, không chính xác về việc góp vốn điều lệ (công ty kê khai 2 thành viên góp vốn đã góp đủ số vốn góp điều lệ như đăng ký trong khi có 1 thành viên chưa góp đủ số vốn góp điều lệ).

Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ góp vốn và huy động vốn.

Dự án chậm tiến độ nhưng không thực hiện thủ tục điều chỉnh và đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính với hành vi không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án đã ngừng hoạt động từ ngày 1/3/2022 (quá 6 tháng) nhưng nhà đầu tư không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, quá trình thực hiện, chủ đầu tư không chấp hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện dự án, báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.

Dự án triển khai trên diện tích 66,69 ha, tổng vốn đầu tư là 4.194 tỷ đồng, tuy nhiên hiện đang chậm tiến độ góp vốn, chậm tiến độ huy động vốn, chậm tiến độ thực hiện

Kết luận của thanh tra tỉnh Bắc Giang nêu rõ, UBND thành phố Bắc Giang chưa làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến diện tích 3,66ha (36.655,1m2) đất đã thu hồi khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án nên đến nay nội dung vướng mắc trên vẫn chưa được giải quyết xong.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang đã bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phần diện tích 4,63ha (trong đó có 3,66 ha nêu trên) với số tiền 8,2 tỷ đồng nhưng TP Bắc Giang lại lập hồ sơ giao đất để thực hiện Dự án hạ tầng, kho bãi trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang.

Ngoài ra, quá trình xây dựng, vận hành trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang có dấu hiệu hoạt động không đúng mục đích lắp đặt.

Đối với việc thực hiện pháp luật thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, quá trình kê khai, quyết toán thuế năm 2021, do ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết pháp luật về thuế hạn chế, công ty cho thuê hệ thống trạm trộn để vận hành cung cấp bê tông phục vụ dự án thu số tiền 4,5 tỷ đồng nhưng không ghi nhận doanh thu để tính thu nhập chịu thuế; không xuất hóa đơn giá trị gia tăng 10% khi cho thuê hệ thống trạm trộn.

Một số hình ảnh phóng viên VOV.VN ghi lại tại dự án:

Hiện dự án vẫn là các bãi đất trống, không được đầu tư gây lãng phí nguồn lực đất đai. Dự án do Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang là nhà đầu tư.

Dự án đã ngừng hoạt động từ ngày 1/3/2022 nhưng nhà đầu tư không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền

Nhiều hạng mục đã có biểu hiện xuống cấp, hoen rỉ

Trụ sở nhà điều hành đã xuống cấp sau nhiều năm không được sử dụng

Bản đồ quy hoạch dự án Dự án “Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics Quốc tế thành phố Bắc Giang”

Gần 70ha đất vàng bỏ không, lãng phí, không phát huy được nguồn lực theo đúng nghĩa

Tiến Dũng – Văn Giang/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Toàn cảnh dự án “Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics Quốc tế thành phố Bắc Giang”

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/kinh-te/loat-sai-pham-tai-du-an-trung-tam-logistics-quoc-te-bac-giang-post1054403.vov

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam vẫn thiếu nguồn vật liệu cát và đất đắp

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ của các bộ, ngành, địa phương, sản lượng thi công dự án đạt gần 12% giá trị các hợp đồng.

Thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau gần 11 tháng triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tháo gỡ của các bộ, ngành, địa phương, sản lượng thi công dự án đạt gần 12% giá trị các hợp đồng. Nỗ lực là rất lớn song kết quả trên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát và đất đắp.

Cụ thể, đối với 10 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh – Khánh Hòa, theo tính toán, nhu cầu vật liệu đất đắp cần hơn 47 triệu m3; trong đó, hơn 5 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác đáp ứng trữ lượng. Còn lại gần 42 triệu m3 được sử dụng từ 71 mỏ mới, đáp ứng trữ lượng (khoảng hơn 61 triệu m3).

Các nhà thầu đã trình 56/74 hồ sơ mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 38/56 mỏ, đã khai thác được 24/38 mỏ với trữ lượng khoảng 21 triệu m3.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn được Bộ Giao thông Vận tải đề cập là hiện nay, 14 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký nhưng còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là về thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê đất khi các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn so với giá nhà nước bồi thường hiện nay.

Đơn cửu, tại mỏ Hoàng Đàm ở Quảng Bình là 450 triệu đồng/ha đất trồng keo, mỏ Vĩnh Sơn 5 ở Quảng Trị 1,4 tỷ đồng/ha đất trồng keo, mỏ Phú Ân ở Phú Yên 1,2 tỷ đồng/ha đất trồng keo, ở Quảng Ngãi mỏ Mễ Sơn 450 triệu đồng/ha, mỏ Chuông Ổi 1,4 tỷ đồng/ha, mỏ Núi Thị 1,8 tỷ đồng/ha… so với giá nhà nước khoảng trên dưới 300 triệu đồng/ha.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến việc thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án; giảm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với khu vực có rừng. Thực tiễn nhà thầu khai thác vật liệu không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất, mục đích sử dụng rừng. Sau khi thuê đất để khai thác, nhà thầu phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ và toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý.

Về vật liệu cát, tính toán tổng nhu cầu cho 10 dự án thành phần cần khoảng gần 10 triệu m3. Trong đó, gần 5 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác, đáp ứng về trữ lượng nhưng chưa đáp ứng về công suất.

Với hơn 4,7 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 14 mỏ mở mới có trữ lượng khoảng gần 12 triệu m3. Hiện tại, các nhà thầu đã trình hồ sơ 13/14 mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ, đã khai thác được 5/10 mỏ với trữ lượng khoảng 2 triệu m3.

Để đáp ứng nhu cầu cát cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần phải nâng công suất các mỏ cát đang khai thác như đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề cập đến nguồn cát thi công hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong tổng số hơn 18 triệu m3 cát cần huy động cho dựa án, đến nay, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Địa phương đã xác định gần 6,7 triệu m3; sẽ hoàn thành thủ tục để khai thác hơn 3 triệu m3 trong năm 2023, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Với 3,5 triệu m3 còn lại và 0,31 triệu m3 chưa xác định nguồn cung, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục trong năm nay.

Tại Đồng Tháp, tỉnh đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Đến nay, khoảng 4,7 triệu m3 đã xác định được nguồn cung; thủ tục để khai thác 3,3 triệu m3 sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2023, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khoảng hơn 2 triệu m3 còn lại, địa phương tiếp tục xác định nguồn cung và triển khai thủ tục trong năm 2023.

Tỉnh Vĩnh Long cũng đã có chủ trương cung ứng cho dự án khoảng hơn 3 triệu m3 tại 4 vị trí mỏ và cam kết đẩy nhanh thủ tục để có thể bàn giao 1 mỏ cho nhà thầu khai thác (khoảng 0,75 triệu m3) trong tháng 10/2023, đảm bảo phân bổ đủ nguồn cát cho nhu cầu năm 2023 của dự án. Với hơn 1,6 triệu m3 còn lại, tỉnh tiếp tục xác định nguồn cung và triển khai thủ tục.

UBND các tỉnh cũng đã thống nhất triển khai đồng thời các thủ tục (khảo sát, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường…) để rút ngắn thời gian, sớm đưa các mỏ vào khai thác và cam kết bố trí đủ nguồn cát theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao, hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-van-thieu-nguon-vat-lieu-cat-va-dat-dap/312768.html

Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 40/2023

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 39-2023 với những nội dung chính như sau:

Pleased to present to our valued readers the International Environmental Bulletin No. 40/2023, featuring the following key topics:

Về quản lý môi trường

– Mô hình hóa chu trình nitơ khu vực trong khí quyển: Tình hình hiện tại và phản ứng của nó đối với chiến lược kiểm soát khí thải trong tương lai.

– Tác động của việc áp dụng các chiến lược không phát thải carbon đối với nồng độ ozone tầng đối lưu (O3) và hạt bụi mịn (PM2.5) ở khu vực Nhật Bản vào năm 2050.

– Hướng tới triển khai các thành phần của tòa nhà hình tròn: Nghiên cứu dài hạn về sự lựa chọn của các bên liên quan trong việc phát triển 8 thành phần của tòa nhà hình tròn.

– Làm sáng tỏ hiệu quả của đổi mới xanh và thuế trong việc thúc đẩy chất lượng môi trường: Đánh giá mô hình kép để kiểm tra lý thuyết LCC ở các nền kinh tế mới nổi.

– Kiểm soát ô nhiễm biên giới: Sự hấp dẫn từ các khuyến khích thúc đẩy chính trị.

– Vai trò của sự phức tạp về kinh tế và sự can thiệp của chính phủ đối với sự bền vững của môi trường: Phân quyền có quan trọng không?

– Nhiệt độ cao, COVID-19 và tỷ lệ tử vong vượt mức trong mùa hè năm 2022: một nghiên cứu đoàn hệ về dữ liệu từ các giám sát của Ý.

– Kết nối các lĩnh vực khác nhau theo nhiều chiều: Quan điểm về khả năng phục hồi của siêu hệ sinh thái.

– Thành phố thông minh có bền vững hơn không? Một nghiên cứu thăm dò về 103 thành phố của Hoa Kỳ.

– Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến dịch tễ học dựa trên nước thải như thế nào?

– Lập bản đồ các xu hướng không gian và thời gian của sự lắng đọng nitơ trong khí quyển ở cấp độ cảnh quan ở Đức 2005, 2015 và 2020 và so sánh chúng với dữ liệu phát thải.

Về môi trường đô thị

– Bài học từ lịch trình cấp nước không liên tục: Hình dung sự bình đẳng, công bằng và năng lực thủy lực ở Bengaluru và Delhi, Ấn Độ.

– Hiệu suất của hệ thống đồng nuôi cấy vi khuẩn bản địa cyanobacteria (BCIB) để thu giữ và chuyển chất dinh dưỡng trong nước thải đô thị.

– Dòng chảy lớn của các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) trong mạng lưới nước thải đô thị và nhà máy xử lý nước thải của Thụy Điển.

– Kết nối cái cũ và cái mới trong quá trình chuyển đổi bền vững: Vai trò của các bên trung gian chuyển đổi trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm đô thị.

– Kiểm soát ngập úng đô thị: Một phương pháp mới để tái thiết đường ống thoát nước đô thị, có hệ thống và tự động.

– Đánh giá tác động kinh tế của các chính sách quốc gia giảm thiểu biến đổi khí hậu đối với các thành phố: Phân tích CGE ở Auckland, New Zealand.

– Tác động của việc sửa đổi chất hữu cơ đến chất lượng đất và carbon đất đô thị: Một phân tích tổng hợp.

– Các chất ô nhiễm vi mô cơ bản trong bùn từ các nhà máy xử lý nước thải đô thị ở Tây Bắc Tây Ban Nha: Sự xuất hiện và đánh giá rủi ro trong quá trình xử lý bùn.

– Phương pháp ước tính tiềm năng khử cacbon ở cấp độ khu vực lân cận trong khu đô thị: Ứng dụng tại La Carrasca, thành phố Valencia – Tây Ban Nha.

– Mối liên hệ giữa không gian xanh khu phố và kết quả sinh sản đa dạng ở hai khu vực đô thị ở Úc.

Về môi trường khu công nghiệp

– Khám phá những thách thức và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải công nghiệp: Phương pháp ra quyết định đa tiêu chí mờ do dự tích hợp.

– Lọc nước thải công nghiệp bằng quy trình dựa trên khí hydrat (HyPurif).

– Nghiên cứu cơ chế về quy trình sạch và có thể tái chế để loại bỏ boron khỏi silicon cấp công nghiệp bằng hợp kim entropy cao CrMnFeNiMe.

– Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong các nhà máy bia thủ công: Vai trò của giá trị tiêu dùng, động lực và những thách thức kinh doanh được nhận thức của người chủ-người quản lý.

– Hiệu suất của nhà máy nhiệt điện than sCO2 ở các công suất điện khác nhau.

– Giảm thiểu ô nhiễm dầu khí vì môi trường bền vững – Đánh giá quan trọng và triển vọng.

– Các giá trị bền vững và tối ưu cho nước thải đô thị: Loại bỏ nhu cầu oxy sinh học và nhu cầu oxy hóa học bằng nhiều cấp độ mô phỏng dựa trên thuật toán di truyền và than hoạt tính dạng hạt khác nhau.

– Từ ô nhiễm đến thịnh vượng: Nghiên cứu đường cong Kuznets môi trường và giả thuyết nơi trú ẩn ô nhiễm trong khu vực công nghiệp châu Phi cận Sahara.

– Khả năng khử màu nước thải dệt may của các loài Aspergillus chịu được kim loại và tối ưu hóa nồng độ và nhiệt độ sinh khối.

– Cái nhìn sâu sắc về phân tử về sự chuyển đổi chất hữu cơ hòa tan trong quá trình ủ phân từ bùn thải: Nghiên cứu về một nhà máy ủ phân quy mô lớn.

– Chế tạo hạt nano WO3 dạng hoa phân cấp để cảm nhận ion kim loại hiệu quả và xúc tác phân hủy thuốc nhuộm hữu cơ.

– Tổng hợp và ứng dụng oxit kẽm pha tạp mangan làm chất hấp phụ tiềm năng để loại bỏ thuốc nhuộm đỏ Congo khỏi nước thải.

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam
Xin trân trọng giới thiệu

ENVIRONMENTAL MANAGEMENT / QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

1. Modeling regional nitrogen cycle in the atmosphere: Present situation and its response to the future emissions control strategy

Science of The Total Environment, Volume 891, 15 September 2023, 164379

Abstract

Reactive nitrogen (Nr) cycle in the atmosphere has an important affection on terrestrial ecosystems, which has not been fully understood and its response to the future emissions control strategy is not clear. Taking the Yangtze River Delta (YRD) as an example, we explored the regional Nr cycle (emissions, concentrations, and depositions) and its source apportionment in the atmosphere in January (winter) and July (summer) 2015 and projected its changes under emissions control by 2030 using the CMAQ model. We examined the characteristics of Nr cycle and found that Nr suspends in the air mainly as NO, NO2, and NH3 gases and deposits to the earth’s surface mainly as HNO3, NH3, NO3−, and NH4+. Due to the higher NOx than NH3 emissions, oxidized nitrogen (OXN) but not reduced nitrogen (RDN) is the major component in Nr concentration and deposition, especially in January. Nr concentration and deposition show an inverse correlation, with a high concentration in January and low in July but the opposite for deposition. We further apportioned the regional Nr sources for both concentration and deposition using the Integrated Source Apportionment Method (ISAM) incorporated in the CMAQ model. It shows that local emissions are the major contributors and this characteristic is more significant in concentration than deposition, for RDN than OXN species, and in July than in January. The contribution from North China (NC) is important for Nr in YRD, especially in January. In addition, we revealed the response of Nr concentration and deposition to the emission control to achieve the target of carbon peak in the year 2030. After the emission reduction, the relative responses of OXN concentration and deposition are generally about 100 % to the reduction of NOx emissions (~50 %), while the relative responses of RDN concentration are higher than 100 % and the relative responses of RDN deposition are significantly lower than 100 % to the reduction of NH3 emissions (~22 %). Consequently, RDN will become the major component in Nr deposition. The smaller reduction of RDN wet deposition than sulfur wet deposition and OXN wet deposition will raise the pH of precipitation and help alleviate the acid rain problem, especially in July.

2. Impact of introducing net-zero carbon strategies on tropospheric ozone (O3) and fine particulate matter (PM2.5) concentrations in Japanese region in 2050

Science of The Total Environment, Volume 891, 15 September 2023, 164442

Abstract

In this study, we estimated the future emission inventory of primary air pollutants in Japan in 2050 after introducing low-carbon technology based on the results of the socio-economic model provided by the Japanese government. The results suggested that introducing net-zero carbon technology would contribute to a 50–60 % decrease in primary NOx, SO2, and CO emissions and a ~30 % decrease in primary emissions of volatile organic compounds (VOCs) and PM2.5. The estimated emission inventory and future meteorological conditions in 2050 were applied as inputs to a chemical transport model. A scenario involving the application of future reduction strategies with relatively moderate global warming (RCP4.5) was evaluated. The results showed that the concentration of tropospheric ozone (O3) was highly reduced compared with that in 2015 after applying net-zero carbon reduction strategies. On the other hand, the fine particulate matter (PM2.5) concentration under the 2050 scenario was expected to be equal or higher because of the growth in secondary aerosol formation caused by the increase in short-wave radiation. Finally, the premature mortality change from 2015 to 2050 was analyzed, and the change in air quality contributed by net-zero carbon technology will contribute to a ~4000 decrease in premature deaths in Japan.

3. Towards implementation of circular building components: A longitudinal study on the stakeholder choices in the development of 8 circular building components

Journal of Cleaner Production, Volume 420, 25 September 2023, 138287

Abstract

Implementing circular building components can contribute to the transition to a circular economy. There are many possible circular design options for building components. Knowledge on which options are feasible to implement remains limited. Existing feasibility studies do not compare multiple circular design options, building components and/or are based on interviews rather than observation. They list barriers but do not identify their relative importance throughout a development process. In this article we present a longitudinal study on stakeholder choices in 5 development processes of 8 circular building components. The researchers co-created with stakeholders from initiative up to market implementation. Through process reflection and analysis, we identified choices which influenced the perceived feasibility of circular design options within different building components throughout their development. We found that circular design options perceived as feasible vary between different building components. Specific applications and context influence their feasibility. Moreover, perceived feasibility changes throughout the development process.

4. How does environmental regulation affect the city’s domestic value-added rate of export? New spatial evidence from Chinese cities

Journal of Cleaner Production, Volume 420, 25 September 2023, 138284

Abstract

Protecting the environment and increasing the domestic value-added rate of exports (DVARE) are hot issues for high-quality economic development. This paper explores how environmental regulation affects the DVARE. This paper constructs a dynamic spatial econometric model using the data of 285 Chinese cities from 2000 to 2020. It empirically tests the impact of environmental regulation on the DVARE. The research results show that environmental regulation has a nonlinear impact on the DVARE. Environmental regulation has a U-shaped effect on DVARE that first decreases and then increases. Furthermore, environmental regulation also has a positive spatial spillover effect. The heterogeneity analysis also shows that cities have different administrative levels, geographical locations, size, and environmental regulations’ impact and spillover effects on the DVARE are also different. This paper also finds that the spatial spillover effect of environmental regulation is limited to 1100 KM by constructing a spatial attenuation matrix. This result is still robust after selecting appropriate instrumental variables, replacing DVARE, environmental regulation intensity measure and spatial weight matrix. The final mechanism test found that environmental regulation has promoted the increase of the DVARE through cost effects and resource allocation effects. However, the innovation effect mechanism is insignificant.

5. Unravelling the efficacy of green innovation and taxation in promoting environmental quality: A dual-model assessment of testing the LCC theory in emerging economies

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137850

Abstract

The increasing impact of anthropogenic activities on the environment has led researchers to conduct a comprehensive analysis of its determinants and propose sustainable solutions to mitigate the negative effects. Given the situation, the load capacity factor (biocapacity/ecological footprint) is used in this study as a comprehensive indicator of environmental sustainability that takes into account the supply-side consequences of ecological concerns while evaluating the theoretical dynamics of the Load capacity curve (LCC) in emerging countries. In doing so, the study employed the novel Method of Moment Quantile Regression (MMQR) to analyze the role of green innovation, green taxation, and economic growth under the LCC framework, from 2000 to 2018. The results affirm the presence of a U-shaped curve between environmental sustainability and income implying that growth may cause to harm the environment but after reaching a certain turning point it maintains the ecological quality. Also, green measures of taxation and innovation could curb carbon dioxide emissions at various quantiles for the selected bloc of countries. Noticeably, the LLC hypothesis is verified for both models establishing a positive association of determinants with load capacity factor. The results recommended policy implications for emerging countries seeking to promote sustainable economic growth while preserving the environment.

6. Forecasting clean energy power generation in China based on a novel fractional discrete grey model with a dynamic time-delay function

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137830

Abstract

Clean energy plays an essential role in responding to environmental crises. Accurate forecasting of clean energy power generation can provide necessary references for the formulation of energy policy. This paper proposes a novel fractional discrete grey model with a dynamic time delay function (DTDFF-DGM (1,1)) to forecast clean energy power generation. This model introduces the fractional accumulation operator and the dynamic time-delay function into the discrete grey model, which ensures the priority of new information in the original data and improves the model’s adaptability to different sample data. The optimal parameters of the model are calculated by the dynamic linkage between the fitting error and the test error, which effectively avoids the overfitting problem. Empirical studies have proved that the model has better prediction accuracy compared to other methods. Finally, the proposed model is employed to forecast clean energy power generation in China. The results show that from 2020 to 2025, the overall growth rate of hydropower, wind power and nuclear power in China will be 9.27%, 119.61% and 36.38%, respectively. Based on the discussion of the forecast results, relevant policy suggestions were made. This paper realizes the transformation from a static model to a dynamic model in methodology and promotes the sustainable development of clean energy power generation in application.

7. The control of border pollution: The lure from political promotion incentives

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137941

Abstract

This study examines the relationship between local political promotion incentives and border pollution governance. By utilizing the Reform of Political Performance Assessment Standards in China as a quasi-natural experiment, the results reveal that political promotion incentives significantly reduce wastewater discharge by border firms, resulting in a substantial reduction of 7.1% and a cost-saving of 23,487.7 million yuan for society. The improvement in border pollution can be attributed to the fact that border firms, by increasing investments in wastewater discharge facilities, manage to achieve a less pronounced increase in wastewater discharge compared to their production scale. The effectiveness of emission reduction in border pollution is more prominent in the subsample of non-politically connected, high-pollution industries, as well as in political rotation nodes. This study provides empirical evidence from micro-level enterprises in China for the first time, enriching the political economy research on border pollution governance in the field of new economic geography.

8. Ecological accounting of the Chinese society 2012–2020 based on extended exergy

Journal of Cleaner Production, Volume 417, 10 September 2023, 137929

Abstract

China’s social system has undergone unprecedented economic transformation in the past decade. It is essential that the relationship between the country’s socio-economic development and natural ecosystem be revealed, thereby revealing the evolutionary trajectory of its biophysical sustainability. The extended exergy accounting (EEA) method offers a thermodynamics-based tool to evaluate the structure and function of a social system and objectively estimate the impacts of human activities on sustainable development and broader ecosystems. This study aims to perform extended exergy analysis to trace the flows of resources, labor, capital, and environmental remediation exegetics in China’s society from 2012 to 2020. During the accounting period, the average annual growth rate of total extended exergy (TEE) was just 1.2%. The TEE in the conversion and tertiary sectors ew noticeably faster than those in other sub-sectors, while the TEE in the extraction and agriculture sectors showed a declining trend. The TEE in 2020 reached 764.50 EJ, of which 179.13 EJ were attributed to Cumulative Exergy Consumption, 74.89 EJ were attributed to labor, 68.85 EJ to capital, and 441.63 EJ to environmental remediation costs. The indicator assessment reflects an enhancement in the sustainability of the Chinese social system, particularly the rapid improvement in labor and capital-related indicators. Comparing the results with other countries demonstrates that the gap between China and developed nations has narrowed, with China’s indicators for balancing resource production and capital flows rivaling those of the U.S. and the U.K. The objective revelation of the developmental and transitional trajectory of Chinese society, based on the EEA approach, provides valuable insights for other developing countries in achieving sustainable development.

9. A novel air pollution forecasting, health effects, and economic cost assessment system for environmental management: From a new perspective of the district-level

Journal of Cleaner Production, Volume 417, 10 September 2023, 138027

Abstract

Air pollution prediction and damage assessment are important in environmental management. However, existing research focuses more on the short-term prediction and loss assessment regarding past pollution, ignoring the importance of long-term air pollution prediction and impact pre-assessment at the district level. To address these problems, a novel air pollution forecasting, health effects, and economic cost assessment system is proposed for the first time in this study. The system comprises three subsystems: air pollution forecasting, health effects assessment, and economic cost assessment. The air pollution prediction subsystem adopts the popular damping accumulation operator and data-driven iteration mode, exhibiting excellent performance in air pollution prediction. The health effects and economic costs of PM2.5 were assessed in the health effects and economic cost assessment subsystems using the log-linear exposure response function and willingness-to-pay method, respectively. The following experimental results were obtained: (1) PM2.5 concentrations in downtown Beijing will decrease from 2023 to 2025. (2) Acute bronchial disease accounted for the largest proportion of all health effects. The economic cost of death was the highest. (3) At the 5 level, the economic cost of Chaoyang District was projected to be relatively the largest in 2023, at approximately 2254.56 million yuan. These findings can be used as a reference for formulating global district-level environmental policies.

10. Role of economic complexity and government intervention in environmental sustainability: Is decentralization critical?

Journal of Cleaner Production, Volume 418, 15 September 2023, 138000

Abstract

While climate change mitigation agenda and energy governance are the central concerns of climatologists and energy-environmental scientists, the mainstream literature seems silent on whether a decentralized governance structure is desirable for complex economic systems and governmental intervention approaches to realize sustainable environments. To frame this critical research gap, we investigate the contribution of fiscal decentralization in moderating the influence of economic complexity and government intervention on energy and carbon efficiency in the presence of real GDP per capita. We employ a panel method of moments quantile regression (MQR) on data from selected seven fiscally decentralized OECD countries over the 1995–2018 period. The empirical results uncovered that economic complexity causes a drop in energy efficiency (at 1, 5, and 10% significance levels), with a more magnified effect in countries with low environmental sustainability levels. Conversely, our findings exerted that government intervention discourages energy and carbon intensity (at diversified significance levels as per probability scores of 0.01, 0.05, and 0.10), with heterogeneous degrees of impact across diversified model specifications. Regarding direct influence, our outcomes exhibited that expenditure and revenue decentralization aid in energy and carbon efficiency. Concerning moderation effects, expenditure and revenue decentralization successfully rejuvenate the environmental sustainability effects of economic complexity and government intervention (at 1 and 5% significance levels). Finally, our study gauged that the EKC phenomenon exists among the sampled OECD members, indicating that economic growth in the region will be the driving force behind the region’s long-term environmental sustainability. Estimation results are robust to the alternative dependent variable, carbon intensity and alternative econometric technique, ordinary least squares with Driscoll-Kraay standard errors. A fiscally decentralized paradigm is desirable from a policy standpoint for government intervention in complex economies to realize environmental sustainability goals.

11. High temperature, COVID-19, and mortality excess in the 2022 summer: a cohort study on data from Italian surveillances

Science of The Total Environment, Volume 887, 20 August 2023, 164104

Abstract

We aimed to assess whether the effect of high temperature on mortality differed in COVID-19 survivors and naive. We used data from the summer mortality and COVID-19 surveillances. We found 3.8 % excess risk in 2022 summer, compared to 2015–2019, while 20 % in the last fortnight of July, the period with the highest temperature. The increase in mortality rates during the second fortnight of July was higher among naïve compared to COVID-19 survivors. The time series analysis confirmed the association between temperatures and mortality in naïve people, showing an 8 % excess (95%CI 2 to 13) for a one-degree increase of Thom Discomfort Index while in COVID-19 survivors the effect was almost null with −1 % (95%CI −9 to 9). Our results suggest that the high fatality rate of COVID-19 in fragile people has decreased the proportion of susceptible people who can be affected by the extremely high temperature.

12. Connecting distinct realms along multiple dimensions: A meta-ecosystem resilience perspective

Science of The Total Environment, Volume 889, 1 September 2023, 164169

Abstract

Resilience research is central to confront the sustainability challenges to ecosystems and human societies in a rapidly changing world. Given that social-ecological problems span the entire Earth system, there is a critical need for resilience models that account for the connectivity across intricately linked ecosystems (i.e., freshwater, marine, terrestrial, atmosphere). We present a resilience perspective of meta-ecosystems that are connected through the flow of biota, matter and energy within and across aquatic and terrestrial realms, and the atmosphere. We demonstrate ecological resilience sensu Holling using aquatic-terrestrial linkages and riparian ecosystems more generally. A discussion of applications in riparian ecology and meta-ecosystem research (e.g., resilience quantification, panarchy, meta-ecosystem boundary delineations, spatial regime migration, including early warning indications) concludes the paper. Understanding meta-ecosystem resilience may have potential to support decision making for natural resource management (scenario planning, risk and vulnerability assessments).

13. Optimal pathway to urban carbon neutrality based on scenario simulation: A case study of Shanghai, China

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137901

Abstract

Scientific analysis and prediction of carbon-neutral pathways can help rationalise the advancement of carbon neutrality goals, but how to apply simulation scenario system modelling to analyse the optimal pathways to achieve carbon neutrality in cities needs further research. By constructing the Low Emissions Analysis Platform (LEAP)-Shanghai model and simulating different future policy scenarios based on policy costs and carbon emission constraints, this work proposes an optimal path to achieve carbon neutrality, providing a new perspective for city-level carbon neutrality research. The results show that energy intensity policies and energy structure transformation policies have a significant impact on achieving carbon neutrality, with a synergistic effect when the two policies are combined. Carbon sink policies coupled with energy intensity and energy structure transformation policies also play a significant role. Various policy combinations could lead to a carbon-neutral Shanghai by 2060, with the optimal scenario being a 3.5% average annual reduction in energy intensity and a 6.5% average annual reduction in carbon emissions per unit of energy consumption. The key to achieving carbon neutrality lies in the rapid transition of the tertiary sector, promoting the advancement and application of clean energy technologies, advancing the transformation of nonelectric energy sources to electric energy sources, and promoting biomass energy and carbon capture and storage (CCS) technologies.

14. Are smart cities more sustainable? An exploratory study of 103 U.S. cities

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137986

Abstract

Cities play a vital role in tackling sustainability challenges. Smart cities have emerged as solutions to urban sustainability. However, whether smart city practices lead to environmental, economic, and social sustainability outcomes is still not clear. This is due to a lack of thorough knowledge of how local governments have deployed the smart city notion, as well as a lack of holistic evaluation of sustainability outcomes achieved by smart cities. To fill in this gap, this research evaluates whether local implementation of smart cities is associated with sustainability outcomes at the city level. We studied 103 US cities by integrating a sustainability assessment conducted by the United Nations Sustainable Development Solutions Network and text mining of city official websites. Our analysis shows that more than 80% of the 103 cities have smart city statements on their websites. In addition, smart cities generally score higher on sustainability outcomes than non-smart cities. Furthermore, when controlling for population size and geographic region, smart city mentions are positively associated with economic sustainability outcomes. However, the relationship between smart city mentions and environmental and social sustainability is not statistically significant. This study contributes to the literature by providing empirical evidence on the prevalence of local governments’ deployment of smart cities, which is scarce at present, and gives novel insight into the relationship between the use of technologies and urban sustainability.

15. How has the COVID-19 pandemic impacted wastewater-based epidemiology?

Science of The Total Environment, Volume 892, 20 September 2023, 164561

Abstract

Wastewater-based epidemiology (WBE) was one of the areas of scientific knowledge that developed significantly with the COVID-19 pandemic, with robust worldwide application to monitor the circulation of the SARS-CoV-2 virus in urban communities at different scales and levels. This mini-review assesses how the COVID-19 pandemic may have influenced the WBE based on the investigation of 1305 scientific reports published (research, review, and conference papers) up to the end of 2022, considering the research objects, funding sources, actors, and countries involved. As a result, 71 % of all WBE-based publications occurred since the beginning of the pandemic, with 62 % addressing SARS-CoV-2, demonstrating the migration of WBE’s relative importance in studies on drug abuse, pharmaceuticals consumption, and other disease-causing organisms to the constitution of a tool to support the monitoring of the coronavirus. Before the pandemic, WBE was a tool used for epidemiological surveillance of several diseases (54 % of studies), drug abuse (30 %), and pharmaceutical consumption (9 %). With the pandemic, these research topics lost to space, constituting only 37 % of the area’s studies, and SARS-CoV-2 became the central object of studies. In addition, there has been a 4.7 % expansion of developing country participation in sewage surveillance publications and greater diversification of collaborators and funders, especially from government, businesses, and the water industry. International research partnerships had a reduction of 8 %, consequently, there was an increase in local and regional partnerships. With the COVID-19 pandemic, funding for research in WBE became approximately 6.5 % less dependent on traditional research funds. The future of WBE involves different approaches, including different focuses of research and technological advancements to improve the sensitivity, precision, and applicability of these investigations. The new WBE research arrangements are promising, although the post-pandemic challenges are likely to be in maintaining them and overcoming the trend toward a lack of diversity in study subjects.

16. Mapping spatial and temporal trends of atmospheric deposition of nitrogen at the landscape level in Germany 2005, 2015 and 2020 and their comparison with emission data

Science of The Total Environment, Volume 891, 15 September 2023, 164478

Abstract

Mosses are particularly suitable for recording the accumulation of atmospheric substance inputs in large areas at relatively many locations. In Europe, this has been done every five years since 1990 as part of the European Moss Survey. In this framework, mosses were collected at up to 7312 sites in up to 34 countries and chemically analyzed for metals (since 1990), nitrogen (since 2005), persistent organic pollutants (since 2010) and microplastic (since 2015). The present investigation aimed at determining the nitrogen accumulated in three-year-old shoots from mosses collected in Germany in 2020 by quality-controlled sampling and chemical analysis according to the European Moss Survey Protocol (ICP Vegetation 2020). The spatial structure of the measurement values was analyzed by means of Variogram Analysis, and the respective function was used for Kriging-Interpolation. In addition to mapping the nitrogen values according to the international classification, maps based on 10 percentile classes were calculated. Maps for the Moss Survey 2020 data were compared with respective maps produced from the 2005 and 2015 Moss Survey data. Trends in Germany-wide nitrogen medians over the past three campaigns (2005, 2015 and 2020) show that nitrogen medians decreased by −2 % between 2005 and 2015 and increased by +8 % between 2015 and 2020. These differences are not significant and do not match the emission trends. Therefore, emission register data needs to be controlled by monitoring nitrogen deposition with technical and biological samplers and deposition modelling.

URBAN ENVIRONMENT/ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

1. Changes in air pollution, land surface temperature, and urban heat islands during the COVID-19 lockdown in three Chinese urban agglomerations

Science of The Total Environment, Volume 892, 20 September 2023, 164496

Abstract

COVID-19 has notably impacted the world economy and human activities. However, the strict urban lockdown policies implemented in various countries appear to have positively affected pollution and the thermal environment. In this study, Moderate Resolution Imaging Spectroradiometer (MODIS) land surface temperature (LST) and aerosol optical depth (AOD) data were selected, combined with Sentinel-5P images and meteorological elements, to analyze the changes and associations among air pollution, LST, and urban heat islands (UHIs) in three urban agglomerations in mainland China during the COVID-19 lockdown. The results showed that during the COVID-19 lockdown period (February 2020), the levels of the AOD and atmospheric pollutants (fine particles (PM2.5), NO2, and CO) significantly decreased. Among them, PM2.5 and NO2 decreased the most in all urban agglomerations, by >14 %. Notably, the continued improvement in air pollution attributed to China’s strict control policies could lead to overestimation of the enhanced air quality during the lockdown. The surface temperature in all three urban agglomerations increased by >1 °C during the lockdown, which was mainly due to climate factors, but we also showed that the lockdown constrained positive LST anomalies. The decrease in the nighttime urban heat island intensity (UHIInight) in the three urban agglomerations was greater than that in the daytime quantity by >25 %. The reduction in surface UHIs at night was mainly due to the reduced human activities and air pollutant emissions. Although strict restrictions on human activities positively affected air pollution and UHIs, these changes were quickly reverted when lockdown policies were relaxed. Moreover, small-scale lockdowns contributed little to environmental improvement. Our results have implications for assessing the environmental benefits of city-scale lockdowns.

2. Learning from intermittent water supply schedules: Visualizing equality, equity, and hydraulic capacity in Bengaluru and Delhi, India

Science of The Total Environment, Volume 892, 20 September 2023, 164393

Abstract

Intermittent distribution affects one in five piped water users, threatens water quality, and magnifies inequity. Research and regulations to improve intermittent systems are hindered by system complexity and missing data. We created four new methods to visually harness insights from intermittent supply schedules and demonstrate these methods in two of the world’s most complicated intermittent systems. First, we created a new way to visualize the varieties of supply continuities (hours/week of supply) and supply frequencies (days between supplies) within complicated intermittent systems. We demonstrated using Delhi and Bengaluru, where 3278 water schedules vary from continuous to only 30 minutes/week. Second, we quantified equality based on how uniformly supply continuity and frequency were divided between neighbourhoods and cities. Delhi provides 45 % more supply continuity than Bengaluru, but with similar inequality. Bengaluru’s infrequent schedules require consumers to store four times more water (for four times longer) than in Delhi, but Bengaluru’s storage burden is more equally shared. Third, we considered supply inequitable where affluent neighbourhoods (using census data) received better service. Neighbourhood wealth was inequitably correlated with the percent of households with piped connections. In Bengaluru, supply continuity and required storage were also inequitably divided. Finally, we inferred hydraulic capacity from the coincidence of supply schedules. Delhi’s highly coincident schedules result in city-wide peak flows 3.8 times their average – sufficient for continuous supply. Bengaluru’s inconvenient nocturnal schedules may indicate upstream hydraulic limitations. Towards improved equity and quality, we provided four new methods to harness key insights from intermittent water supply schedules.

3. Performance of a biocrust cyanobacteria-indigenous bacteria (BCIB) co-culture system for nutrient capture and transfer in municipal wastewater

Science of The Total Environment, Volume 888, 25 August 2023, 164236

Abstract

This study aimed to explore the potential for transferring nutrients from municipal wastewater through the cultivation of biocrust cyanobacteria, since little is known regarding the growth and bioremediation performance of biocrust cyanobacteria in actual wastewater, especially their interaction with indigenous bacteria. Therefore, in this study, the biocrust cyanobacterium, Scytonema hyalinum was cultivated in municipal wastewater under different light intensities, to establish a biocrust cyanobacteria-indigenous bacteria (BCIB) co-culture system, in order to investigate its nutrient removal efficiency. Our results revealed that the cyanobacteria-bacteria consortium could remove up to 91.37 % and 98.86 % of dissolved nitrogen and phosphorus from the wastewater, respectively. The highest biomass accumulation (max. 6.31 mg chlorophyll-a L−1) and exopolysaccharide secretion (max. 21.90 mg L−1) were achieved under respective optimized light intensity (60 and 80 μmol m−2 s−1). High light intensity was found to increase exopolysaccharide secretion, but negatively impacted cyanobacterial growth and nutrient removal. Overall, in the established cultivation system, cyanobacteria accounted for 26–47 % of the total bacterial abundance, while proteobacteria consisted up to 50 % of the mixture. The composition and ratio of cyanobacteria to indigenous bacteria were shown to be altered by adjusting the light intensity of the system. Altogether, our results clearly illustrate the potential of the biocrust cyanobacterium S. hyalinum in establishing a BCIB cultivation system under different light intensity for wastewater treatment and other end-applications (e.g., biomass accumulation and exopolysaccharide secretion). This study presents an innovative strategy for transferring nutrients from wastewater to drylands through cyanobacterial cultivation and subsequent biocrust induction.

4. Mass flow of per- and polyfluoroalkyl substances (PFAS) in a Swedish municipal wastewater network and wastewater treatment plant

Chemosphere, Volume 336, September 2023, 139182

Abstract

Per and polyfluoroalkyl substances (PFAS) are ubiquitously distributed in wastewater, due to their numerous uses in industry and consumer products, but little is known of PFAS mass flows in municipal wastewater network systems and within wastewater treatment plants (WWTPs). This study assessed mass flows of 26 PFAS in a wastewater network and WWTP, to provide new insights into their sources, transport, and fate in different treatment steps. Wastewater and sludge samples were collected from pumping stations and the main WWTP in Uppsala, Sweden. PFAS composition profiles and mass flows were used to identify sources within the sewage network. Wastewater from one pumping station showed elevated concentrations of C3–C8 PFCA, likely caused by an industrial source, and two stations had elevated concentrations of 6:2 FTSA, probably originating from a nearby firefighter training facility. Within the WWTP, short-chain PFAS dominated in wastewater, whereas long-chain PFAS dominated in sludge. The ratio of perfluoroalkyl sulfonates (PFSA) and ethylperfluorooctanesulfonamidoacetic acid (EtFOSAA) to ∑26PFAS decreased during the WWTP process, likely due to sorption to sludge, but also transformation (EtFOSAA). Overall, PFAS were not efficiently removed in the WWTP, with mean removal efficiency of 10 ± 68% for individual PFAS, resulting in discharge of 7000 mg d−1 ∑26PFAS into the recipient. This shows that conventional WWTPs are inefficient in removing PFAS from wastewater and sludge, so advanced treatment techniques are needed.

5. Bridging the old and the new in sustainability transitions: The role of transition intermediaries in facilitating urban experimentation

Journal of Cleaner Production, Volume 417, 10 September 2023, 138084

Abstract

As experimentation with niche innovations confronts the old with the new, intermediaries are important to bridge innovative niches and established regimes. While there is a broad literature on experimentation to foster urban sustainability transitions, there is limited understanding of intermediaries acting as facilitators and translators. Previous studies of transition intermediaries in urban experimentation adopt a scaling-centric focus, which rests on the assumption that novelty emerges within niches and impacts regimes through processes of scaling-up. By contrast, this study shifts towards a reconfiguration perspective to move beyond the niche-regime dichotomy and provide a more fine-grained conception of how novelty emerges in-between niches and regimes, as well as through within-regime dynamics. This is to build a dialogue between the literature on urban experimentation and the literature on intermediaries in sustainability transitions. It is to shed light on the ambigious and heterogeneous nature of regime actors: they do not only reproduce path dependencies, but can also facilitate path creation. It implies a shift from a meso- towards a micro-level of analysis, which reveals the variety of intermediaries and their interactions. The study provides an empirical exploration of niche and regime intermediaries in local experimentation by analysing the transdisciplinary research project “Dresden – City of the Future: Empowering Citizens, Transforming Cities!”. The qualitative case study follows an explorative approach, which provides empirical insights on intermediaries’ activities that could not be anticipated during the initial research design. The interaction between niche and regime intermediaries shows the importance of recognising the dialectic nature of change from below and change from above. While niche intermediaries acted more as visionaries, knowledge brokers and advocates of change, regime intermediaries acted more as guides and facilitators, creating a shared institutional infrastructure and coordinating local-level activities. It reveals the (dis)empowering dynamics that underlie niche-regime interaction but also power struggles regime intermediaries are confronted with. These findings provide insights for governance strategies to strengthen the position of transition intermediaries. They suggest that the work of intermediaries should no longer be hidden and informal but recognised as an essential part of transition governance. A variety of both niche and regime intermediaries should be fostered to build interfaces between niches and regimes, and bring about reconfiguration.

6. Temporal and spatial heterogeneity of land use, urbanization, and ecosystem service value in China: A national-scale analysis

Journal of Cleaner Production, Volume 418, 15 September 2023, 137911

Abstract

Ecosystem service value (ESV) is increasingly influenced by land use/land cover (LULC). At the same time, China’s extensive urbanization over the past 40 years has reduced ESV, highlighting a pressing need for spatial studies. However, few studies on the spatial relationship between LULC, urbanization, and ESV, especially at the national level, represent a significant gap in this field. In this research aims, we aim to fill this gap by examining their spatial relationships by studying 279 prefecture-level cities in China. Furthermore, to understand the changing dynamics, we studied the temporal and spatial heterogeneity of the effects of LULC and urbanization on ESV in 2005, 2010, 2015, and 2020 using a multiscale geographically weighted regression model. Regarding LULC, the results show that the impact of land use intensity on ESV is significantly negative nationwide, and the trend continued to strengthen from 2005 to 2020. There was significant spatial and temporal heterogeneity in the effects of land use diversity on ESV, with negative effects in the north and a positive impact in the Beijing-Tianjin-Hebei region. Concerning urbanization, the association between ESV and different types of urbanization varied greatly over space and time. Our findings suggest that policymakers should pay attention to compact land development, optimize land use structure, and promote the mixed use of land on the basis of rational planning in urban layouts, to mitigate the negative impacts of urbanization and LULC changes on ESV.

7. Urban waterlogging control: A novel method to urban drainage pipes reconstruction, systematic and automated

Journal of Cleaner Production, Volume 418, 15 September 2023, 137950

Abstract

Reconstruction of the drainage system is an important measure for urban waterlogging control. For the drainage system of the community, factors such as upstream pipeline water capacity and downstream bottleneck pipeline are often neglected in the process of network reconstruction. Only the network in the waterlogged area is reformed, which is lack of systematicness, and may lead to the failure of waterlogging control. To solve this problem, the Storm Water Management Model (SWMM 5.1) is used to analyze the rationality of the current pipe network reconstruction methods using three indicators: the maximum overflow depth, the maximum overflow volume, and the conduit surcharge. And a new reconstruction method for drainage pipe networks is developed by R programming. The results show that the current pipe network reconstruction method is still insufficient to achieve the goal of eliminating node overflow. For different rainfall conditions, there are still existing low-risk areas, with maximum overflow depth can reach up to 0.15 m and maximum overflow volume can reach up to 7.12 m3. The novel developed drainage pipe network reconstruction method (optimizing pipe network) can effectively identify the bottleneck pipes, and by repeatedly expanding the bottleneck pipes, the goal of node overflow can be achieved under a given rainfall event.

8. Assessing the economic implications of national climate change mitigation policies on cities: A CGE analysis of Auckland, New Zealand

Journal of Cleaner Production, Volume 418, 15 September 2023, 138150

Abstract

Computable General Equilibrium (CGE) models have proven to be instrumental in the climate policy literature. Although their use at the sub-national level has increased, their application to assess the implications of national climate policies on cities is scarce due to the low availability of city-level economic and environmental data. Cities could play an instrumental role in the fight against climate change as they are home to more than half of the world population, generate more than 80% of global Gross Domestic Product (GDP) and are responsible for 75% of global greenhouse gas (GHG) emissions. National CGE assessments of climate policies overlooking cities could result in missing major opportunities to achieve ambitious reduction targets considering that cities are centres of innovation and wealth. Hence, the objective of this study is to fill that gap in the literature by developing and using a recursive dynamic, multi-regional CGE model to link a city’s economy to the rest of the nation to assess the direct and indirect economic impacts from national GHG emissions reduction pathways. The city of Auckland, New Zealand (NZ) has been used as a case study due to the city’s proactive climate mitigation plans. The model and scenarios used resemble the ones developed by the New Zealand Climate Change Commission (CCC) to inform national policy advise provided to the government. Additional scenarios were developed to incorporate Auckland’s growth and climate strategies. The results showed that in contrast to the rest of New Zealand, the impacts on the Auckland economy are more pronounced as reflected by the more drastic percent changes (with respect to baseline) of the regional GDP (−6% for Auckland and −1% for NZ) and consumer welfare (−5% for Auckland and 1% for NZ). The more pronounced impacts on Auckland are due to the difference in profile emissions (e.g., urban versus rural sectors), fewer low-emission technological alternatives (e.g., rural technologies do not cater to urban sectors’ needs), and indirect impacts from importing agricultural products with a higher price tag due to rising GHG prices. This study’s contribution in the climate policy literature is to serve as evidence and precedent to carefully evaluate the nuances encountered in complex urban systems when developing national climate policies considering that the number of countries establishing legally binding reduction targets is continually increasing.

9. Impacts of organic matter amendments on urban soil carbon and soil quality: A meta-analysis

Journal of Cleaner Production, Volume 419, 20 September 2023, 138148

Abstract

Organic matter amendment application is an important avenue of beneficial waste diversion and is used to improve soil quality in agricultural and urban settings. In urban regions, amendments are used to support local food production, maintain vegetation for landscaping and recreational use, and reclaim disturbed soils. Urban regions generate large quantities of wasted organic resources for potential application aiding in creating a circular nutrient economy. There is a growing interest in understanding the effects of amendments such as compost, biosolids, and biochar on soil properties in agricultural settings. Gaps remain, however, in assessing their effects in urban land uses. We conducted a literature review to assess the effects of compost, biochar, and biosolids on soil carbon and soil quality of urban soils managed for gardening, landscaping, recreation, and reclamation. Application of organic matter amendments led to an average increase of 3.6 units of soil organic matter% (SOM%). Compost and biochar improved SOM% the most, by 3.1 and 6.5 units of SOM%, respectively. Biosolids resulted in the smallest increase in SOM% but had greater nutrient benefits than other amendments. Parameters related to chemical and physical soil quality improved with the application of amendments. Gaps in the literature remain, such as assessing urban gardens, soil to depths greater than 30 cm, and the persistence of SOM in amended soils. This meta-analysis proposes that organic matter amendments are a powerful means to improve soil quality in urban regions, provide vital cobenefits to surrounding communities, and increase soil carbon storage.

10. The impact of urban agglomerations on carbon emissions in China: Spatial scope and mechanism

Journal of Cleaner Production, Volume 419, 20 September 2023, 138250

Abstract

Urban agglomerations have emerged as the dominant form of regional growth, but are also responsible for a vast majority of carbon emissions, making it a global concern. With China undergoing rapid construction of urban agglomerations, reducing carbon emissions is a significant challenge for its urbanization development. This study considers the construction of China’s urban agglomerations as a regional policy and utilizes the time-varying difference-in-differences method to investigate its impact on carbon emissions, as well as the effect’s spatial scope, mechanism, and heterogeneity. The findings reveal that 1) urban agglomerations can effectively reduce carbon emissions; 2) the optimal spatial scope for the reduction effect is within 50–100 km; 3) urban agglomerations can partially impact carbon emissions through the regional digital economy development level; and 4) the reduction effect varies based on the regional economic development level and green innovation capability. The study offers policy recommendations for the rational design of urban agglomerations’ spatial scope and the improvement of the digital economy level to achieve carbon emission reduction.

11. Research on the diurnal variation characteristics of ozone formation sensitivity and the impact of ozone pollution control measures in “2 + 26” cities of Henan Province in summer

Science of The Total Environment, Volume 888, 25 August 2023, 164121

Abstract

Near-surface ozone pollution is becoming an increasingly serious air quality issue in China, especially in “2 + 26” cities (Beijing-Tianjin-Hebei and nearby cities). HN2 + 26 cities (“2 + 26” cities of Henan Province) are located in the south of “2 + 26” cities, with frequent and severe ozone pollution events in recent years. This study investigated the diurnal evolution characteristics of ozone formation sensitivity (OFS) of HN2 + 26 cities from May to September in 2021 by the innovative combination of Global Ozone Monitoring Experiment (GOME-2B) and Ozone Monitoring Instrument (OMI) satellite data, and assessed the impact of ozone pollution control measures (OPCMs) implemented from June 26 to July 1, 2021. The localized FNR (ratio of formaldehyde to nitrogen dioxide of satellite measurement) threshold (1.4–2.55) was established, and it was found that OFS in May–September 2021 was mainly in VOCs-limited regime in the morning (∼10:00), while transitional/NOx-limited regime in the afternoon (∼14:00). Three periods (before, during and after the OPCMs) were divided to evaluate the impact of OPCMs on OFS. It was indicated that OPCMs had no impact on the morning OFS, but had a significant impact on the afternoon OFS. Specifically, the OFS in two industrial cities Xinxiang (XX) and Zhengzhou (ZZ) shifted from transitional regime to NOx-limited regime after the OPCMs. We further investigated OFS differences between urban and suburban areas and found that OFS shift of XX only existed in urban areas, while that of ZZ existed in both urban and suburban areas. We compared their measures and found that it is effective to take hierarchical control measures on different levels of ozone pollution days to alleviate ozone pollution. This study provides an improved understanding of diurnal evolution characteristics of OFS and the impacts of OPCMs on it, which will provide a theoretical basis for formulating more scientific ozone pollution control policies.

12. Performance of a biocrust cyanobacteria-indigenous bacteria (BCIB) co-culture system for nutrient capture and transfer in municipal wastewater

Science of The Total Environment, Volume 888, 25 August 2023, 164236

Abstract

This study aimed to explore the potential for transferring nutrients from municipal wastewater through the cultivation of biocrust cyanobacteria, since little is known regarding the growth and bioremediation performance of biocrust cyanobacteria in actual wastewater, especially their interaction with indigenous bacteria. Therefore, in this study, the biocrust cyanobacterium, Scytonema hyalinum was cultivated in municipal wastewater under different light intensities, to establish a biocrust cyanobacteria-indigenous bacteria (BCIB) co-culture system, in order to investigate its nutrient removal efficiency. Our results revealed that the cyanobacteria-bacteria consortium could remove up to 91.37 % and 98.86 % of dissolved nitrogen and phosphorus from the wastewater, respectively. The highest biomass accumulation (max. 6.31 mg chlorophyll-a L−1) and exopolysaccharide secretion (max. 21.90 mg L−1) were achieved under respective optimized light intensity (60 and 80 μmol m−2 s−1). High light intensity was found to increase exopolysaccharide secretion, but negatively impacted cyanobacterial growth and nutrient removal. Overall, in the established cultivation system, cyanobacteria accounted for 26–47 % of the total bacterial abundance, while proteobacteria consisted up to 50 % of the mixture. The composition and ratio of cyanobacteria to indigenous bacteria were shown to be altered by adjusting the light intensity of the system. Altogether, our results clearly illustrate the potential of the biocrust cyanobacterium S. hyalinum in establishing a BCIB cultivation system under different light intensity for wastewater treatment and other end-applications (e.g., biomass accumulation and exopolysaccharide secretion). This study presents an innovative strategy for transferring nutrients from wastewater to drylands through cyanobacterial cultivation and subsequent biocrust induction.

13. Basic micro-pollutants in sludge from municipal wastewater treatment plants in the Northwest Spain: Occurrence and risk assessment of sludge disposal

Chemosphere, Volume 335, September 2023, 139094

Abstract

Sludge is one of the most problematic residues generated during wastewater treatment. Herein, we validate a single-step, sensitive procedure for the determination of a selection of 46 basic micro-pollutants, either used as pharmaceuticals or pesticides, in sludge from municipal sewage treatment plants (STPs), using liquid chromatography tandem mass spectrometry as determination technique. The proposed method permitted to achieve accurate recoveries (values from 70% to 120%, for samples spiked at different concentration levels) using solvent-based calibration standards. This feature, combined with limits of quantification lower than 5 ng g−1 (dry weight), allowed the rapid and sensitive quantification of target compounds in freeze-dried sludge samples. Out of 46 investigated pollutants, 33 species showed detection frequencies above 85% in a group of 48 sludge samples, obtained from 45 STPs located in the Northwest of Spain. The assessment of eco-toxicological risks associated to sludge disposal as fertilizer in agriculture and/or forestry, considering average concentrations found in sludge samples, highlighted eight pollutants (sertraline, venlafaxine, N-desethyl amiodarone, amiodarone, norsertraline, trazodone, amitriptyline and ketoconazole) representing an environmental hazard based on ratios between predicted soil levels and non-effect concentrations estimated using the equilibrium partition method.

14. Methodology for estimating the decarbonization potential at the neighborhood level in an urban area: Application to La Carrasca in Valencia city – Spain

Journal of Cleaner Production, Volume 417, 10 September 2023, 138087

Abstract

Decarbonization potential estimation is critical to calculate and measure a specific area’s actual greenhouse gas reduction capacity. However, it is often challenging to estimate decarbonization potential, especially when dealing with large and diverse urban areas. Therefore, it is necessary to study the carbon footprint in the study area before evaluating decarbonization potential. This study aimed to develop a methodology for estimating the decarbonization potential in a district and applying it to La Carrasca neighborhood in Valencia City, Spain. The concept behind selecting a smaller area encompassing multiple sectors, including residential and services, rather than an entire city was to concentrate on often overlooked details, streamline the information processing, and consider factors that are otherwise unfeasible when a larger area is chosen. The proposed method considers all potential emissions according to scopes 1, 2, and 3 (direct emissions, primary indirect emissions, and other indirect emissions, respectively) and all possible decarbonization measures, including renewables, nature-based solutions, electrification, and improved waste management. The study utilizes several tools to achieve these objectives, including HOMER, QGIS, DATADIS, Google Earth, and Excel. The results of this study showed that the decarbonization potential of La Carrasca neighborhood is 7488 tons of CO2, representing a bit more than 11% of its overall emissions, and the total cost per emission saving during the lifetime of all the analyzed technologies is 200 €/tCO2. However, achieving complete decarbonization of the area would require more aggressive mitigation measures, government incentives, policy changes, new measures, and changes in habits among the population. Overall, the numerical results demonstrate the importance of considering an area’s carbon footprint and utilizing a comprehensive methodology to estimate the decarbonization potential for effective greenhouse gas reduction. The proposed methodology could be extrapolated to other areas to estimate decarbonization potential and emissions and to determine the feasibility of achieving negative carbon emissions.

15. Quantitative evaluation for the sources and aging processes of organic aerosols in urban Guangzhou: Insights from a comprehensive method of dual‑carbon isotopes and macro tracers

Science of The Total Environment, Volume 888, 25 August 2023, 164182

Abstract

Organic carbon aerosol (OC) is a pivotal component of PM2.5 in the atmospheric environment, yet its emission sources and atmospheric behaviors remain poorly constrained in many regions. In this study, a comprehensive method based on the combination of dual‑carbon isotopes (13C and 14C) and macro tracers was employed in the PRDAIO campaign performed in the megacity of Guangzhou, China. The 14C analysis showed that 60 ± 9 % of OC during the sampling campaign was associated with non-fossil sources such as biomass burning activities and biogenic emissions. It should be noted that this non-fossil contribution in OC would significantly decrease when the air masses came from the eastern cities. Overall, we found that non-fossil secondary OC (SOCNF) was the largest contributor (39 ± 10 %) to OC, followed by fossil secondary OC (SOCFF: 26 ± 5 %), fossil primary OC (POCFF: 14 ± 6 %), biomass burning OC (OCbb: 13 ± 6 %) and cooking OC (OCck: 8 ± 5 %). Also, we established the dynamic variation of 13C as a function of aged OC and the volatile organic compounds (VOCs) oxidized OC to explore the impact of aging processes on OC. Our pilot results showed that atmospheric aging was highly sensitive to the emission sources of seed OC particles, with a higher aging degree (86 ± 4 %) when more non-fossil OC particles were transferred from the northern PRD.

16. Associations between neighborhood greenspace and multiple birth outcomes across two metropolitan areas in Australia

Science of The Total Environment, Volume 891, 15 September 2023, 164647

Abstract

Background

Beneficial effects of greenspace on birth outcomes have been reported. However, insights on key windows of exposure and underlying mechanisms are needed.

Method

Births in Sydney (2016–2019) were retrieved from NSW Midwives Data Collection. Births in Brisbane (2000–2014) were retrieved from Queensland Health Perinatal Data Collection. Satellite image-derived normalized difference vegetation index (NDVI) and night time light (NTL) index were used. For each city, linear regression models were used to assess associations between greenspace and birth weight, and logistic models to estimate the risks of preterm birth (PTB), low birth weight (LBW), and small for gestational age (SGA) per 0.1 increase in NDVI. We examined the trimester-specific associations, and heterogeneities by night time light.

Results

The study included 193,264 singleton births in Sydney and 155,606 singleton births in Brisbane. An 0.1 increase in greenspace during whole pregnancy was associated with 17.4 g (95%CI: 14.5 to 20.2) increase in birth weight in Sydney, and 15.1 g (95%CI: 12.0 to 18.5) in Brisbane. The odds ratios were 0.98 (95%CI: 0.97 to 0.99) for LBW, 0.99 (95%CI: 0.98 to 1.00) for PTB, and 0.98 (95%CI: 0.96 to 0.99) for SGA per 0.1 increase in NDVI during whole pregnancy for participants in Sydney. Similarly, reduced odds of adverse birth outcomes were observed in Brisbane. Trimester specific models demonstrated a consistent pattern of associations in the same direction across all outcomes. We found that effects of greenspace exposure on birth outcomes attenuated after adjusting for NTL, but stronger effects among babies of mothers from areas with more NTL.

Conclusions and relevance

These findings suggest a beneficial association between neighborhood greenspace and healthier pregnancies in urban areas. We provide novel evidence of interactions between greenspace and NTL.

INDUSTRIAL AREA ENVIRONMENT / MÔI TRƯỜNG KHU CÔNG NGHIỆP

1. Distribution of heavy metals in coastal sediments under the influence of multiple factors: A case study from the south coast of an industrialized harbor city (Tangshan, China)

Science of The Total Environment, Volume 889, 1 September 2023, 164208

Abstract

This research investigated the spatial distribution of heavy metals, including mercury (Hg), cadmium (Cd), copper (Cu), arsenic (As), nickel (Ni), lead (Pb), chromium (Cr), and zinc (Zn), in surface sediments from a coastal area near to an industrial harbor (Tangshan Harbor, China) using 161 sediment samples. According to the geo-accumulation index (Igeo), 11 samples were classified as unpolluted (Igeo≤0). Notably, 41.0 % of the research samples were moderately or strongly polluted (2 < Igeo≤3) with Hg and 60.2 % of the samples were moderately polluted (1 < Igeo≤2) in Cd. The ecological effect evaluation showed that the metals Zn, Cd, and Pb were at the effect range low level, and 51.6 % of the samples for Cu, 60.9 % for Cr, 90.7 % for As, 41.0 % for Hg, and 64.0 % for Ni fell in the range between the effect range-low and the effect range-mean levels, respectively. The correlation analysis showed that the distribution patterns of Cr, Cu, Zn, Ni, and Pb were similar to each other, high in the northwest, southeast, and southwest regions of the study area and low in the northeast region, which corresponded well with sediment size components. Based on principal component analysis (PCA) and positive matrix factorization (PMF), four distinct sources of pollution were quantitatively attributed, including agricultural activities (22.08 %), fossil fuel consumption (24.14 %), steel production (29.78 %), and natural sources (24.00 %). Hg (80.29 %), Cd (82.31 %) and As (65.33 %) in the region’s coastal sediments were predominantly contributed by fossil fuel, steel production and agricultural sources, respectively. Cr (40.00 %), Cu (43.63 %), Ni (47.54 %), and Zn (38.98 %) were primarily of natural lithogenic origin, while Pb mainly came from the mixed sources of agricultural activities (36.63 %), fossil fuel (36.86 %), and steel production (34.35 %). Multiple factors played important roles in the selective transportation of sedimentary heavy metals, particularly sediment properties, and hydrodynamic sorting processes in the study area.

2. Exploring industrial waste management challenges and smart solutions: An integrated hesitant fuzzy multi-criteria decision-making approach

Journal of Cleaner Production, Volume 420, 25 September 2023, 138327

Abstract

Industrial waste encompasses all types of waste generated from industrial, manufacturing, and mining activities. To minimize adverse environmental impacts, industrial waste can be effectively managed through implementingsmart technologies. The present study aimed to identify the challenges of industrial waste management and propose smart solutions to effectively manage these challenges. The findings derived from a systematic literature review indicate that the challenges of industrial waste management can be classified into five dimensions within the STEEGO model. By evaluating the weights of each dimension using the HF-BWM method, the “organizational” dimension, with a weight of 0.27, was found to be the severest challenge, while the “technological” dimension, with a weight of 0.347, was considered to be the most probable challenge. Furthermore, the findings from conceptual modeling, using the TISM method, show that the primary challenges in industrial waste management include: “a lack of culture for effective waste management”, “insufficient training on legal waste drainage and proper waste digestion”, and “a lack of specific technical instructions for refining and recycling.” To overcome these challenges, smart solutions have been proposed. The result of the HF-QFD method indicate that the most important solution is “constructing smart infrastructure for proper waste management”, with a score of 0.27.

The novelty of this study lies in the theoretical development of the model for the challenges of industrial waste management by applying the “organizational” dimension, considering both biological and physical aspects in the “environmental” dimension, identifying smart solutions to overcome the challenges for cleaner industrial waste systems, as well as using smart industrial waste management technologies in different industries.

Our results emphasize that, given the type of waste, industry managers should employ specific smart technologies for disposing and recycling industrial waste. This approach can prevent the loss of raw materials and protect the environment from various types of waste.

3. Purification of Industrial Effluent by Gas Hydrate-based (HyPurif) Process

Journal of Cleaner Production, Volume 420, 25 September 2023, 138424

Abstract

This study presents a sustainable HyPurif process for managing and recycling industrial water effluent, utilizing gas hydrate-based technology to purify complex effluent. This work purifies two effluents: one from a wastewater treatment plant (WWTP) and the other from a spent caustic treatment plant (SCTP). Various hydrate formers, including propane, HFC134a, and cyclopentane (6 mol %), were selected, as they typically form hydrates closer to ambient conditions. Hydrate formation experiments with effluent water were performed at 278.30 K using pure propane and HFC134a gas. Based on the kinetics of hydrate growth, the study was extended to a mixture (50:50%) of propane and HFC134a, operating at a pressure of 0.6 MPa. The mixture of propane and HFC134a has shown the desired result of forming the hydrate in the gas phase and having high separation efficiency. The results showed that the formation and dissociation of hydrates resulted in a separation efficiency of 80–95%. For instance, in the purified water, the biological oxygen demand (BOD) decreased from 2097 mg/L in the effluent sample to 220 mg/L in purified water (purification efficiency of 90.5%). The chemical oxygen demand (COD) decreased from 3100 mg/L in the effluent sample to 503 mg/L in purified water (purification efficiency of 84%). Total dissolved solids (TDS) were reduced from 89,632 mg/L in the effluent water to 14,698 mg/L in purified water (purification efficiency of 84%). Total suspended solids (TSS) were reduced from 35 mg/L in the effluent water to 3.5 mg/L in purified water (purification efficiency of 90%). However, the purification efficiency for free ammonia and residual chlorine was lower. The concentration of free ammonia decreased from 7 mg/L in the effluent sample to 1.89 mg/L in the purified water (purification efficiency of 73%), and residual chlorine reduced from 0.8 mg/L in the effluent sample to 0.2 mg/L in the purified water (purification efficiency of 75%). Water recovery of ≥40% was achievable per pass, which could be increased, but at the expense of purification efficiency. To the best of our knowledge, this is the first study on the purification of such complex wastewater containing organic and inorganic compounds, heavy metals, and various minerals using the HyPurif process.

4. Mechanism study on a recyclable and clean process for boron removal from industrial-grade silicon using CrMnFeNiMe high-entropy alloy

Journal of Cleaner Production, Volume 420, 25 September 2023, 138330

Abstract

The removal of boron from metallurgical-grade silicon to obtain solar-grade silicon using an alloy-refining method has received widespread attention. To overcome the disadvantages of low recycling efficiency and high cost, a novel approach for boron removal from silicon using CrMnFeNiMe high-entropy alloys (HEAs) has been proposed. A new boron removal recycling process including phase segregation between silicon and HEA, boron transition and enrichment from silicon to HEA, and hydrometallurgy treatment of primary Si-HEA solvent recycling was introduced. This was based on the measurement of the Si-HEA pseudo-phase diagram, activity coefficients of elements in the HEA, and the diffusion coefficient of boron in HEAs. The results proved that HEAs have a higher boron removal ability in silicon refining. This is because the activity coefficients of boron in Si-HEA melt are significantly lower than those in silicon or other binary solvent systems. Furthermore, because the diffusion coefficient is significantly higher under the same circumstances, the boron removal efficiency (EB) reached 95.97% in the first cycle and the primary silicon enrichment rate (ωSi) reached 97.4% owing to HEA-based refining. The hardness of the HEA-based solvent can be increased, and the HEA can be recycled for the fabrication of key parts when boron is saturated. In the recycling process, the yield of silicon was more than 90%. This method has the potential to improve the boron removal efficiency and reduce the cost of preparing high-purity silicon.

5. The adoption of environmental practices in craft breweries: The role of owner-managers’ consumption values, motivation, and perceived business challenges

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137948

Abstract

This quantitative survey-based study is based on the theory of consumption values and the value-motivation-behavior association. It explores how craft brewery owner – manager’ consumption values of green products in their personal lives influence the adoption of environmental practices in their businesses. The study also investigates the relationship between the motivation to adopt environmental practices (MAEP) and the actual adoption of such practices (AEP) in craft breweries. In addition, the study examines the impact of perceived business challenges (PBC) on the motivation-adoption relationship. Results from 236 craft brewery owner-manager from the Brewers Association, employing multiple regressions, showed that four consumption values: social, emotional, conditional, and epistemic, significantly influenced MAEP in their craft breweries. However, only emotional, and conditional values influenced MAEP positively, as hypothesized. Results also confirmed a significant positive relationship between MAEP and AEP. Furthermore, PBC significantly weakened the relationship between motivation and adoption. Based on the findings, numerous takeaways are offered for related stakeholders.

6. Performance of sCO2 coal-fired power plants at various power capacities

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137949

Abstract

Herein, the effect of the power capacity, Wnet, on the performance of supercritical carbon dioxide (sCO2) coal-fired power plants is investigated, with Wnet in the range of (100–1000) MWe. A comprehensive model was established wherein the sCO2 cycle was coupled with the models of various components. For the sCO2 boiler, the total thermal load was assigned to various heaters, and the pressure drop in each heater was calculated. Owing to the strong penalty effect of the pressure drop, both total flow mode (TFM) and partial flow mode (PFM) were applied to the sCO2 boiler. A fluid network integrating the recuperator units was established for heat recovery in the system. A thermal-hydraulic model was proposed for a single unit and an integration package. Various losses were considered in the prediction of the efficiencies of axial flow turbines and compressors. The thermal efficiency increases, attains a maximum, and then decreases with increase of Wnet. This parabolic distribution results from the tradeoff between the decreased efficiency owing to pressure drops in the heat exchangers and the increased efficiency of the turbomachinery. The maximum thermal efficiency occurred at Wnet of 300 MWe and 200 MWe when using the PFM and TFM, respectively. Based on the results, PFM is found to eliminate the penalty effect of pressure drops. Our study provides guidelines for the design and operation of sCO2 coal-fired power plants.

7. Mitigating oil and gas pollutants for a sustainable environment – Critical review and prospects

Journal of Cleaner Production, Volume 416, 1 September 2023, 137863

Abstract

The oil and gas (O&G) industry generates pollutants from the exploration, refining, transportation, storage, and consumption of crude oil products that potentially pollute soil, aquatic environments, and ecosystem. They produce high quantities of gas pollutants, produced water, and other complex organic contaminants. These pollutants are associated with environmental risks, disrupt the well-being of humans, and are fatally hazardous. In fact, the release of pollutants leads to the displacement of animals and the loss of arable land for agricultural purposes. In addition, their influence on the surrounding environment is detrimental to global safety, as described by the World Health Organization (WHO). Controlling these pollutants below the standard emission limits set by global environmental regulations to achieve a safe and sustainable environment is crucial. Herein, the policies related to oil and gas pollution and the harmful effects of O&G pollutants have been reviewed. Also, the applications of catalytic and adsorption technologies in removing O&G pollutants have been discussed. Notably, the roles of novel catalysts and adsorbents in activating and converting harmful O&G pollutants into environment-friendly and value-added products have been highlighted. In addition, this review discusses the prospects of renewable energy technologies in mitigating waste pollutants related to O&G. Moreover, future research directions and useful scientific recommendations have been provided to stimulate further progress aimed at mitigating the harmful effects of O&G pollutants.

8. Sustainable and optimized values for municipal wastewater: The removal of biological oxygen demand and chemical oxygen demand by various levels of geranular activated carbon- and genetic algorithm-based simulation

Journal of Cleaner Production, Volume 417, 10 September 2023, 137932

Abstract

Municipal wastewater treatment in Mashhad, Iran, became increasingly concerned with removing hazardous organic matter. Granular activated carbon (GAC) units downstream are necessary to minimize chemical oxygen demand (COD) and biological oxygen demand (BOD) concentrations by 80–94% to meet effluent treatment; secondary treatment from municipal wastewater only reduces 47% of residual COD and BOD. This study analyzes different types of GAC for COD and BOD adsorption at different contact times and dosages. The dosage of GACs is 0.15, 0.2, and 0.25, with a surface area of 644.5 m2/g and a suitable size of 14.89 nm. Using and genetic algorithms-artificial neural networks (GA-ANNs), sustainable and optimization values are determined for municipal wastewater. Despite that, it can find solutions to difficult or impossible problems using traditional methods. Another advantage is that GA-ANN can be used to solve problems that have multiple objectives or constraints. They can be used either in conjunction with the biological process or as a tertiary stage after the advanced wastewater treatment process. GAC = 0.25 also confirmed the effectiveness of COD and BOD removal, removing 91% and 93%, respectively.

9. How does market-oriented allocation of industrial land affect carbon emissions? Evidence from China

Journal of Environmental Management, Volume 342, 15 September 2023, 118288

Abstract

Industrial land serves as the fundamental basis for urban economic development and significantly contributes to carbon emissions. Effective market mechanisms are crucial for reducing carbon emissions. As such, investigating the impact of market-oriented allocation of industrial land (MAIL) on carbon emissions and its pathways is of substantial practical importance for global low-carbon development. This study constructs a theoretical framework examining the influence of MAIL on carbon emissions, focusing on 285 Chinese cities from 2003 to 2020. The spatial econometric model is employed to analyze the impact of MAIL on carbon emissions. The results show that: first, from a national perspective, MAIL not only reduces carbon emissions within a region but also in neighboring regions. Higher MAIL leads to more effective carbon emission reductions, which are persistent and hysteresis in time. Path analysis demonstrates that MAIL reduces carbon emissions by promoting industrial upgrading and technological innovation. Second, there are differences in the timeliness of carbon emission reduction effects in cities of different scales and regions. For cities of different scales, the carbon reduction effect of MAIL is more stable in large and medium cities compared to megacities and small cities, but in the short term, MAIL will hinder the industrial upgrading of megacities and thus is not conducive to carbon reduction. For different regional cities, the carbon reduction effect of MAIL is more stable in other regions except northeast region, and in the short term, MAIL will inhibit technological innovation in northeast region, which is not conducive to carbon reduction. Consequently, it is essential not only to design a top-level reform plan for MAIL in China but also to establish differentiated reform policies for MAIL, tailored to the unique characteristics of cities with different scales and regions, to effectively reduce carbon emissions.

10. From pollution to prosperity: Investigating the Environmental Kuznets curve and pollution-haven hypothesis in sub-Saharan Africa’s industrial sector

Journal of Environmental Management, Volume 342, 15 September 2023, 118147

Abstract

Drivers of environmental change and policy processes are pushing the sub-Saharan African region to do more in the struggle against climate change as the region suffers most from climate change impact. To this end, this study investigates how the interaction effects of a sustainable financing model in energy use influence carbon emissions in Sub-Saharan African economies. It is based on the theory that energy consumption is determined by increased economic financing. Panel data analysis of thirteen countries from 1995 to 2019 is used to explore the interaction effect on CO2 emissions, taking a market-induced energy demand perspective. The study employed the fully modified ordinary least squares technique, removing all heterogeneity effects in a panel estimation. The econometric model was estimated with (and without) the interaction effect. The study finds support for the Pollution-Haven hypothesis and the Environmental Kuznets “inverted U-shaped” Curve Hypothesis in the region. It identifies a long-run relationship between the financial sector, economic activity, and CO2 emissions, with fossil fuel consumption in industrial activities increasing CO2 emissions by about 2.5 times. However, the study also reveals that the interactive effect of financial development can significantly reduce CO2 emissions, providing important implications for policymakers in Africa. The study suggests regulatory incentives to encourage banking credit intermediation for environmentally friendly energy sources. This research makes a valuable contribution to understanding the environmental impact of the financial sector in sub-Saharan Africa, an area that has received limited empirical attention. The findings highlight the relevance of the financial sector for policy formulation in addressing environmental issues in the region.

11. Textile effluents decolourization potential of metal tolerant Aspergillus species and optimization of biomass concentration and temperature

Environmental Research, Volume 232, 1 September 2023, 116294

Abstract

This research was performed to assess the physicochemical properties of textile effluents collected from different sampling points (industrial park, Hosur, Tamil Nadu, India) and also evaluate the multiple metal tolerance efficiency of pre-isolated Aspergillus flavus. Moreover, their textile effluent decolourization potential was investigated and quantity and temperature required for effective bioremediation was optimized. About 5 textile effluent samples (S0, S1, S2, S3, and S4) were collected from various sampling points and noted that certain physicochemical properties (pH: 9.64 ± 0.38, Turbidity: 18.39 ± 1.4 NTU, Cl−: 3185.38 ± 15.8 mg L−1, BOD: 82.52 ± 6.9 mg L−1, COD: 342.28 ± 8.9 mg L−1, Ni: 74.21 ± 4.31 mg L−1, Cr: 48.52 ± 18.34 mg L−1, Cd: 34.85 ± 1.2 mg L−1, Zn: 25.52 ± 2.4 mg L−1, Pb: 11.25 ± 1.5 mg L−1, Hg: 1.8 ± 0.05 mg L−1, and As: 7.1 ± 0.41 mg L−1) were beyond the permissible limits. The A. flavus, showed remarkable metal tolerance to Pb, As, Cr, Ni, Cu, Cd, Hg, and Zn on PDA plates with elevated dosage up to 1000 μg mL−1. The optimal dosage required for effective decolourization was found as 3 g (48.2%) and compare to dead biomass (42.1%) of A. flavus, the viable biomass showed remarkable decolourization activity on textile effluents in a short duration of treatment process. The optimal temperature for effective decolourization by viable biomass was found at 32 ᵒC. The toxic effects of S4 samples treated at 32 ᵒC on O. sativa as well as brine shrimp larvae were significantly reduced. These findings show that pre-isolated A. flavus viable biomass can be used to decolorize metal-enriched textile effluent. Furthermore, the effectiveness of their metals remediation should be investigated using ex-situ and ex-vivo approaches.

12. Environmental risk assessment near a typical spent lead-acid battery recycling factory in China

Environmental Research, Volume 233, 15 September 2023, 116417

Abstract

In recent years, environmental pollution and public health incidents caused by the recycling of spent lead-acid batteries (LABs) has becoming more frequent, posing potential risk to both the ecological environment and human health. Accurately assessing the environmental risk associated with the recycling of spent LABs is a prerequisite for achieving pollution control. In this study, a spent LABs recycling factory in Chongqing was investigated through on-site investigation, sample analysis. Exposure assessment and health risk assessment were also conducted. The results showed that: firstly, Pb and As concentrations exceeding the standard limit values were found in the environmental air and vegetables near the spent LABs recycling factory. Secondly, exposure assessment results showed that total average daily exposure to hazardous substances for children (3.46 × 10−2 mg/kg) is higher than for adults (4.80 × 10−2 mg/kg). The main exposure pathways for Pb, Cr, Ni, Cu, Zn, and Hg are ingestion of vegetables, while those for Cd, As, and Sb are through inhalation. Thirdly, health risk assessment results indicate that environmental exposure poses unacceptable non-carcinogenic and carcinogenic risk to both adults and children near the spent LABs recycling factory, with children facing higher risk than adults. Pb and As are the main contributors to non-carcinogenic risk, and Ni and As are the main contributors to unacceptable carcinogenic risk. In particular, As, has a greater contribution to total carcinogenic risk index through inhalation than vegetable ingestion. Overall, vegetable ingestion and inhalation are the main exposure pathways for non-carcinogenic and carcinogenic risk. Consequently, future risk assessment should focus on the impact of hazardous substances on children, as well as the health risk associated with ingestion of vegetables and inhalation. Our findings will provide basic information for proposing measures of environmental risk prevention during the recycling of spent LABs, for example, controlling of As in exhaust gas emissions.

13. Molecular insight into the transformation of dissolved organic matter during sewage sludge composting: An investigation of a full-scale composting plant

Environmental Research, Volume 233, 15 September 2023, 116460

Abstract

The aim of the study was to explore the molecular dynamics and transformation pathways of dissolved organic matter (DOM) in sewage sludge (SS) during composting, and the DOM of raw material, material experiencing thermophilic phase and material collected from humification phase were characterized using electrospray ionization coupled with Fourier transform ion cyclotron resonance mass spectrometry. The results indicated that there were approximately 85% of aliphatic/proteins and 75% of carbohydrate preferentially decomposed in the thermophilic phase. Moreover, lignins/carboxylic-rich alicyclic molecules (CRAM) were the main N-containing substances evolved in the decomposition, which leading to a reduction of N/C ratio from 0.073 to 0.041. Whereas aliphatic acids and tryptophan in lignins/CRAM with high oxidizing capacities are preferentially decomposed in the thermophilic phase. As for maturity phase, the carbon of the newly generated compounds (belonging to lignins/CRAM and tannins), possessed an oxidation state that similar to sulfonates and sulfonamides, and these DOM are beneficial for the humic substances formation. Moreover, it was found that the newly formed N2Ox and N3Ox compounds had a more significant contribution to the double bond equivalent (DBE) of the compost, corresponding to 1.0 and 1.7 DBE, respectively. The results would help explore the understanding of DOM transformation and humification during SS composting in the microscopic molecular level.

14. Fabrication of hierarchical flower-like WO3 nanoparticles for effective metal ions sensing and catalytic degradation of organic dyes

Environmental Research, Volume 233, 15 September 2023, 116468

Abstract

In this work, we report on the synthesis of flower-like tungsten oxide nanoparticles (WO3 NPs) using a simple precipitation method. This paper reports a simple method for synthesizing flower-like WO3 NPs, which can be used for environmentally treating hazardous organic pollutants. The photocatalytic degradation of model artificial Orange II and Congo red was assessed under natural sunlight irradiation. The surface morphologies, crystallinity, and binding energy of the synthesized WO3 NPs were determined. The synthesized WO3 NPs exhibited good photodegradation percentages of approximately Orange II (97.6%) and Congo red dye (98.2%) after 120 min of irradiation. Furthermore, the WO3 NPs maintained their degradation ability for up to three cycles. In addition, WO3 NPs were examined in different metal ions sensing (Hg2+, Fe2+, Cu2+, Ni2+, and Cd2+) in an aqueous solution. The results showed that the WO3 NPs exhibited excellent Cd2+ ion sensing. Based on the investigations, WO3 NPs proved to be an efficient photocatalyst and hold promise as the best material for future applications in preventing water pollution.

15. Synthesis and application of manganese-doped zinc oxide as a potential adsorbent for removal of Congo red dye from wastewater

Environmental Research, Volume 233, 15 September 2023, 116484

Abstract

Synthetic dyes are considered toxic compounds and as such are not easily removed by conventional water treatment processes. This study demonstrated the synthesis of pure and manganese- (Mn), silver- (Ag), and iron- (Fe) doped zinc oxide (ZnO) nanoparticles via the wet chemical route. In particular, it investigated the batch adsorption studies and physiochemical properties of synthesized pure and doped ZnO materials for removing toxic congo red (CR) dye. X-ray diffraction (XRD), Raman spectroscopy, and energy-dispersive X-ray spectroscopy (EDS) confirmed the synthesis of the pure and doped ZnO materials. The batch adsorption investigation revealed adsorption efficiencies of 99.4% for CR dye at an optimal dose of 0.03 g/30 ml for Mn-doped ZnO at a solution pH of 2. The adsorption capacity of each of the synthesized materials was found to be in order Mn-doped ZnO (232.5 mg/g) > Ag-doped ZnO (222.2 mg/g) > pure ZnO (212.7 mg/g) > Fe-doped ZnO (208.3 mg/g). Both pseudo-second-order kinetics model and the Langmuir isotherm model accurately explained the adsorption behaviors of CR dye. As such, Van der Waal interactions, H-bonding, and electrostatic interaction were found to be the adsorption mechanisms responsible for dye removal. In addition, the desorption–regeneration investigation indicated the successful reuse of the exhausted Mn-doped ZnO material for five cycles of CR dye adsorption with an efficiency of 83.1%. Overall, this study has demonstrated that Mn-doped ZnO could be considered a viable adsorbent for the cleanup of dye-contaminated water.

16. Digital transformation, environmental disclosure, and environmental performance: An examination based on listed companies in heavy-pollution industries in China

International Review of Economics & Finance, Volume 87, September 2023, Pages 505-518

Abstract

This study comprises an empirical analysis of how digital transformation affects environmental performance after constructing a multidimensional evaluation framework to measure environmental performance. It used firm-level panel data of Chinese listed companies in heavy-pollution industries obtained from the China Stock Market & Accounting Research (CSMAR) database from 2010 to 2020. We found that the impact of digital transformation on enterprises’ environmental performance shows a significant U-shaped non-linear feature moderated by environmental disclosure, including the channel and quality. We also found that green innovation has a significant single-threshold effect on non-linear relationships. Furthermore, heterogeneity examination showed that the digital transformation of production and warehousing can promote environmental performance more effectively. Overall, our findings provide implications for exploring the unexplored field of environmental management through digital transformation, concerning both heavy-polluting enterprises and government regulators, to achieve carbon peaking and carbon neutrality goals.

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Trả lại cho sông

Mưa kéo dài, liên tục những ngày qua khiến các tuyến phố Tam Kỳ lại trở thành… sông. Nước ào ạt đổ xuống phía kênh thoát lũ dọc đường Duy Tân, như muốn nhấn chìm chiếc xe máy xúc đang thi công một công trình quan trọng để góp phần giảm ngập cho thành phố. Hình như những nỗ lực vẫn đang chậm một bước…

Thành phố giăng dây

Ngày 15/10, nhiều tuyến phố ngập nước. Dây giăng khắp các ngã đường ngập nặng: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, quanh khu vực chợ Tam Kỳ… dẫu mùa mưa chỉ mới bắt đầu.

Ngày 10/12/2018, Tam Kỳ có lũ, mức lũ trên sông Tam Kỳ đạt đỉnh, trên báo động 3 là 0,53m. Thành phố ngập diện rộng. Trừ năm 2019 không xuất hiện lũ, những năm sau đó đến nay thành phố chịu một số đợt lũ nữa, nhiều khu vực ngập úng như Tam Ngọc, An Sơn, Hòa Hương, Tam Phú, An Phú, Tân Thạnh, Tam Thăng…

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Trung Hậu nhận định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình bê tông hóa cao đã giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước.

Ngoài ra, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng tác động lớn đến các vùng chứa, tiêu thoát nước tự nhiên. Hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước, việc đấu nối nhiều điểm bất hợp lý, gây xung đột dòng chảy, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thoát nước.

Cư dân lấn chiếm dòng chảy xây dựng công trình dân sinh, sản xuất nông nghiệp, thủy sản (hồ tôm, bè nuôi cá…). Bên cạnh đó, công tác quy hoạch có phần chưa dự lường hết sự khốc liệt của biến đổi khí hậu, tiến độ triển khai các dự án thoát nước, chống ngập úng còn rất chậm, thiếu nguồn lực cũng gia tăng nguyên nhân ngập…

Những ngày miền Trung mưa trắng trời, chuyên gia về khí hậu cực đoan, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhắc lại thảm nạn của Bắc Kinh (Trung Quốc) do hoàn lưu bão Doksuri, khi nơi này nhận lượng mưa kỷ lục trăm năm mới có một lần. Tổng lượng mưa được ghi nhận là 744,8 millimet trong 2 ngày 30 và 31 tháng 7/2023.

Một kỷ lục được ghi nhận tại đây kể từ khi ngành khí tượng Trung Quốc bắt đầu có đo lượng mưa cách đây 140 năm. Hạ tầng thoát nước ở một thành phố lớn đã không đủ năng lực để chống chịu. Rất nhiều nhà cửa, xe cộ bị ngập và cuốn trôi.

Dù được dự báo trước, trận ngập lụt vẫn khiến 21 người thiệt mạng và 26 người mất tích. Trong khi đó, hầu hết thành phố tại Việt Nam được thiết kế với năng lực thoát nước khoảng từ 100 – 150mm/ngày, có nơi thấp hơn chỉ khoảng 50mm/ngày. “Thành phố giăng dây” là hệ quả tất yếu: lượng mưa ghi nhận được từ trạm đo mưa chuyên dùng cho thấy lượng mưa tại Tam Kỳ ngày 14/10 là 185,8mm và ngày 15/10 lên đến 300mm.

Dành không gian cho nước

Theo nghiên cứu vừa được Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng công bố tại hội thảo vào tháng 9 vừa qua, việc thay đổi địa hình do quy hoạch ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ trên sông Bàn Thạch. Biến đổi khí hậu, ngoài khả năng tạo ra mưa cực đoan, còn làm tăng mực nước triều tại Cửa Lở và Hội An, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những trận lũ với mực nước siêu lớn.

PGS-TS. Nguyễn Chí Công – Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), trong các giải pháp của nhóm nghiên cứu, đã đề cập việc xây dựng thành phố “bọt biển” với nguyên lý cơ bản: làm chậm thời gian tập trung dòng chảy và trữ nước tự nhiên để không gây áp lực lên hệ thống thoát nước mưa thành phố.

Ngoài ra, PGS-TS. Nguyễn Chí Công cũng nhắc đến việc trả lại không gian cho các dòng sông: tháo bỏ các công trình xâm lấn lòng sông và hoàn nguyên như ban đầu, thậm chí mở rộng hơn. Tất nhiên, để đảm bảo tính khả thi, phải đồng bộ khá nhiều giải pháp, phân kỳ ngắn, trung và dài hạn, song quan điểm trả lại không gian cho sông hẳn sẽ được nhiều người đồng tình.

Thành phố quá trẻ và đang phát triển khá nhanh, nhiều diện tích trước đây là đồng lúa, ruộng rau… nhường chỗ cho các khu đô thị. Trong khi đó, việc tái tạo các mảng xanh lại quá mờ nhạt.

Sông Bàn Thạch đoạn dọc theo tuyến Bạch Đằng chỉ như một con lạch, gần như mất dấu ở đoạn cuối Bạch Đằng. Và cũng ở phần cuối tuyến ấy, một cái hồ lớn đang được chính quyền thay thế bằng những đống đất đỏ quạch dần xâm lấn, xóa sổ một hồ sen trước đây từng rất đẹp…

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong một hội thảo về đô thị, đã đưa ra khuyến nghị các đô thị mới cần rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian và phát triển hạ tầng, cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị.

Cách giải quyết là rà soát, quy hoạch lại không gian dành cho nước. Đầu tiên phải đảm bảo không gian dành cho nước, ở những khu vực mà mình đang có công viên bị lấn chiếm, sông hồ bị lấp… thì nên trả lại không gian xanh.

Ở những khu vực xây dựng quá dày đặc rồi không còn diện tích, không gian xanh mặt nước nữa thì buộc phải làm những giải pháp, giống bên Tokyo của Nhật Bản, là xây những hồ điều tiết ngầm. Thói quen phát triển thiếu bền vững kéo dài từ nhiều thập niên, muốn điều chỉnh thì cần cơ cấu lại tổ chức quản lý đô thị cũng như cơ cấu lại cách thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng.

Hãy trả lại cho sông, trả lại không gian dành cho nước, như một cách để “làm trong sạch” những toan tính, dành cho ngày mai, ngày sau…

Phương Giang – Báo Quảng Nam

Theo Quảng Nam

Ảnh: Tam Kỳ đối mặt với lượng mưa khá cao, lên đến 300mm trong ngày 15/10 vừa qua.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoquangnam.vn/xa-hoi/tra-lai-cho-song-150135.html