• 0942.210.185
  • bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com
Trang chủ Blog Trang 6

Bình Thuận: Choáng ngợp cụm nhà hàng, biệt thự trái phép ở dốc Hoàng Hôn

Nhà hàng, quán cà phê và hàng chục căn biệt thự xây dựng trái phép trên phần đất hơn 4.500 m², phần lớn do nhà nước quản lý tại dốc Hoàng Hôn – Phan Thiết, vẫn ngang nhiên tồn tại

Gần đây, từ khóa dốc Hoàng Hôn được rất nhiều du khách và người dân tại tỉnh Bình Thuận quan tâm tìm kiếm để check-in, khám phá tuyến đường mới mở bao quanh địa danh Núi Cố, phường Phú Hài, TP Phan Thiết.

Khi tìm nơi ăn uống, nghỉ chân, chúng tôi đã không khỏi choáng ngợp trước công trình được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công phu.

Phía cuối tuyến đường Nguyễn Xuân Thủy (khu phố 5, phường Phú Hài, hay còn biết đến với tên dốc Hoàng Hôn), quán cà phê Dốc Hoàng Hôn là một cụm công trình hoành tráng, gồm: nhà hàng, quán cà phê, bãi đậu xe và hàng chục căn biệt thự đơn lẻ được xây dựng từ hơn 1 năm trước để đón du khách.

Một góc cụm công trình của ông P. xây dựng nhìn từ đoạn cuối dốc Hoàng Hôn

Khu vực quầy cà phê kết hợp nhà hàng được xây dựng dưới chân Núi Cố tiếp giáp bãi biển, gồm nhiều phân khu riêng biệt: điểm check-in, khu cà phê nhiều tầng ngoài trời, khu quầy pha chế, khu nhà hàng máy lạnh bên trong…

Ngoài ra, chủ cụm công trình này còn cho xây dựng khoảng 20 căn biệt thự riêng lẻ, chia làm 2 phân khu nằm bên trên quầy cà phê – nhà hàng.

Khu vực ăn uống của quán cà phê Dốc Hoàng Hôn

Gần đây, địa danh Dốc Hoàng Hôn được rất nhiều du khách tìm kiếm để check-in nên cụm công trình nói trên đón tiếp rất nhiều du khách đến ăn uống, nghỉ dưỡng. Trong đó, khu vực bãi đậu ô tô tấp nập các xe khách tìm vào mỗi dịp cao điểm lễ tết, cuối tuần.

Tuy nhiên, điều hết sức bất ngờ là cả một cụm công trình quy mô, được giới thiệu là “điểm đến không thể bỏ qua” khi đến ngắm hoàng hôn tại Núi Cố – Phú Hài lại xây dựng không có giấy phép trên phần đất lấn chiếm của nhà nước.

Một số khu riêng biệt được xây dựng kiên cố

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụm công trình này do ông N.N.P. (SN 1986, trú xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đứng tên xây dựng.

Khoảng giữa năm 2023, ông P. bắt đầu cho xây dựng các công trình không phép này trên nền diện tích khoảng hơn 4.500m².

Một góc công trình nhà nghỉ mát xây dựng trái phép trong cụm công trình

Theo thông tin nắm được, toàn bộ công trình xây dựng không phép và diện tích đất xây dựng là đất chiếm dụng của nhà nước. Trong số hơn 4.500m² đất xây dựng này, ông P. chỉ được cấp một diện tích nhỏ đất nông nghiệp khu vực giáp biển. Còn lại là diện tích đất lấn chiếm của nhà nước chưa sử dụng.

Tháng 7-2023, khi mới phát hiện việc ông N.N.P. xây dựng cụm công trình này, UBND TP Phan Thiết đã ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng về hành vi chiếm đất chưa sử dụng do nhà nước quản lý tại khu vực đô thị để xây dựng công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Các căn biệt thự riêng lẻ xây dựng trái phép

TP Phan Thiết cũng buộc ông P. nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền phải nộp hơn 63 triệu đồng.

Đồng thời, yêu cầu ông khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, hơn 1 năm sau ngày UBND TP Phan Thiết ra quyết định xử phạt, ông P. không chấp hành tháo dỡ mà còn xây dựng mở rộng, hoàn thiện cụm công trình không phép để đưa vào hoạt động, đón khách.

Châu Tỉnh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Hình ảnh cụm công trình trái phép của quán cà phê Dốc Hoàng Hôn giới thiệu trên fanpage của quán

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/binh-thuan-choang-ngop-cum-nha-hang-biet-thu-trai-phep-o-doc-hoang-hon-196240909110639923.htm

Hệ quả của việc trồng cây theo kiểu ‘ăn xổi’

Theo thống kê của TP Hà Nội, đã có gần 17.000 cây xanh bật gốc, gãy đổ khi cơn bão số 3 quét qua thủ đô.

Hậu quả có 2 người thiệt mạng vì cây đổ khi đang lưu thông trên đường, hàng chục phương tiện bị cây đè hư hỏng nặng. Rất nhiều tuyến phố vừa xanh mướt hôm nào nay ngổn ngang, trơ trọi đến xót xa.

Dù bão mạnh, nhưng số lượng cây gãy đổ quá lớn và gây nguy hiểm cho cộng đồng vẫn là một câu hỏi vô cùng nhức nhối được đặt ra.

Hình ảnh nhiều gốc cây lớn bị bật gốc, đổ lộ ra bộ rễ trọc lóc, thậm chí còn nguyên cả dây buộc và ni lông bọc đất đã cho thấy một thực trạng trồng cây theo kiểu “ăn xổi” tại đô thị: cây ở tuổi trưởng thành (đường kính trên 20cm) được bứng về từ rừng, từ các vườn ươm lâu năm để gấp gáp làm “xanh hóa” các tuyến phố.

Với bộ rễ bị cắt gọn, những loại cây này đương nhiên không kịp trụ vững để chống chọi với những cơn gió dữ. Đó là chưa kể, nhiều tuyến phố được bê tông hóa với nhiều công trình ngầm khiến cây cối không có nhiều đất để “sâu rễ, bền gốc”. Vì thế, chuyện cây bị bật gốc là điều khó tránh khỏi.

Một điều dễ nhận thấy nữa là, những cây bị bật gốc, gãy cành trong bão vừa qua phần lớn là những cây rễ cạn, ăn ngang, cành giòn như: muồng, bằng lăng, phượng… Điều này cho thấy việc chọn lựa giống cây trồng trong đô thị dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc quản lý cây xanh, công viên đô thị tại Việt Nam được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị. Sau hơn 13 năm đi vào cuộc sống, nghị định này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý.

Hiện việc quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị đều do UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương đều chưa có danh sách chính thức các loại cây được trồng và không được trồng, dẫn đến lúng túng trong việc kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong trồng cây đô thị.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị. Tuy nhiên, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương mới chỉ tập trung vào làm rõ về các quy định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị; huy động nguồn lực để phát triển cây xanh.

Các nội dung cụ thể hơn về điều chỉnh thời gian, điều kiện chặt, hạ, dịch chuyển cây xanh; tiêu chí phân loại cụ thể đối với các loại cây xanh theo kích thước, tuổi đời; danh mục cây xanh được trồng trong đô thị… chưa thực sự được quan tâm.

Cùng với sự phát triển của các đô thị, việc phát triển, quản lý cây xanh trong thời gian tới vẫn là một yêu cầu bức thiết. Vì vậy, Bộ Xây dựng, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác trồng, quản lý cây xanh đô thị.

Các cơ quan quản lý cần tham khảo tiêu chí của các quốc gia, nghiên cứu kỹ để đưa ra các giống cây, quy cách trồng, quy trình chăm sóc, cắt tỉa phù hợp, có tính toán đến điều kiện biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh, cũng như các chế tài xử lý vi phạm. Trồng cây xanh để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị nhưng yếu tố an toàn cho người dân vẫn cần đặt lên hàng đầu.

Minh Duy – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/he-qua-cua-viec-trong-cay-theo-kieu-an-xoi-post757937.html

TPHCM lại sắp đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm

Trong tháng 6/2025, TPHCM sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất, gồm lô 1-2 (rộng 7.800 m2), lô 1-3 (rộng 5.000 m2) và lô 3-5 (rộng 6.500 m2).

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm , TP Thủ Đức.

Cụ thể, trong giai đoạn 2024 – 2025, TPHCM xử lý chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã ký với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất với 4 lô đất 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 tại khu chức năng số 3.

Đồng thời, TPHCM tổ chức đấu giá 3 lô đất thuộc khu chức năng số 1 và khu chức năng số 3. Theo đó, 3 lô đất được tổ chức đấu giá gồm: lô 1-2 (rộng 7.800m2), lô 1-3 (rộng 5.000 m2) cùng được quy hoạch là dân cư đa chức năng, lô 3-5 (rộng 6.500 m2) quy hoạch khu nhà ở chung cư hỗn hợp có bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ. Dự kiến, việc đấu giá sẽ thực hiện trong tháng 6/2025.

TPHCM lại sắp đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm. Ảnh: Q.Duy

Sau đó, TPHCM dự kiến sẽ triển khai đấu giá tiếp 4 lô đất thuộc khu chức năng số 1; 3 lô thuộc khu chức năng số 3 và 1 lô thuộc khu chức năng số 7. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 7/2025 đến năm 2026.

Đối với khu phức hợp thể thao giải trí 2C gồm 6 lô, UBND TPHCM giao TP Thủ Đức phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định.

Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM được giao trình UBND TPHCM về thống nhất chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá.

Đối với 2 lô đất 1-12 và 1-20, UBND TP Thủ Đức báo cáo UBND TPHCM về tình hình tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên Môi trường được giao trình UBND TPHCM về thống nhất chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá.

Về tổ chức thực hiện, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực Tổ Công tác 3588) thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; chủ động chủ trì, phối hợp với thành viên Tổ công tác 3588, các sở ngành, đơn vị có liên quan để giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện; kịp thời báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện.

Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu, đề xuất, trình UBND TPHCM.

UBND TPHCM cũng giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tổ chức, thực hiện và ký hợp đồng thuê đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc đấu giá theo quy định về đấu thầu…

Quốc Hải – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Các lô đất vàng ở Thủ Thiêm sắp được đấu giá lại. Ảnh: Q.Duy

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/tphcm-lai-sap-dau-gia-dat-vang-thu-thiem-post700036.html

Cách nào trồng lại cây xanh gãy đổ ở Hà Nội sau bão số 3?

Việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để đảm bảo an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại như quy hoạch diện tích đất trồng, chọn chủng loại ít gãy đổ…

Có trồng lại được cây gãy đổ?

Tối 7/9, tâm bão YAGI quét qua thủ đô gây mưa to và giông lốc suốt 7 tiếng. Gió bão giật cấp 10, mạnh chưa từng có 30 năm qua khiến cây đổ la liệt khắp thành phố. Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn.

Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đã và đang tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp cây xanh đổ, gãy cành đã phát hiện; đồng thời tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp cây đổ, cành gãy phát sinh khác.

Cây đổ khi có mưa to, gió lớn đã trở thành vấn đề thường xuyên, kéo dài và đáng bàn nhiều năm nay tại thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những trận “cuồng phong” như cơn bão số 3 vừa đi qua mới thấy được sự thiệt hại rất nặng nề, cây đổ đồng loạt trên nhiều tuyến phố tại nội thành Hà Nội.

Câu hỏi đặt ra và cũng như ý kiến của nhiều người lúc này là tìm giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo vệ, khôi phục và giữ lại những cây đã bị đổ. Nếu làm được điều này thì sẽ bảo vệ “di sản” đặc trưng này của thành phố cổ ngàn năm văn hiến Thủ đô Hà Nội.

Tại cuộc thị sát sáng nay của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, với những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách các địa bàn cần quan tâm việc bảo vệ, khôi phục lại cây xanh ở các địa phương, tránh làm vội sẽ thiệt hại, khó khắc phục.

Đề cập đến vấn đề làm sao để giữ gìn, khôi phục lại cây xanh đã bị đổ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết Sở đang chỉ đạo khẩn các bộ phận chuyên môn thống kê sớm, đồng thời chuẩn bị có phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể.

Ông Võ Nguyên Phong cho biết thêm, đối với cây đổ, bật gốc các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cố thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ. Khó khăn gặp phải là các lực lượng đồng thời phải cưa cắt cây, vừa vận chuyển hoặc dựng cây để kịp thời giải phóng đường giao thông.

Cây đổ ngổn ngang ở Hà Nội sau bão số 3.

Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, ở các đô thị do sự phát triển quá nhanh nên hệ thống cây xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề đô thị hóa, công tác quy hoạch không đồng bộ.

Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ, dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ cây chỉ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu.

Theo chuyên gia, việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để đảm bảo an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại. Trước khi trồng lại phải quy hoạch diện tích trồng, đảm bảo cây có không gian để phát triển hệ rễ, chọn đúng chủng loại cây trồng và có kế hoạch chăm sóc hợp lý.

Cây gì phù hợp trồng ở đô thị?

Theo ông Lê Huy Cường, vấn đề nên trồng loài cây nào để phù hợp hơn và giảm thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, trường học, trước khi trồng cây cần phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn. Việc trồng cây nào cần tổ chức khảo sát kỹ, bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm mới bố trí, chọn cây.

Có rất nhiều loài cây khác có thể trồng được trong đô thị ở Việt Nam như cây Sao đen, cây Dầu Rái… Những cây này có thể trồng với số lượng lớn và ít khi đổ. Chúng có thể sống được hàng trăm năm. Hoặc trong trường học thì có thể trồng những cây gỗ trung bình, hoặc nhỏ như các cây họ muồng.

TS Trần Anh Tuấn, Viện Kiến trúc cảnh quan và Môi trường, Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, các tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn cây trồng trong đô thị như: lựa chọn cây trồng đảm bảo về không gian cảnh quan tuyến đường; lựa chọn cây xanh phù hợp với đặc trưng văn hóa của tuyến phố đó; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để có thể đưa ra được các đề xuất tuyến phố nào, đường nào thì trồng loài cây gì…

Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường… Để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gãy trong mùa mưa bão.

Theo các chuyên gia, cây xanh là một phần tạo nên Hà Nội, việc thay thế cây xanh cần quan tâm đến tính chất đặc thù phù hợp với sinh thái từng vùng vì mỗi quận, huyện có sinh thái khác nhau về độ ẩm, đất, về không gian và hoạt động của con người trên từng tuyến đường, bao gồm: chủng loại cây, hình thức không gian, kích thước không gian, khống chế chiều cao cây, khoảng cách trồng cây… Từ đó góp phần hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị Hà Nội.

Cây xanh bóng mát trên đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội hiện phong phú và đa dạng về chủng loài, với khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là giống cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà Cừ, Sữa, Sấu, Muồng, Bằng Lăng, Phượng, Bàng…

Trồng và chăm sóc cây xanh là công việc thường xuyên, hàng ngày của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng của thành phố cần rà soát để nghiên cứu, trồng, thay thế những loại cây xanh phù hợp vừa đảm bảo bóng mát, vừa làm đẹp cho thành phố, vừa đảm bảo giữ gìn văn hóa Thủ đô.

Điều quan trọng, trước khi trồng loại cây gì, trên tuyến đường nào nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia cây xanh để đảm bảo về văn hóa, kiến trúc cảnh quan cũng như an toàn cho người dân.

Tô Hội – Báo SK&ĐS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Hạt loạt cây xanh ở Hà Nội gãy đổ do bão số 3.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-trong-lai-cay-xanh-gay-do-o-hanoi-sau-bao-so-3-169240908161911879.htm

Sông Sài Gòn phải là ‘xương sống’ trong quy hoạch TP.HCM

TP.HCM đặt mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu tại châu Á vào năm 2030. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, Thành phố cần ‘đánh thức’ những tiềm năng còn bỏ ngỏ của sông Sài Gòn bằng cách đưa dòng sông huyết mạch này thành một trục ‘xương sống’ trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Mỏ vàng” sông Sài Gòn đang bỏ ngỏ

Năm 2023, TP.HCM đón 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Theo đó, lượng khách quốc tế đến Thành phố chiếm 40% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách nội địa chiếm 32% lượng khách của cả nước.

Tuy nhiên, trong danh sách 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất thế giới do CNN công bố có thể thấy sự “khiêm tốn” về vị thế của điểm đến “đầu tàu cả nước” này trong khu vực. Nếu như trong Top 100, Bangkok (Thái Lan) xếp thứ 33, Singapore xếp thứ 11, thì thứ hạng của TP.HCM dừng lại ở con số 85.

Bên cạnh đó, Bangkok còn là điểm đến hút khách nhất thế giới năm 2023 với 22,78 triệu lượt khách quốc tế, hay Singapore cũng đón đến 13,6 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu từ du lịch gấp 3,2 lần TP.HCM.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, để đạt mục tiêu điểm đến hàng đầu châu Á, ngành du lịch Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như hạ tầng chưa theo nhịp phát triển đô thị, khả năng tiếp cận các điểm đến trong vùng còn hạn chế, sản phẩm du lịch đường sông chưa đặc sắc, thiếu bến thủy, cầu tàu, chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế… Thành phố cũng thiếu những “bàn tay” chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm văn hóa – nghệ thuật, du lịch đẳng cấp cao. Bởi vậy, du lịch chưa phát huy được vai trò “mũi nhọn” của kinh tế TP.HCM.

Nói về hạn chế của du lịch TP.HCM, KTS. Khương Văn Mười – nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra minh họa vô cùng trực quan: “Cách đây mười mấy năm, khách nước ngoài đến sông Sài Gòn thuê những chiếc tàu gỗ để đi lên thượng nguồn (Tây Ninh) chơi rất nhiều nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo thu nhập và việc làm cho người dân, doanh thu cho ngành dịch vụ”.

TP.HCM có hơn 70 bến thủy nội địa phục vụ đưa – đón khách, nhưng chỉ đáp ứng cho ghe, thuyền nhỏ. Dịch vụ chưa đa dạng nên khách du lịch đường sông chỉ chiếm 2% tổng số khách đến TP.HCM, trong đó khách quốc tế chỉ chiếm 5% tổng lượt khách. Đó là thực tế “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhiều năm nay của TP.HCM.

Thiếu bến bãi khiến du lịch đường sông TP.HCM khó phát triển xứng tầm. Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng – Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền Thủ Đức từng cho biết, nhiều khách ngoại, kể cả nhóm khách trung lưu tại TP.HCM muốn chơi du thuyền nhưng không có bến đậu. Số lượng bến đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là cần xác định sông Sài Gòn là trục xương sống của quy hoạch, từ đó phát triển hệ sinh thái du lịch cao cấp, hạ tầng giao thông hiện đại bám theo đôi bờ gồm cả thủy – bộ – sắt để đánh thức tiềm năng dòng sông huyết mạch.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng chỉ rõ, mở rộng không gian 5 huyện ngoại thành, phát triển đa tâm “hướng sông, bám biển”, thực hiện các công trình, dự án giao thông đô thị tầm cỡ là những thách thức TP.HCM cần hóa giải.

Phát triển hạ tầng “bám sông”, đưa TP.HCM thành hình mẫu “trên bến dưới thuyền”

TP.HCM phấn đấu đến 2030 đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế và 50 triệu lượt khách nội địa, trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, đến 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Đồng thời, Thành phố xác định rõ du lịch bền vững và du lịch xanh là trọng điểm.

Do đó, cần quy hoạch sông Sài Gòn tương lai trở thành hình mẫu “trên bến dưới thuyền”, không chỉ là trung tâm đô thị, mà phải trở thành trụ cột phát triển kinh tế du lịch bền vững theo hướng xanh, sinh thái, là tâm điểm du lịch của Thành phố với hệ sinh thái du lịch quy mô, đẳng cấp cao.

Theo KTS. Khương Văn Mười, để đạt được những mục tiêu lớn này, TP.HCM “phải có quy hoạch dài hơi hai bên bờ sông Sài Gòn. Trong đó, quy hoạch trục sông Sài Gòn – Củ Chi – Tây Ninh có tiềm năng lớn để khai thác du lịch, liên kết với khu vực núi Bà Đen”.

Thực tế, tuyến sông Sài Gòn từ thượng nguồn Tây Ninh, qua Củ Chi đến trung tâm TP.HCM, chảy về hạ nguồn Cần Giờ là dòng chảy dồi dào tài nguyên để phát triển du lịch xanh, sinh thái, văn hóa – lịch sử, thể thao, nghỉ dưỡng, song tiềm năng vẫn bỏ ngỏ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị bổ sung quy hoạch đại lộ ven sông Sài Gòn: “Không chỉ đại lộ ven sông phía TP.HCM, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh Tây Ninh có quy hoạch để cùng khai thác tuyến đường sông Sài Gòn hiệu quả nhất”.

Là đơn vị đã dày công nghiên cứu về TP.HCM cũng như hình mẫu các đô thị “bám sông, hướng biển” trên thế giới, ông Hoàng Anh Tú – Giám đốc Dự án của BCG Việt Nam đề xuất: “Thành phố cần mở rộng hạ tầng giao thông dọc sông Sài Gòn để tăng kết nối và phát triển du lịch, nâng tầm và tạo thương hiệu cho điểm đến. Sông Sài Gòn từ TP.HCM qua Củ Chi có rất nhiều tiềm năng khai thác du lịch, thậm chí là du lịch đẳng cấp cao, chẳng hạn du lịch miệt vườn, công viên, sân golf hay phát triển các khu đô thị mới kết hợp vui chơi giải trí ven sông…”.

Về đường thủy, đại diện BCG Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần bổ sung bến thủy nội địa ở mỗi khu dân cư dọc theo dòng sông để phát triển du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và nghệ thuật, đồng thời thiết lập hệ thống đường thủy dọc sông Sài Gòn đi các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Tây Ninh, tích hợp với hệ thống giao thông công cộng gia tăng năng lực chuyên chở giữa các thành phố với nhau.

“Chúng tôi đề xuất đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đại lộ và đường sắt đô thị ven sông để hỗ trợ kết nối. Một trong những dự án nên cân nhắc và có thể nhìn thấy hiệu quả rất tích cực là đầu tư tuyến đại lộ từ 4-10 làn xe, hỗn hợp đường bộ, đường sắt đô thị kết nối từ TP.HCM qua Củ Chi lên núi Bà Đen. Từ đó, mở ra được các hướng phát triển đô thị, thương mại, du lịch với điểm nhấn sông nước, xóa được những điểm nghẽn, phát huy tiềm năng cho Củ Chi và kết nối đối với TP.HCM tốt hơn”, ông Tú kiến nghị.

“Đánh thức” những dòng sông đã trở thành “cây đũa thần” mang đến “phép nhiệm màu” cho kinh tế, du lịch nhiều đô thị. Điển hình như cách Thái Lan “nâng tầm” đôi bờ Chao Phraya tại Bangkok.

Dòng sông này nổi tiếng không chỉ là sông di sản lịch sử – kiến trúc, văn hóa – tâm linh, mà còn được gọi là “sông tiền” vì đóng góp lớn vào GRDP của Bangkok – nơi mà hơn 60% GRDP là từ du lịch.

Dựa trên đặc tính của bờ sông và các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, Thái Lan đã bổ sung loạt công trình mới, đầu tư 34 bến đỗ thuyền cho đoạn sông qua Bangkok, mỗi bến là một điểm nút dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Hai bên bờ sông là danh thắng nổi tiếng như chùa, viện bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, công viên chuyên đề, đại trung tâm thương mại… Theo đánh giá, yếu tố thành công của Chao Phraya cũng đến từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa công và tư, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân Thái Lan.

Trở lại với sông Sài Gòn, những bài toán như việc biến Thủ Thiêm, Thủ Đức thành “Phố Đông mới của châu Á” hay việc quy hoạch đô thị ven sông trên hình mẫu sông Seine (Paris), Chao Phraya từng được đưa ra từ lâu. Nhiều doanh nghiệp cũng từng đề xuất làm dự án sinh thái, du lịch ven sông ở khu vực Củ Chi hay Cần Giờ, song ý tưởng vẫn chỉ nằm “trên giấy”.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc hành động mạnh mẽ để “đánh thức” sông Sài Gòn. Tầm nhìn chiến lược này cần thể hiện rõ trong các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, hạ tầng du lịch cao cấp, hạ tầng giao thông với những tuyến đường 4-10 làn xe, đa dạng loại hình đường thủy – bộ – sắt bám theo dòng chảy sông Sài Gòn kết nối đến các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Tây Ninh, là trục du lịch đầy tiềm năng cần trở thành một trọng điểm phát triển thời gian tới.

Nếu hiện thực hóa được điều này thì một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa khơi dậy sức sống phồn hoa trên bến dưới thuyền cho sông Sài Gòn, khai mở mỏ vàng du lịch Củ Chi, vừa liên kết điểm đến, liên kết vùng chặt chẽ từ TP.HCM tới núi Bà Đen, Tây Ninh – nóc nhà Đông Nam Bộ, điểm đến đón hàng triệu khách mỗi năm.

“Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của Thành phố, mà sẽ nổi tiếng toàn cầu. Trên thế giới, nhiều con sông như Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), Thames (Anh)… cũng không có vị trí đẹp như Sài Gòn nhưng được tận dụng và phát triển rất tốt, trở thành cảnh quan nổi tiếng”, TS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Thanh Thủy/ĐTCK

Theo Đầu tư Chứng khoán

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/song-sai-gon-phai-la-xuong-song-trong-quy-hoach-tphcm-post352868.html

Xử phạt 1 doanh nghiệp trên 2 tỷ đồng vì vi phạm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thuận Đức (gọi tắt Công ty Thuận Đức, có địa chỉ tại ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) với số tiền 2,195 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do Miao Sheng Zhuang, quốc tịch Trung Quốc làm Giám đốc với ngành nghề kinh doanh là chế biến, bảo quản thủy sản.

Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thuận Đức có địa chỉ tại ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước do Miao Sheng Zhuang, quốc tịch Trung Quốc làm Giám đốc.

Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thuận Đức có địa chỉ tại ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước do Miao Sheng Zhuang, quốc tịch Trung Quốc làm Giám đốc.

Cụ thể, Công ty Thuận Đức bị phạt số tiền 370 triệu đồng do vi phạm không vận hành đối với công trình xử lý chất thải, quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ; xử phạt 900 triệu đồng do vi phạm việc lắp đặt đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, quy định tại điểm h, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ; xử phạt trên 925 triệu đồng do vi phạm việc xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ) (54,6 m3/ngày) và xả nước thải có thêm 7 thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật, quy định tại Khoản 3, Điều 7, Điểm đ, Khoản 6 và Khoản 7, Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ.

Ngoài ra, Công ty Thuận Đức còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép môi trường số 36/GPMT-UBND ngày 20/11/2023 do UBND tỉnh Cà Mau cấp phép với thời hạn 4,5 tháng để khắc phục vi phạm; buộc Công ty Thuận Đức phá dỡ đường ống được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường. Buộc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thuận Đức phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 30 ngày khi nhận quyết định xử phạt.

Trần Nguyên – Báo Cà Mau

Theo Cà Mau

Ảnh: Hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Thuận Đức – nơi xảy ra vi phạm nghiêm trọng về môi trường.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baocamau.vn/xu-phat-1-doanh-nghiep-tren-2-ty-dong-vi-vi-pham-moi-truong-a34325.html

Nhiều lãnh đạo Gia Lai dính sai phạm tại dự án của Tập đoàn FLC

Thanh tra Chính phủ xác định Chủ tịch UBND TP Pleiku và giám đốc các sở có liên quan đến sai phạm tại dự án do Tập đoàn FLC triển khai.

Ngày 8-9, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc thực hiện Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại do Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thực hiện.

Dự án có diện tích trên 31.000 m2, được khởi công cuối năm 2019, dự kiến sau 2 năm sẽ hoàn thiện. Sau khi thi công một số ít hạng mục, dự án đã tạm dừng.

Tại dự án này, Thanh tra Chính phủ xác định sau 2 lần đấu giá, chỉ có Tập đoàn FLC tham gia nên đấu giá không thành. UBND TP Pleiku đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai giao đất, cho thuê đất đối với Công ty FLC theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Phối cảnh đẹp như mơ của dự án được Tập đoàn FLC quảng bá

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực diện dự án. Trong đó, UBND TP Pleiku có quyết định điều chỉnh tiêu chí về điều kiện, hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, trong đó đưa ra các tiêu chí quá cao so với quy mô của dự án, đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác. Do đó, sau 2 lần đấu giá chỉ có duy nhất Tập đoàn FLC đăng ký.

Việc làm của UBND TP Pleiku được xác định là không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm tạo lợi thế cho Tập đoàn FLC được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước do giá đất không thay đổi so với giá khởi điểm.

Bên cạnh đó, năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó khu đất trên được bổ sung thêm hạng mục nhà phố thương mại là không phù hợp với mục đích, công năng của khu đất theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

UBND TP Pleiku điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng không lập kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, không lấy đầy đủ ý kiến cộng đồng dân cư, không công khai, vi phạm trình tự, thủ tục.

Dự án đã tạm dừng thi công nhiều tháng nay

UBND TP Pleiku cũng không thực hiện phê duyệt Đồ án phân khu để làm cơ sở để xác định dự án đầu tư xây dựng trong đô thị là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Mặt khác, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018 khu đất thực hiện dự án có mục đích là đất cơ sở văn hóa (DVH) nhưng ngày 1-3-2019, UBND TP Pleiku phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị, nhà phố thương mại là vi phạm, đã làm cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không phù hợp.

Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trong đó thay đổi chức năng khu đất (từ trung tâm hội chợ triển lãm và các công trình thương mại, dịch vụ, siêu thị) sau khi điều chỉnh được bổ sung chức năng nhà ở là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Tại thời điểm thanh tra, UBND TP Pleiku, Sở Tài chính, Sở TN-MT đã buông lỏng quản lý, không yêu cầu Tập đoàn FLC nộp khoản tiền trên 14,1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vào ngân sách theo quy định.

Sau khi UBND tỉnh Gia Lai ủy quyền, UBND TP Pleiku phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 là vi phạm. Các quyết định và phương án sau đó đã được UBND TP Pleiku hủy bỏ nhưng cần xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, đã cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi Tập đoàn FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đến tháng 1-2022 dự án chậm tiến độ, nhưng Sở KH-ĐT buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ với số tiền trên 5,8 tỉ đồng.

Sở TN-MT Gia Lai có dấu hiệu chèn thêm số văn bản để hợp thức hóa cho việc UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch định giá đất cụ thể trước đó. Sở này còn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể trước khi có quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, dự án này còn rất nhiều vi phạm khác.

Dự án dang dở, hoang tàn

Thanh tra Chính phủ xác định để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND TP Pleiku, Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Sở Xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ; cần cung cấp thông tin tới Bộ Công an để xử lý theo quy định.

Thu hồi sổ đỏ đã cấp cho Tập đoàn FLC

Tại kế hoạch khắc phục các kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với dự án trên, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu trong quý IV-2024, Sở TN-MT phải rà soát, thu hồi các sổ đỏ đã cấp, thực hiện cấp sổ đỏ đất đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, sở này cũng phải phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo xác định lại giá đất, số tiền phải nộp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (20%) để thu đúng, thu đủ, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Còn Sở KH-ĐT phải cùng với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ việc thực hiện đầu tư dự án đảm bảo đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền.

Hoàng Thanh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Thanh tra Chính phủ phát hiện quá trình triển khai dự án có nhiều sai phạm

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/nhieu-lanh-dao-gia-lai-dinh-sai-pham-tai-du-an-cua-tap-doan-flc-196240908165209259.htm

Hai mỏ đất khai thác ngoài ranh giới hàng chục nghìn m2

Dù mỏ đất được cấp phép với vị trí tọa độ rõ ràng nhưng trong quá trình khai thác, hai doanh nghiệp Thiên Hoàng và Hoàng Phúc đã làm mất mốc giới, khai thác ngoài ranh giới hàng chục nghìn m2.

Nhiều tháng nay, con đường trên địa bàn xóm 6 của xã Diễn Lợi (huyện Diễn Châu, Nghệ An) luôn xuất hiện hàng loạt xe ben, xe tải lớn nhỏ vào ra mỏ đất của Công ty Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng (Công ty Thiên Hoàng) và Công ty TNHH Hoàng Phúc (Công ty Hoàng Phúc) để vận chuyển đất đi san lấp công trình.

Xe chở vật liệu chạy liên tục, một số phương tiện không được che chắn cẩn thận đã khiến tuyến đường luôn trong tình trạng bụi bay mù mịt, ô nhiễm môi trường và khiến con đường ở xã Diễn Lợi bị xuống cấp, hư hỏng. “Ngày mưa hay những lần họ tưới nước thì bùn đất trên xe rơi xuống bám lại mặt đường nhão nhoẹt rất bẩn. Ngày nắng thì xe chạy qua làm bụi bay mịt mù. Khủng khiếp”, anh Trần Ngọc Tuấn (trú xã Diễn Lợi, Diễn Châu) chia sẻ.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm một số đường hư hỏng, quá trình khai thác mỏ đất, 2 công ty Thiên Hoàng và Hoàng Phúc đều để xảy ra nhiều vi phạm. Cụ thể, UBND huyện Diễn Châu tổ chức đoàn kiểm tra và phát hiện 2 doanh nghiệp này chưa có các hồ sơ nghiệm thu, nhật ký thi công…Không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày, hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ…

Cơ quan chức năng còn phát hiện việc vận chuyển đất khai thác đất của 2 công ty này chưa tuân thủ quy định về việc giám sát, quản lý trữ lượng; chưa có trạm cân kiểm tra tải trọng; chưa vệ sinh phương tiện trước khi ra khỏi mỏ. Một số phương tiện không có che đậy trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh. Trên thực tế, các tuyến đường có xe đi qua đã bị hư hỏng, nứt gãy mặt đường. Bùn đất trên mặt đường nhiều gây khó khăn đi lại, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân hai bên tuyến.

Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại hiện trường cho thấy, trong quá trình khai thác, Công ty Thiên Hoàng và Công ty Hoàng Phúc đều đang khai thác vượt ra ngoài phạm vi mốc giới mỏ được cấp phép. Riêng Công ty Thiên Hoàng còn làm mất mốc giới hạn ranh giới được phép khai thác trên mỏ đất.

Cụ thể, Công ty Thiên Hoàng khai thác ra ngoài phạm vi mỏ gồm 3 vị trí, diện tích vi phạm khoảng 19.589 m2 (gần 2ha).

Nằm cách mỏ của công ty Thiên Hoàng chừng 3km. Đối với mỏ đất của Công ty Hoàng Phúc, cơ quan chức năng xác định khai thác ra ngoài phạm vi mỏ cấp phép 1 vị trí, có diện tích vi phạm 1.454 m2.

Người dân địa phương cho biết, con đường vận chuyển đất ra khỏi mỏ của 2 công ty trên đi qua khu dân cư khiến người dân luôn trong tình trạng ô nhiễm bụi đất.

Con đường đi qua khu dân cư để vào mỏ của 2 doanh nghiệp trên đã bị nứt, gãy, hư hỏng.

Mỗi ngày có cả trăm lượt xe ra vào 2 mỏ đất để vận chuyển vật liệu đi san lấp công trình.

Xe ben vận chuyển vật liệu đi trên tuyến đường N2 khiến bụi bay mù mịt. Dù có xe tưới nước nhưng đất rơi vãi xuống càng khiến tuyến đường trở nên nhớp nhúa.

Sau khi phát hiện sai phạm, UBND xã Diễn Lợi đã phối hợp thuê đơn vị về đo khối lượng diện tích đất của 2 công ty Thiên Hoàng và Hoàng Phúc đã khai thác ngoài phạm vi cấp phép, quy hoạch mỏ để có số liệu trình cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, hiện công tác đo đạc tại hiện trường đã hoàn tất. Chính quyền xã đang phối hợp với đơn vị chức năng hoàn tất hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với 2 công ty Thiên Hoàng và Hoàng Phúc.

Trước đó, vào năm 2022 cả 2 công ty này đã bị UBND huyện Diễn Châu xử phạt vi phạm hành chính cùng một hành vi là “chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn từ ngày 20/7/2022 để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản tại xã Diễn Lợi”. Theo đó, diện tích vi phạm của Công ty Hoàng Phúc là hơn 5 nghìn m2 và Công ty Thiên Hoàng vi phạm trên diện tích gần 10 nghìn m2. Số tiền mà 2 đơn vị này bị xử phạt là hơn 100 triệu đồng.

Ngọc Tú – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/hai-mo-dat-khai-thac-ngoai-ranh-gioi-hang-chuc-nghin-m2-post1671009.tpo

UV CREAM: Lớp khiên vững chắc bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời.

Bắt đầu từ sự thành công của thương hiệu EVA DE EVA trong lòng phụ nữ yêu cái đẹp. Với sự đón nhận nồng nhiệt và niềm tin tuyệt đối từ khách hàng, EVA DE EVA đã trở thành biểu tượng của sự chăm sóc và bảo vệ da tại Việt Nam. Thương hiệu không chỉ tạo dấu ấn bằng những sản phẩm chất lượng mà còn gắn bó mật thiết với các khách hàng, mang đến những sản phẩm trải nghiệm chăm sóc da trọn vẹn và tinh tế.

Từ sự thành công đó, đội ngũ nghiên cứu của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm EVA DE EVA không ngừng tìm kiếm những giải pháp làm đẹp mới, nhằm nâng tầm trải nghiệm của phái đẹp lên một tầm cao mới. Và như một bước đi đầy táo bạo nhưng mang đậm dấu ấn kế thừa, thương hiệu DE EVA ra đời, đánh dấu một chương mới trong hành trình chăm sóc sắc đẹp. Được xây dựng trên nền tảng vững chắc của EVA DE EVA, DE EVA mang theo sự tinh tế và tiên phong trong mỗi sản phẩm, khởi đầu bằng UV CREAM – một lớp khiên bảo vệ hoàn hảo trước ánh nắng mặt trời. 

UV CREAM được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp phiếu công bố theo số 002333/24/CBMP-HCM ngày 14/5/2024 với tên đầy đủ là Nano Zincoxide & Scag.Factor UV Cream.

UV CREAM không chỉ là sản phẩm kế thừa từ truyền thống mà còn là minh chứng cho sự cải tiến vượt bậc trong công nghệ chăm sóc da. Được thiết kế như “lớp khiên vững chắc” bảo vệ làn da trước những tác động của ánh nắng mặt trời, UV CREAM không chỉ dừng lại ở khả năng chống nắng mà còn chăm sóc và nuôi dưỡng da. Điểm đặc biệt nhất chính là sự kết hợp của Công nghệ SCA® Growth Factor, cơ chế chống nắng đa tầng và khả năng nâng tone da vượt trội. Công nghệ SCA® Growth Factor chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt của UV CREAM. Công nghệ này ứng dụng các yếu tố tăng trưởng tự nhiên có trong dịch nhầy ốc sên, một thành phần quý giá với khả năng tái tạo và phục hồi da tuyệt vời. Dịch nhầy ốc sên, vốn được tiết ra để bảo vệ làn da mỏng manh của chúng khi di chuyển, chứa thành phần Allantoin – được FDA chấp thuận làm chất bảo vệ da, giúp làm dịu, tái tạo các vùng da bị tổn thương, giảm thiểu tình trạng cháy nắng và mẩn đỏ. Nhờ đó, UV CREAM không chỉ bảo vệ mà còn làm lành da sau mỗi lần tiếp xúc với ánh nắng. 

Với 3 cơ chế chống nắng, UV CREAM tích hợp cả chống nắng vật lý, hóa học và sinh học:

Cơ chế chống nắng vật lý: UV CREAM sử dụng công nghệ NANO, giúp sản phẩm thẩm thấu nhanh chóng vào da mà không gây bóng nhờn. Kích thước phân tử nhỏ không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng thẩm thấu mà còn có diện tích bề mặt lớn, giúp kem bám lâu hơn trên da. Điều này mang đến hiệu quả chống nắng tối ưu, bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB một cách hiệu quả.

Cơ chế chống nắng hóa học: UV CREAM kết hợp các thành phần hóa học an toàn, giúp hấp thụ và phân hủy tia UV, bảo vệ da một cách hiệu quả. Điều này giúp sản phẩm phát huy tối đa tác dụng chống nắng, ngăn ngừa sự tổn thương da do ánh nắng mặt trời gây ra.

Cơ chế chống nắng sinh học: Thông qua việc sử dụng dịch nhầy ốc sên. Dịch nhầy này không chỉ cung cấp khả năng bảo vệ mà còn có tính chất làm lành và điều hòa da. Các yếu tố tăng trưởng tự nhiên trong dịch nhầy, như Allantoin, được biết đến với khả năng giảm viêm và làm dịu da, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi tự nhiên cho làn da sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Cơ chế chống nắng sinh học này không chỉ bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV mà còn nuôi dưỡng và phục hồi làn da, giúp da trở nên khỏe mạnh và rạng rỡ hơn.

UV CREAM không chỉ là một sản phẩm chống nắng thông thường mà còn được thiết kế với sự kết hợp hoàn hảo của các thành phần tự nhiên: 

Chiết xuất Rau má: Có tác dụng làm dịu da, kháng viêm, kích thích sản sinh collagen, giúp làm lành vết thương và tăng cường hàng rào bảo vệ da.

Chiết xuất Trà xanh: Chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ da khỏi tác hại của gốc tự do, làm dịu da và giảm viêm.

Chiết xuất nước Hoa hồng Damas: Có tính kháng khuẩn, kháng viêm, se khít lỗ chân lông và cân bằng độ pH cho da.

Chiết xuất Cám gạo lên men: Giàu vitamin B, giúp làm sáng da, dưỡng ẩm và chống lão hóa.ngăn ngừa cháy nắng và ung thư da.

Chiết xuất lá cây Phỉ: Có tác dụng se khít lỗ chân lông, làm dịu da và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.

Chiết xuất Kim ngân hoa: Có tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, giúp làm dịu da bị kích ứng, giảm mụn và ngăn ngừa nhiễm trùng

UV CREAM có khả năng thay thế lớp lót khi trang điểm, giúp làn da  trở nên tươi sáng và đều màu ngay lập tức. Với kết cấu nhẹ nhàng, sản phẩm dễ dàng thẩm thấu vào da mà không để lại cảm giác bóng nhờn, mang lại cho bạn một lớp nền hoàn hảo và tự nhiên. Nhờ vào công thức độc quyền, UV CREAM giúp làm sáng và cải thiện tông màu da, tạo nền tảng lý tưởng cho các bước trang điểm tiếp theo.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo hiệu ứng tức thì, UV CREAM còn mang lại lợi ích lâu dài nhờ vào sự hiện diện của dịch nhầy ốc sên. Thành phần này chứa nhiều protein, collagen và elastin, hỗ trợ tái tạo tế bào da, làm mờ vết thâm, và tăng cường độ đàn hồi cho da. Điều này không chỉ giúp da bạn sáng khỏe mà còn cải thiện kết cấu da, mang lại vẻ đẹp tự nhiên và khỏe mạnh từ bên trong.

Thông tin liên hệ:

 

CÔNG TY TNHH DƯỢC MỸ PHẨM EVA DE EVA

Địa chỉ: 8/6 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0938.322.799

Email: evapharmaci@gmail.com

Website: https://deeva.vn/

PV

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư

Hiện nay, Hà Nội được xem là thành phố có nhiều nhà cao tầng nhất Việt Nam, với khoảng hơn 1.400 tòa nhà cao tầng đã hoàn thành. Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, vận hành nhà chung cư; song, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc trong cư dân.

Điển hình là những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, không chỉ riêng về quỹ bảo trì mà còn nhiều vấn đề khác như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung – riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành

Quận Thanh Xuân hiện tại có 328 tòa chung cư (gồm 84 tòa thương mại, 24 tòa nhà tái định cư, 1 nhà ở xã hội và 219 tòa nhà chung cư cũ). Đối với 109 tòa nhà chung cư thương mại, tái định cư và nhà ở xã hội đã có 90 tòa nhà thành lập được Ban quản trị đạt khoảng 84%.

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư vẫn còn những vướng mắc, khó khăn do đặc thù của quận có diện tích khá nhỏ (9.17km2), mật độ dân cư lại quá đông, số lượng nhà chung cư, tập thể cũ nhiều. Trong khi đó, một số văn bản quy định của pháp luật đang trong quá trình điều chỉnh, chưa thống nhất và đáp ứng được tình hình thực tế, dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Đáng chú ý là khâu bàn giao hồ sơ nhà chung cư, xác định diện tích chung – riêng, bàn giao kinh phí bảo trì, thành lập Ban quản trị, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ. Đặc biệt là vấn đề phòng chống, cháy nổ còn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của con người khi ý thức của một số chủ đầu tư và người dân chưa cao…

Hay tại quận Bắc Từ Liêm, với gần 160 chung cư đã đưa vào hoạt động, đến nay mới có khoảng 100 chung cư thành lập được Ban quản trị. Nhiều chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì gây bức xúc trong cư dân, không đảm bảo các điều kiện vận hành chung cư chất lượng và an toàn.

Đề cập đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư ở những quận nội đô lịch sử, dù đã thực hiện quản lý từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng trước sự thay đổi, bổ sung thường xuyên các quy định của pháp luật, lãnh đạo nhiều quận, huyện cho rằng, quản lý chung cư vẫn là việc làm mới và khó. Chỉ tính riêng quận Đống Đa, từ năm 1960 đến 1990 đã có 499 đơn nguyên chung cư cao từ 2 đến 5 tầng. Còn từ năm 2000 đến nay, quận có thêm gần 50 tòa nhà chung cư.

Theo ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, việc quản lý chung cư là khó đối với mỗi địa phương, nhất là những nơi mới có các khu chung cư. Các quy định của Nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn dẫn đến nhiều nơi loay hoay tìm mô hình quản lý sao cho hiệu quả.

Cũng theo ông Hà Anh Tuấn, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 về quản lý chung cư, đây được xem như “kim chỉ nam” cho các địa phương triển khai thực hiện nhưng qua thực tế cho thấy quá trình “siết” quản lý chung cư vẫn còn nhiều khó khăn.

Đơn cử, việc xử phạt một chủ đầu tư vi phạm trong quản lý, vận hành chung cư hiện cũng vướng mắc bởi nhiều chủ đầu tư, sau khi xây dựng và bàn giao tòa nhà là rút khỏi địa phương, không còn mối liên hệ nào nữa. Khi phát sinh vụ việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư, chính quyền phải mò mẫm để tìm manh mối của chủ đầu tư. Nhưng khi tìm được chủ đầu tư, đôi khi việc xử lý lại ngoài tầm với của quận. Từ thực tế này, ông Hà Anh Tuấn cũng như lãnh đạo các địa phương khác kiến nghị, cần phải có một chế tài mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong quản lý quỹ bảo trì để chủ đầu tư không dám chây ỳ trục lợi quỹ bảo trì.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Trước những vấn đề còn bất cập và vướng mắc trong quản lý, vận hành nhà chung cư tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 10105/VP-ĐT ngày 17/8/2024 về khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu xây dựng Dự thảo “Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội”, thay thế Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

Để hoàn thiện Dự thảo này, Sở Xây dựng Hà Nội đăng tải Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Sở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Đáng chú ý, trong Dự thảo nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung; các quy định về giá dịch vụ quản lý, vận hành; kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, đối với nhà chung cư thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Thông tư số 05/2024/TT-BXD. Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được thành phố giao quản lý tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý; báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND thành phố xem xét quyết định.

Về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, đối với nhà chung cư được đầu tư xây dựng trước ngày 01/7/2006 (ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực) thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 152 của Luật Nhà ở năm 202. Đối với chung cư được đầu tư xây dựng sau ngày 01/7/2006 (ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực) thì việc lập, bàn giao và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung có nhiều chủ sở hữu theo Điều 152, Điều 153, Điều 155 của Luật Nhà ở năm 2023; Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 của Thông tư số 05/2024/TT-BXD. Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung có nhiều chủ sở hữu theo Điều 154 của Luật Nhà ở năm 2023, Điều 87, Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91 của Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ.

Cũng tại Dự thảo này, thành phố yêu cầu chủ sở hữu nhà chung cư phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; hay nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng mà còn căn hộ, phần diện tích khác (nếu có) chưa bán, chưa cho thuê mua hoặc không bán, không cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng kinh phí quản lý vận hành.

Theo đó, Công an thành phố Hà Nội phải đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; xây dựng phương án chữa cháy đối với các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu.

Thành phố giao Công an thành phố Hà Nội điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung trái quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không giới thiệu địa điểm, cấp đất, giao đất, xem xét khi giải quyết đề xuất đầu tư các dự án khác đối với các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất.

Theo quy định của thành phố, UBND quận, huyện, thị xã phải quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng; chỉ đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu chung cư. Tổ chức kiểm tra định kỳ để xác định những vấn đề còn tồn tại, từ đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng. Cùng đó, cung cấp danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường để tổ chức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Linh Khánh (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Hà Nội là địa phương có nhiều chung cư nhất cả nước với 1.135 tòa nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/bat-dong-san/xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-ve-quan-ly-su-dung-nha-chung-cu-20240905135118276.htm

Gần 9.000 hồ sơ đất đai bị tắc tại cơ quan thuế TP.HCM

Cục Thuế TP.HCM cho biết chỉ trong gần 1 tháng qua đã có gần 9.000 hồ sơ đất đai bị ách tắc tại cơ quan thuế.

Trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM cho biết chỉ trong 27 ngày, từ 1/8 đến 27/8, Cục Thuế đã tiếp nhận 8.808 hồ sơ liên quan đến tính nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Trong số này, nhiều nhất là hồ sơ liên quan đến thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản với 5.448 bộ.

Ngoài ra, có 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…).

346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.

Cục Thuế TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất…) để cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024.

Để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế và quyền lợi hợp pháp của người dân, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ báo cáo Tổng cục Thuế về việc giải quyết các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính nêu trên khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Tước đó, ngày 8/8, Cục Thuế TP.HCM cũng đã có công văn nêu những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế khi áp dụng Quyết định 2/2020 của UBND TP.HCM đối với các trường hợp áp dụng giá đất tại bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 điều 159 Luật Đất đai 2024.

Ngày 18/8, UBND TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng hướng dẫn việc tính nghĩa vụ tài chính đất đai với hồ sơ phát sinh sau ngày 1/8 đến khi có bảng giá đất điều chỉnh.

Trong văn bản này UBND TP.HCM cho biết đang gặp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn để TP.HCM có cơ sở thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) liên quan đến những kiến nghị về bảng giá đất.

HoREA mới đây cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP.HCM, cho rằng cách tính bảng giá đất điều chỉnh trong dự thảo tại một số quận, huyện TP.HCM còn nhiều bất cập. Cơ quan này sau đó đã kiến nghị TP.HCM điều chỉnh cách tính.

Thủy Tiên – Tạp chí Znews

Theo Znews

Ảnh: Trong gần 1 tháng qua, gần 9.000 hồ sơ đất đai bị tắc tại cơ quan thuế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://znews.vn/gan-9000-ho-so-dat-dai-bi-tac-tai-co-quan-thue-tphcm-post1495966.html

Bắc Ninh ra tối hậu thư đối với 228 doanh nghiệp ‘bức tử’ sông Cầu

Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Ngày 5/9, UBND phố Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu thông tin cho biết, về thực trạng sản xuất giấy tại phường Phong Khê: Đến nay trên địa bàn phuờng có 341 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, sản xuất trên đất vi phạm; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh, phần lớn không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm theo quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu

“Đa số các cơ sở sản xuất giấy sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước (chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc), năng suất sản xuất thấp, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn nghiêm trọng”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ tháng 11/2021, thực hiện sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh đã có nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy tại phường Phong Khê, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.

Ngay sau hội nghị giải quyết ô nhiễm môi trường sản xuất giấy Phong Khê đầu tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 70/228 cơ sở sản xuất trong khu dân cư, có 7 cơ sở sản xuất không hợp tác. Quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy và 53 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm đang vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, an toàn lao động, vi phạm về nộp thuế và xây dựng các công trình trái phép.

Quan điểm của thành phố kiên quyết di dời các hộ sản xuất theo đúng lộ trình của Đề án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt; trình UBND tỉnh hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 hộ di dời, trình HĐND tỉnh thông qua; giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai sẽ đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất. Đồng thời làm việc với Ban quản lý các KCN Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động đến các doanh nghiệp trong các KCN hoặc trên địa bàn thành phố làm việc, với mức lương cam kết bằng hoặc hơn mức lương cũ làm việc tại các cơ sở sản xuất giấy.

“Hiện còn 132 đơn vị đang hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu, tháng 9 kiểm tra 50 đơn vị, tháng 10 kiểm tra 50 đơn vị và đến tháng 11 kiểm tra toàn bộ các đơn vị sản xuất giấy; sẽ lập tức đóng cửa sản xuất đối với tất cả các cơ sở vi phạm, không phải chờ đến 31-12-2024 mới thực thi. Song song với đó sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở trong cụm công nghiệp I, II, sai đâu, đóng cửa đó, không chờ đến lộ trình năm 2029 mới đóng cửa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp”- Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định.

Cột khói đen kịt tại làng giấy Phong Khê xả thẳng lên trời

Nước thải từ cơ sở sản xuất ở làng giấy Phong Khê

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh.

Đại diện các cơ sở sản xuất giấy phường Phong Khê cơ bản thống nhất với chủ trương di dời của thành phố. Đề nghị UBND thành phố Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, giải thích để nhân dân đồng thuận; kiến nghị về Nhà máy xử lý nước thải chưa bảo đảm công suất và mới chỉ tiếp nhận nước đã xử lý sơ bộ; sẵn sàng di dời mặt bằng do tỉnh, thành phố sắp xếp tại địa bàn trong tỉnh như CCN Tam Đa, Dũng Liệt (Yên Phong); đề xuất phương án quy hoạch CCN, ưu tiên sản xuất trong tỉnh Bắc Ninh.

“Doanh nghiệp cho rằng Đoàn kiểm tra làm việc chưa hợp tình, hợp lý, có sự o ép doanh nghiệp, yêu cầu ký biên bản tự nguyện tháo dỡ, dừng sản xuất các cơ sở vi phạm là không đúng chức năng….”- đại diện cơ sở sản xuất giấy cho biết.

Đại diện cơ sở sản xuất giấy kiến nghị

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định, chậm nhất đến năm 2029, 100% các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê phải di dời, nhưng trong quá trình hoạt động, nếu sai phạm đến đâu sẽ xử lý, dừng sản xuất đến đó. Với phương châm kiểm tra công khai, công bằng, xử lý dứt điểm sai phạm và buộc di dời các cơ sở sản xuất, phấn đấu xây dựng một Phong Khê phát triển xanh, sạch, đẹp, hài hòa, bền vững.

Theo lộ trình, thành phố Bắc Ninh sẽ dừng hoạt động sản xuất toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024. Mục tiêu đến hết năm 2029, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê II gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường, đất đai; thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy… Đồng thời, dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2029, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cụm công nghiệp để phát triển đô thị, nhà ở, thương mại-dịch vụ.

Văn Giang/VOV.VN

Theo VOV.VN

Ảnh: Toàn cảnh phường Phong Khê, TP Bắc Ninh lúc nào cũng trong trạng thái mờ mờ, ảo ảo

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/kinh-te/bac-ninh-ra-toi-hau-thu-doi-voi-228-doanh-nghiep-buc-tu-song-cau-post1119139.vov

TP.HCM: Gần 6.000 học sinh Trường Trần Cao Vân khai giảng năm học mới

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng nay 5/9, cùng với học sinh trên cả nước, gần 6.000 học sinh Trường THCS và THPT Trần Cao Vân đã tham gia Lễ khai giảng năm học mới.

Chương trình khai giảng được tổ chức theo tinh thần ngắn gọn nhưng trang trọng, tươi vui. Đặc biệt, các thầy cô và học sinh nhà trường đã thể hiện nhiều tiết mục văn nghệ ấn tượng, hấp dẫn.

Sau tiếng trống khai trường, nhà trường đã có những hoạt động khác nhau dành cho học sinh. Đặc biệt là các hoạt động bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp tại các địa phương nơi có cơ sở của nhà trường và nhiều chương trình khác có ý nghĩa vì cộng đồng. Đây được xem là một trong những hoạt động tập thể nhằm gắn kết học sinh, khuyến khích các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thể hiện quyết tâm, động lực phấn đấu trong năm học mới…

Theo thầy Phạm Văn Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Cao Vân, năm học 2023-2024, toàn trường có 152 học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, 1.608 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, trên 80% học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học, trong đó có các trường tốp đầu toàn quốc, đạt 4 giải học sinh giỏi cấp thành phố và 4 huy chương đồng Olympic ở khối 11.

Hiện Trường có 5 cơ sở đào tạo với 144 lớp học và hơn 5.800 học sinh, được đánh giá là ngôi trường tư thục lớn nhất khu vực phía Nam. Trong năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và nhân cách.

Các tiết mục văn nghệ hấp dẫn của thầy cô và các em học sinh nhà trường.

Chia sẻ cảm xúc tại buổi khai giảng năm học mới, em Trần Khánh Thy – học sinh lớp 10 E7, bày tỏ: “Trước khi lựa chọn Trường Trần Cao Vân, em đã có rất nhiều lo lắng, băn khoăn. Ở tuổi 15, đứng trước ngưỡng cửa của một hành trình mới, việc chọn lựa môi trường học tập cực kỳ quan trọng cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Và em đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở đây. Ngôi trường này đã cho em một không khí học tập nghiêm túc và thân thiện, cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đặc biệt là đội ngũ giáo viên giỏi, tận tâm, hết lòng vì học sinh”.

Học sinh tại cơ sở 5, Trường THCS và THPT Trần Cao Vân dự Lễ khai giảng.

Học sinh Trường Trần Cao Vân tham gia dọn vệ sinh đường phố, bảo vệ môi trường.

Được biết, năm học 2024-2025 là năm học mang đến nhiều hy vọng cho giáo viên, cán bộ quản lý Nhà nước về những thay đổi liên quan chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc khi những chính sách được xây dựng trong Luật Nhà giáo được thông qua. Đồng thời, cũng được xác định là năm học của “đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng”, với nhiều đổi mới trong việc đánh giá, kiểm tra theo hướng phát huy năng lực học sinh. Thầy và trò Trường THCS và THPT Trần Cao Vân hy vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy – học, đáp ứng sự tin tưởng và mong mỏi của các bậc phụ huynh học sinh.

Anh Khang

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Thầy Phạm Văn Thảo – Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh trống khai giảng năm học mới.

Quảng Nam: Long trọng kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được

(Phapluatmoitruong.vn) – Tối 4/9, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được (4/9/1954 – 4/9/2024).

Về dự có các ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Về phía huyện Thăng Bình có các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, ông Phan Công Vỹ – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện: ông Lê Quang Hạt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Võ Văn Văn Hùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Đức Bình – Phó Bí thư Huyện ủy cùng với đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND -UBND – UBMTTQVN huyện, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, toàn thể cán bộ và nhân dân xã Bình Triều, Bình Phục.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Phan Công Vỹ – Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, cho rằng, đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Thăng Bình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cách đây gần 70 năm, từ ngày 04 đến ngày 07/9/1954 đã diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được. Đây là một sự kiện chính trị thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất, yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân huyện Thăng Bình nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, chống lại hành động ngang ngược, tàn bạo của bè lũ tay sai bán nước và quân cướp nước âm mưu phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta.

Đã có 43 người chết, 23 người bị thương và hàng trăm người bị bắt, giam giữ, tra tấn, đánh đập dã man. Nhiều người đã được công nhận là liệt sĩ. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Thăng Bình.

Các hoạt động diễn ra trong buổi Lễ.

Ông Phan Công Vỹ nhấn mạnh: “Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được là kết tinh của vai trò lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời và nhạy bén của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Thăng Bình, các chi bộ địa phương với sức mạnh to lớn của lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc sâu sắc, khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Nam và huyện Thăng Bình. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên của nhân dân Thăng Bình với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước; thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Thăng Bình trên trận tuyến chống kẻ thù”.

Để tri ân, tôn vinh công đức, tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong đấu tranh, năm 1997, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã xây dựng Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được tại xã Bình Triều; đồng thời xây dựng Bia tưởng niệm cuộc đấu tranh tại cầu Bàu Bàng xã Bình Phục.

Năm 2005, công trình này được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2014 được Bộ VH-TT&DL chính thức xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia xứng đáng với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của sự kiện.

Các hoạt động diễn ra trong buổi Lễ.

Trước đó, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Thăng Bình đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được” (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều). Trong không khí thiêng liêng, các đại biểu kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, những người con yêu quý của quê hương Thăng Bình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được biết, nhân dịp này, huyện Thăng Bình cũng đã khen thưởng cho 7 tập thể và 18 cá nhân đạt giải cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử 70 năm Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được.

Trường Sơn

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Ông Phan Công Vỹ – Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, đọc diễn văn tại buổi Lễ.

Quảng Ngãi: Trường THPT Phạm Văn Đồng trao học bổng khuyến học

(Phapluatmoitruong.vn) – Sáng 5/9, hòa cùng niềm vui chung của cả nước, Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới và trao học bổng khuyến học.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Phạm Văn Đồng có 1.094 học sinh theo học ở 28 lớp và 72 cán bộ, giáo viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập, thầy trò nhà trường tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo kịp thời của Sở GD-ĐT, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự đồng tình của Hội cha mẹ học sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho trường triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm học mới.

Theo đó, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, tư duy, kỹ năng sống, hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường luôn chú trọng việc tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học; quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Nhân dịp này, Hội Khuyến học Trường THPT Phạm Văn Đồng cũng đã tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho các em học sinh giỏi, xuất sắc của trường. Đặc biệt, Ban liên lạc Cựu học sinh khóa 1980-1983 đã trao tặng 100 triệu đồng cho các em có thành tích học sinh giỏi, xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi vào lớp 10, học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, học sinh giỏi lớp 10 lên 11 và lớp 11 lên 12. Đây là lần thứ 6, nhóm cựu học sinh niên khóa 1980-1983 đóng góp hỗ trợ khuyến học, khuyến tài cho nhà trường.

Được biết, năm học 2022-2023, Trường THPT Phạm Văn Đồng có tỷ lệ học sinh giỏi, khá chiếm 65,8%; năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh giỏi, khá chiếm 70,48% và chất lượng học tập của học sinh tăng 4,68%…

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Lễ:

P. V

                                             (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Bão số 3 (Yagi) có thể là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở Biển Đông

Với cường độ siêu bão, bão số 3 (Yagi) hiện đang có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Biển Đông và cũng có thể là bão mạnh nhất trên thế giới năm 2024.

Trong thông báo phát đi vào tối 4/9, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã phát cảnh báo đỏ đối với bão số 3 (Yagi), đồng thời nâng mức phản ứng khẩn cấp. Bão dự kiến sẽ mang theo gió mạnh và mưa lớn đến các khu vực phía nam Trung Quốc.

NMC dự báo, bão Yagi sẽ di chuyển về phía tây bắc với tốc độ khoảng 10 km/h, với cường độ tăng dần, dự kiến đổ bộ vào các khu vực ven biển từ huyện Quỳnh Hải ở Hải Nam đến Điện Bạch ở Quảng Đông vào chiều 6/9.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, quá trình thay thế mắt bão của bão số 3 vẫn đang diễn ra và dự kiến vào sáng ngày 5/9, siêu bão mới sẽ xuất hiện trên Biển Đông với cường độ cấp 16, giật trên cấp 17.

Theo JMA, khí áp siêu bão số 3 Yagi có thể giảm xuống tận mức 915 mbar, và với mức khí áp dự báo như trên, bão số 3 sẽ trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử tại Biển Đông, đồng thời có thể trở thành cơn bão mạnh nhất trên toàn thế giới cho đến nay trong năm 2024 (hiện kỷ lục cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 đang do bão Djoungou ở Nam Ấn Độ Dương nắm giữ).

Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, hồi 7 giờ ngày 05/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Tại cuộc họp, triển khai giải pháp ứng phó với bão số 3 ngày 4/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hầu hết các dự báo, các mô hình của quốc tế đều chung nhận định là bão sẽ tiếp tục tăng cường độ; không loại trừ khả năng bão mạnh lên cấp siêu bão. Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Đánh giá về cơn bão số 3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh. Trong trường hợp bão số 3 đi theo hướng như dự báo hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công nghiệp và nông nghiệp của các tỉnh phía Bắc.

Theo Thứ trưởng Hiệp, điều lo ngại nhất khi bão đổ bộ đó là mưa lũ ở các tỉnh miền núi và ngập ủng ở đô thị. Trước nguy cơ ảnh hưởng rất lớn của bão số 3, ông Hiệp đề nghị các địa phương chủ động các phương án phòng, chống bão. Đồng thời tính toán thật kỹ việc điều tiết nước ở các hồ thủy điện, vừa cắt lũ cho hạ du, vừa tích nước để phát điện…

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

“Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo.

Đặc biệt, Bộ trưởng Hoan yêu cầu các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Đối với vùng đồng bằng, miền núi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.

H.A – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Dự báo hướng di chuyển của bão số 3 (Yagi).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/bao-so-3-yagi-co-the-la-con-bao-manh-nhat-trong-lich-su-o-bien-dong-92798.html