“Đối với người nghệ sĩ, yêu cầu cơ bản nhất luôn luôn là yêu cầu phải đứng về phía cuộc sống…” – Gorthe
Bảo Bình
Con người – đối tượng và mục đích phản ánh của thơ văn – với cái nhìn, tư tưởng, tình cảm của tác giả. Và tuỳ vào mỗi cá nhân mà sự phản ánh đó là nông hay sâu, hẹp hay rộng, cá biệt hay phổ quát. Hành trình cảm thụ thơ ca ở mỗi người cũng là một sự riêng biệt, nhưng tựu chung có lẽ cũng là hướng về cái đẹp. Tôi yêu cái đẹp, cả những cái đẹp trong điêu tàn, hỗn loạn và khốn cùng. Và tôi bắt gặp điều này ở thơ Phùng Hiệu, tính nhân văn chảy tràn trong những vần thơ chân thiệt, cảm động, xót đau và phẫn uất.
Nhà thơ Phùng Hiệu
Chợt một ngày châu thổ bị lãng quên
Tôi cầm lấy bát cơm
Và chợt thấy những con trâu, cánh đồng,
mùa gặt
Hạt gạo trắng còn nguyên màu nước mắt
Câu thơ sót lại sau mùa
(Ngôn ngữ lên ngôi)
Không che đậy, giấu diếm bất cứ gì. Nhà thơ hiên ngang, dõng dạc cất lên tiếng nói của lòng mình, “Lạy ngài!/ Một khi thế giới vô hình không đủ sức doạ nạt ác nhân/ Thì hữu hình tất nhiên trả giá/ Khi tín ngưỡng tiêu tan/ Đạo đức rùng mình nhân bản/ Duy vật biện chứng kinh hoàng” (Tưởng thức). Thơ không để hô hào, hay chỉ biết tụng ca. Thơ là loại nghệ thuật đỉnh cao mang giá trị nhân sinh sâu sắc. Và chỉ khi nội hàm được chứa đựng là đời sống thực của những con người thực, thơ mới thực là thơ vậy.
Trong khu rừng già cỗi cơn đau
Những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ
Nơi vách tường bằng đất
Rét cong từng ngọn lửa tàn
(Tiếng nấc trong khu rừng cao su)
Cách nhà thơ ẩn dụ đối nghịch để liên tưởng về những mảnh đời cơ cực, khốn khó càng làm thấm thêm nỗi xót thương vào lòng người đọc. Rừng cũng đã “già cỗi” rồi, mái nhà để che thân thì “tạm bợ” bằng những vách đất, và dẫu có đang “rét cóng” nhưng thương thay “ngọn lửa” đã “tàn”. Bạn có hình dung ra một cuộc đời, và những cuộc đời mờ mịt, rách tươm như vậy không? Và vì thế mà “Người đàn bà cựa mình rát buốt cơn đau/ Chôn chặt tháng năm trong túp lều/ lạnh cóng/ Tiếng gió mùa đông thét gào tuyệt vọng/ Những vết thương khô/ Vỡ vụn giữa đêm ngàn (Tiếng nấc trong khu rừng cao su). Một nỗi khốn khó, vô vọng không còn ranh giới.
Cũng là sự đồng cảm, thương yêu sâu sắc con người. Với “Quét rác”, phải công nhận rằng lúc đọc bài thơ này, tôi đã bần thần khôn tả. Đến hai câu kết “Đến cuối cuộc đời người ta quét chị ra/ Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột!” tràn trong tôi một cảm giác chua chát, xót xa. Chị miệt mài quét rác, giữ cho tinh tươm sạch sẽ con đường, góc phố… “Chị quét cả đời nhưng rác chảy về đâu/ Khi dấu chân dẫm mòn tuổi tác/ Và năm tháng rót dần khô cạn/ Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn”, chị, chị, và rất rất nhiều chị đã làm việc, đã cong lưng “quét rác”. Rồi đến lúc bản thân “mòn tuổi tác”, chị biến thành “rác” trong mắt người, và hiển nhiên người ta phải “quét chị ra”. Tôi cứ thấy đau, đau ở đâu đó. Cái đau nằm ở không cùng, cái đau muôn thuở, kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” có gì là lạ đâu? Nhà thơ bất nhẫn. Và tôi bất nhẫn. Bạn cũng vậy, phải không? Mọi phẫn uất, thương cảm của anh truyền sang người đọc, đau đớn và vẹn nguyên.
Đọc thơ anh, đôi khi tôi rùng mình, anh dám nói đến những thứ mà người khác không dám nói. Anh dám nhìn thẳng những thứ mà người khác không dám nhìn. “Khi sự thật không thể nào giết chết/ Ngài phải giết người nói lên sự thật – vì sao?” (Sự thật không thể bị giết chết). Hay,“Tôi đi tìm giấc mơ/ Mang tên công lý/ Trong suốt hành trình tuyên chiến với thặng dư/ Phía sau bình minh/ Tôi nhận diện được bóng đêm/ Và sự thật luôn bị đánh lừa/ Sau kẻ hở bình minh (Kẻ hở bình minh). Đặc biệt, tôi lại thấy vui khi đọc những câu thơ như thế? Sao tôi có thể vui trước sự giả trá, bất công chứ? Tôi vui vì đó là thơ, vì đó mới đích thực là nhà thơ. Quyền của nhà thơ là nói lên mọi thứ của thời đại, của lịch sử. Chỉ không có quyền dễ dãi với ngòi bút của mình. Cũng không được quyền im lặng, dù “im lặng” có “là vàng” đi nữa.
Giải pháp nào cho hơi thở hồi sinh
Khi cơn đau bật thành tiếng nấc
Tiếng nấc cuối cùng theo quy luật tự nhiên”
(Tiếng nấc trong rừng cao su)
Cuộc sống trải dài những đắng cay cho phận người cần lao, khốn khó. Nhà thơ đã ở cạnh bên, chẳng gì khác ngoài nỗi ưu tư trầm mặc, ngoài nỗi xót đau và thương cảm, vậy là đủ. Và thơ cứ vậy mà tràn về phía họ “Mỗi năm dăm bận bão lùa/ Đồng hoang từ dạo mấy mùa trắng tay/ Vịn đêm em bước qua ngày/ Nước ngập ngang ngực tim dày vết đau/ Vách thưa chìm đáy sông sâu/ Khăn tang trắng toát mái đầu em tôi/ Mẹ trôi về phía dòng khơi/ Mình em lặng giữa bời bời khói hương!”(Em giữa miền Trung).
Giá trị ở mỗi câu thơ là cái mà nó chứa đựng, cái mà nó hướng về. Và đó phải là cái của kiếp người, của quần chúng, của những số phận đầy đau thương, đầy biến động, đầy trúc trắc trong cuộc đời này. Cũng là cái được bật ra tự đáy lòng, “Em giật mình tỉnh giấc/ Và rã rời trong hạnh phúc thuê bao/ Đến một ngày em nhận ra em/ Thì giấc mơ đã tan về chốn cũ/ Chiếc Iphone thưa thớt khách hàng/ Một đêm vắng trên màn hình ế ẩm/ Gọi em về sa thải một cơn mơ (Sa thải một cơn mơ), cuộc đời nó tàn khốc là thế. Và nó sẽ càng tàn khốc hơn với những bé gái, những cô gái, những người đàn bà ít học. Thậm chí, với cả những đàn bà học rộng hiểu sâu, đời vẫn cứ tàn khốc, “ Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” Nguyễn Du.
Anh đưa thẳng ngòi bút của mình về những mảnh đời ghép vá, về những thân phận hẩm tàn. “Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông/ nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo/ nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/ với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang” (Tết của người công nhân goá phụ). Anh cũng không ngại chọc thẳng ngòi bút về phía gian manh, đội lốt. “Chị quét cả đời nhưng rác mãi phát sinh/ Từ những ngôi nhà mang danh tri thức/ Từ những diễn đàn hô hào, phô trương rất thực/ “Giữ sạch môi trường, quy hoạch tự nhiên” (Quét rác), Sự Thật và Dối Trá như đôi bạn thân, lúc nào cũng cận kề, và thật khó để nhận diện. Chỉ cần chúng ta một chút lơ là, chúng ta sẽ bị Dối Trá đánh lừa. Bởi Dối Trá thì lúc nào cũng hào nhoáng, đẹp đẽ. Cuộc đời vốn vậy, và nhà thơ đã không né tránh. Sinh động trong lối tả, gần gũi trong chọn lựa hình ảnh, vần cũng được gieo thoải mái, kiểu không cần phải khổ công sắp đặt. Anh cứ vậy mà tự nhiên bày ra trước mắt chúng ta một Sự Thật trần trụi, phủ phàng.
Người đàn bà – người mẹ – người khi đã lắc võng ru con thì cũng bắt đầu lắc lư cuộc đời mình. Và dẫu thăng trầm sương gió, họ vẫn là cánh cò không ngại đồng xa đồng gần để kiếm miếng mồi về cho đám cò con. Họ có thể trầy xước, có thể “lộn cổ xuống ao”… không sao cả. Chỉ cần đám con của họ không phải đói. Vì khi đó, họ mới thực sự nấc nghẹn, thực sự đau.
Bằng mái đầu tẩm nắng pha sương
Bằng đôi chân trần nứt nẻ
Bằng đôi vai nhỏ gầy gò
Giữa cuộc đời bửa đói, bửa no
Mẹ bọc đàn con gầy còm ốm yếu
(Tuổi thơ trong mắt mẹ)
Tôi không nghĩ là vô tình, khi mà những trần ai dâu bể thường được đặt lên đôi vai vốn gầy guộc, yếu ớt của người đàn bà “Chị cầm tháng lương nép vào bóng đêm/ ngoài kia/ những vì sao giật mình trở giấc” (Tết của người công nhân goá phụ). Gần như hiếm hoi để ta thấy một bài thơ kể khổ dành cho đàn ông (trừ nỗi thất tình, tương tư, hay vỡ mộng cơ đồ…) Còn chuyện áo cơm, con cái, mẹ cha già… cứ như gắn liền với đàn bà vậy. Phải chăng, đàn bà sinh ra vốn đã nặng nghiệp rồi? Hay đó vẫn là những tàn dư của thời phong kiến, những cổ tục mà không một người đàn bà nào muốn ngoảnh mặt nhìn lại, “Có một thiếu phụ mơ màng khát vọng/ Hét vang lên trong hạnh phúc mơ hồ” (Dấu chấm), hạnh phúc của họ, nếu có, cả trong niềm khao khát, cũng chỉ là “ mơ hồ”. Cảm động và an ủi cho đàn bà khổ, khi điều này đã được nhìn thấy, được cảm thương từ đàn ông, đàn ông thơ. “Chị đẩy cuộc đời mình về phía mưu sinh/ Từ gánh ve chai lấm màu tri thức/ Thành phố này văn minh phồn thực/ Rác chảy ra đường qua lối tái sinh/ Chị đẩy vào đời giấc ngủ cu li/ Những đứa con thơ vật vờ trên vĩa hè thành phố/ Đứa bán kẹo/ Đứa giác hơi/ Đứa đánh giầy/ Đứa rao vé số/ Những mảnh đời loang lổ dấu chân chim” (Cuộc mưu sinh), tôi cứ thấy mình chông chênh, rung lắc theo “ những mảnh đời loang lổ” ấy. Vừa thương vừa giận. Nếu đã cùng cực khổ rồi, sao lại để chúng đến thế giới này? Để chúng phải “cu li”, “vật vờ”, “giác hơi”, “đánh giày”, “rao vé số”…? Hay tại họ không được quyền chọn lựa? Đàn ông, đàn bà, đàn đàn con. Và cứ thế, họ chuyển tiếp con đường nắng nóng đầy sỏi đá, rát bỏng cho những bước chân non. Buồn, cái buồn chát đắng. Tác giả với tư duy hiện sinh, đầy lòng tôn trọng và yêu thương dành cho kiếp người.
“Chị ước bầu trời không có mùa đông
cho những đứa con thơ đừng đòi mua
áo ấm
cho bà mẹ gầy còm đêm sương ướt đẫm
chén cơm vơi run rẩy phía sau ngày”
(Tết của người công nhân goá phụ)
Đàn bà có dễ đâu khi bị xô ra giữa dòng cuồn cuộn thế kia? Nhân sinh chìm nổi, được bao tấm lòng thấu cảm, sẻ chia? Hay đầy rẫy ngoài kia là dối trá, lọc lừa? Hay đầy rẫy ngoài kia là những “Mã giám Sinh”, những “Sở Khanh”… bần tiện? Nhà thơ cũng thật là biết cách tả thực, biết cách làm cho người đọc rung cảm, xót xa. Anh nén những tâm tư, suy cảm vào câu chữ bằng lối tả gợi hình sinh động làm bật dậy các giác quan nơi người đọc. Khiến cho ta khi chạm vào phải trầm lắng một nỗi xót đau.
Con người muôn kiểu khổ, “Nước non lận đận một mình/ Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay” ca dao. Đàn bà cũng thế, họ nai lưng trong cuộc mưu sinh, và phải chịu đựng không ít ê chề, khinh miệt… cùng những cái nhìn hà khắc của thế gian.
bỗng một hôm
em nhận ra mình đứng nơi góc phố
cung đường ngã giá về đêm
(Trong ánh đèn lừa dối)
Đau đớn nào bằng? “em” đã biến dạng biến hình tự lúc nào “em” cũng không biết, cái gì đã khiến “em” méo mó, tàn tệ đến vậy “em” cũng không hay. Cho đến một ngày “em” mới “bỗng nhận ra”… ánh đèn nào đã lừa dối “em”? Là cuộc đời này, là những tờ polymer xanh đỏ nó đẩy “em” ra cung đường đó? Hay là bởi nơi “em”, chữ nghĩa chưa tới nơi nên thuyền chèo không tới bến? Cuộc đời này, có bao bao phận người như “em” chứ? Không đếm được. Nhà thơ đã thấu cảm.
Trong cảm thức của mình, tôi thấy một nhà thơ đầy lòng trắc ẩn với những lằn ranh dứt khoát, rạch ròi khi đọc thơ Phùng Hiệu “… Tham vọng của loài người còn đầy rẫy u mê/ Ánh đạo của Ngài có làm cho chúng sinh giác ngộ?” (Tưởng thức) Những hiện thực đời sống, xã hội đã được anh phản ánh , phơi bày một cách sâu sắc.
“Chiếc gân tay rách tướp tháng ngày
Chị vào mùa giữa lúc đêm đông
Anh trút mủ giữa ngày nắng cháy”
(Bình nguyên xanh)
Đồng thời, nhà thơ cũng không quên trân trọng những vẻ đẹp toát lên từ họ. Dù nghèo nàn, khốn khó, đôi khi là bất lực… nhưng rồi, họ vẫn không ngừng khát vọng, vẫn chăm chỉ lao động và bảo vệ gia đình theo cách của họ. Tôi yêu thơ, và tôi quý những tài thơ như vậy. Anh đã đi trong thơ bằng cả trái tim mình.
Điều đáng nhìn nhận, thơ anh không lập thuyết, không giảng đạo, không đánh tráo… đơn giản, anh cất lên tiếng lòng chân thiệt của mình, bằng tình yêu nồng sâu mà anh có, dành cho những phận đời bấp bênh, lao khổ “Chị rã bời rời khỏi xưởng may/ Và vội vã bước chân về sáng/ Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn/ Phố sang ngày/ Trăng ngã phía tăng ca”, hay “Em nổi trôi theo từng dự án/ Như thể dòng sông không dừng lại bao giờ” (Sau lưng tiếng kẻng công trường)… và, trước những câu thơ như thế, tôi nghe sức ngân của nó thật là mãnh liệt, ngân dài, và thấm sâu.
Bức tranh nhân sinh của thời đại hiện lên trong thơ Phùng Hiệu đa dạng sắc màu. Anh ca ngợi cái đẹp nhưng cũng không lẫn tránh cái xấu. Anh tán dương sự cao cả nhưng cũng không che đậy cái bẩn thỉu.
“Thưa!
Mỗi ngày con vẫn nhìn thấy thế giới tâm linh
Cứ hiển hiện trong tâm hồn tuổi tên tham vọng
Thế giới sự sống đang bị suy thoái
Bởi những đố kỵ, tranh giành, tham ô, đốp chát
Được nguỵ trang và qui hoạch”
(Tưởng thức)
Bằng cách chọn lọc từ gợi tả, tạo câu gợi cảm kết hợp những ý tưởng độc đáo, và tinh tường trong biểu đạt. Thơ Phùng Hiệu là sự kết hợp ấn tượng giữa trữ tình và tự sự, cùng lối đối thoại sắc nét đã làm nên một giọng điệu riêng biệt. Khi mượt ấm, lúc rắn rỏi; khi sâu lắng, lúc guốc gân… đó như là tính chất phức điệu của ngôn từ nghệ thuật, và đã được anh khai thác linh động, hợp lý.
Chị nghe âm vang từ quê nghèo réo rắt
những tấm áo đàn con se thắt
cái tết nghèo – giá trị thặng dư
(Tết của người công nhân goá phụ)
Ngoài đời, nếu đã tiếp xúc, bạn sẽ dễ nhận ra một Phùng Hiệu thẳng thắn, cởi mở, chân tình. Trong thơ, nếu đã đọc, bạn cũng không khó để nhận biết một Phùng Hiệu tinh nhạy, nội lực và tài hoa. Thơ anh như tiếng nói đầy bản lĩnh đại diện cho công lý, nỗi khát vọng trước những hiện thực còn tồn tại bao điều phi nghĩa, bất nhân, như: “giấc mơ hiện thực”,“Biên bản thặng dư”, “Quét rác”… Cũng rất dõng dạc, hùng hồn khi đại diện cho lòng tự hào dân tộc, sự tự tôn giống nòi “Dấu chân biển cả”, “Hồn biên đảo từ bao mộ gió”,“Cái lưỡi bò”…
Nhưng, tiếng lòng đầy trăn trở, đau đáu của anh khi đại diện cho tầng lớp lao khổ, khi đứng về phận đời rách bươm của đàn bà, nó ám ảnh tôi hơn. Và, nó cũng chạm sâu trong tôi hơn. Có lẽ, vì tôi là đàn bà. Nên khi những tiếng nấc vang lên, tiếng nấc của người đàn bà nghèo giữa miên trường đau khổ. Tôi thấy mình cũng chông chênh, rã rạc, đắng chát… không khác gì họ.
Hướng về ngã tư
người thiếu phụ lê những bước trên con đường
chông chênh nắng
(Số phận)
Là một ngòi bút với sức khai phá mãnh liệt, đa dạng đề tài: tình yêu, xã hội, văn hoá, đời người… ở mỗi dạng đề tài, nhà thơ có mỗi cách “cháy” riêng, tựu chung là những độ rung cảm chân thành, sâu thẳm. Tuy nhiên, ở thơ anh, theo cảm quan của mình, vẫn có bài tôi thấy nó chưa thực sự là thơ. Và, tôi thích nhất những vần thơ gan ruột của anh về những mảnh đời khốn khó. Bởi ở đó, tôi nhìn thấy giá trị của thơ và nhà thơ đối với kiếp nhân sinh này. Albert Einstein có nói “Cuộc sống giống như một cây đàn piano. Những gì bạn nhận được từ nó phụ thuộc vào cách bạn chơi nó.” Và tôi nghĩ, nhất định, nhà thơ Phùng Hiệu rồi sẽ được thưởng thức một bản nhạc tuyệt diệu với những âm thanh cao trong trầm ấm đặc sắc về thơ, về đời thơ của mình. Tôi tin vậy.
Cần Thơ, ngày 01/12/2023
Theo B.B/VCPN
- Mọi thông tin phản ánh xin liên hệ : Nhà báo Lê Hải - 0942.210.185
- Email: bbtmoitruongvaphapluat@gmail.com